Phụ thân lỡ mắc một khoản nợ khổng lồ và qua đời vì u uất, dẫn đến biến cố gia đình, cô con gái đang tuổi dậy thì và mẹ nàng bị lừa vào “nhà ngựa gầy”, nơi nuôi dưỡng kỹ nữ bán cho lầu xanh, điều chờ đợi nàng là số phận bị bán đi. Mãi đến ngày “người mua” đến “chọn hàng”, nàng mới chợt hiểu ra!
Đối mặt với cuộc sống gian khổ trong quãng đời còn lại, nàng đã lựa chọn như thế nào? Đầu hàng một cách hèn hạ để sinh tồn? Hay “thà làm ăn xin mà chết, không chịu cả đời nhục nhã”?
Vào thời nhà Thanh, ở Kim Lăng (nay là thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô), có một số băng đảng xã hội đen, chúng mua bán trẻ em nữ ở nhiều nơi xung quanh thành Kim Lăng, chọn trong số họ những người đẹp nhất, dưỡng da, trang điểm, nhờ giáo viên dạy dỗ, những gì như cầm kỳ thi họa, đàn cầm đàn sắt, thổi tiêu thổi sáo, không có thứ nào không tinh thông. Khi đến tuổi mười sáu, họ bị bán cho quan chức hoặc phú thương làm tình nhân với giá cao, thậm chí còn bị đưa vào kỹ viện, gọi là “nuôi ngựa gầy”. Khi gặp một cô gái xinh đẹp nhà nghèo, họ dùng mọi cách để dụ dỗ, có gia đình bị họ lừa dối, không ít người cả đời hối hận.
Khi đó có một người Vân Nam tên là Từ Lân Tai, làm huyện lệnh huyện Thượng Nguyên, vì bị liên lụy đến người khác mà bị tổn thất phần lớn tiền tài, kết quả ông vì u uất sầu muộn mà qua đời. Sau khi ông phá sản và mất, những thân hữu nô bộc trong nhà đều tứ tán, chỉ còn lại Từ phu nhân và một cô con gái yếu đuối, không có ai nương tựa, họ lưu lạc nơi đất khách quê người. Vì nợ tiền thuê nhà quá lớn, gia đình Từ phu nhân bị chủ nhà trọ đuổi đi, họ không còn cách nào khác đành phải đi làm thuê để duy trì sinh kế. Có người đã đưa họ đến “nhà ngựa gầy”, nhưng phu nhân không biết việc đó.
Gia đình này do một lão quản gia chủ trì việc gia chính, trong nhà có mấy chục tỳ nữ và nô bộc, ai cũng tôn kính gọi lão quản gia là “lão thái thái”. Ngoài ra còn có hơn mười giáo viên, mỗi người phụ nữ đều có sở học riêng, họ gọi bà là mẹ, là bà nội, là lão lão. Họ đều có dung nhan kiều diễm, cử chỉ duyên dáng. Gia quy ở đây vô cùng nghiêm khắc, ngay cả trẻ con cũng không dám vào cổng giữa nếu không có lệnh, trật tự quy củ, mọi người cư xử đúng mực.
Từ phu nhân được thuê để dạy thêu thùa cho các cô gái. Lão quản gia nhìn thấy bà dẫn theo con gái đang tuổi thảo quả (13,14 tuổi), xinh đẹp và thông minh hơn tất cả những cô gái khác. Lão quản gia cũng rất yêu thương nàng, nên để hai mẹ con họ ăn tối với mình, giúp con gái của Từ phu nhân thay y phục thời thượng, đồng thời bảo nàng nhập học với những cô gái khác, khi rảnh rỗi có thể gảy đàn vẽ tranh, thổi sáo và ca múa. So với những cô gái khác về tài năng và sự mẫn tiệp, nàng tinh tế giỏi giang hơn hẳn.
“Tuổi thảo quả” đẹp như hoa đào dưới trăng.
Khi Từ phu nhân mới đến, đã hỏi về gia thế của lão quản gia. Lão quản gia nói giả vờ rằng chồng và con trai đi làm quan ở bên ngoài, chỉ để lại con gái ở nhà làm bầu bạn, phu nhân tin lời bà. Cứ thế ba năm trôi qua, khi cô con gái đến tuổi trưởng thành, phu nhân lại nhờ lão quản gia chọn con rể cho mình, lão quản gia vui vẻ đồng ý. Chẳng bao lâu sau, nói có một công tử đến xem mặt, lão quản gia để những cô nương khác lần lượt bước ra ngoài, đều không ưng, cuối cùng tố nữ họ Từ xiêm y hoa lệ xuất hiện. Từ phu nhân ngăn con gái lại và nói: “Đây không phải là điều mà con gái của gia đình có giáo dưỡng làm.” Lão quản gia đáp: “Phong tục của Kim Lăng đều như vậy, không thể quay lưng lại.” Vì vậy, Từ phu nhân bất đắc dĩ đành bảo con gái ra ngoài gặp mặt.
