Nhiều năm đã trôi qua, nhưng Tưởng Giới Thạch vẫn là một nhân vật đặc biệt trong lịch sử cận đại. Sau khi Tôn Trung Sơn qua đời, Tưởng đã hoàn thành sứ mệnh tiếp nối, bước lên vũ đài chính trị với khát khao cháy bỏng…
Nhưng hai bên bờ đại lục lại có hai cách nhìn hoàn toàn khác nhau. Một bên coi Tưởng là nhân vật phản diện, phải hứng chịu nhiều đao búa dư luận; còn một bên ca ngợi ông hết lời, tôn vinh ông như một vị lãnh tụ đã bảo vệ và kiến thiết Đài Loan.
Và gần đây, một bài viết được lưu truyền rộng rãi trên các trang mạng ở Đại Lục đã khen ngợi nhân phẩm của Tưởng Giới Thạch. Bài viết bắt đầu bằng lời nhắn nhủ: Trên đời nếu như có tấm gương, mong bạn đừng quên Tưởng Giới Thạch.
1. Làm con, ơn nghĩa sâu dày…
Cổ nhân có câu rằng: “Dương hữu quỵ nhũ chi ân, nha hữu phản bộ chi nghĩa” (Dê con cảm ân quỳ xuống mỗi khi bú mẹ, quạ con tình nghĩa mớm mồi về mẹ cha). Đối với Tưởng Giới Thạch, tình cảm thiêng liêng ông dành cho mẹ còn hơn cả cảm ân hay tình nghĩa.
Ngày 6/5/1949, Tưởng Giới Thạch trở về trấn Khê Khẩu, huyện Phụng Hóa, tỉnh Chiết Giang. Đây là lần cuối cùng ông về thăm quê nhà trước khi rời khỏi Trung Quốc.
Cách đó không xa là tiếng ầm ầm giao chiến của hai quân, con trai ông là Tưởng Kinh Quốc không ngừng giục giã: “Cha ơi, tàu Thái Khang từ mấy ngày trước nay đã đến Định Hải rồi”. Anh không dám nói “đi” vì sợ cha mình nghe thấy sẽ buồn lòng.
Tưởng Giới Thạch thở dài một tiếng: “Hãy đến trước mộ bà nội để nói lời từ biệt. Con hãy gọi Phương Lương vợ con và bọn trẻ đến cả đây!”.
Tưởng Giới Thạch dẫn theo cả gia quyến đến trước mộ mẹ mình, rồi ông quỳ xuống, nước mắt tuôn rơi không sao ngăn lại được. Một lúc sau ông khóc lên thành tiếng, tất cả con cháu đều khóc theo. Năm đó, ông đã 62 tuổi.
Rất lâu sau, được con trai đỡ dậy, Tưởng Giới Thạch mới từ biệt núi Phượng Hoàng, nơi mẹ ông đang an giấc ngàn thu. Chiếc xe chầm chậm rời đi, đến khi ông quay đầu lại nhìn thì chỉ thấy đỉnh núi mây mù dày đặc, một dòng suối róc rách chảy dài.
Lại một lần, nước mắt ông lã chã tuôn rơi.
Mẹ của Tưởng Giới Thạch là bà Vương Thái Ngọc, qua đời vào ngày 24/6/1922.
Tưởng Giới Thạch là đại hiếu tử toàn thiên hạ, 35 tuổi sau khi mẹ mất, ông đã lập nên lời thề: “Sau này, không kể là âm lịch, dương lịch, phàm là ngày giỗ của mẹ, không ăn đồ tanh, không tức giận, không mặc áo màu!”.
Lời thề ấy đã được ông tuân giữ suốt cả một đời. Ông thường viết trong nhật ký:
“Trong đêm nghe thấy tiếng kêu của chim đỗ quyên, tôi liền nhớ đến hình ảnh mẹ thức dậy cho tằm ăn. Nhưng hình ảnh này, tôi sẽ không bao giờ được thấy lại nữa”.
“Đứa con không mẹ nào có khác chi con người bơ vơ trơ trọi giữa dòng đời, đâu còn thấy được vui thú của đời người nữa đây?”.
