Có hay không câu chuyện Thiên Đàng – Địa ngục, hay thế giới Thiên Quốc mỹ diệu của Phật Pháp nhiệm màu? Câu hỏi này từng khiến nhân thế ngàn năm băn khoăn trăn trở: giới tu luyện chính Pháp, chính Đạo thì luôn tin đó là ‘Bến quê’ – nơi trở về của ngọn nguồn sinh mệnh, giải thoát mọi khổ đau phiền lụy trong cõi vô thường. Người chưa ngộ Đạo lại coi đó là chuyện huyền bí hoang đường, phi thực tại…
Trong khuôn khổ của loạt bài viết này, chúng tôi không đưa ra lời khẳng định từ cơ điểm khoa học hoặc tôn giáo mà chỉ đơn thuần khách quan giới thiệu lại câu chuyện trải nghiệm của một vị cao tăng – Pháp sư Khoan Tịnh về thế giới Tây phương Cực Lạc. Chuyện được ông kể lại trong buổi thuyết giảng tại núi Nam Hải Phổ Đà (Sin-ga-po) vào tháng 4 năm 1987, ngõ hầu đem tới cho quý độc giả những hình dung thú vị về một cảnh giới nào đó thuộc Thế giới cao tầng. Nếu không tin, các bạn cũng có thể xem như là mình vừa nghe một câu chuyện cổ tích.
“Tây phương Cực Lạc thế giới du ký” được Bút giả cư sĩ Lưu Thế Hoa căn cứ theo lời kể của Khoan Tịnh Pháp sư mà ghi lại, phóng viên thời báo Đại Kỷ Nguyên tổng hợp và giới thiệu.
Hoa nở gặp Phật
Rời khỏi Trung phẩm Trung sinh và Trung phẩm Thượng sinh, tôi được tiếp dẫn đến ao sen Thượng phẩm. Khi trì chú lướt đi, tôi dần dần cao lớn lên như dáng dấp lúc đến đảnh lễ Đức Phật A Di Đà…
Đức Bồ Tát Quán Âm bảo tôi:
– Chúng sinh vãng sinh đến Thượng phẩm là khi ở Ta Bà tinh tấn tu hành, giữ gìn giới thanh tịnh, siêng năng nghiên cứu điển tích chư Phật, dũng mãnh đoạn trừ nghiệp ác, chú trọng hành thiện, nương theo pháp môn của mình mà tu luyện, mỗi mỗi đều thực hành thấu đáo, cật lực dấn thân, mười năm như buổi đầu không hề lui bước… ngoài ra còn tạo thêm những công đức rất lớn bên ngoài nữa. Trong phút cuối cùng liền được đón về Thượng phẩm. Những chúng sinh này cơ hồ đã không còn vọng tưởng, sáu căn đều thanh tịnh cũng có thể nói đều đạt cảnh giới Bồ Tát, có thể tự do biến hóa, du hí thần thông. Thí dụ như một nhóm chúng sinh Thượng phẩm tu một chỗ, nếu họ muốn biến thành những đóa hoa thì họ liền thành đóa hoa, muốn thành tảng đá liền thành tảng đá, muốn thành bảo tháp liền thành bảo tháp, muốn thành cây cổ thụ liền thành cổ thụ.
Hoa sen trên Thượng phẩm này nhỏ nhất cũng cỡ ba tỉnh, nói cách khác lớn bằng ba lần Mã Lai Á (Ma-lai-xi-a). Tôi được dẫn đến ao sen Thượng phẩm, ao ở đây đích thực trội hơn ao ở Hạ phẩm và Trung phẩm nhiều. Chung quanh ao tráng lệ hùng vĩ hơn. Từng tầng từng tầng lan can bao bọc phát ra muôn đạo hào quang. Ngoài ra từ hoa sen tỏa ra muôn ngàn hương thơm. Trong ao có nhiều tháp lớn, hình dáng như núi cao vậy, tháp có nhiều góc cạnh phóng ra muôn ánh sáng đủ màu sắc uyển chuyển tuôn ra. Trong ao còn có nhiều cầu màu sắc đẹp vô cùng. Ao lớn chưa từng thấy, tầm nhìn không thể tới bờ bên kia. Trong ao có rất nhiều sen, không có sen nào úa héo cả, tất cả hoa sen đều phát ra ánh sáng lung linh rực rỡ và tỏa hương thơm ngát. Nơi đây còn có những bảo cát bằng cả ngàn cả vạn hạt châu lấp lánh đủ kiểu, hoa thì đếm không hết số. Mỗi tầng lại đầy dẫy những bảo tháp, đình đài, lầu các, thật là hấp dẫn vô cùng! Người ngồi ở trên hoa sen ấy toàn thân tỏa sáng ánh hào quang vàng óng, y phục rất hoa lệ cũng phát ra tia sáng màu sắc rất đẹp.
