Đại Kỷ Nguyên

Bi kịch tình yêu của Romeo-Juliet liên quan tới bệnh dịch ‘Cái chết đen’ thời Trung Cổ

Bức tranh miêu tả cái chết giả của Juliet (ảnh: Wikipedia).

“Romeo và Juliet” là một trong những tác phẩm kịch nổi tiếng nhất của đại văn hào William Shakespeare và đã xuất hiện trên sân khấu diễn toàn thế giới hàng trăm năm qua. Bài viết này đưa ra góc nhìn khác về chuyện tình bi kịch qua quan điểm tôn giáo và bệnh dịch thời bấy giờ. 

Hai nhân vật chính trong vở kịch, Romeo và Juliet, sinh ra trong hai gia đình quý tộc có mối hiềm kích lâu đời. Họ yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên, và cho dù sau khi biết danh tính đối phương, họ vẫn chọn gắn bó với tình yêu của mình, thậm chí đã lén kết hôn trong nhà thờ. Sau đó Romeo vì giết anh họ của Juliet mà bị lưu đày. Để né tránh cuộc hôn nhân do cha mẹ áp đặt, Juliet đã uống một loại thuốc khiến cô giả chết ngủ thiếp đi, làm mọi người tưởng cô tự tử. Nhưng sau khi tỉnh dậy, thấy Romeo tự sát nằm bên cạnh, Juliet cũng vì thế mà tự tử theo. 

Một yếu tố quan trọng gây ra bi kịch tình yêu này là Romeo đã không nhận được bức thư từ cha xứ Friar Lawrence, người biết toàn bộ câu chuyện, rằng cái chết của Juliet là giả. Bức thư được gửi bởi anh trai của cha Lawrence, tu sĩ John. Tu sĩ John và người bạn đồng hành bị đội tuần tra địa phương chặn lại vì nghi ngờ họ đã tiếp xúc với một gia đình bị bệnh dịch hạch. Họ không được phép ra ngoài, John không thể gửi thư và cũng không tìm được người để chuyển lá thư bởi ai cũng sợ bệnh dịch. Cuối cùng bức thư không thể đến tay Romeo. 

Bệnh dịch hạch ở Florence, Ý, năm 1630 (ảnh: Wikimedia Commons).

Mô tả của vở kịch này cho thấy bối cảnh của câu chuyện là khi bệnh dịch tấn công thành phố Verona. Vở kịch “Romeo và Juliet” được sáng tác từ  năm 1591 đến 1595 và lần đầu xuất bản năm 1597. Trong thời kỳ này, vào năm 1593, bệnh dịch hạch đã bùng phát ở London khiến 15.000 người chết (1/8 dân số London). 

Theo thống kê chính thức, từ năm 1570 đến 1670, ít nhất 225.000 người đã chết vì Cái chết đen ở và xung quanh London, và khoảng 750.000 người đã chết ở Anh. Chỉ trong ba tháng từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1665, dân số London đã giảm một phần mười. Đến tháng 9/1665, có 8.000 người chết mỗi tuần. Năm 1596, Hamnet, con trai 11 tuổi của Shakespeare, cũng chết vì căn bệnh này. Do đó, Shakespeare hiểu sâu sắc nỗi sợ hãi, đau đớn và tra tấn do bệnh dịch mang lại.

Đương nhiên, Shakespeare biết rõ mọi người lúc đó nghĩ gì về bệnh dịch hạch. Các tôn giáo thời đó đều cho rằng Cái chết đen là phương thức trừng phạt của Thượng Đế, bởi vì đạo đức của con người xuống dốc, bại hoại. Khi chữa trị cho bệnh nhân, các bác sĩ mặc loại áo choàng dài, dùng nạng gỗ để chạm vào bệnh nhân và cũng sẽ đánh họ. Vì mọi người đều tin rằng những ai mắc bệnh đều là người không được Thượng đế che chở, chỉ có thông qua đánh họ (trừng phạt), họ mới có thể được cứu chữa. 

Do đó đối với Thiên Ý, con người chỉ có thể chấp nhận và thành tâm sám hối, quyết tránh xa những hành vi đạo đức thấp kém, quy chính bản thân, thế mới có thể nhận được sự che chở của Thượng đế. Trong “Romeo và Juliet”, cha Lawrence cũng nói: “Vì tội nghiệp của chúng ta, tai họa sẽ từ trời giáng xuống, ý chỉ của Thượng đế chỉ có thể tuân theo chứ không thể cãi lại”.  

Mô tả bác sĩ chữa bệnh dịch hạch vào thế kỷ 17 ở Rome (ảnh: wikipedia).