“Mấy ngày gần đây, con đặc biệt nhớ mẹ, Trung Chính tội nghiệp sâu dày, thực không còn mặt mũi nào đứng trước cha mẹ nữa”.
Tưởng Giới Thạch cả một đời chinh chiến, dù là chiến tranh Bắc phiệt hay chiến tranh kháng Nhật, ông vẫn không quên chuyện tế bái mẹ mình. Không những ngày cúng giỗ mà sinh nhật của mẹ, ông cũng chưa bao giờ quên.
Ngày 15/12/1934 cũng chính là sinh nhật mẹ. Sau khi giải quyết nhiều việc chính sự quan trọng, ông ngồi máy bay trong cơn mưa dầm gió bấc, về đến quê nhà đã là 10 giờ rưỡi khuya. Ông bất chấp nguy hiểm trở về quê, chỉ vì muốn được tế bái mẹ ngay trong đêm sinh nhật của bà.
Chiến tranh bùng nổ, Tưởng Giới Thạch phát biểu ở Lư Sơn: “Nếu chiến tranh nổ ra, thì đất không phân nam bắc, người không phân già trẻ, bất kể ai đều có trách nhiệm đứng lên bảo vệ lãnh thổ, đều phải quyết hy sinh tất cả!”.
“Gian nan cách mạng thành cô phẫn,
Huy kiếm trường không thế lệ hoành”.
(Cách mạng gian nan trở thành nỗi bi phẫn của những đứa trẻ mồ côi,
Tay vung trường kiếm mà nước mắt lã chã tuôn rơi dưới bầu trời bao la).
Từ đây, chính sự càng bận rộn hơn, Tưởng Giới Thạch cũng không thể trở về quê nhà tế bái. Nhưng hễ đến cửa khẩu Hán Giang, bên bờ sông Cán Giang, hay bất cứ nơi đâu, ông đều tranh thủ tế bái mẹ mình ở đó.
Dù đã rời khỏi Đại Lục tới sống đảo Đài Loan, nhưng hễ đến tết Thanh Minh, ông đều mong được về quê nhà tảo mộ. Tiếc là chân trời ngăn cách, ông chỉ có thể dẫn theo con cháu tế bái từ xa ở nơi eo biển Đài Loan chật hẹp.
Trong những năm tại thế cuối đời, bà Vương Thái Ngọc từng có lần nhìn thấu cõi trần, cũng đã bước vào Phật môn. Tưởng Giới Thạch thấy vậy rất lấy làm vui mừng, ông đã tự mình chép tay bộ “Kinh Lăng Nghiêm” hơn 10 vạn chữ cho mẹ, chỉ vì để tận hiếu, cầu chúc cho mẹ được bình an.
Rất nhiều người hiếu kỳ tự hỏi: Vì sao Tưởng Giới Thạch cả đời không để tóc? Nhiều năm sau khi ông qua đời, Tống Mỹ Linh mới tiết lộ bí mật này: Tưởng Giới Thạch vốn có tóc, chỉ có điều tóc hơi thưa. Nhưng vì để tận hiếu, ông đã dứt khoát cạo trọc đầu.
2. Khoan dung người khác chính là thiện đãi chính mình
Ngày 1/12/1927, Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh tổ chức hôn lễ ở Thượng Hải. Trước đó, ông đã có hai người vợ.
Một người là “món quà” mà mẹ sắp đặt cho ông, đó là Mao Phúc Mai. Khi ấy Tưởng Giới Thạch mới 14 tuổi, còn Mao Phúc Mai 19 tuổi, hai người chính thức kết hôn.
Người vợ thứ hai là Trần Khiết Như, giữa họ thường hay xảy ra tranh cãi bất hòa.
Do đó, khi cưới Tống Mỹ Linh, Tưởng Giới Thạch đã hứng chịu sự công kích từ dân chúng cả nước.
