Đại Kỷ Nguyên

Bí mật phong thủy đằng sau kiến trúc độc đáo của kinh thành Huế thời nhà Nguyễn (P.1)

Có bài thơ rằng: 

“Sông Đằng một dải dài ghê
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”

(Bạch Đằng Giang Phú – Trương Hán Siêu) 

Lịch sử như dòng sông dài cuốn đi trong lớp sóng của nó bao nhiêu sự tích, chiến công, thành bại của cả một dân tộc. Thế kỷ 21 hiện đại với quá nhiều thú vui và dục vọng, mấy ai còn lưu tâm đến những huy hoàng của quá khứ, những tinh hoa của cổ nhân hay những bài học sâu sắc từ ngàn xưa? 

Việt Nam 4.000 năm văn hiến với nhiều triều đại kiệt xuất thấm đẫm văn hóa Phật Đạo Thần đã đem đến cho dải đất xinh đẹp này biết bao nhiêu kỳ tích và truyền kỳ vẫn còn rọi sáng đến tận hôm nay. Chúng tôi tiến hành loạt bài viết về lịch sử Việt Nam mong muốn đem đến cho quý độc giả một góc nhìn mới về sử Việt, chính là ôn cũ biết mới, ngẫm chuyện xưa nhìn chuyện nay, tự đúc rút cho mình những trải nghiệm riêng. 

Trong các di sản còn lại của thời phong kiến thì kinh thành Huế là còn nguyên vẹn và tiêu biểu nhất. Kiến trúc của kinh thành chính là thể hiện tầm vóc và sinh khí của cả dân tộc. Hãy cùng bắt đầu chuyến tham quan kinh thành Huế, khám phá đời sống của các đế vương, lần giở lại những trang sử lập quốc của một triều đại phong kiến Việt Nam đã từng rất hùng mạnh. 

Kiến trúc quan trọng nhất của kinh đô Huế chính là tòa kinh thành. Bằng một vốn văn hóa sâu dày trăm năm và tài trí của dân tộc, các vị Hoàng đế triều Nguyễn đã tạo nên một tòa hoàng cung tráng lệ. Ngoài việc dùng làm nơi sinh hoạt, tòa thành này còn có một vai trò vô cùng quan trọng, đó là: Tận dụng sức mạnh phong thủy, kế thừa truyền thống Nho học để định hình một quy chuẩn lãnh đạo chuẩn mực nhất cho muôn đời con cháu nhà Nguyễn noi theo. 

Toàn cảnh kinh thành Huế khi nhìn từ trên cao. Ảnh dẫn theo youtube.com

Tại sao một tòa thành lại có thể định hình tư duy và thậm chí định ra quy chuẩn lãnh đạo truyền lại đến đời sau như vậy? Vì phong thủy đỉnh cao vốn không phải dùng để chiêu tài cầu may mà chính là dùng cho Đế vương cai trị thiên hạ. Sắp xếp quốc gia sao cho Thiên – Địa – Nhân đạt đến sự hòa hợp cao nhất (Thái hòa) mà vươn đến thời toàn thịnh. Vậy nên kiến trúc phong thủy của cả tòa thành phải đạt được cảnh giới thông linh, có thể sinh ra trường năng lượng tốt lành, tác động được đến tư duy và cách sinh hoạt của chủ nhân khiến nó trở nên hài hòa chuẩn mực, biến chủ nhân thành một đấng minh quân.

Trong trường hợp ý Trời cho một người quá kém cỏi lên làm vua thì phong thủy của tòa thành cũng sẽ cứu vãn một phần, để vị vua ấy không trở thành hôn quân bạo chúa. Chính vì thế cố đô Huế mang một giá trị vĩnh hằng trong nghệ thuật kiến trúc đỉnh cao của Việt Nam, điều vốn không nằm ở tầm vóc quy mô công trình mà chính ở giá trị phong thủy tâm linh cũng như quá trình cải tạo phong thủy hơn 200 năm mà các vua chúa Nguyễn đã dày công gây dựng.

Nghệ thuật phong thủy đỉnh cao chính là phong thủy tâm linh với nền tảng nhân đức

Kinh thành Huế (hay Thuận Hóa) là một tòa thành ở cố đô Huế, nơi đóng đô của triều đại nhà Nguyễn trong suốt 143 năm (1802 – 1945). Kinh thành Huế được vua Gia Long tiến hành khảo sát từ năm 1803, khởi công xây dựng từ 1805 và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng.

Tòa thành được quy hoạch bên bờ Bắc sông Hương, xoay mặt về hướng Nam, với diện tích mặt bằng 520ha. Về mặt phong thuỷ, tiền án của kinh thành là núi Ngự Bình cao hơn 100 mét, đỉnh bằng phẳng, dáng đẹp, nằm giữa vùng đồng bằng như một bức bình phong thiên nhiên che chắn trước kinh thành. Hai bên là Cồn Hến và Cồn Dã Viên làm tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ (rồng xanh bên trái, hổ trắng bên phải) tạo thế rồng chầu hổ phục, tỏ ý tôn trọng vương quyền. Minh đường thủy tụ là khúc sông Hương rộng, nằm dài giữa hai cồn cong như một cánh cung mang lại sinh khí cho đô thành. 

