Đại Kỷ Nguyên

Bí mật sự vĩ đại của Tổng thống Mỹ được tạc hình trên núi: Trở nên phi thường bằng chính sự bình thường

Bạn đã bao giờ tự hỏi khả năng của bản thân mình tới đâu? Bạn có nghĩ là mình biết rõ về giới hạn của mình? Thật ra ai trong chúng ta cũng có những sức mạnh vượt xa điều bản thân nghĩ. Và phát triển sức mạnh tinh thần chính là cách bạn vượt qua “vùng an toàn” để khởi động những khả năng đa dạng khác của bản thân.

Nếu bạn muốn được thuyết phục hơn nữa, hãy cùng tìm hiểu những điều thú vị về cuộc đời và sự nghiệp của tổng thống Mỹ thứ 26, một trong 5 vị tổng thống vĩ đại nhất xứ cờ hoa, và cũng là một trong 4 vị tổng thống được tạc hình chân dung lên Khu tưởng niệm Quốc gia nằm trên ngọn núi Rushmore hùng vĩ.

Theodore Roosevelt là tổng thống trẻ tuổi nhất của nước Mỹ khi nhậm chức, là người Mỹ đầu tiên nhận giải Nobel Hòa bình, cũng là tổng thống đầu tiên công khai ủng hộ việc bảo tồn thiên nhiên, đồng thời giữ nhiều danh hiệu đầu tiên khác trong các đời tổng thống Mỹ. Cuộc đời ông từ khi còn nhỏ đã là một trận chiến với những giới hạn của bản thân mình, để rồi trở thành nhân vật lịch sử gợi nhiều cảm hứng với câu nói nổi tiếng: “Khi tin là có thể, thì bạn đã đạt được một nửa thành công”.

Tổng thống thứ 26 Theodore Roosevelt (1858 – 1919). (Ảnh: History)

Vị Tổng thống lạ kỳ

Con người ông hội tụ rất nhiều điều kỳ lạ, chẳng hạn ông cận thị nặng tới nỗi không đeo kính thì cách mười thước cũng không nhận ra người bạn thân nhất của mình, vậy mà ông lại trở thành một tay bắn thiện xạ.

Ông bắn rất tài nhưng lại từ chối hạ một con gấu mà người ta vây lại cho ông vì như thế là phi thể thao và phi nhân đạo. Và chính vì hành động đó, Roosevelt đã tạo nguồn cảm hứng cho sự ra đời của chú gấu Teddy nổi tiếng nước Mỹ.

Hồi nhỏ ông xanh xao, ốm yếu và mắc bệnh suyễn, nhưng khi trưởng thành lại có thể đấu quyền Anh với Mike Donavan, thám hiểm những khu rừng của Nam Mỹ, leo lên đỉnh núi Junfrau và Matterhoorn, dẫn đầu một đoàn kỵ binh tấn công San Juan Hill ở Cuba, làm cho quân địch mặc dầu dùng một hỏa lực kinh khủng mà cũng không sao chống cự nổi.

Theodore Roosevelt và những người lính của ông. (Ảnh: Npr)

Roosevelt kể lại rằng hồi nhỏ ông nhút nhát, luôn luôn sợ đau. Vậy mà ông đã tự làm mình bị thương khá nhiều như: gãy cổ tay, gãy cánh tay, bể mũi, gãy xương sườn, gãy vai và không bao giờ ngừng dấn thân vào nguy hiểm. Khi còn là cao bồi ở Dakota, một hôm ông té ngựa gãy tay, nhưng vẫn nhảy lên lưng ngựa, tiếp tục gom đàn bò lại.

Ông nói rằng trong thâm tâm ông sợ tới chết điếng đi, nhưng cũng ráng làm những việc ông ngại nhất, hành động như mình dũng cảm lắm, để rèn luyện đức tính can đảm. Rốt cuộc ông trở nên gan dạ đến nỗi coi thường tiếng sư tử gầm và tiếng đại bác nổ.

