Đại Kỷ Nguyên

Bí mật đằng sau bản thu âm độc nhất vô nhị: Người duy nhất dám nói với Stalin về Chúa

Phụ nữ ngày nay làm đẹp thật dễ dàng bởi có nhiều lựa chọn mỹ phẩm và các kiểu phong cách thời trang. Tuy nhiên mỹ phẩm hay quần áo suy cho cùng chỉ là vật ngoại thân… Có thể tìm được một người phụ nữ với tâm hồn tinh khiết và thanh tao khiến cho lòng người rung cảm mới thật là hiếm có. Quả thực có một người phụ nữ như thế trong lịch sử, chính là Maria Yudina.

Bà là một nghệ sĩ piano người Nga vĩ đại. Bà là hiện thân của một tài năng âm nhạc. Hơn thế nữa, cùng với trái tim lương thiện và lòng kính ngưỡng Chúa tuyệt đối đã làm cho tiếng đàn của bà trở thành những bản nhạc bất hủ cho đời. Nhờ cuốn sách “Chiếc thang của Điều Phúc” (The ladder of the Beatitudes) của Jim Forest mà chúng ta được biết về một Maria Yudina quên mình chỉ biết nghĩ cho người khác. Đặc biệt câu chuyện kinh điển về tiếng đàn của Maria Yudina đã lay động trái tim Stalin ra sao khiến bạn không còn nghi ngờ gì nữa về sức mạnh của sự thiện lương.

Nghệ sĩ piano người Nga vĩ đại Maria Yudina (1899-1970). Ảnh dẫn theo wikipedia.org

Trong những năm cuối đời, Lãnh tụ Xô Viết Joseph Stalin ngày càng tỏ ra kỳ lạ, ông luôn tự nhốt mình ở một trong những ngôi nhà nghỉ mát của mình, rồi vui chơi theo cách kỳ quái. Họ nói ông ta cắt tranh và ảnh từ các tạp chí và báo cũ, dán chúng lên giấy, treo lên tường. Ông không để cho bất cứ ai nhìn thấy mình trong nhiều ngày. Stalin nghe radio rất nhiều. Một lần ông gọi cho đài phát thanh và hỏi họ có ghi âm Bản Concerto số 23 của Mozart do nghệ sĩ Yudina chơi đã được phát trên radio hôm trước hay không. Họ nói với Stalin rằng tất nhiên họ đã có nó, nhưng trên thực tế không hề có bản thu âm bởi vì chương trình đó phát sóng trực tiếp. Tuy nhiên, vì lo lắng nên họ không nói điều đó với Stalin.

Stalin yêu cầu họ gửi bản ghi âm bài biểu diễn của Yudina tới nhà của ông. Vậy là ngay trong đêm họ gọi Yudina và dàn nhạc tới để thu âm ngay lập tức. Mọi người đều run sợ, ngoại trừ Yudina, cô ấy vẫn biểu diễn thật tự nhiên.

Sau đó Yudina yêu cầu đưa người chỉ huy dàn nhạc về nhà, bởi trông anh ta sợ hãi đến mức không nghĩ được gì nữa. Họ làm theo yêu cầu của Yudina, gọi người chỉ huy thứ hai đến, nhưng người này vẫn tiếp tục sợ hãi đến mức lẫn lộn, khiến dàn nhạc càng thêm rối loạn. Chỉ tới khi thay người chỉ huy thứ ba, bản nhạc mới được thu xong.

Có lẽ đây là một sự kiện độc nhất trong lịch sử thu âm – thay đổi người chỉ huy dàn nhạc ba lần trong một đêm. Dù sao thì tới khi trời sáng, bản thu âm đã sẵn sàng. Họ đã thực hiện một bản thu âm duy nhất trong thời gian kỷ lục và gửi nó cho Stalin.

Ngay sau đó, Yudina nhận được một phong bì với hai mươi nghìn rúp như một phần thưởng đến từ Stalin. Bà đã nhân cơ hội này viết một bức thư gửi cho Stalin. Shostakovich không thể tin những gì viết trong lá thư mặc dù ông biết rằng Yudina đã kể lại cho ông một cách chân thật. Một vài dòng trong bức thư đó như sau:

Tôi cám ơn ngài, Vissarionovich, vì phần thưởng này của ngài. Tôi sẽ cầu nguyện cho ngài cả ngày và đêm, và xin Chúa tha thứ cho những lỗi lầm lớn của ngài trước dân chúng và đất nước. Chúa luôn từ bi và sẽ tha thứ cho ngài. Còn số tiền của ngài tôi đã đưa cho nhà thờ.

Yudina đã gửi lá thư chết người này cho Stalin. Ông ta đọc nó, không nói một lời nào, cũng chẳng hề cau lông mày. Đúng ra, lệnh bắt Yudina đã sẵn sàng và chỉ cần một cái cau lông mày của Stalin cũng đủ để lau sạch dấu vết cuối cùng của Yudina. Nhưng Stalin không có biểu hiện gì, chỉ đặt lá thư sang một bên trong im lặng. Vậy là, không có gì kinh khủng xảy ra với Yudina. Cho đến khi người ta phát hiện Stalin đã chết trong căn nhà của ông, thì họ cũng đồng thời tìm thấy bản Concerto số 13 mà Yudina đã chơi ấy nằm trong máy nghe nhạc. Có nghĩa là, bản nhạc của Yudina chính là điều cuối cùng mà ông ấy lắng nghe.

Yudina có lẽ là người duy nhất dám nói với Stalin rằng ông không nằm ngoài lòng thương xót và tha thứ của Chúa. Bà có một trái tim rộng lượng và trong trắng. Không có gì ngạc nhiên khi ngôi mộ của bà ở Mátxcơva đã trở thành nơi hành hương cho các tín đồ thành tâm từ khi bà qua đời.

Chính sự thánh thiện, nhân hậu, vị tha của những người tu luyện hướng Thiện như Maria Yudina đã lay động được đến tâm can con người vô thần, bạo lực như Stalin. Ảnh dẫn theo classicfm.com

Chuyện về Maria được kể lại từ những người bạn của bà, trong số đó là nhà soạn nhạc Dimitri Shostakovich. Ông biết nhiều về con người của Yudina, thậm chí bà đã từng ngủ dưới cây đàn piano của mình và còn biết rằng đối với Yudina đó là nơi an toàn nhất trong căn nhà.

Maria Yudina sống một cuộc đời khổ hạnh, không dùng mỹ phẩm, chi tiêu rất ít cho bản thân mình, và ăn mặc giản dị. Ông Shostakovich nói: “Tôi ấn tượng Yudina luôn chỉ mặc một chiếc váy màu đen trong suốt cuộc đời dài của bà ấy, nó đã quá mòn và cũ.” Bởi Yudina chính là như thế, bà chẳng giữ bất kỳ thứ gì giá trị cho riêng mình, bà chỉ luôn nghĩ cho người khác mà thôi. Shostakovich kể về một kỷ niệm với Maria Yudina “Một lần cô ấy đã đến gặp tôi, nói rằng cô ấy đang sống trong một căn phòng nhỏ, cô ấy không thể làm việc và cũng không thể nghỉ ngơi.” Vì vậy, tôi đã làm các cách có thể để giúp cô ấy.

Trải qua bao khó khăn cuối cùng chúng tôi cũng tìm được một căn hộ cho Yudina. Tưởng như mọi chuyện thế là ổn. Nhưng một thời gian ngắn sau đó cô ấy lại đến gặp tôi nói không có nhà để ở. “Gì cơ? Chúng tôi đã tìm cho cô một căn hộ, sao cô lại cần một căn hộ khác?” Bà ấy trả lời như thế nào bạn biết không? “Tôi đã để lại căn hộ cho một người phụ nữ khác”.

Yudina trong sáng và lương thiện dường như luôn chọn sự hy sinh bản thân mình cho người khác ngay tắp lự. Ở một hoàn cảnh dù khó khăn đến mấy, trái tim cô gái nghèo vẫn giàu tình yêu thương và hướng về sự chia sẻ như bông hoa hướng dương lựa chọn phía mặt trời. Câu chuyện Yudina vay năm rúp để sửa cánh cửa sổ thật khiến người ta cảm động đến khó tin. Một lần Yudina nói với bạn của mình “Tôi đã làm hỏng một cánh cửa sổ trong phòng của tôi, bây giờ căn nhà lạnh lẽo quá”, Shostakovich đã miêu tả rằng: “Tất nhiên là họ đã cho cô ấy vay tiền – nhất là khi thời tiết đang trong mùa đông vô cùng lạnh giá. Vậy mà, một thời gian sau đó họ đến thăm cô ấy, và trong căn phòng cô ấy lạnh lẽo như ngoài trời còn chỗ cánh cửa sổ bị hỏng thì được nhồi bằng khăn. ‘Sao lại như thế này, Maria Veniaminovna? Chúng tôi đã cho bạn tiền để sửa cửa sổ cơ mà.’ Và cô ấy trả lời ‘Tôi đã đưa cho nhà thờ vì họ cần tiền’.”

Shostakovich, vốn là một người coi tôn giáo là mê tín, đã không tán thành điều này. Ông cáo buộc bà hành xử giống như một yurodivye, một từ ngữ của Nga ám chỉ một kẻ thánh thiện ngớ ngẩn, một sự thánh thiện chỉ có thể có ở trong nhà thờ.

Thế nhưng đó chính là Yudina, là cô gái với tấm lòng nhân hậu có thể quên đi bản thân chỉ biết nghĩ cho người khác. Một trong những điều làm nên tấm lòng ấy cũng chính là điều làm nên cuộc đời được ghi chép lại của Yudina chính là lòng kính ngưỡng Chúa sâu sắc. Ở bà luôn toát lên niềm tin tôn giáo kiên định không chút sợ hãi.

Vào thời điểm tôn giáo được tự do, người ta luôn thấy bà đeo biểu tượng cây thập giá khi giảng dạy hay biểu diễn trước công chúng – như một sự khẳng định niềm tin hiện hữu không rời. Sau đó khi tôn giáo bị thắt chặt đến mức từng ngôn từ bị kiểm soát gắt gao thì tín ngưỡng cao cả của Maria Yudina vẫn không ẩn đi mà thăng hoa trong từng tiếng đàn. Bà chơi bản Goldberg Variations của Bach như thể lời minh họa cho Kinh Thánh, còn Shostakovich thì nói rằng bà luôn chơi như thể đang thuyết giảng.

Bất chấp tôn giáo bị kiểm soát gay gắt thì tín ngưỡng vào Chúa của Maria Yudina vẫn không ẩn đi mà thăng hoa trong từng tiếng đàn. Ảnh dẫn theo wikipedia.org

Đôi khi, sự bộc lộ mạnh mẽ và trực diện về đức tin đã khiến bà không ít lần rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù là một nghệ sĩ tài năng, bà vẫn bị cấm tại các sảnh hòa nhạc và không một lần trong đời được phép đi ra nước ngoài.

Shostakovich kể rằng, bà luôn bị theo dõi và thậm chí đã từng bị tấn công bởi kỵ binh tại trường âm nhạc ở Leningrad. Serebriakov, vị giám đốc của trường âm nhạc Leningrad mặc dù biết rằng Yudina là một nghệ sĩ piano hạng nhất, nhưng ông luôn cảm thấy không yên tâm về bà. Ông đã để cho quân lính chạy vào lớp học của Yudina và hỏi Yudina: “Bà có tin vào Đức Chúa Trời không?” Bà khẳng định quả quyết niềm tin của mình. “Bà có khuyến khích tuyên truyền tôn giáo trong các sinh viên của mình không?” Bà trả lời rằng Hiến pháp đã không cấm.

Vài ngày sau, một bản sao của cuộc đối thoại được thực hiện bởi “một người lạ mặt” xuất hiện trong một bài báo của Leningrad, in hình một biếm hoạ Yudina trong áo choàng của nữ tu được bao quanh bởi các học sinh đang quỳ. Dòng chữ dưới tranh hàm ý nhà truyền giáo xuất hiện tại Nhạc viện. Tất nhiên, sau sự kiện đó Yudina đã bị đuổi việc.

Đối với những người có niềm tin không thể lay chuyển thì những phỉ nhổ và đặt điều bôi nhọ chỉ càng là cơ hội để họ khẳng định lại đức tin của mình. Không có một sức mạnh bạo lực nào có thể lay chuyển được những tâm hồn thanh cao, thuần khiết. Ngược lại, chính sự thánh thiện, nhân hậu, vị tha của những người tu luyện hướng Thiện như Maria Yudina đã lay động được đến tâm can con người vô thần như Stalin.

Thiên Anh

Xem thêm:

 

Exit mobile version