Làm việc tốt không lưu danh tính, cũng là cái lẽ đương nhiên, đó thực sự là căn bản cải biến vận mệnh con người. Cải biến vận mệnh mà không trái ngược ý Trời, mà là thuận theo Thiên ý mà hành sự.

“Làm người tốt”, “trong lòng luôn có thiện niệm”, “thường làm việc thiện”, đây là lời vàng tiếng ngọc cổ nhân để lại cho chúng ta. Chỉ cần trong tâm có thiện niệm, tướng mạo, vận mệnh sẽ theo đó mà cải biến vì tướng tại tâm sinh, đây là ý Trời.

Tại sao chúng ta phải có thiện niệm? Người xưa đã nói rất rõ ràng rồi, đã để lại cho chúng ta rất nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.

Chuyện Bùi Độ trả báu vật

Trong “Tam ngôn lưỡng phách” có chép: Tấn Công Bùi Độ đời Đường khi chưa gặp thời, nghèo rớt mồng tơi, công danh lận đận. Một lần, ông đi xem tướng để quyết định đường đi nước bước. Thầy tướng nói: “Công danh của túc hạ cũng không cần phải hỏi, tôi có câu khác, nếu không trách thì mới dám trực ngôn”. Bùi Độ nói: “Tiểu sinh vì lạc lối, nên cầu tiên sinh chỉ giáo, sao lại dám trách”.

Thầy tướng nói: “Túc hạ có đường vân rắn bay vào miệng, trong vài năm, ắt sẽ chết đói ở rãnh nước”. Ngay cả tiền xem tướng, thầy tướng cũng không nhận. Bùi Độ là một bậc quân tử hiểu mệnh, nên cũng không để ý nhiều.

Một hôm, ngẫu nhiên đến chùa Hương Sơn dạo chơi, Bùi Độ thấy trên bàn thờ sáng rực rỡ, bèn bước tới xem, thì ra là một vòng quý. Bùi Độ cầm lên xem, nghĩ: “Ngôi chùa này ở nơi vắng vẻ, sao lại có cái vòng quý như thế này?”.

Ông lật xem một lượt, rồi lại nghĩ: “Ắt là có người đại phú quý đến đây lễ Phật thay đồ. Những người hầu sơ ý đã để quên ở đây, nhất định họ sẽ quay lại tìm”. Ông bèn ngồi dưới hành lang chờ đợi.

Chờ mãi, đến tận sáng sớm hôm sau, Bùi Độ thấy một cô gái chạy vào trong chùa, hớt ha hớt hải, chạy thẳng vào trong điện thờ. Nhìn lên bàn thờ rồi kêu khổ, khóc lăn xuống đất. Bùi Độ bước tới hỏi: “Cô gái, sao lại khóc lóc thế này?”.

Cô gái nói: “Cha thiếp bị người ta hãm hại tội chết, không có nơi nào khiếu nại. Thiếp ngày ngày đến đây khẩn cầu Phật phù hộ. Gần đây, may mắn được chuộc tiền giảm tội. Nhà thiếp nghèo chẳng biết làm gì, đi cầu xin khắp các nhà quyền quý. Hôm qua được một quý nhân thương tình, giúp cho chiếc vòng quý. Thiếp được Phật phù hộ, nên đã đem chiếc vòng đến dâng lên Phật, khấu đầu lạy tạ Ngài. Vì sốt ruột chuyện chuộc cha, nên đã quên thu lại vòng, đã vội vàng ra đi. Đi đến nửa đường mới phát hiện ra, vội vàng quay lại, thì không biết ai đã lấy rồi. Hôm nay mất chiếc vòng này, cha thiếp sẽ chẳng có ngày ra khỏi ngục tù nữa rồi”. Nói rồi lại khóc nức nở.

Bùi Độ nói: “Cô gái không nên quá đau buồn, là tôi nhặt lấy, do đó ở lại đây chờ người để quên”. Nói rồi đem trả lại chiếc vòng.

Cô gái gạt lệ bái tạ: “Xin hỏi danh tính tiên sinh, ngày sau cha thiếp được ra khỏi ngục sẽ đến khấu tạ”.

Bùi Độ nói: “Cô gái chớ có bận lòng, tôi ở quê nghèo, không trợ giúp được cô, rất lấy làm xấu hổ. Trả lại đồ người khác để quên, đó là việc thường tình, đâu phải cảm tạ”. Nói rồi, Bùi Độ cũng không nói tên tuổi mà ra đi.

Mấy ngày sau, Bùi Độ lại ngẫu nhiên gặp thầy tướng hôm trước, thầy tướng bất giác thất kinh nói: “Túc hạ đã làm việc tốt gì rồi?”. Bùi Độ đáp: “Không có”. Thầy tướng nói: “Tướng của túc hạ hôm nay, khác rất xa với trước đây. Đường âm đức hiện rõ, nhất định sẽ làm quan cao tột bậc, thọ tám, chín mươi, phú quý không thể kể xiết”.

Bùi Độ lại ngẫu nhiên gặp thầy tướng hôm trước, thầy tướng vô cùng kinh ngạc.