Roosevelt đi săn. (Ảnh: Browning)

Đích thân Roosevelt bửa tất cả số củi dùng trong trại của mình ở Oysterbay. Ông cắt cỏ, phơi cỏ với gia nhân trong trại và yêu cầu người lãnh canh phải trả công cho ông cũng như người ở chứ không được hơn.

Khi còn đương nhiệm, công việc bề bộn là vậy mà ông vẫn có thì giờ đọc hàng trăm cuốn sách. Nhiều khi ông phải tiếp khách suốt buổi chiều không lúc nào ngớt, nhưng luôn luôn có một cuốn sách ở bên cạnh để đọc trong lúc đợi người khách sau.

Chiếc chìa khóa vàng mở ra thế giới bí mật của Roosevelt

Trong một bài viết trên tạp chí “Quyền lực Nam giới” của Giáo sư James thuộc trường Harvard đã viết đại ý rằng, có một số người dùng những nhà kho cực lớn để giấu đi những nguồn năng lượng mà họ sở hữu, và rằng hầu hết chúng ta đều bị ảnh hưởng từ “Thói quen tự hạn chế năng lực bản thân”. Giáo sư cũng chỉ ra những thành tựu phi thường của những người đã học được cách “kích hoạt” những giới hạn sâu thẳm trong khả năng của mình.

Và cố Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt chính là một kiểu người “kích hoạt” mọi giới hạn của bản thân như vậy. Những đòi hỏi của ông về khả năng của bản thân mình có khi còn vượt quá những gì vốn có.

Một nhân vật vĩ đại nhưng mang phẩm chất bình dân

Ông chuẩn bị vào Yellowstone Park trên lưng ngựa, bức ảnh năm 1903.(Ảnh: Doi)

Khả năng tự “kích hoạt” năng lực bản thân chính là điều khiến Roosevelt trở thành một người đàn ông đáng chú ý, chứ không phải phẩm chất đa dạng nào khác của ông. Thường thì những người xuất chúng, vĩ đại sẽ có một phẩm chất siêu việt nào đó của thiên tài, vượt qua mọi giới hạn của khả năng con người. Nhưng ai gặp Roosevelt lần đầu cũng bị ấn tượng bởi thể hiện “bình dân” của ông. Những người có mối quan hệ thân thiết với ông đều cho biết, ông ấy như là “bất kỳ ai trong số chúng ta”.

Không có gì quá nổi trội, đó chính là những phẩm chất vốn có của Roosevelt. Nhưng điều tuyệt vời là ông đã áp dụng phẩm chất “bình thường” đó vào từng công việc, hoạt động với kỷ luật thép và ý trí mạnh mẽ, kiên định. Ai làm việc với ông cũng có thể nhận ra năng lượng trong ông thật đáng kinh ngạc, nhưng đó lại là kết quả của “tính bình dân” được kích hoạt lên nhiều lần.

Rèn luyện kiên trì để vượt qua giới hạn bản thân

Khi còn học ở Harvard, ông ấy là một võ sĩ quyền anh, võ sĩ đấu vật và là một vận động viên điền kinh, nhưng không bao giờ có chức vô địch nào. Ông tham gia trò bắn súng nhưng không bao giờ đứng trong tốp đầu. Ông đã mô tả lại trong một cuốn sách của mình như sau:

“Bản thân tôi không phải và không bao giờ giỏi hơn một xạ thủ bình thường vì mắt tôi không được tốt và tay thì không vững mặc dù tôi đã kinh qua nhiều cuộc săn bắn, chính một phần là vì tôi đã săn bắn rất kiên trì và một phần vì tôi đã luyện tập”.

Đó là định nghĩa của Roosevelt, một xạ thủ bình thường có nghĩa là hạ gục mọi mục tiêu bằng việc kiên trì và luyện tập.