Nếu như từ quan điểm tôn giáo thời đó xem xét, bi kịch tình yêu của Romeo và Juliet là định mệnh, họ đã bị Thượng đế trừng phạt vì đạo đức ô uế. 

Một trong những tội lỗi của Romeo là không kiềm chế dục vọng. Trước khi gặp Juliet, anh từng yêu say đắm Rosaline. Dù đây một tình yêu đơn phương nhưng nó khiến Romeo phải u sầu khổ não tới mức cha chàng từng phải thốt lên “nhiều buổi sáng ta gặp nó ở đó, hạt lệ đầm đìa làm thêm ướt giọt sương”. Nhưng khi vừa nhìn thấy Juliet, anh liền lập tức từ bỏ tình yêu trước đây của mình. Trong bộ phim, anh từng nói: Tình yêu trước đây là giả không phải thật, tối nay ta đã gặp được tuyệt thế giai nhân. Vì Juliet quá xinh đẹp, mỹ lệ, chàng Romeo đã quên ngay người con gái chàng từng ngày đêm mong nhớ trước kia. 

Cha Lawrence cũng có một nhận xét thấu đáo về điều này: “Thật là sự thay đổi nhanh chóng! Không phải Rosaline thân yêu của con đột nhiên bị con bỏ rơi sao? Xem ra, tình yêu của những người trẻ tuổi thật kỳ lạ. Không chân thành, hóa ra là dựa vào đôi mắt…”.

Tội ác thứ hai của Romeo là anh đã giết Tybalt, anh họ của Juliet khiến cho mẫu thuẫn của hai dòng họ không những không hóa giải mà còn thêm sâu sắc. 

Về phần Juliet, lúc ấy nàng mới có 14 tuổi đã theo đuổi tình yêu mù quáng. Khi biết rằng Romeo là người của dòng họ kẻ thù với gia đình mình, Juliet đã đến ban công và thốt lên: “Khốn khổ thân tôi. Romeo? Sao chàng lại là Romeo? Hãy từ bỏ gia đình, hãy từ bỏ tên họ đi. Hoặc chàng hãy hứa yêu em, rồi em sẽ chẳng còn là người thuộc dòng họ Capiulet nữa”. Như vậy chẳng phải mù quáng sao? Sẵn sàng từ bỏ gia đình để đi theo một “tình yêu chớp nhoáng”. 

Hơn nữa, Juliet cũng đánh mất trinh tiết của mình trước hôn nhân. Điều này trong tôn giáo được nhìn nhận là tội lỗi, trong xã hội thời đó là không cách nào chấp nhận, thậm chí còn gây tổn hại danh tiếng của gia đình.

Bức tranh “Nụ hôn cuối cùng” của Francisco Hayes, được vẽ năm 1823, mô tả cảnh chia ly giữa Romeo và Juliet (ảnh: Wikipedia).

Có lẽ, trong mắt nhiều người, việc theo đuổi tự do tình yêu của Romeo và Juliet đáng được ca ngợi bởi đó là tình yêu mãnh liệt và không màng tới tiền bạc hay địa vị. Nhưng liệu tình yêu bi kịch này, trong 5 ngày ngắn ngủi, yêu từ cái nhìn đầu tiên, hôn nhân bí mật, bỏ trốn, sẵn sàng từ bỏ gia đình, tự tử vì tình, điều này liệu có nên khen ngợi? Ít nhất thì tình yêu giữa hai người không nên chỉ là sự hấp dẫn của các giác quan hoặc dục vọng, trách nhiệm trong hôn nhân cũng là một yếu tố quan trọng. 

Về phần cha Lawrence, người đã làm chứng cho cuộc hôn nhân của hai người, ông không đổ lỗi cho sự bất cẩn. Nhưng vì ông không tuân theo ý trời, nên đã trở thành người thúc đẩy thảm kịch này.

Mặc dù Shakespeare đã tạo ra một tình yêu sâu sắc với “Romeo và Juliet”, nhưng ông chắc hẳn đã chịu ảnh hưởng từ quan điểm tôn giáo và bệnh dịch lúc bấy giờ. Vì sao với tình yêu mãnh liệt như thế không có một kết thúc có hậu? Vì sao cả hai đều phải nhận lấy kết thúc bi thảm? Hồi kết mà ông đặt ra cho tình yêu này, đặc biệt là mượn ôn dịch cản trở người đưa tin khiến bi kịch phát sinh, có lẽ chính là ẩn giấu bí mật mà không phải ai cũng biết. 

Theo Epoch Times

Ngọc Mai dịch và biên tập

Video: Đạo nghĩa vợ chồng trong văn hoá truyền thống

Exit mobile version