Thời ấy, trên trang báo nổi tiếng “Đại Công Báo”, Tưởng Giới Thạch viết: “Hôm nay được kết hôn với Mỹ Linh hết sức kính ái, là một ngày quang vinh nhất, hân hoan nhất từ khi sinh ra tới nay. Tôi tin chắc rằng đời người nếu không có được hôn nhân mỹ mãn, thì hết thảy đều vô ý vị”.
Một văn nhân tên là Trương Quý Loan đã ngay lập tức công bố bài xã luận “Nhân sinh quan của Tưởng Giới Thạch”, mắng chửi rằng “binh sĩ liều cả mạng sống, chủ soái lại đi nói chuyện yêu đương”, công khai chỉ trích người lãnh đạo tối cao khi đó. Tưởng Giới Thạch cử người đi tìm Trương Quý Loan, sau một hồi chuyện trò, cơn giận dữ của Tưởng đã hoàn toàn tan biến, ông liên tục gọi Trương là tiên sinh, và lấy lễ “quốc sĩ” mà đối đãi.
Hồ Thích là đại văn nhân ‘thà lên tiếng mà chết, chứ không chịu im lặng mà sống’. Ngày 4/4/1934, Hồ Thích nhờ người đưa thư cho Tưởng, nghiêm nghị phê bình và yêu cầu Tưởng “định rõ chức quyền của mình, dùng toàn lực làm tốt những điều trong quyền hạn cho phép”, Tưởng vốn không hề tức giận.
Hồ Thích đến Đài Loan năm 67 tuổi, vẫn tiếp tục mắng chửi Tưởng. Chúng bạn đều khuyên Hồ Thích đừng nên quá phận, Hồ Thích cười: “Tôi và Tưởng Công là bạn cũ của nhau, cãi lại ông ấy hai câu thì có hề gì!”.
Năm 1920, nhà tư tưởng Đới Quý Đào có một lần uống say mắng chửi Tưởng Giới Thạch “ngu xuẩn như trâu bò”. Tưởng Giới Thạch nhất thời kích động, muốn liều mạng với Đới, chợt bình tĩnh lại, kiểm điểm bản thân: “Ở đâu có người không bị người khác mắng chứ?”. Về sau, Đới Quý Đào lại cho đứa con trai riêng của mình là Tưởng Vĩ Quốc làm con thừa tự của Tưởng Giới Thạch. Tưởng Giới Thạch cả đời thương yêu như chính con đẻ của mình.
Tưởng Giới Thạch thường vào những lúc đêm khuya phản tỉnh bản thân mình. Có những lúc thậm chí “nửa đêm tự mình kiểm điểm sai lầm, nhiều lần không ngủ được!”. Đánh trận thất bại, ông cũng phản tỉnh bản thân “lỗ mãng hấp tấp, tự tiện chuyên quyền!”. Trên đường nhìn thấy phụ nữ đẹp, sắc tâm khởi lên, ông cũng phản tỉnh bản thân: “Mình thật quá háo sắc rồi!”.
Ông nói: “Vạn vật trong thiên hạ đều sinh bởi thành tâm, đều dựa vào thành tâm mà duy trì, nếu như một niệm không chân thành, thì vạn vật đều là giả tạo cả!”. Cả một đời ông đều cố gắng làm được khiêm tốn, ôn nhuận như ngọc, tự do bao dung. Mọi lúc đều không quên phản tỉnh sai lầm của bản thân mình.
3. Quốc gia hủy rồi còn có thể phục hưng, văn hóa hủy rồi thì coi như mất hết
Năm 1937, sau biến cố cầu Lư Câu, chiến tranh bùng nổ, Bắc Kinh rơi vào tay quân Nhật.
Nhận thấy Trung Quốc không có được một chiếc bàn học yên bình, Tưởng Giới Thạch đã di dời trường cao đẳng Bắc Kinh đến một địa điểm khác, dựng thành trường đại học quốc lập tạm thời.
Ngày 13/12, Nam Kinh mất vào tay giặc, Vũ Hán báo cáo tình hình khẩn cấp, ngay cả ngôi trường tạm cũng không được bình yên, Tưởng Giới Thạch thốt lên rằng: “Quốc gia hủy rồi còn có thể phục hưng, văn hóa hủy rồi thì coi như tất cả mất hết!”.