Khi còn bé, ông là một cậu bé yếu đuối, nhợt nhạt và mảnh khảnh nên phải học ở nhà và không được tham gia vào các trò chơi đòi hỏi nhiều vận động với các cậu bé cùng trang lứa. Nhưng ông quyết tâm đạt được thể chất khỏe mạnh. Vì vậy ông đã bắt đầu lên kế hoạch cho việc đó. Ông học cưỡi ngựa, bơi và chạy bộ cùng các hoạt động ngoài trời bổ ích khác.

Tổng thống Theodore Roosevelt được trao tặng huân chương Danh dự vì lòng dũng cảm. (Ảnh: Businessinsider)

Trong thời gian đang là sinh viên tại ĐH Harvard, Tiến sĩ Dudley Sargent đã cảnh báo Roosevelt rằng, ông là một đứa trẻ ốm yếu vì có trái tim không khỏe mạnh, vậy nên tránh vận động nhiều và có thể chết sớm. Đáp lại, cố Tổng thống nói: “Tôi sẽ làm tất cả những điều mà bác sĩ nói rằng tôi không thể. Nếu tôi chỉ sống được một thời gian ngắn giống như bác sĩ nói thì tôi cũng không quan tâm đến việc nó ngắn đến mức nào”.

Một năm sau khi tốt nghiệp, ông đã đi hưởng tuần trăng mật ở châu Âu với Alice và chinh phục dãy núi Alp hùng vĩ của Thụy Sĩ cùng với hai hướng dẫn viên.

Những năm tháng đầu đời, ông đã đưa mình vào một kỷ luật nghiêm khắc và điều đó đi theo ông suốt cả cuộc đời. Không mấy ai ngày nay có thể làm việc từ tuần này sang tuần khác như Roosevelt. Ông đã gặt hái thành công bởi khả năng tự “kích hoạt” siêu phàm, bằng việc tận dụng từng tí một những khả năng mà ông có được, bằng sự kỷ luật, kiểm soát và không ngừng phát triển kỹ năng. Đó là “cuộc sống tích cực” mà ông tôn vinh, đã tạo nên một con người như ông.

Một Tổng thống không biết nghỉ ngơi

Cựu Tổng thống cực kỳ bình thường về thể chất lẫn tinh thần. Ông giản dị trong ăn uống như thể đó là những phần cần thiết cho “cỗ máy kích hoạt” của mình. Cuộc sống gia đình cũng bình thường, và ông khuyến khích mọi người dân sống bình dị tương tự như vậy. Nhưng ông là người có kỷ luật, ông tập thể dục mỗi ngày với một lịch trình đều đặn, tập tennis vào thứ Tư, đi bộ vào thứ Năm, cưỡi ngựa và thứ Sáu, đấm bốc vào thứ Bảy.

Với một số người, lịch trình này trông có vẻ là quá sức, nhưng với Roosevelt thì đây chỉ là những bài tập bình thường để nâng cao thể chất mỗi ngày.

Tổng thống Roosevelt bên bàn làm việc. (Ảnh: Forbes)

Vị Tổng thống này cũng là hiện thân của trật tự và nguyên tắc trong công việc. Đó là một phần trong hệ thống “kích hoạt” của ông. Mỗi buổi sáng, thư ký Loeb để lên bàn ông một bản đánh máy các cuộc gặp trong ngày và thi thoảng ông sẽ cho giảm bớt 5 phút nghỉ giải lao trong lịch trình đó. Không nhân viên đường sắt nào có thể cho tàu chạy đúng lịch trình một cách chính xác như cách Ngài tổng thống này làm việc với lịch trình của mình. Ông mang đồng hồ ra khỏi túi và dừng các cuộc phỏng vấn nửa chừng, hoặc kí một tờ giấy rồi bỏ đi vì phải làm công việc tiếp theo cho đúng lịch trình. Nếu có giờ nghỉ giải lao, ông sẽ đọc cuốn sách về lịch sử luôn luôn nằm sẵn sàng trong tầm tay hoặc viết một vài ba câu.