Bất chợt Bồ Tát Quan Âm hỏi tôi:
– Ở đây có một vị tên là Ấn Quang Pháp sư, Ngài là một trong ba vị cao tăng Trung Quốc thời cận đại ông có quen không?
– Tôi vội trả lời:
– A Di Đà Phật. Thưa Bồ Tát ông ta ở đâu? Con đã nghe qua danh tính và rất quý trọng Ngài nhưng chưa có dịp được gặp.
Tôi đang nói chuyện thì một thanh niên chừng ngoài ba mươi tuổi bước ra khỏi hoa sen và hiện nguyên hình tướng của Ấn Quang Đại Sư. Chúng tôi gặp mặt nhau mừng lắm, cùng đảnh lễ rồi Ấn Quang Đại Sư nói thao thao bất tuyệt. Ông nói nhiều lắm, tôi quên mất một số, chỉ nhớ lại là ông ta nhắn đi nhắn lại tôi phải truyền đạt tới đồng đạo ở Ta Bà là phải lấy giới làm chuẩn, nghiêm trì giới luật, nhất tâm hướng Phật… Ngoài ra ông còn nhắc nhở những người tu hành đừng tự cho là mình thông minh sửa đổi luật nhà Phật, quy chế chư Tổ, nhất là chớ nên hô hào cải cách duy tân mà phạm phải oai nghi giới luật.
Chúng tôi cùng bước xuống đài sen. Hoa sen đưa chúng tôi đến khu lầu các lớn. Trên đường đi, chim chóc đậu trên cành vàng lá ngọc líu lo ca hát, hòa với âm nhạc xứ trời du dương, thêm vào là âm thanh thánh thoát của tiếng niệm Phật khắp nơi. Hoa nơi này nở rộ muôn màu muôn vẻ, hương thơm xông ngát, từng đóa hoa cánh hoa chiếu ánh sáng lung linh, ngoài ra lại còn rất nhiều loại đèn châu báu, đèn mã não, đèn lưu ly… hiện từng hàng từng hàng ngay ngắn, các loại đèn lấp lánh ánh sáng màu sắc đẹp vô cùng, không thể tả bằng lời. Vào trong lầu các cái gì cũng lấp lánh ánh sáng, màu sắc lung linh khiến tôi ngây người ra ngắm nghía. Ấn Quang Đại Sư đi với chúng tôi lên lầu, trên lầu có các loại kính bằng thủy tinh, ở giữa có một cái kính lớn nhất gọi là chiếu thân kính. Bồ Tát Quán Âm bảo với tôi rằng:
Kính này có thể soi thấy nguyên hình của từng người, xem bản tính đã thanh tịnh hay chưa? Có còn vọng tưởng vọng niệm nữa không? Soi một cái là thấy ngay.
Trên lầu có ghế ngồi được ngăn thành hai hàng lối, các ghế ngồi đều làm bằng bảy loại châu báu sáng lấp lánh. Trên bàn gần đó bày vật gì đó lạ lắm tôi nhìn không ra là gì.
Bồ Tát Quan Âm hỏi tôi:
– Ông thấy đói rồi hả?
Tôi thấy đúng là đang đói cồn cào. Tôi nói:
– A Di Đà Phật. Thưa Bồ Tát, ở đây có gì ăn không ạ?
Ngài bảo:
– Về thức ăn thì cũng như ở Hạ phẩm vậy, ở đây ông muốn ăn gì sẽ có dọn ra.
Tôi nói:
– Vậy thì hay quá, con chỉ ước được ăn cơm trắng với canh rau cải trắng. Thế thôi.
Tôi vừa nói dứt lời, cơm trắng và tô canh còn nóng hổi đã được bày ra ở bàn, đũa muỗng cũng đầy đủ. Tôi hỏi:
– A Di Đà Phật! Thưa chư vị không ăn bây giờ sao?
Bồ Tát trả lời:
– Ở đây không có ai ăn đâu, ông cứ tự nhiên ăn đi.
Tôi nghĩ mà mắc cỡ quá, nhưng cũng ngồi vào ăn. Tôi ăn no nê rồi để gọn bát đũa lại, tự nhiên bát đũa muỗng đều biến đi đâu mất.