Khi đến sảnh đường, họ nhìn thấy một công tử râu ria, dáng người cao lớn, theo sau là rất nhiều người hầu, người thì chỉ ra béo gầy, người thì bình luận đẹp xấu. Khi nhìn thấy Từ phu nhân cùng con gái đi ra, thái độ của vị công tử rất ngạo mạn, không hành lễ gặp gỡ, mà chỉ ngồi đó nhìn. Một người hầu chỉ vào nàng và nói: “Cốt tướng của cô nương này thần thái thanh tú, vô tiền khoáng hậu, thực là một người phụ nữ tuyệt sắc.” Công tử cũng vô tay khen ngợi: “Không ngờ trong đống phân này lại mọc ra nấm linh chi.” Những người hầu nhìn trúng ý công tử, đều nói: “Ngàn vàng không phải là rất nhiều tiền, không quý bằng cơ hội quyết định này, nếu không sau này rất khó lại được gặp giai nhân.”
Lúc này, cô nương nắm lấy tay mẹ lui gót, quay lại nói với lão quản gia: “Bất kham như vậy, nhất định không phải là làm vợ chồng chính thức, con không muốn.” Lão quản gia cười nói: “Nhà con nghèo như thế, ai muốn kết hôn với con? Con từ tiểu thiếp dần dần làm nên, đến khi được sủng ái, sẽ thay thế vị trí của vợ chính, điều đó khó sao? Cha của vị công tử kia quan cao cực phẩm, gia sản mấy chục vạn, nếu mẹ con xuất giá theo con, cả đời cũng ăn không hết, dùng không hết. Hơn nữa ta cũng có thể dùng chút lộc này để nuôi sống bản thân, đây không phải là nhất cử lưỡng đắc sao?”
Người con gái nghe xong liền òa khóc, rút chiếc trâm cài trên đầu ra, cởi quần áo ném cho lão quản gia rồi nói: “Trả lại quần áo cũ cho tôi. Tôi và mẹ tôi thà ăn xin mà chết, chứ không muốn chịu vũ nhục này.”
Từ phu nhân cũng tức giận nói: “Các người làm thế này, đơn giản chính là hành vi ‘nhà ngựa già’!”
Lão quản gia thấy chân tướng đã bị vạch trần, cười khẩy nói mỉa: “Cho dù mẹ con ngươi có thần thông quảng đại thế nào cũng không thể thoát khỏi tầm ngắm của ta. Ta đã nuôi nấng dưỡng dục ba năm rồi, lẽ nào chẳng đáng giá trăm vàng sao? Con gái của ngươi cũng giống như nữ nô trong nhà ta, có thể không do ta làm chủ sao?” Cô nương khóc lớn, muốn chết. Lão quản gia giờ đã lộ rõ bộ mặt má mì, mắng chửi cô nương họ Từ rồi trói vào căn phòng trống, lập tức đuổi Từ phu nhân ra khỏi nhà.
Từ phu nhân vừa tức giận vừa lo lắng cho sự an nguy của con gái mình, bà hỏi đường đến huyện nha, muốn cáo trạng lên quan phủ. Lúc này, bà gặp một người phụ nữ, người phụ nữ hỏi bà rõ nội tình sự việc, nghe xong chỉ cười và nói: “Bà, một góa phụ nhà nghèo, muốn địch với nhà ngựa gầy, chỉ bất quá là tự chuốc lấy nhục nhã. Nếu không phải họ dùng lượng lớn tiền tài để hối lộ, thông đồng với nha môn và lại dịch, sao họ dám công khai hành nghề này?”
Từ phu nhân nói: “Dựa theo cô nói, không lẽ ta đến chết cũng phải từ bỏ, không có đường sinh sao?”
Người phụ nữ nói: “Bà đừng lo lắng, tôi là người làm việc cho quan phủ, tôi đã phải chịu đựng không ít họa hại của lũ ngựa gầy này, tôi cũng là nạn nhân giống như bà. Còn kế hiện tại, vì bà có tài thêu thùa may vá, bà có thể tìm đến người nhà quan lớn để làm việc, mỗi ngày hãy làm thân với phu nhân, có cơ hội liền cáo khổ với phu nhân, như vậy có thể giúp được bà.”
