Đại Kỷ Nguyên

Bí mật đằng sau nhát đâm oan trái Quan Vân Trường phải hứng chịu từ người anh em Trương Phi

Tưởng chừng kết nghĩa đào viên là cuộc đời này đã vô cùng mãn nguyện, khi sướng thì cùng nhau vui hưởng, khổ thì cùng nhau gánh vác. Ấy vậy mà cũng chính vì cái “kết nghĩa” ấy cùng một chút hiểu lầm, mà hai đại hảo hán thời Tam Quốc là Trương Phi và Quan Vân Trường đã suýt nữa máu đổ đầu rơi, huynh đệ tương tàn… mới có thể tìm lại được với nhau. Câu chuyện ấy đã mở ra một triết lý nhân sinh huyền diệu ẩn tàng sau đó. 

“Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung có nhiều nhân vật, nhưng sinh động nhất, gây ấn tượng sâu sắc nhất cho người đọc có lẽ là Tào Tháo, Khổng Minh, Quan Vũ và Trương Phi. Trong đó, câu chuyện về hai anh em Trương Phi – Vân Trường trong phân đoạn “Hồi trống cổ Thành” đã để lại một ví dụ kinh điển về lòng trung nghĩa có một không hai, lay động đất trời của hai người anh hùng này.

Vì sao Trương Phi trở mặt với Vân Trường? 

Lúc mới dựng nghiệp, nhà Thục còn yếu, trong khi quân Tào rất mạnh do ỷ thế thiên tử. Vì thế, quân Thục bị thua liên tiếp. Lưu Bị cùng Đổng Thừa, Vương Tử Phục, Quan Công, Trương Phi bàn mưu kế chống lại Tào Tháo. Bị bại lộ, Tào Tháo giết bọn Đổng Thừa rồi kéo 20 vạn quân tiến đánh Lưu Bị. Ba anh em Lưu – Quan – Trương thua trận, mỗi người chạy một nơi. Lưu Bị chạy sang Nhữ Nam ở nhờ Viên Thiệu, Quan Vũ bị vây khốn ở Thổ Sơn, Trương Phi chạy vào Cổ Thành chiêu binh mãi mã nhưng không một ai biết những người còn lại đang ở đâu.

Khi Quan Vũ bị quân Tào bắt, Trương Liêu, một viên tướng của Tào Tháo là bạn của Quan Vũ thời trẻ đã đến thuyết phục ông về với Tào Tháo. Vân Trường ra ba điều kiện trong đó có một điều kiện là hễ nghe tin Lưu bị ở đâu thì phải để cho Quan Công về ngay với anh.

Biết tin Lưu Bị đang ở trên đất Viên Thiệu, Quan Vũ đưa hai chị dâu đi tìm. Tào Tháo vì không muốn mất một viên hổ tướng hiếm có như Quan Vũ nên khi chia tay đã lờ đi, không cấp giấy qua ải cho ông, nhưng cũng không sai tướng đuổi bắt. Trên chặng đường đi, các tướng trấn ải của Tào Tháo thấy ông không có giấy thông hành, nên đã không để cho Quan Công qua ải. Sau khi thuyết phục bất thành, ông đành phải mở đường máu mà đi.

Quan Vũ đã phải chém 6 tướng Tào để vượt qua 5 cửa ải. Tiếp tục cuộc hành trình, trên đường sang Nhữ Nam tìm Lưu Bị, đến cổ Thành, Quan Vũ hỏi thăm được biết Trương Phi đang ở đấy nên xiết bao vui mừng. Trương Phi vốn nghi ngờ anh hai của mình ăn ở hai lòng đã lầm tưởng là Quan Vũ lừa mình để bắt nộp cho Tào Tháo nên vô cùng giận dữ, thúc ngựa, tay cầm xà mâu, quân mã kéo trống theo ra khỏi thành, quyết lấy mạng Quan Vũ.

Đại trượng phu không thờ hai chủ

Đây là cuộc “đụng độ” vô cùng đặc biệt giữa hai anh em kết nghĩa là Quan Vũ và Trương Phi ở Cổ Thành, đã dẫn tới giai thoại vô cùng bi tráng, đẫm nước mắt. Quan Công và Trương Phi là hai nhân vật được xây dựng như những hình tượng tiêu biểu của người anh hùng xuyên suốt tiểu thuyết. Tuy nhiên, riêng ở trích đoạn này, những phẩm chất anh hùng của họ cực kỳ nổi bật, được đặt trong mối quan hệ với nhau, soi sáng và tôn vinh lẫn nhau.