Tôi thắc mắc hỏi Bồ Tát, Ngài nói rằng:
– Tại ông vọng tưởng bụng đói, và khao khát muốn ăn nên cảm giác thế. Cũng giống như ở thế gian chiêm bao vậy. Trong chiêm bao cái gì cũng có, khi thức tỉnh ra rồi chẳng có cái gì cả. Ông vọng tưởng ăn, thức ăn liền đến, ăn no rồi vọng tưởng về ăn không còn, những gì thuộc về vọng tưởng cũng vì vậy mà biến mất. Tôi gật đầu hiểu ra. Ngài nói thêm:
– Tự bản tính thanh tịnh thì không thèm ăn, không thèm uống, không thèm muốn cái gì ở trong hư không, thật ra trong hư không vốn là không có cái gì. Vọng tưởng dấy lên cũng giống như sương mờ được hun lên vậy, cái ý ấy ông từ từ nghiệm ra, nếu mà lãnh hội được thì sẽ hiểu ra tam muội của việc ấy…
Người vãng sinh về ao sen Thượng phẩm vọng niệm là ít nhất. Hầu hết đều là Phật tính chân như, đều chứng quả vị Bất Thoái Chuyển Bồ Tát, trong chốc có thể nương nguyện lực Phật A Di Đà biểu hiện ra vô số hoa tươi đẹp, trái cây và phẩm vật cúng dường v.v… để đi cúng dường chư Phật mười phương. Còn đến giờ thuyết pháp nghe kinh thì cả ngàn vạn ức Bồ Tát đều ngồi ngay ngắn trên hoa sen, hoặc trên lầu, trên bảo tháp, trên bảy hàng cây báu, trực tiếp nghe lời giảng của Đức Phật A Di Đà.
Tôi hỏi Bồ Tát Quán Âm:
– Thưa Bồ Tát, những người ở trái đất vãng sinh về thế giới Cực Lạc này rất đông, tại sao thân quyến của họ đều không nhìn thấy vậy?
– Ngài bảo:
– Người dưới địa cầu phần nhiều còn vọng nghiệp che lấp, rất nhiều cái gần hơn còn chưa nhìn thấy, nếu họ chịu nhất tâm tu Phật không dấy vọng tưởng, tâm như hư không, thì người địa cầu cũng có thể nhìn thấy thế giới Tây phương Cực Lạc được.
Viếng tháp Liên Hoa
Bồ Tát Quán Âm lại hối thúc tôi:
– Thôi lẹ đi, thời giờ eo hẹp lắm. Tôi dẫn ông đi thăm viếng tháp Liên Hoa, là tháp lớn của Phật A Di Ðà.
Chúng tôi lại lướt qua muôn tòa lầu các cao đến vạn tầng. Những tháp này có bao nhiêu góc cạnh cũng không đếm hết được. Tất cả các tháp đều phóng ra muôn đạo hào quang, sắc màu uyển chuyển, óng ánh lung linh, đẹp vô ngần. Trong tháp vang vọng ra tiếng niệm Nam Mô A Di Ðà Phật, liên tục hai câu một, nghe trong veo trong vút! Câu đầu tiên nghe rất cảm động và tha thiết như con réo mẹ cứu giúp vậy, còn câu thứ hai nghe trầm hùng rất quyết tâm và thân thiết.
Tòa tháp này dành riêng cho chúng sinh Thượng phẩm Trung sinh đến dạo chơi. Tháp lớn lắm, khó mà hình dung ra được. Có thể lớn hơn muôn ngàn muôn vạn độ lớn mà trái đất chúng ta đang ở. Còn độ cao thì không thể tính được. Trong tháp có rất nhiều cung điện, các loại màu sắc đều có thể phát hào quang trong suốt. Các chúng sinh Thượng phẩm Trung sinh đến đây đều có thể xuyên tường tự do ra vào, không bị ngăn trở. Muốn lên muốn xuống đều tùy tâm tưởng thì sẽ đến ngay vị trí.
Trong tháp có thể nói là muốn gì có nấy, trong đó cũng thể thấy tất cả cảnh tượng của chúng sinh Hoa Tạng thế giới, có thể thấy được đất Tịnh Ðộ của hàng trăm, hàng vạn đức Phật khắp nơi. Cảnh vật nơi đây thật là tuyệt vời khó mà dùng bút mực nào tả cho hết được.