Bằng một vốn văn hóa sâu dày trăm năm và tài trí của dân tộc, các vị Hoàng đế triều Nguyễn đã tạo nên một tòa hoàng cung tráng lệ. Ảnh dẫn theo huecitytour.com

Vòng thành có chu vi gần 10km, cao 6,6m và dày 21m được xây khúc khuỷu với những pháo đài được bố trí cách đều nhau, kèm theo các pháo nhãn, đại bác, kho đạn. Thành ban đầu chỉ đắp bằng đất, mãi đến cuối đời Gia Long mới bắt đầu xây gạch. Bên ngoài vòng thành có một hệ thống hào bao bọc. Riêng hệ thống sông đào (Hộ Thành Hà) vừa mang chức năng bảo vệ vừa có chức năng giao thông đường thủy có chiều dài hơn 7km.

Xem ra phong thủy kinh thành Huế dường cũng không có gì đặc biệt nếu so với các linh địa nổi tiếng khác trên thế giới. Nhưng nếu kết hợp với quá trình tích đức 200 năm khởi nguồn là việc xây chùa Thiên Mụ để tụ linh cho long mạch thì kinh thành Huế chính là kết quả của sự dày công tụ linh tích đức đó. Trong lịch sử có dòng họ nào làm Chúa đến 200 năm rồi lại làm Hoàng Đế thêm 143 năm, mở mang ra một lãnh thổ rộng lớn và hùng mạnh hơn bất kỳ thời nào trong 4000 năm lịch sử Việt Nam? Kinh đô Huế phải được xem xét đúng với giá trị vĩ đại của nó. Huế vừa là kỳ quan phong thủy tâm linh, vừa từ phong thủy mà khai sáng cả một thời đại thịnh trị của dân tộc. Để xây dựng nên nó, họ Nguyễn đã mất hơn 232 năm vừa chuẩn bị âm đức vừa tiến hành xây dựng. 

Kỳ đài – Ý chí của Hoàng gia, chính khí Nho học mãi trường tồn

Kỳ đài là kiến trúc cao nhất trong kinh thành Huế, nằm ở góc chính Nam của kinh hành đối diện Ngọ Môn. Kỳ Đài gồm hai phần: đài cờ và cột cờ. Đài cờ gồm ba tầng hình chóp cụt chữ nhật chồng lên nhau. Tầng thứ nhất cao hơn 5,5m, tầng giữa cao khoảng 6m, tầng trên cùng cao hơn 6m. Tổng cộng của ba tầng đài cao khoảng 17,5 m.

Kỳ Đài cao 3 tầng tượng trưng Thiên – Địa – Nhân hòa hợp và Tam cương (vua tôi, cha con, vợ chồng), là nền móng của đạo đức Nho học. Ảnh dẫn theo khamphahue.com.vn

Theo văn hóa cổ thì kỳ đài nằm ở phía chính Nam, thuộc cung Ly, hành Hỏa tượng trưng cho sự vui vẻ hòa hợp, tinh thần sáng suốt và sự giáo dục, giáo hóa dân chúng. Ngoài ra cung này còn tượng trưng cho toàn dân Viêt Nam vì Việt Nam là đất nước cuối cùng nằm ở phương Nam (so với Trung Quốc).

Lá cờ tượng trưng cho Hoàng quyền màu vàng, hành Thổ, được sinh vượng bởi hành Hỏa của nhân dân, ngụ ý đây là triều đại chính thống trị vì một cách lâu dài. Quyền lực của Hoàng đế phải đem lại sự hòa hợp, sáng suốt trong cai trị và giáo hóa dân chúng để đạt đến thịnh trị. Vì lửa luôn bốc lên cao, luôn hướng thượng, hướng về điều tốt đẹp.

Hành Hỏa còn tượng trưng cho việc tu hành đắc Đạo hay đời sống tâm linh nên nó còn ngụ ý sâu hơn chính là Hoàng đế tốt nhất phải là người tu Đạo, trở thành Thánh nhân. Nói cách khác, Hoàng đế phải coi quốc gia như một nơi để mình tu tâm và thực hành trị quốc theo Đạo. Đạo ở đây chính là Thiên Đạo vì Hoàng đế chính là con trời. Có như vậy mới đưa quốc gia trở nên thời Nghiêu Thuấn, một thời đại lý tưởng theo quan niệm của Nho gia khi quốc gia được trị vì bởi Thánh nhân.

Đài cao 3 tầng tượng trưng Thiên – Địa – Nhân hòa hợp và Tam cương (vua tôi, cha con, vợ chồng), là nền móng của đạo đức Nho học. Ngụ ý Hoàng đế phải thuận theo ý Trời, an lòng dân, luôn giữ vững chuẩn mực cai trị, sống đời đạo đức, chăm sóc đời sống tâm linh cho nhân dân nếu muốn vận nước được lâu dài.