Bùi Độ lúc đó vẫn coi là lời nói chơi. Sau này quả nhiên làm tể tướng, làm quan qua 4 triều, được phong làm Tấn Quốc Công, hưởng thượng thọ. Với Bùi Độ, làm việc tốt không lưu danh tính là lẽ đương nhiên, cũng chính là gốc rễ mà ông đã thực sự cải biến vận mệnh.

Chỉ cần trong lòng có thiện niệm, tấm lòng rộng mở thoáng đãng, tâm tính thăng hoa, trí huệ tròn đầy thì vận mệnh theo đó mà cải biến, đó cũng là Thiên ý. Cải biến vận mệnh mà không trái ngược Thiên ý, mà thuận theo Thiên ý hành sự. Tại sao con người cần có thiện niệm, cổ nhân đã nói rất rõ ràng rồi.

Xem thêm: Tướng tự tâm sinh: ‘Ngũ quan hài hòa, thấy ngay vận hạn’, thực ra ý nghĩa vô cùng sâu xa

Thế nào mới thật sự là “hành thiện tích đức”?

Chúng ta đều biết, hành thiện tích đức. Con người ai ai cũng có tính bản thiện, cho dù là người xấu, kẻ hành ác, thì trong sâu thẳm trái tim họ vẫn có phần thiện lương bị che khuất, vào hoàn cảnh thích hợp sẽ hiển lộ.

Do bản tính thiện, nên chúng ta ai ai cũng ít nhiều làm các việc thiện. Người giúp trẻ em khuyết tật, giúp người ăn xin, người lên các bản làng vùng sâu vùng xa giúp trẻ em và người dân nghèo khó, người góp tiền làm đường, xây cầu, người hiến đất làm trường học… Cũng có người góp tiền xây chùa, miếu, nhà thờ, mua chim cá phóng sinh, coi đó là “âm đức”.

Khi chúng ta hành thiện, mà chưa hiểu rõ thế nào là chân thiện, chúng ta tích đức, mà chưa hiểu rõ thế nào là âm đức, thì tuy dốc sức không nhỏ, nhưng chẳng có tác dụng gì lớn, có khi còn không tác dụng, hoặc tác dụng ngược lại.

Chân thiện là gì? Chu Tử đã nói rõ trong “Chu Tử trị gia cách ngôn”:

“Thiện dục nhân kiến, bất thị chân thiện
Ác khủng nhân tri, tiện thị đại ác”.

Nghĩa là:

“Làm thiện muốn người ta thấy, điều ấy không phải là chân thiện (không phải cái thiện thực chất).

Làm ác sợ người ta biết, điều ấy chính là đại ác (tội ác lớn)”.

Còn âm đức là gì? Trong văn hóa truyền thống, thường thấy người xưa khuyên nên tích “âm đức”, “âm công”, sẽ được “âm phúc”, “âm báo”. Âm ở đây, nhiều người hiểu sai là “cõi âm”, “việc người âm”, “thế giới bên kia”. Thực ra, chữ âm ở đây có nghĩa “âm thầm”, ngầm, bí mật, không ai biết đến.

Người xưa nói “hành thiện tích đức” là chân lý của vũ trụ, cũng là luật nhân quả. Cũng vì tiếp thu những chân lý tốt đẹp mà phong thái xã hội của cổ nhân luôn duy trì ở mức đạo đức cao.

Người xưa nói “hành thiện tích đức” là chân lý của vũ trụ, cũng là luật nhân quả. Nhưng trong tiến trình lịch sử, lại có nhiều người hiểu sai ý nghĩa đích thực của chữ Thiện và chữ Đức, nên các bậc hiền nhân, Thánh giả lại phải nói rõ ra là “chân thiện” và “âm đức”. Cho đến ngày nay thì lại có nhiều người hiểu sai “chân thiện” và “âm đức”. Người xưa nói: “Người có âm đức, tất sẽ có âm báo”, chung quy chính là, làm việc thiện, tích đức mà không để lại danh tính, không truy cầu sự công nhận của người khác, thì sẽ tích được âm đức, rồi sẽ được âm báo (báo đáp âm thầm lặng lẽ). 

“Tư Mã Ôn Công gia huấn” thời Bắc Tống có viết: “Tích tiền bạc để lại cho con cháu, con cháu chưa chắc đã biết giữ. Để sách lại cho con cháu, chưa chắc chúng đã đọc. Chi bằng âm thầm lặng lẽ tích âm đức, đó mới là kế sách lâu dài cho cháu con”.

Cổ nhân cũng lại có câu rằng: Tướng do tâm sinh – nghĩa là tâm tốt thì tướng cũng tốt, sẽ hiển hiện ra tướng mạo, khuôn mặt của một người. Ngũ quan hài hòa vẻ mặt tràn đầy phúc khí. Thế nên mới hiểu tại sao các cao nhân trong qúa khứ chỉ cần nhìn tướng mạo một người thì biết ngay tâm người đó, từ đó vận ra mà biết mệnh. Người hướng thiện, tích đức làm điều tốt cũng chính là đang cứu vớt chính mình khỏi bị đào thải của quy luật vũ trụ.

Nam Phương