Nếu như Trương Phi vốn nổi tiếng là người anh hùng trượng nghĩa một cách thẳng thắn, cương trực, trong sáng đến tận độ, thì ở trích đoạn này, những đặc điểm nói trên phải đối diện với một tình huống thật khó xử: gặp lại người anh kết nghĩa vườn đào Quan Vân Trường đưa hai phu nhân của người anh cả đồng thời cũng là chủ nhân – Lưu Bị trở về. Nhưng oái ăm thay, người anh đó đã “bỏ Lưu, hàng Tào”, “thờ hai chủ” (theo cách nghĩ của Trương Phi).


Trong con mắt của Trương Phi, Quan Công là kẻ phản bội.

Với Trương Phi, Quan Công đã bước qua làn ranh giới không thể lẫn lộn giữa “nghĩa” và “bội nghĩa”, “nghĩa” và “phụ nghĩa”, đã biến từ người anh kết nghĩa và người cùng chí hướng thành kẻ thù không đội trời chung. Khi gặp Trương Phi thấy Trương Phi “mắt trợn tròn xoe, râu hùm vểnh ngược, hò hét như sấm, múa bát xà mâu, chạy lại đâm Quan Công”.

Quan Công đã nói: “Hiền đệ cớ sao như thế, há quên nghĩa vườn đào ư?” Câu nói này đã làm cho Trương Phi bừng bừng nổi giận. Ý của Quan Công là muốn nhắc lại việc ba anh em kết nghĩa vườn đào để uốn nắn thái độ quá khích đang lên cao không biết từ đâu tới của Trương Phi, không ngờ lại đổ thêm dầu vào lửa, càng làm cho Trương Phi thêm phẫn nộ. Vì theo Phi, Quan Công ở chung với Tào Tháo một thời gian, nhận tước vị Tào Tháo phong cho đã là phản bội, đã phản bội mà còn dám động đến chuyện ‘kết nghĩa vườn đào’ thì lại càng đáng căm thù và phỉ nhổ. Quan Công phản bội thì phải xử đúng như lời thề trước đây: “Nếu ai bội nghĩa quên ơn thì trời, người cũng giết”.

Những lời thanh minh cho Quan Công của hai chị dâu và Tôn Càn không làm dịu bớt cơn thịnh nộ của Trương Phi:

– Khoan đã chú Ba, khoan đã! Chớ hấp tấp mà làm càn bây giờ. Chú Hai không biết tin tức mọi người nên phải tạm nương mình bên Tào. Nay đã biết anh nhà ở Nhữ Nam, không ngại hiểm trở, đưa bọn ta đến đây. Chú không được nghĩ lầm như thế!

Mi phu nhân cũng nói: “Chú Hai trước ở Hứa Đô, thực là bất đắc dĩ.

Phi nói: “Hai chị bị lừa dối đấy. Trung thần thà chịu chết không chịu nhục. Có lẽ đâu đại trượng phu lại thờ hai chủ?

Quan Công nói: “Hiền đệ đừng nói như vậy, oan uổng quá.

Tôn Càn cũng nói: “Vân Trường đến đây là cốt để tìm tướng quân.

Trương Phi mắng: “Mày cũng nói láo, nó đâu có bụng tốt, nó lại đây tất là để bắt ta đó!


Không ai có thể nói hộ cho Quan Công được.

Tôn Càn bênh vực Quan Công không được mà Cam phu nhân, Mi phu nhân thanh minh hộ cũng vô hiệu. Với Trương Phi, bây giờ dẫu có “trăm lần nghe” cũng không thể bằng nổi “một lần thấy”. Trước vấn đề trọng đại – giết anh, Trương Phi đã hết sức cẩn trọng, trái ngược với cái tính nóng nảy, thô lỗ nông cạn thường ngày, mà thay vào đó là người tế nhị, tinh tế, cực kỳ cẩn trọng.

Quan Công thanh minh: “Nếu ta đến bắt em, tất phải đem theo quân mã chứ!” Trương Phi trỏ tay đằng xa, nói: “Không phải quân mã là gì kia?” Sự hiểu lầm đã lên tới đỉnh điểm vì một chi tiết rất ngẫu nhiên, khi đúng lúc đó tướng Tào là Sái Dương dẫn quân ầm ầm kéo đến bắt Quan Công, khiến Trương Phi càng khẳng định thêm nghi ngờ của mình là đúng.

Thanh minh không được, Quan Vũ hứa sẽ chém đầu tướng Tào để tỏ lòng thành. Trương Phi ra điều kiện rất khắc nghiệt rằng sau ba hồi trống Quan Công phải chém được đầu Sái Dương. Quan Công trước đó đã bị Lưu Bị ngờ vực, khi nghe tin Quan Công ở trong doanh trại Tào Tháo, Lưu Bị đã viết thư khiển trách nặng nề: “Bị cùng túc hạ kết nghĩa vườn đào, thề cùng sống thác, nay sao nửa đường bỏ nhau, cắt đứt ân nghĩa? Túc hạ nếu muốn lập công danh, toan đường phú quý, Bị xin đem đầu dâng túc hạ để túc hạ lập nên công lớn… ”.


Nỗi oan thấu trời của người quân tử…

Dù đã viết thư phúc đáp rằng: “…Em có bụng khác, thần người cùng giết. Moi gan rạch mật, bút giấy không nói hết lời… Xin nhủ lòng soi xét”, nhưng trong lòng Quan Công khát vọng minh oan vẫn thôi thúc bấy lâu, và vì thế mà sức mạnh và tài năng đã nhân lên gấp bội để tỏ rõ tấm lòng trong sáng của mình. Thêm nữa, sẵn có mâu thuẫn với Sái Dương, Quan Công đã chém được đầu Sái Dương trong một thời gian rất ngắn, ngắn hơn cả điều kiện hà khắc mà Trương Phi đã đặt ra.

Trương Phi tạm nguôi giận nhưng chỉ sau khi nghe tên lính hầu của Sái Dương bị Quan Công bắt kể đầu đuôi mọi chuyện thì chàng mới tin, “rỏ nước mắt khóc, thụp lạy Vân Trường”. Nhờ tấm lòng trung tính ngay thẳng sáng trong đó đã khiến tác giả có thể mô tả Trương Phi không mội chút khiên cưỡng thay đổi hoàn toàn thái độ khi Quan Công đã chém được Sái Dương lúc chưa dứt một hồi trống, khi đã nghe tên lính cầm cờ hiệu của Sái Dương và cả Cam phu nhân, Mi phu nhân kể về cuộc sống của Quan Công khi ở bên Tào. Không có chút mâu thuẫn nào giữa một Trương Phi hăm hở cầm xà mâu đâm Quan Công ở đầu trích đoạn và một Trương Phi “rỏ nước mắt khóc, thụp lạy Vân Trường” ở cuối trích đoạn.

Mượn hình tả ý của La Quán Trung và triết lý ẩn dấu đằng sau câu truyện 

Quan Công vốn đã được mệnh danh là nhân vật “tuyệt nghĩa” (bên cạnh Lưu Bị “tuyệt nhân”, Khổng Minh “tuyệt trí”). Song đến trích đoạn này, chữ “nghĩa” của Quan Công phải đối mặt với một thử thách oái ăm, khi đứng trước người anh hùng không phải là những cám dỗ tiền tài, rượu ngon, gái đẹp, ngựa hay… như khi còn ở trong cảnh “thân tại Tào doanh tâm tại Hán” để Quan Công có thể chối từ.

Cũng không phải năm cửa ải hiểm trở của quân thù để Quan Công có thể “qua năm ải chém sáu tướng”. Mà là “cửa ải thứ sáu” và cũng là cửa ải thử thách ghê gớm nhất đối với lòng trung nghĩa của ông. Nếu như 5 ải kia cũng giống như 5 giác quan của con người (mắt, mũi, tai, lưỡi, tay) vậy. Những trở lực đến từ bên ngoài, khảo nghiệm tác động vào cả 5 giác quan ấy, nhưng đã không thể nào động tâm được người anh hùng, vì từ trong sâu thẳm, nguồn nội lực tinh thần chính trực của ông mạnh mẽ hơn bất cứ những thứ ‘vật chất’, bất cứ ‘kẻ thù’ nào đến từ bên ngoài, dễ dàng chiến thắng chúng mà không chút đắn đo.

Còn cuộc gặp gỡ với Trương Phi là “cửa ải thứ 6” mà Quan Công phải vượt qua, một cửa ải khác hẳn về tính chất và độ khó, vì phải chứng tỏ tấm lòng trung nghĩa, tín nghĩa sắt son, vẹn toàn của mình. Quan Công đã làm điều đó đúng như người anh hùng đích thực phải làm: Quan Công trong đoạn trích này tỏ ra rất khiêm nhường, nhũn nhặn. Đó là thái độ hết sức hợp lý và cần thiết khi mà Quan Công ở trong tình cảnh “tình ngay, lý gian”.

Để thanh minh, nhất là trước một người nóng nảy như nghĩa đệ Trương Phi của mình, ông không thể tự cao, tự phụ, không thể dõng dạc, đường hoàng như ở nơi khác, trong hoàn cảnh khác được. Bởi thế, Quan Công còn phải nhờ đến cả hai chị dâu minh oan cho mình. Không hiệu quả, Quan Công lại phải tự mình kêu oan. Không nên hiểu đây là sự uỷ mị, yếu đuối. Phải hiểu giá trị của lời thề kết nghĩa vườn đào thiêng liêng như thế nào, phải hiểu quan niệm “trung thần thà chịu chết không chịu nhục”, “đại trượng phu không thờ hai chủ” mới thấy cách xử sự của Quan Công trước Trương Phi như thế là rất hợp tình, hợp lý.

Sau khi dùng lý lẽ thuyết phục nhưng Phi vẫn không tin, thì lúc này hành động sẽ là câu trả lời rõ ràng nhất, giải khai nút thắt đã lên đến đỉnh điểm, chém đầu tướng Tào Sái Dương khi hồi trống thách thức thứ nhất của Phi còn chưa dứt. 5 cửa ải trước là thử thách người ‘tướng giỏi’, nhưng cửa ải “thứ 6” mới là thử thách dành cho ‘bậc anh hùng’.


Khi nút thắt được giải khai, là lúc cảm xúc bị vỡ oà.

Và có một cái rất hay trong câu chuyện này, đó là không chỉ có một anh hùng, mà có tới hai anh hùng: một người chịu nạn và trở thành anh hùng (Quan Công), một người tạo nạn cũng đã chứng tỏ được khí phách của người anh hùng (Trương Phi).

6 cửa ải của người quân tử Quan Công phải trải qua, cho thấy đạo đức làm một bậc  “chính nhân quân tử” rất cao, và cũng đã ở rất gần với tư tưởng tu luyện đạo đức của Đạo giáo. Vì khái niệm ‘quân tử’ là đến từ Nho giáo, mà Nho giáo và Đạo giáo thì rất liên quan đến nhau. Nho giáo là tiêu chuẩn đạo đức dành cho con người (Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín), do Khổng Tử truyền lại. Còn Đạo giáo là tiêu chuẩn đạo đức dành cho những người muốn thông qua con đường tu luyện giải thoát để trở thành người siêu thường – các vị Thần, Tiên (Ta có thể thấy rõ nhất trong cuốn sách nổi tiếng của Đạo giáo – Đạo Đức Kinh do Lão Tử truyền cấp lại cho hậu thế).

Khổng Tử đã từng tới gặp Lão Tử và sau đó ông đã nói với đệ tử của mình rằng: “Loài chim ta biết nó bay được, loài cá ta biết nó lội được, loài thú ta biết nó chạy được. Chạy thì ta dùng lưới để bẫy, lội thì ta dùng câu để bắt, bay thì ta dùng tên để bắn. Còn loài rồng cưỡi gió mây ở trên trời thì ta không làm cách gì biết được. Nay ta đã gặp Lão Tử – ông ấy như con rồng vậy.


Giây phút Khổng Tử thọ giáo Lão Tử. (Ảnh: 803)

Đó chính là điểm khác biệt giữa Nho giáo và Đạo giáo, nhưng cũng là mối liên hệ rất gần để một người có nguyện vọng: từ một người tốt nơi người thường (đạt được các tiêu chuẩn đạo đức của Nho giáo) trở thành một người tốt nơi siêu thường (đạt tới các tiêu chuẩn đạo đức cao thâm của Đạo giáo). Để từ một người quân tử “đầu đội trời, chân đạp đất” (Trương Phi, Vân Trường) nếu muốn đã có thể bắt đầu tiến những bước đầu tiên trên con đường tu Đạo để trở thành Thần Tiên, không chỉ là một ‘võ linh’ nữa. Trên con đường đó, người tu luyện sẽ liên tục buông bỏ các tính không tốt của mình, dần dần trở thành một con người hoàn toàn trong sạch, hoàn toàn vì người khác, trở thành một bậc Giác ngộ!

Đó có lẽ là một ‘ẩn ý’ thâm sâu mà tác giả thông qua câu chuyện “Hồi trống Cổ Thành” muốn nhắn gửi với những độc giả không những yêu thích khái niệm “trung nghĩa”, “tín nghĩa” của một người anh hùng, mà còn là sự gợi mở cho những ai đang tìm kiếm con đường giải thoát cho bản thân mình giữa cõi hồng trần này, con đường “phản bổn quy chân” (quay trở về nguồn cội) theo giáo lý của Đạo giáo, hay giải thoát khỏi luân hồi (theo giáo lý nhà Phật). Chúng tôi xin được khép lại câu chuyện cảm động về hai anh em Trương Phi – Vân Trườn bằng 2 câu thơ trong Tam Quốc Diễn Nghĩa:

Chém Sái Dương anh em hòa giải,

Hồi Cổ Thành tôi chúa đoàn viên.

Ánh Trăng tổng hợp

Xem thêm:

Exit mobile version