Từ phu nhân cảm thấy đây cũng là một cách, nên hỏi: “Làm sao tôi có thể vào nhà quan lớn được?” Người phụ nữ nói: “Đại nhân tổng đốc Trần đang tìm một nữ hầu biết thêu thùa, đây là một cơ hội, hôm nay bà có thể vào.” Từ phu nhân nhờ cô ấy dẫn mối. Họ cùng nhau đến nha môn của tổng đốc, tổng đốc phu nhân thấy bà cử chỉ đoan chính, vui vẻ mời bà ở lại, kêu bà dạy mấy tiểu thư thêu thùa. Từ phu nhân dạy dỗ một cách kiên nhẫn và cẩn thận, tiểu thư cũng rất thích bà, sẵn sàng thức ngủ với bà.
Từ phu nhân thường xuyên nhớ tới con gái, nửa đêm khóc lóc, tiểu thư dò hỏi nguyên nhân rồi kể lại cho mẹ nghe. Phu nhân lại đem câu chuyện của mình ra kể cho tổng đốc. Tổng đốc rất tức giận, ngay lập tức triệu tập quan viên các phủ huyện thuộc thẩm quyền của mình, trực diện khiển trách họ và nói: “Địa phương nào còn tồn tại những kẻ buôn người, đó là một sự lơ là trách nhiệm, là không thể dung thứ. Hiện tại họ thậm chí còn dám bá chiếm con gái nhà quan, các người làm quan ở địa phương, mà hồ đồ vô năng như vậy, chức trách làm quan của các ngươi là cái gì?”
Tất cả quan viên đều sửng sốt, quỳ xuống hỏi nguyên nhân là gì? Tổng đốc nói cho họ biết về Từ phu nhân, ra lệnh khám xét và điều tra nghiêm ngặt, đồng thời ấn định ngày báo cáo. Nếu có người tiết lộ tin tức ra ngoài để trốn tránh pháp luật, thì phủ huyện của ai người đó phải chịu trách nhiệm. Quan viên phủ huyện lập tức dẫn lại dịch đích thân đến nhà ngựa gầy, đầu tiên họ bao vây nhà bà ta, sau đó tiến hành khám xét nghiêm ngặt. Tất cả nam nô nữ bộc và những phụ nữ bị mua, lão quản gia và những người khác đều bị bắt, không ai có thể trốn thoát.
Sau khi lục soát và tra vấn nghiêm khắc, phủ huyện đã giải phóng tất cả nam nữ nô bộc của nhà ngựa già về nguyên địa, đồng thời đưa những phụ nữ đã được mua về nhà của họ. Sau đó đưa con gái của Từ phu nhân về nha môn tổng đốc để đoàn tụ với mẹ. Họ lần lượt quỳ lạy tạ ơn tổng đốc, cảm ơn đại ân đại đức của ông.
Phu nhân nói: “Việc này vẫn chưa xong. Tổng đốc còn có chỉ thị khác: Thỉnh Từ phu nhân hãy tạm thời làm giáo viên cho con gái chúng tôi, sau đó chúng tôi sẽ chọn chồng cho con gái của phu nhân.” Họ tìm kiếm các nơi, tập trung các nho sinh lại để đánh giá, trong đó có hai vị biểu hiện ưu tú. Sau khi hỏi han, biết rằng một vị đã kết hôn, còn vị hàn sĩ họ Triệu kia còn trẻ và chưa lấy vợ. Sau khi thăm hỏi kỹ lưỡng, xác thực không hề có giả dối uẩn tình nào, mới quyết định gả con gái của Từ phu nhân cho anh chàng.
Sau khi tổng đốc tịch thu toàn bộ tài sản của nhà ngựa gầy, ông dùng nó để trả lại số tiền tài mà huyện lệnh họ Từ đã đánh mất, còn dư lại vài nghìn lượng cùng với một ngôi nhà, ông dùng làm của hồi môn cho con gái của Từ phu nhân, để Triệu sinh có thể yên tâm học tập. Trong kỳ thi hương sau đó, Triệu sinh đứng đầu bảng, sau đó lại trúng tiến sĩ, đón nhạc mẫu Từ phu nhân về nhà an dưỡng tuổi già
Nguồn: “Khách song nhàn thoại”
- Trọn bộ Nhân sinh cổ đạo
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch