Đại Kỷ Nguyên

Bí mật chấn động đằng sau sự “bị mất tích” của Lữ Chấn Vũ

Ảnh: Trăm năm chân tướng - ET

Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!

Năm 2023 là năm mà các quan cao của đảng, chính phủ và quân đội ĐCSTQ lần lượt “bị mất tích”, trong đó có bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương, bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc, Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Lý Ngọc Siêu, v.v. 

Cũng như vậy, sự “bị mất tích” của các quan chức vẫn thường xảy ra trong lịch sử của ĐCSTQ. Ví dụ, ngay từ năm 1963, Lữ Chấn Vũ, người từng giữ chức thư ký cho lãnh đạo ĐCSTQ Lưu Thiếu Kỳ, đã bất ngờ “bị mất tích” chỉ vài ngày sau Tết Nguyên đán.

Khi đó, Lữ Chấn Vũ là ủy viên Chính hiệp Toàn quốc kiêm phó tổ trưởng Tổ Sự vụ Dân tộc Chính hiệp Toàn quốc, ủy viên khoa Triết học Xã hội Khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, đồng thời là cố vấn kiêm giáo sư sử học của Văn phòng Giảng dạy và Nghiên cứu Lịch sử của Trường Đảng Trung ương.

Vì sao Lữ Chấn Vũ đột nhiên “bị mất tích”? Điều gì đã xảy ra với ông  sau khi “bị mất tích”? Liệu có bí mật mờ ám nào đằng sau chuyện này?

Hôm nay, tôi sẽ nói về câu chuyện mờ ám gây sốc đằng sau sự “bị mất tích” của Lữ Chấn Vũ dựa trên ký ức của Trần Thiết Kiện, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc và các thông tin liên quan khác.

Lữ Chấn Vũ bỗng nhiên “bị mất tích”

Ngay sau ngày đầu năm mới 1963, Lữ Chấn Vũ, người đang tiến hành điều tra khảo sát ở quê hương Thiệu Dương, Hồ Nam, thì bất ngờ nhận được một cuộc gọi khẩn cấp từ Bắc Kinh, yêu cầu ông quay trở lại Bắc Kinh ngay lập tức. Lữ Chấn Vũ không biết xảy ra chuyện gì, không dám chậm trễ một phút, lập tức bắt tàu từ Trường Sa về Bắc Kinh.

Khi chuyến tàu đến Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, một số người tự xưng là người Bắc Kinh bất ngờ đến “mời” ông xuống tàu. Vừa bước xuống, Lữ Chấn Vũ lập tức bị bí mật “cách ly thẩm tra”. Nhân viên thẩm tra tuyên bố ông không được phép gặp gia đình hay liên lạc với bên ngoài.

Theo bài báo “Hô thiên biện vu Đổng Cô thiên” của Lý Băng Phong: “Không ai biết lý do tại sao (Lữ Chấn Vũ) bị bắt. Sở công an cử người đến thông báo cho vợ ông là Giang Minh rằng bà không được phép nói chuyện về Lữ Chấn Vũ cho bất cứ ai, chỉ có thể nói rằng ông ấy đang đi công tác. Không lâu sau khi Lữ bị bắt, Tạ Giác Tai, người từng là viện trưởng Pháp viện Tối cao, đã đến nhà thăm Lữ, Giang Minh chỉ biết khóc mãi không ngừng, mà không dám nói ra sự thật lão Lữ đã bị mất tích.”

Trong thời gian bị “cách ly thẩm tra”, hoạt động chủ yếu hàng ngày của Lữ Chấn Vũ là viết tài liệu thú tội, phản tỉnh về hành vi của bản thân. Tài liệu tự thú và phản tỉnh của Lữ Chấn Vũ không biết đã được viết bao nhiêu lần, viết hết lần này đến lần khác, mỗi lần viết xong lại bị bác bỏ, phải viết lại, viết lại xong lại bị bác bỏ…. bị dày vò suốt 4 năm như vậy.

Lữ Chấn Vũ bị giam ở nhà tù Tần Thành trong 8 năm

Tháng 5 năm 1966, Cách mạng Văn hóa bùng nổ. Chẳng bao lâu sau, lãnh đạo cũ của Lữ Chấn Vũ, Lưu Thiếu Kỳ bị lật đổ với tư cách là “người có quyền lực lớn nhất trong đảng đi theo con đường chủ nghĩa tư bản”.

Thủ lĩnh cũ thất thủ, vấn đề của Lữ Chấn Vũ càng ngày càng leo thang. Vào tháng 1 năm 1967, Lữ Chấn Vũ, người đã “bị mất tích” bốn năm, lại bị bắt bí mật và giam trong nhà tù Tần Thành.

Cuốn sách “Hô thiên biện vu Đổng Cô thiên” của Lý Băng Phong cho biết: “Trong thời gian Lữ bị bắt, có khoảng 800 cuộc thẩm vấn, trong đó hơn 700 lần thẩm vấn đều về cuộc đàm phán lưỡng đảng Quốc dân và Cộng sản để liên hợp kháng Nhật. Đại diện đảng Cộng sản đến Nam Kinh đàm phán là Chu Tiểu Chu, nhân viên liên lạc là Lữ Chấn Vũ. Khi cuộc đàm phán bắt đầu, Lữ vẫn chưa vào đảng, chỉ tham gia đảng Cộng sản trong thời gian đàm phán. Người chỉ huy các cuộc đàm phán là Lưu Thiếu Kỳ, người phụ trách Cục phía Bắc của Trung ương ĐCSTQ, lúc đó có hóa danh là Đào Thượng Hành. Trong suốt thời gian đàm phán, Lữ Chấn Vũ không biết và cũng chưa từng gặp Lưu Thiếu Kỳ, mãi đến năm 1941, tại Trường đảng Cục Hoa Bắc ở căn cứ địa phía bắc Giang Tô, ông mới lần đầu tiên gặp Lưu Thiếu Kỳ, người chỉ huy đằng sau những cuộc đàm phán.” 

“Trọng điểm của hơn 700 lần thẩm vấn Lữ Chấn Vũ là yêu cầu ông khai man để chứng minh Lưu Thiếu Kỳ đã ‘phối hợp với Tưởng Giới Thạch âm mưu tiêu diệt Hồng quân và xóa bỏ chính quyền Xô Viết’, rằng Lưu Thiếu Kỳ và những người khác đã ‘quỳ dưới chân Tưởng Giới Thạch, làm nội gián trong cuộc cách mạng’, nói cứng rằng các cuộc đàm phán ở Nam Kinh được tiến hành sau lưng Mao Chủ tịch và Trung ương Đảng.”

Tuy nhiên, dù là “cách ly thẩm tra” trong 4 năm đầu, hay là “cách ly thẩm tra” trong 8 năm ở nhà tù Tần Thành, Lữ Chấn Vũ nhất quyết chỉ nói những sự thật mà ông biết, không bịa đặt chuyện Lưu Thiếu Kỳ “phản biến”. 

Mãi đến năm 1974, khi bầu không khí chính trị căng thẳng ở Trung Quốc dịu bớt, Giang Minh, vợ của Lữ Chấn Vũ, mới được phép vào nhà tù thăm chồng. Khi Giang Minh nhìn thấy Lữ Chấn Vũ, người đã ly biệt 11 năm, bà không thể tin vào mắt mình. Lữ Chấn Vũ đứng trước mặt bà, râu tóc màu khói, khuôn mặt tái nhợt, lưng gù xuống, đôi mắt lờ đờ, giọng nói yếu ớt mang đầy hơi thở.

Tháng 1 năm 1975, sau khi Đặng Tiểu Bình, người bị đả đảo trong Cách mạng Văn hóa, được phục hồi công tác, Giang Minh lại lần nữa kháng cáo lên trung ương. Dưới sự can thiệp của Đặng Tiểu Bình, vào mùa xuân năm đó, Lữ Chấn Vũ được phép về nhà chữa bệnh, bước ra khỏi nhà tù Tần Thành.

Tại sao Lữ Chấn Vũ “bị mất tích” vào năm 1963?