Một cỗ máy chính xác

Ông không bao giờ ngừng làm việc, như chạy trên đống lửa, như chiếc tàu với động cơ luôn đầy hơi. Ông làm việc liên tục từ 9h sáng cho tới tận nửa đêm, là vẫn làm việc với những vị khách trong bữa ăn trưa và ăn tối. Khi ông đi ngủ, ông có thể để mọi lo lắng bên ngoài và đi vào giấc ngủ rất nhanh, ông thường xuyên ngủ đúng giờ và ngon giấc.

Những người quen biêt ông cũng nói rằng họ không thể nhớ nổi là đã từng nghe thấy ông bị ốm hay buồn khổ như những người khác hay không. Như một người kỹ sư giỏi, ông ấy giữ cho bộ máy luôn ở trong trạng thái tốt nhất và không bao giờ bị đình trệ.

Bí mật sự vĩ đại của Roosevelt

Ông còn là người Mỹ đầu tiên được nhận giải Nobel năm 1906 về hòa bình nhờ vai trò trung gian giúp cuộc chiến Nga – Nhật Bản kết thúc bằng một hiệp định hòa bình – Hiệp ước Portsmouth. Ảnh forbes.com

Sự bình thường được kích hoạt lên cực đại đã làm cho Roosevelt trở thành một người vĩ đại hiếm có: nó đại diện cho một sự phát triển tối đa về ý chí của con người. Như John Burroughs đã nói đâu đó trong những bài viết của mình rằng:

“Năng lực của một người đàn ông là gì – đó là cách anh ta làm gì với bản chất sẵn có của mình”.

Câu chuyện của Roosevelt sẽ luôn là nguồn cảm hứng để đấu tranh cho những giới hạn của con người, bởi vì ông là một hình mẫu về một người đàn ông tự tạo ra phẩm chất đáng quý cho mình. Bằng sự kiên trì và thực hành, ông đã chiến thắng và ngồi ở vị trí cao nhất trong tòa Bạch Ốc.

***

Hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng mình biết rõ được giới hạn của bản thân. Trong cuộc sống có rất nhiều việc, từ học tập, chơi thể thao, lao động hay cố gắng hình thành thói quen tốt… sẽ có lúc chúng ta cảm thấy không thể nào cố gắng hơn được nữa. Nhưng theo kinh nghiệm được lưu truyền trong đội đặc nhiệm tinh nhuệ Seal của Mỹ, khi chúng ta cảm thấy đã tới giới hạn cực điểm thì đó chỉ là do bộ não đang “lừa” cơ thể chúng ta mà thôi. Dưới góc độ khoa học, khi não chúng ta nghĩ việc đó đến mức giới hạn thì thực ra chúng ta mới chỉ mới cố gắng được 40% sức lực.

Ngày nay, đã có rất nhiều trường hợp thực tế chứng minh sức mạnh của ý thức đối với những khả năng của cơ thể, và giới khoa học cũng đang dần đi theo hướng nghiên cứu này. Ý thức của chúng ta hoàn toàn có thể giúp đánh thức những tiềm năng mà chúng ta không nghĩ là nó tồn tại trong mình. Nếu chúng ta chỉ bằng lòng với những thứ quen thuộc, thoải mái và lăn lộn trong những thú vui trần tục, thì đổi lại, phần lớn cuộc đời chúng ta sẽ sống tầm thường thay vì đầy ý nghĩa.

Hãy đánh thức tiềm năng trong bạn bằng ý chí mạnh mẽ, kiên trì thực hành và tự do thu nạp những điều mà bạn đã từng nghĩ là không thể. Bạn không thấy, không có nghĩa là nó không tồn tại, kể cả năng lực của bạn!

Thu Hiền

Exit mobile version