Tháng 4/1938, ông lệnh cho bộ giáo dục di dời các trường đại học đến Côn Minh, vốn là nơi an toàn thời bấy giờ. Thời đó, không có đường cao tốc, cũng không có các phương tiện vận chuyển hiện đại như ngày nay, vậy nên việc di dời về phía tây là cả một thử thách lớn. Đội ngũ học sinh và giáo sư tổng cộng khoảng 300 người, dọc đường phải cuốc bộ, trèo đèo lội suối, thật là vô cùng khó khăn.
Vì để bảo đảm cho chuyến di dời an toàn, Tưởng Giới Thạch đã đặc biệt cử trung tướng Hoàng Sư Nhạc đích thân bảo vệ đoàn thuyền.
Học sinh thể chất yếu đuối, cứ khoảng tiếng đồng hồ lại phải nghỉ ngơi uống nước. Quan binh hộ vệ cũng không dám có chút thờ ơ, đều cố gắng chăm lo chu toàn nhất có thể. Dọc đường cảnh nội Hồ Nam họ gặp phải thổ phỉ, chính phủ phải ra mặt “gửi thông điệp”, quan binh tự mình mở đường.
Cuối cùng họ cũng đến được cảnh nội Vân Nam an toàn, quân đội chính phủ suốt đường đi đã bảo vệ chu đáo, không có chút sai sót nào. Tại sơn khẩu Viên Thông, tỉnh Vân Nam, trung tướng Hoàng Sư Nhạc chính thức bàn giao đội ngũ di dời về phía tây cho hiệu trưởng Tưởng Mộng Lân của trường đại học Bắc Kinh, 300 học sinh không có chút tổn hại. Bảo vệ như vậy, cũng được xem là đãi ngộ chu đáo nhất của chính phủ rồi. Thế nhưng Tưởng Giới Thạch vẫn cho đó là chưa đủ, ông đưa ra văn kiện: “Trường học không thể nghỉ dạy, giáo viên không thể giảm lương, giáo dục không thể bỏ lỡ!”.
Nói đến cùng, giáo dục là nền tảng của quốc gia. Sự hưng thịnh của một quốc gia là dựa vào giáo dục đặt nền tảng. Điều quan trọng nhất của một quốc gia không phải là kinh tế, mà là văn hóa không bị mai một, nếp sống không bị mai một. Một khi nếp sống bị mai một, phong cách người dân cũng sẽ theo đó mà trở nên bại hoại.
Kháng chiến tuy vô cùng gian nan, nhưng những công trình nghiên cứu về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên lại không hề bị gián đoạn. Các giáo sư giảng dạy của trường đại học liên hiệp Tây Nam đều là những bậc thầy nổi tiếng. Còn những học sinh được bồi dưỡng ra thì sao? Có Dương Chấn Ninh là nhà vật lý học nổi tiếng thế giới; có đại khoa học gia Lý Chính Đạo giành được giải Nobel vật lý; có Đặng Giá Tiên được khen ngợi là người có công lớn trong việc phát minh ra bom Atomic và bom Hydrogen; còn có Chu Quang Tiên “bậc thầy của những bậc thầy về khoa học kỹ thuật Trung Quốc”.
Năm 1941, Trùng Khánh là thủ đô thứ hai trong thời chiến tranh.
Tưởng Giới Thạch những lúc rãnh rỗi thích cùng Tống Mỹ Linh đến Uông Sơn tản bộ. Có một cậu bé tên Khang Quốc Hùng 12 tuổi, lớn gan trèo lên cây xem mặt chủ tịch quốc hội. Kết quả quân khuyển sủa loạn lên, Tưởng Giới Thạch liền gọi đến, ôn hòa hỏi rõ danh tính, sau đó còn cho cậu bé dự bữa điểm tâm. Lúc chia tay, ông xoa xoa đầu cậu bé, nói: “Lần sau, bác sẽ đến chơi với con!”.