Theo Trần Thiết Kiện, nhà nghiên cứu lịch sử hiện đại tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc và là người tham gia phúc tra “vụ án Cù Thu Bạch” tại Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương:

“Năm 1962, Mao Trạch Đông ra lệnh điều tra các vấn đề lịch sử của Lưu Thiếu Kỳ. Việc định tính Lưu Thiếu Kỳ là phản đồ, nội gián, công tặc là tại đại hội đảng năm 1968, nhưng thực tế nó bắt đầu vào năm 1962. Lệnh này được ban hành khi chúng tôi ở tổ chuyên án Cù Thu Bạch, đương thời còn có tổ chuyên án Lưu Thiếu Kỳ, tổ chuyên án Tạ Phú Trị và tổ chuyên án Khương Sinh. Người phụ trách tổ chuyên án Lưu Thiếu Kỳ đã đích thân nói với người phụ trách tổ của chúng tôi rằng họ đã tìm thấy lệnh này trong hồ sơ riêng của Mao Trạch Đông ở Trung Nam Hải, lúc đó là năm 1962, sau đại hội bảy nghìn người.”

Khi đó, tại sao Mao Trạch Đông lại ra lệnh điều tra các vấn đề lịch sử của Lưu Thiếu Kỳ?

Bởi vì trước “Đại hội bảy nghìn người” của ĐCSTQ vào tháng 1 năm 1962, một nạn đói lớn đã xảy ra ở Trung Quốc khiến hàng chục triệu người thiệt mạng. Lưu Thiếu Kỳ và Mao Trạch Đông phát sinh quan điểm khác biệt nghiêm trọng. Khi nói về nguyên nhân của nạn đói lớn, Lưu Thiếu Kỳ cho rằng lãnh đạo trung ương phải chịu trách nhiệm, ở một số nơi là “ba phần thiên tai, bảy phần nhân họa”. Tại hội nghị, Mao Trạch Đông buộc phải thừa nhận mình cũng có trách nhiệm. Nhưng từ đó về sau, ông ta nuôi mối hận với Lưu Thiếu Kỳ.

Mao Trạch Đông muốn chỉnh Lưu Thiếu Kỳ như thế nào? Nếu có thể buộc tội Lưu Thiếu Kỳ là “phản đồ”, thì không cần phải lo lắng về việc đả đảo Lưu.

Ngay từ đầu năm 1953, vì bất mãn với Lưu Thiếu Kỳ, Mao Trạch Đông yêu cầu Cao Cương, nguyên bí thư thứ nhất Cục Đông Bắc ĐCSTQ, thời nhậm chủ tịch Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, kiểm tra tình huống Lưu Thiếu Kỳ bị bắt tại Phụng Thiên (Thẩm Dương ngày nay) năm 1929 trong đương án địch ngụy Đông Bắc, chỉ để kiểm tra xem Lưu Thiếu Kỳ có phản biến hay không. Cao Cương giao nhiệm vụ tuyệt mật này cho thuộc hạ cũ Trương Tú Sơn, lúc đó là bí thư thứ hai của Cục Đông Bắc kiêm thư ký Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật.

Trương Tú Sơn lẳng lặng giao nhiệm vụ xuống dưới, rồi báo cáo số tài liệu thu thập được cho Cao Cương. Sau đó, Cao Cương vì bị gán cho tội là thành viên “liên minh phản đảng”, đã tự sát vong thân, nên Mao không tiếp tục truy tra vấn đề “phản biến” của Lưu Thiếu Kỳ nữa.

Đến năm 1962, Mao Trạch Đông ngày càng gia tăng bất mãn với Lưu Thiếu Kỳ, nên một lần nữa nghĩ đến điều tra vấn đề phản biến của Lưu Thiếu Kỳ.

Với mật lệnh của Mao Trạch Đông, những cao thủ chỉnh nhân của Mao tự hỏi phải bắt đầu từ đâu. Một số người nghĩ đi nghĩ lại, cho rằng Lưu Thiếu Kỳ đã lãnh đạo các cuộc đàm phán bí mật với Quốc dân đảng vào năm 1935, và Lữ Chấn Vũ đã tham gia vào đó. Từ năm 1942, Lữ Chấn Vũ đầu tiên trở thành thư ký chính trị của Lưu Thiếu Kỳ, sau đó là thư ký học tập của Lưu Thiếu Kỳ. Có lẽ thông qua điều tra bí mật Lữ Chấn Vũ, có thể có được khẩu cung “phản biến” của Lưu Thiếu Kỳ.

Vì vậy, bộ trưởng Công an Tạ Phú Trị đã ra lệnh bắt giữ bí mật Lữ Chấn Vũ. Ngày 5 tháng 1 năm 1963, Lữ Chấn Vũ “bị mất tích” ở Bảo Định, Hà Bắc.

Chân tướng việc Lữ Chấn Vũ tham gia vào các cuộc đàm phán giữa Quốc dân đảng và Cộng sản đảng là gì?

Năm 1935, quân Nhật xâm chiếm 22 quận phía đông Hà Bắc, tiến gần đến Bình Tân. Vào tháng 10 năm nay, Tăng Dưỡng Phổ, thứ trưởng Bộ Đường sắt của Chính phủ Quốc dân đảng, đã làm theo chỉ thị của Tống Tử Văn, nhờ người bạn cùng lớp đại học Thầm Tiểu Sầm đi tìm mối liên hệ với đảng Cộng sản. Thầm Tiểu Sầm tìm thấy người đồng hương Hồ Nam và nhà sử học Tiễn Bá Tán. Tiễn Bá  Tán đã giới thiệu Lữ Chấn Vũ, một nhà sử học và đồng nghiệp người Hồ Nam, với Thầm Tiểu Sầm.

Đương thời, Lữ Chấn Vũ đang giảng dạy tại Đại học Trung Quốc ở Bắc Kinh và cũng là thư ký của Liên minh những người làm nghề tự do Bắc Kinh dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ.

Tháng 11 năm 1935, Lữ Chấn Vũ nhận được một lá thư từ Nam Kinh, do Thầm Tiểu Sầm viết. Bức thư có nội dung: “Hàng xóm phía đông bắt nạt tôi quá, chỉ có bằng cuộc hôn nhân giữa hai phủ Khương – Cung, mới có thể cùng nhau vượt qua tổn thương và bảo vệ gia tài. Nếu anh trai có ý tấn công, hy vọng sẽ lập tức về phía nam.”

Sau khi nhận được bức thư, Lữ Chấn Vũ hiểu rằng “Khương”, “Cung” là từ đồng âm của “Tưởng” Giới Thạch và đảng “Cộng” sản. Mặc dù Lữ Chấn Vũ lúc đó không phải là đảng viên Cộng sản, nhưng ông đã liên hệ với Chu Tiểu Châu, bộ trưởng tuyên truyền của Thị ủy Bắc Bình thuộc Cục phía Bắc của ĐCSTQ, cảm thấy đây là một vấn đề lớn liên quan trước sự hợp tác giữa Quốc dân đảng và đảng Cộng sản, nên ông ta lập tức đến gặp Chu Tiểu Châu để hỏi cách giải quyết.

Chu Hiểu Châu báo cáo với Cục phía Bắc, Cục phía Bắc báo cáo với Mao Trạch Đông, kiến nghị cử Chu Hiểu Châu và Lữ Chấn Vũ đàm phán, Mao Trạch Đông đã hồi điện biểu thị đồng ý.

Kể từ đó, Quốc dân đảng và Cộng sản đảng đã tổ chức nhiều cuộc đàm phán. Do những khác biệt lớn, vào tháng 8 năm 1936, Chính phủ Quốc dân đảng tuyên bố: “Đàm phán ở Nam Kinh đã chấm dứt. Từ nay trở đi, điện đài Vũ Hán và điện đài Diên An sẽ liên lạc trực tiếp với nhau.”

Vào tháng 8 cùng năm, Chu Hiểu Châu mang toàn bộ tài liệu về cuộc đàm phán ở Nam Kinh đến Diên An, đích thân báo cáo quá trình đàm phán cũng như các tình huống liên quan cho Mao Trạch Đông.