Chúng sinh Thượng phẩm Trung sinh nếu muốn đến những miền Tịnh Ðộ của vị Phật nào cũng có thể đến trong nháy mắt, rất dễ dàng. Chúng tôi vào trong tháp Liên Hoa, thấy thân như đang ngồi thang máy vậy, xuyên thấu từng tầng, không vướng chi cả, hoàn toàn trong suốt hết. Trong các tầng của tháp có nhiều người đang niệm Phật, tất cả là những thanh niên khoảng 30 tuổi. Mỗi một tầng cách ăn mặc đều khác, đại khái chừng 20 loại màu sắc. Tất cả những người ở đây đều là nam, không thấy một người con gái nào. Tất cả những người thanh niên ấy ngồi ngay ngắn nơi đài sen của mình niệm Phật. Ở đây tu hành tinh tấn lắm, trong ngày sáu thời: hai thời dành niệm Phật, hai thời chỉ tịnh, hai thời nghỉ ngơi, bây giờ thì họ đang niệm Phật.
Chúng tôi tiến vào tầng giữa, chỉ thấy từng hàng người ngồi ngay ngắn trên bồ đoàn của mình mà tham thiền niệm Phật, rất đẹp mắt. Ngồi ngay giữa phòng là một vị đại Bồ Tát đang ở đó dẫn chúng sinh niệm Phật.
Người nào niệm giỏi thì trên đầu phát ra những tia sáng, trong tia sáng có vô số những vị hóa Phật như Ðức Phật A-Di-Ðà vậy. Vị Ðại Bồ Tát ngồi chính giữa ấy cũng có nhiều hóa Phật nương theo tia sáng mà hiện ra. Các loại chim ở trên chóp tháp, hoặc ở đại sảnh cũng bay đến cùng nhau niệm Phật. Chúng bay đi bay lại như vậy mà không mảy may hỗn loạn. Trong tháp có rất nhiều đèn trân châu, đèn lưu ly đều phát ra sức sáng tối đa, có loại đèn tròn to, tự động chuyển biến các dạng màu sắc…
Tóm lại cảnh trí nơi đây không thể nào nói cho hết được cái sự lung linh uyển chuyển, huyền diệu và tươi đẹp. Các chúng sinh đi cúng dường mười phương chư Phật cũng tập trung ở đây mà đi. Tại nơi đây có thể thấy được bất cứ thế giới nào. Tất cả chúng sinh, tất cả Phật Thánh đều hiển hiện rõ ở đây cả.
Đôi chút luận bàn:
Phật Gia có giảng đại ý rằng: Các Pháp môn khác nhau là có các hình thức tu luyện và thế giới viên mãn khác nhau. Có Pháp môn là cần tu dứt: Danh – lợi – tình và các chủng nhân tâm không tốt rồi mới có thể viên mãn hồi thăng. Lại cũng có Pháp môn giảng: có thể đem theo chút ít nghiệp lực mà vãng sinh, nhưng sau khi vãng sinh rồi là vẫn phải tu tiếp. Ví như chúng sinh thuộc 9 Phẩm liên hoa được kể tới trong câu chuyện này là vẫn phải tiếp tục tái tu. Có lẽ khoảng thời gian tu luyện để trừ dứt nghiệp lực và vọng tưởng sau khi vãng sinh ấy cũng là một khoảng thời gian mênh mông vô tận, khó có thể nghĩ bàn.
Còn nhớ, Phật Pháp có giảng: Con người ấy, tu luyện ngay tại thế gian mới là nhanh nhất. Bởi vì họ ở trong mê, chịu khổ và dựa vào ngộ tính mà tu… nên có thể tu luyện đạt tới những tầng thứ và quả vị rất cao. Tuy nhiên vẫn là cần phải có cơ duyên đắc được Đại Pháp chính truyền chân chính để chỉ đạo tu luyện. Lại cần nghiêm túc chiểu theo đại Pháp mà tu, mà luyện, tinh tấn thường hằng, thế mới có thể mau chóng công thành viên mãn.
Lần giở các kinh điển của Phật gia và Đạo gia đều có giảng về một sự kiện, rằng: Vào thời mạt Pháp, đức Phật chủ – Chuyển Luân Thánh Vương sẽ chuyển sinh vào cõi dương gian hạ thế độ nhân, hồng truyền Đại Pháp của vũ trụ. Pháp mà ngài truyền giảng có thể tu luyện giữa thế tục, hơn nữa sẽ giúp cho công lực và tầng thứ của người tu luyện chân chính tăng trưởng vượt bậc. Khiến cho cơ hội có thể tu đắc quả vị, công thành viên mãn là mau chóng phi thường…
Cuộc chu du đến thế giới Tây phương Cực Lạc của nhân vật chính trong câu chuyện sẽ còn tiếp diễn ra sao. Những huyền cơ nào sẽ được tiếp tục được hé lộ tới cho con người thế gian thông qua câu chuyện? Xin kính mời quý độc giả và các bạn đón đọc tiếp kỳ sau.
Còn tiếp…
Đường Phong