Tự dưng nhớ câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:
Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen
“Bỉ” là cái kia; “Sắc” là ít; ” Tư” là cái ấy; và “Phong” là nhiều. Như vậy “bỉ sắc tư phong” là điều kia kém thì điều này hơn; cái kia ít thì cái này nhiều, chỉ luật thừa trừ của Tạo hoá. Ta cũng có thể hiểu “bỉ sắc tư phong” là chỉ người đàn bà đẹp có cốt cách phong thái. Bỉ là người đàn bà; Sắc là sắc đẹp; Tư phong là phong cách, phong thái, khiến cho trời xanh cũng phải ghen ghét . Vì thế cho nên ông Tạo thường an bài cho số phận khổ đau. Điều này xưa nay không có lạ. Vậy, cái từ “lạ” của cụ Nguyễn có làm ai ngạc nhiên không nhỉ? Câu chuyện “Mỹ nhân tự cố như danh tướng, Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”, có phải là ẩn mật của Tạo hóa?
Phải chăng, vì nắm cái quy luật này, thậm chí biết cái thiên cơ này mà các Thánh nhân chính hiệu xưa nay không sa đà trong sắc dục?
Khổng Minh lấy vợ thậm xấu, Đường Thái Tông có một người vợ lừng danh trong lịch sử nhân loại là Trưởng Tôn Hoàng Hậu. Ai muốn biết người phụ nữ này, có thể hỏi ông Google, thì sẽ say mê. Bà không đẹp rực rỡ mà là đoan chính, nghiêm trang. Người Mẹ của cả một nền văn hiến Thần Châu đẻ ra hai người con trai nổi danh như huyền thoại là Vũ Vương và Văn Vương không ai nhắc tới cái dung nhan diễm lệ của bà . Khổng Tử cho rằng, mọi thời đại sau này đều nên lấy nhà Chu làm khuôn mẫu. Cái “Nhất nộ ái dân” của Chu cũng làm Trời Đất cảm động. Chu Vũ vương nổi tiếng trong lịch sử vì đã lật đổ Trụ Vương tàn bạo của nhà Thương, và thành lập triều đại lâu dài nhất của Trung Quốc. Chu Vũ vương cùng Chu Văn vương, Nghiêu, Thuấn, Đại Vũ và Thành Thang thường được các nhà Nho giáo học nhắc đến như là hình tượng những đại minh quân hiền minh trước thời kỳ Nhà Tần.
Ấy vậy mà khi ca tụng không tiếc lời một nhà Chu khai mở văn hóa Thần Châu, Khổng Tử đã đánh giá như một tổng kết (mình không nhớ chi tiết, đại ý thôi nhé, nếu ai muốn rõ hơn thì hỏi Giáo sư Phan Ngọc trong cuốn sách chừng 500 trang: Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam – NXB Văn Hóa Thông Tin 1998), rằng: Có được thời đại nhà Chu cường thịnh thuận Trời Đất như vậy, chỉ nhờ một người đàn bà và hai con của bà ấy mà thôi.
Muôn năm Khổng Tử!
Muốn hiểu kinh Phật thì hãy đọc và tự Ngộ những lời chính gốc của Phật!
Cũng vậy đối với Kinh Thánh của Thiên Chúa!
Con người, dù là đủ thứ học hàm, học thức cũng chỉ là con người. Biết đâu, khi tùy tiện giảng nói những lời của Phật, họ đã phản Phật, đã đưa cái tâm tự tư mà đo “Từ Bi vô hạn độ” của Phật. Nhiều người chức sắc cao trong tôn giáo có thể đã có tên dưới địa ngục. Mình nói điều này là để nói về câu chuyện ông Khổng Tử, về Đạo Nho, về chế độ phong kiến… Đa số chúng ta ít biết nó từ gốc. Chân lý là được người khác cung cấp. Cho nên, lấy những kiến thức người khác làm nền để phê bình nhận xét những giá trị ngày xưa. Thực ra, mình đã tự nguyện làm cánh tay nối dài, cái lưỡi nối dài của những kẻ ngu muội, hoặc những kẻ đầu cơ trí thức, đầu cơ chính trị mà mình lại không hay biết.