Kỳ đài xây dựng cao to bề thế nhất kinh thành đại biểu cho ý chí của hoàng gia phải luôn vững mạnh và hướng thượng như một ngọn lửa soi sáng cho quốc dân, giữ vững cương thường để chính khí Nho học luôn mãi trường tồn và làm gương cho thiên hạ.

Đây là chuẩn mực đầu tiên và tổng quát nhất về việc cai trị mà một vị tân Hoàng đế đều phải nắm rõ. Và đó chỉ là một yếu tố, vẫn còn hàng loạt những bài học nữa đã được khéo léo cài sẵn trong những kiến trúc ở kinh thành. Chúng tồn tại một cách trầm mặc như những ông thầy nghiêm khắc nhất luôn nhắc nhở Hoàng đế không ngừng nghỉ suốt cả cuộc đời. 

Ngọ Môn và Ngũ Phụng Lâu, noi gương Thánh nhân mà cai trị

Ngọ Môn là cổng chính của Hoàng thành Huế, là nơi ra vào của Hoàng đế trong những đại lễ quan trọng. Nó nghĩa là Cửa Nam vì nằm ở Ngọ theo trục Tí Ngọ của phong thủy. Theo Dịch học, hướng Nam là hướng dành cho bậc vua Chúa để “nhi thính thiên hạ, hướng minh nhi trị” (hướng về ánh sáng để nghe thiên hạ và cai trị thiên hạ một cách sáng suốt). 

Khung cảnh bề thế của Ngọ Môn và Lầu Ngũ Phụng khi nhìn từ bên trong cho thấy trình độ học vấn về phong thủy uyên thâm của các vua chúa triều Nguyễn. Ảnh dẫn theo wikipedia.org

Tất cả vua chúa xưa đều xem trọng phương Nam vì Khổng Tử vốn xuất thân ở miền Nam. Chu Dịch mà Khổng Tử học cũng xuất xứ từ phương Nam nên văn hóa cổ coi phương Nam là phương của Thánh nhân. Ngoài ra Ngọ Môn thiết kế hình chữ U ở thế thu vào, mục đích là thu cát khí của phương Nam, sinh vượng cho tòa thành, nói cách khác chính là luôn tiếp thu sự đóng góp tốt lành của nhân dân và thần tử để đế quốc luôn tốt đẹp.

Bên trên Ngọ Môn có Ngũ Phụng Lâu là nơi vua ngự khi có các sự kiện quan trọng. Vì chim phượng hoàng chính là loài chim thiêng. Người ta tả chim phượng hoàng với các đặc điểm sau: Đầu gà, hàm én, cổ rắn, lưng rùa, đuôi cá, có 5 màu và cao 6 thước. Nó tượng trưng cho 6 thiên thể, có thể hiểu nôm na: Đầu là trời, mắt là Mặt Trời, lưng là Mặt Trăng, cánh là gió, chân là đất và đuôi là các hành tinh. Lông của nó đại diện cho màu sắc của Ngũ hành: Đen, trắng, đỏ, xanh và vàng. Người ta dùng hình tượng chim phượng hoàng để tượng trưng cho vũ trụ xung quanh nơi vua ngự.

Tên Ngũ Phụng còn là vì lầu này có 5 gian chính, ở giữa lợp ngói hoàng lưu ly dành cho vua và hoàng gia ngự. Bốn gian phụ hai bên lợp ngói thanh lưu ly dành cho quần thần. Tổng cộng lầu có 9 gian, vì số 9 và 5 tượng trưng cho Hoàng đế. Tòa lầu này có tổng cộng 100 cây cột, tượng trưng cho bách tính hay số 100 trong độ số của Lạc Thư, Hà Đồ, mang chung một ý nghĩa chỉ vũ trụ và toàn quốc quy phục xung quanh nhà vua.

Tóm lại, Ngọ Môn và Lầu Ngũ Phụng chính là được xây để Hoàng đế luôn ý thức được rằng sự trị vì của mình phải đạt đến thịnh thế, cai trị bằng nhân đức như các bậc Thánh nhân ngày xưa. Cũng bởi phượng hoàng là loại chim chỉ được nói đến trong thời bình thịnh thế mà thôi. Kiến trúc của Ngọ Môn và Lầu Ngũ Phụng cũng nhắc nhở các bậc Thiên tử khi ngự ra cổng lớn phải nhớ rằng xung quanh mình chính là cả một vũ trụ, phải cư xử sao cho đúng với đạo làm vua.

Thật là:

Trời làm màn gối, đất làm chiên
Nhật nguyệt cùng ta một giấc yên
Đêm khuya chẳng dám dang chân duỗi
Chỉ sợ sơn hà xã tắc nghiêng

(Lý Thái Tổ)

(Còn nữa)

Tĩnh Thủy

Xem thêm:

 

Exit mobile version