Từ tình huống trên cho thấy, Mao Trạch Đông đã nhận thức đầy đủ về nguyên nhân và hậu quả của cuộc đàm phán Nam Kinh. Việc đàm phán trước xin chỉ thị của Mao Trạch Đông, sau lại báo cáo cho Mao Trạch Đông, căn bản không phải là “được thực hiện sau lưng Mao Chủ tịch và Trung ương Đảng” như các nhân viên điều tra án sau này nói.

Tại sao Lữ Chấn Vũ bị giam ở nhà tù Tần Thành năm 1967?

Vì Mao Trạch Đông biết rõ nội dung cuộc đàm phán ở Nam Kinh, từ tháng 1 năm 1963 đến tháng 1 năm 1967, Bộ Công an đã bí mật thẩm vấn Lữ Chấn Vũ trong 4 năm, nhưng không hề thu được khẩu cung rằng Lưu Thiếu Kỳ là “kẻ phản bội”, tại sao đến tháng 1 năm 1967, Lữ Chấn Vũ không những không được thả, mà trái lại bị tiếp tục giam ở Nhà tù Tần Thành?

Bởi vì Khương Sinh, cố vấn của tiểu tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương, thâm hiểu rằng Mao Trạch Đông sẽ làm bất cứ điều gì để đánh bại các đối thủ chính trị của mình.

Ví dụ, trong Cách mạng Văn hóa, Mao đã đả đảo “tập đoàn 61 kẻ phản bội”, đây là một vụ án oan lớn, với mục đích là gán cho Lưu Thiếu Kỳ là “phản bội”.

Liên quan đến án “tập đoàn 61 kẻ phản bội”, Mao biết rõ đó là một vụ án oan, Khương Sinh cũng biết đó là một vụ án oan, tuy nhiên khi Khương Sinh đề xuất điều tra vụ án với Mao, thì Mao lập tức đồng ý. 

Cuối cùng, dưới áp lực lớn của tổ chuyên án, một “tập đoàn 61 kẻ phản bội” ​​đã được chế tạo ra.

Trong cuộc đàm phán ở Nam Kinh năm 1935 giữa Quốc dân đảng và Cộng sản đảng, có hai bên đương sự: một là nhà sử học Tiễn Bá Tán, và một là nhà sử học Lữ Chấn Vũ. Các thành viên của tổ chuyên án tin rằng thông qua áp lực, khủng bố, uy hiếp, họ có thể bị bức phải thừa nhận những bằng chứng chứng minh Lưu Thiếu Kỳ là “kẻ phản bội”.

Tuy nhiên, tổ chuyên án đã đụng phải hai “lão học giả” này: Tiễn Bá Tán thà tự sát còn hơn vu hãm Lưu Thiếu Kỳ. Trong cơn tuyệt vọng, vợ chồng Tiễn Bá Tán đều tự sát bằng cách uống thuốc ngủ. Mặc dù Lữ Chấn Vũ bị giam trong nhà tù Tần Thành và bị tổ chuyên án thẩm tra cường độ cao, nhưng ông luôn kiên trì không bịa đặt vu hãm Lưu Thiếu Kỳ.

Cuối cùng, tổ chuyên án không lấy được khẩu cung từ Lữ Chấn Vũ chứng minh Lưu Thiếu Kỳ là “kẻ phản bội”.

Lưu Thiếu Kỳ cuối cùng vẫn bị ĐCSTQ gán tội “phản bội”, nhưng trong báo cáo thẩm tra do tổ chuyên án viết không đề cập đến chuyện Lưu Thiếu Kỳ “phản biến” vào năm 1935.

Nếu không có lệnh của Mao Trạch Đông năm 1962, Lữ Chấn Vũ đã không “bị mất tích” vào tháng 1 năm 1963; nếu không có việc Mao Trạch Đông cố tình gán tội cho Lưu Thiếu Kỳ là “phản bội”, Lữ Chấn Vũ đã không bị giam trong Nhà tù Tần Thành 8 năm.

Vì vậy, có thể nói thủ phạm gây ra vụ án oan cho Lữ Chấn Vũ chính là Mao Trạch Đông.

Theo Epoch Times,
Mộc Lan biên dịch

Exit mobile version