Năm 1943, Tống Mỹ Linh sang Mỹ diễn thuyết, khi về nước đã đặc biệt mang theo cây bút máy Parker Pen 51 cho cậu bé ấy. Tưởng Giới Thạch còn tặng cậu bé cuốn sổ kỷ niệm, trên đó ghi: “Cháu ngoan Quốc Hùng, nuôi chí bền lâu”, khích lệ cậu bé hãy cố gắng học tập, làm người cần phải có chí hướng.
Tưởng Kinh Quốc lúc nhỏ ham mê đọc sách, Tưởng Giới Thạch nói: “Kinh Quốc tư chất tuy không phải rất cao, nhưng lại học rất tốt”. Lại dặn Kinh Quốc nghe lời dạy của bà nội và mẹ: “Hành xử phải thận trọng, không được lỗ mãng, ở lớp học phải chú ý nghe giảng, cẩn thận lĩnh hội, ắt phải hiểu rõ”. Ông còn đặc biệt nhấn mạnh: “Đọc sách cần phải đạt đến trình độ thuộc nằm lòng mới được!”.
Tưởng Kinh Quốc từ nhỏ đã có thói quen thư từ qua lại với cha, nhưng chữ viết cẩu thả. Tưởng Giới Thạch gửi thư hồi âm: “Viết chữ nét bút cần phải rõ ràng, chữ nào phải ra chữ nấy”.
Tưởng Giới Thạch kính trọng phần tử trí thức, yêu quý phần tử trí thức. Rất nhiều người nói thời Dân quốc, ông không phụ phần tử trí thức, mà là phần tử trí thức đã phụ ông.
Đó cũng là một câu mà ông từng nói: “Quốc gia bị phá hủy rồi còn có thể phục hưng, còn như văn hóa bị hủy rồi thì coi như mất hết!”.
4. Nếu đời người không có được hôn nhân mỹ mãn…
Tháng 11/1948, “Tòa nhà chính phủ” lung lay sắp đổ, Tưởng Giới Thạch phải lao tâm chèo chống. Phu nhân của ông là Tống Mỹ Linh quyết định đi sang Mỹ tìm kiếm viện trợ, Tưởng Giới Thạch trong lòng hiểu rõ dù có đi cũng là uổng công, hiện giờ đã không còn là hoàn cảnh chiến tranh chống Nhật của 5 năm về trước nữa.
Trước đó, năm 1943, Tống Mỹ Linh đến Mỹ, diễn giảng lưu loát bằng tiếng Anh ở Nhà Trắng. Những nơi mà bà ghé qua, mọi người đều đổ xô ra đường, bà được mọi người khen là người phụ nữ xinh đẹp nhất châu Á.
Nhưng đến năm 1948, khi bà lần nữa sang Mỹ tìm kiếm viện trợ, ai nấy đều trốn tránh. Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Harry S. Truman nói rằng, bà “đến nước Mỹ là vì để nhận được sự bố thí!”.
Vào đêm trước khi Tống Mỹ Linh sang Mỹ, Tưởng Giới Thạch cùng với vợ trò chuyện thâu đêm. Ông viết trong quyển nhật ký của mình rằng: “Đêm qua cùng ngồi trò chuyện với vợ, thật là quyến luyến không nỡ rời xa, tình cảm vợ chồng, càng già càng thêm nồng!”. Con người ta khi đã có tuổi rồi, trải qua biết bao mưa gió, cùng chung hoạn nạn mới biết rằng vợ chồng thời trẻ được bầu bạn đến lúc già thật sự đáng trân quý thế nào.
Năm 1927, hai người kết hôn. Sau khi cưới, Tưởng Giới Thạch chịu ảnh hưởng của vợ, chuyển sang tín phụng Cơ Đốc giáo, nhờ vậy ông đã bỏ đi rất nhiều thói xấu trong quân phiệt cũ trước đây, tính cách cũng dần dần trở nên điềm đạm ôn hòa hơn.
