Đại Kỷ Nguyên

Bí ẩn vụ trộm tranh lớn nhất trong lịch sử hội họa

Đây được xem như là vụ trộm tranh lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, và có lẽ cũng là lớn nhất trên thế giới. 25 năm sau, kẻ trộm 13 tác phẩm của bảo tàng Isabella Stewart Gardner ở Boston vẫn chưa được điều tra ra.

Vụ trộm đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều quyển sách, tin đồn và suy đoán về người chịu trách nhiệm, nhưng cũng đưa đến nhiều ngõ cụt.

Tuy nhiên chính quyền và nhân viên bảo tàng vẫn nuôi hy vọng rằng thông thường các tác phẩm bị đánh cắp hầu hết sẽ quay trở lại, chỉ có điều đôi khi mất thời gian đến một thế hệ hoặc đại loại vậy.

Anne Hawley, giám đốc bảo tàng Gardner, người đương nhiệm vào đúng thời điểm xảy ra vụ trộm cho biết “Mặc dù một phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ sau vụ trộm, chúng tôi vẫn luôn quyết tâm phục hồi và lạc quan rằng mình sẽ làm được.”

Vụ trộm

Vào đầu giờ ngày 18/3/1990, hai người đàn ông cải trang thành cảnh sát Boston cho biết trên đường đi vào bảo tàng rằng họ đến vì một cuộc gọi. Sau đó họ khống chế hai nhân viên bảo vệ, dùng băng keo dán miệng họ lại và chỉ mất 81 phút để lấy đi 13 tác phẩm bao gồm cả kiệt tác của các họa sĩ nổi tiếng Rembrandt, Vermeer, Degas và Manet.

Các nhà chức trách nói rằng các tác phẩm nghệ thuật có giá trị cỡ nửa tỷ đô la. Nhân viên bảo tàng cho biết chúng là vô giá bởi vì không thể thay thế được.

Một vài tác phẩm, bao gồm bức “Cơn bão trên biển Galilee” (“Storm on the Sea of Galilee”) đã bị lấy khỏi khung tranh. Những chiếc khung này vẫn được treo trống không trong bảo tàng đến tận ngày nay. Giám đốc marketing của bảo tàng, Kathy Sharpless nói “Đây là cách chúng tôi duy trì hy vọng của mình.”

Nhân viên bảo tàng và cảnh sát vẫn bối rối bởi sự chọn lựa những bức tranh bị đánh cắp. Người ta cho rằng ba bức tranh của Rembrandts là mục tiêu của kẻ trộm.

Nhưng vì sao nhiều tác phẩm có giá trị được để lại trong khi những bức kém hơn lại bị lấy đi vẫn còn là một bí ẩn.

Điều tra

Hai năm trước, FBI công bố họ nghĩ rằng đã nhận diện được kẻ trộm, nhưng vị trí của các bức tranh thì vẫn chưa biết rõ. Không có cái tên nào được tiết lộ và không có ai bị bắt.

Với sự giúp đỡ của các cơ quan thực thi pháp luật nước ngoài, FBI đã truy tìm hàng ngàn nhân vật chủ chốt trên toàn cầu, đến cả Pháp, Tây Ban Nha, Anh và Nhật Bản. Nhưng câu trả lời có thể ở gần quê hương hơn.

Richard DesLauriers, cựu nhân viên phụ trách văn phòng của FBI ở Boston cho biết hai năm trước đây rằng, các nhà điều tra tin là những tên trộm thuộc về một tổ chức tội phạm có trụ sở tại New England và trung Đại Tây Dương. Họ tin rằng các tác phẩm nghệ thuật đã được đưa đến Connecticut và Pennsylvania trong những năm sau vụ trộm và được chào bán tại Philadelphia. Sau đó, dấu vết trở nên nguội lạnh.

Geoff Kelly, một thành viên của nhóm tội phạm nghệ thuật của FBI đã xử lý vụ trộm này trong hơn 12 năm qua nói “Công bố đó đã tạo nên một vài hướng tìm kiếm tốt nhưng các tác phẩm vẫn bặt vô âm tín.” Ông nói rằng các ngõ ngách ở địa phương vẫn là có hy vọng nhất.

Năm 2012, FBI đã tìm kiếm vô ích tài sản của một tên cướp ở Connecticut mà họ tin rằng hắn ta biết gì đó về vụ trộm, thậm chí sử dụng cả ra-đa dò xét lòng đất.

Bảo tàng đề nghị 5 triệu đô tiền thưởng cho việc trả lại các tác phẩm còn “trong tình trạng tốt.” Chuyên gia nghệ thuật nói rằng với số tiền đó thì cuối cùng cũng có kẻ sẽ khai ra tên trộm.

Phần thưởng của chính quyền không phải là tiền bạc, mà là đề nghị miễn truy tố.

Lễ kỷ niệm

Bảo tàng đang đánh dấu kỷ niệm nổi tiếng bằng cách tung ra một tour du lịch ảo trên trang web của mình có tựa đề “Mười ba tác phẩm: Khám phá các tác phẩm bị đánh cắp của Gardner.”

Tour du lịch bao gồm các hình ảnh có độ phân giải cao các bức họa, hình ảnh lưu trữ, lịch sử của các tác phẩm và làm thế nào chúng được mua lại bởi bảo tàng Isabella Stewart Gardner.

Bảo tàng Isabella Stewart Gardner (Ảnh: wiki)

Anthony Amore, giám đốc an ninh của Gardner, đang lên kế hoạch để trình bày một bài thuyết trình có tên là “81 phút”, sẽ dẫn dắt khán giả đi xuyên qua hành trình của vụ trộm.

Bài thuyết trình ngày thứ Tư ngày 25/3 chỉ dành riêng cho thành viên của bảo tàng, nhưng bài của ngày 26/3 thì công khai dành cho cộng đồng.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh

Biên dịch: Kim Cương

Exit mobile version