Sau khi đến Đài Loan, họ thường sống những năm cuối đời trong tòa dinh thự Sĩ Lâm cách thành phố Đài Bắc không xa. Họ là một đôi vợ chồng già ân ái, thường thường thắp nến cả đêm trò chuyện với nhau.
Buổi chiều, sau khi dùng trà bánh xong, Tưởng Giới Thạch sẽ hỏi vợ: “Darling, em có muốn đi ngồi xe một chút hay không?”, ý là, em có muốn lái xe đi hóng mát không?
Buổi tối dinh thự thường chiếu phim. Bộ phim mà Tưởng Giới Thạch yêu thích nhất là “Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài”, “Thất Tiên Nữ”, ông đặc biệt thích xem những bộ phim của quê nhà. Ông và vợ cùng từng tranh thủ xem bộ phim truyền hình “Bao Công truyện”, cả hai đều rất lấy làm vui thích.
Năm 1932, dinh thự chủ tịch Chính phủ Quốc dân xây dựng xong, về sau được xem như phòng nghỉ ngơi của các quan viên cao cấp đến bái kiến lăng Trung Sơn. Năm 1945, sau khi kháng chiến thắng lợi, Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh thường ở đây nghỉ ngơi vào ngày chủ nhật. Người Nam Kinh thích gọi nơi này là “Mỹ Linh cung”.
Năm 1925, trong lúc tu sửa lăng mộ của Tôn Trung Sơn, người ta đã trồng những cây ngô đồng thành hàng dài trên con đường lớn. Đến mùa thu, lá cây ngô đồng ngả sang màu vàng. Từ trên không nhìn xuống, “Mỹ Linh cung” giống như một viên đá quý màu xanh lam, còn cây ngô đồng kéo dài nhiều cây số trông giống như sợi dây chuyền màu vàng, tôn lên mặt dây chuyền không gì sánh kịp.
Có người nói đây là món quà ý nghĩa nhất mà Tưởng Giới Thạch tặng cho Tống Mỹ Linh. 80 năm qua, thời gian khiến những cây ngô đồng năm xưa nay đã khôn lớn. Đó là vẻ đẹp lộng lẫy sau khi đã trải qua bãi bể nương dâu, thời gian lắng đọng mới có thể nhìn thấy được. Thử hỏi, trước mặt tình yêu, còn có điều gì quý giá hơn sự lâu bền với thời gian nữa đây?
Ngày 5 tháng 4 năm 1975, Tưởng Giới Thạch mãi mãi rời khỏi thế gian. Đối với người nhà lo liệu hậu sự, ông chỉ nói câu: “Quan tài không chôn xuống đất, đợi đến sau này, có một ngày được an táng ở Đại Lục, an táng nơi quê nhà!”.
Sau khi rời khỏi thế gian, các con cháu dựa theo tập tục nơi quê nhà, con trai Tưởng Kinh Quốc mặc cho ông 7 chiếc quần, 7 chiếc áo trong, bao gồm chiếc áo dài khoác ở ngoài. Di thể lót thân bao gồm bông tơ, quần len, giày da màu đen. Còn những quyển sách mà ông thích đọc nhất, gồm 4 quyển: “Kinh Thánh”, “Hoang Mạc Cam Tuyền” (suối ngọt nơi hoang mạc), “Chủ nghĩa Tam Dân”, “Đường Thi”.
Có câu thơ cổ rằng:
“Hồ mã y bắc phong, Việt điểu sào nam chi”
(Ngựa Hồ vẫn y thói hí vang khi gió Bắc thổi, chim Việt khi đậu còn chọn cành phía Nam).
Còn có câu thơ:
“Hồ tử quy thủ khâu, Cố hương an khả vong!”
(Cáo chết quay về núi, cố hương quên được sao?).
Một đời của con người, đến sau cùng đều sẽ phải đối mặt với nội tâm của chính mình. Yên giấc trở về đến vị trí ban đầu nhất của mình, chính là giống như vận mệnh khó lòng nắm bắt được vậy. Sau khi cát bụi trở về với cát bụi rồi, hãy chờ đợi kiếp sau từ từ đến với mình…
Theo NTDTV
Thiện Sinh biên dịch