Hôm nay, thấy Trung Quốc đi xây viện Khổng Tử khắp nơi nhưng ít ai biết rằng, thời Đại Cách mạng Văn hóa, mộ bia, nơi thờ kính tôn nghiêm của Khổng tử đã bị Hồng Vệ Binh làm cho tan nát. Kỳ thực, Khổng Tử là một vị Thánh khổng lồ. Trong thời điểm lịch sử ấy, hình thái xã hội ấy, ông chỉ có sứ mệnh như vậy với văn minh loài người thôi. Riêng cái câu chuyện “trọng nam khinh nữ” người ta cứ lảm nhảm nói trong trường học không phải là của ông. Nó là sản phẩm của những người lợi dụng ông sau này. Cũng như rất nhiều kinh sách của Phật chúng ta đang hiểu nó bởi ông X này, bà Y nọ chứ không phải là lời Phật. Khổng tử đề cao chữ Hiếu, thậm chí coi “trong trăm đạo, hiếu đạo làm đầu”. Học trò của Khổng tử. có những bà Mẹ vĩ đại như Mạnh Mẫu; có những tấm gương hiếu thảo thật cảm động như chép trong sách NHỊ THẬP TỨ HIẾU. Hầu hết là những người con trai có đầy đủ trí đức hơn người nhưng rất thơm thảo với mẹ mình…
Hãy chịu khó đọc Nho Giáo của Trần Trọng Kim để có kiến thức vỡ lòng về Khổng rồi hãy nói chuyện phê phán. Tư duy giản dị nhất là nên tự hỏi: tại sao cái chế độ phong kiến như vậy, những nhà tư tưởng lạc hậu như vậy mà lại cho ra đời những con người tinh hoa như vậy? Khoan nói các vĩ nhân ở Trung Hoa, ở Hàn, Nhật… mà ở Việt Nam mình. Hãy gọi tên các Ngài thôi để mà mơ ước cho hôm nay có những con người đó: Lý Thường Kiệt, Nhị Thánh Trần, Hưng Đạo Vương, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hải Thượng, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… Nghe nói hoàng hậu Ỷ Lan vốn là cô gái trồng dâu nuôi tằm. Đặng Thị Huệ cũng từ thôn quê, bến nước… Có lẽ không ngẫu nhiên, ở đất Kinh Đô xứ Huế xưa, có câu ca dao:
Mặt em vuông tượng chữ Điền
Khuôn mặt ấy không thể nói là cái chuẩn người phụ nữ đẹp của chúng ta hôm nay. Nhưng đó là những người:
Nói ra có Đất, có Trời
Có câu Nhân Nghĩa, có lời Thủy Chung.
Cái định lý “hồng nhan bạc mệnh”, theo mình nghĩ nó phù hợp với xã hội người thường, với tầng Pháp thấp nhất trong Tam Giới là xã hội nhân loại luôn luôn sống trong “Mê”, trong “thất tình lục dục”.
Người thường sống với sự ích kỷ của chữ Tình. Có sắc đẹp là đẩy cái tâm chấp trước về “Tình” đến cực đại. Do đó quy luật nhân quả “bất thất bất đắc, đắc tựu đắc thất” được thực thi, phát huy hiệu quả.
Người tu luyện Chính Pháp thì khác hẳn. Họ hiểu sinh mệnh của mình đang sống trong những giá trị giả tạm, là ảo. Khi biết Nguyên Thần con người là bất diệt thì họ hiểu rằng: Tiền tài, địa vị, tiện nghi, sắc đẹp … chỉ là giả tướng ở thế gian; khi sinh không mang đến, khi tử không mang theo. Ta sinh ra trần trụi và ra đi cũng tay không. Dù đẹp hay xấu; dù giàu hay nghèo; dù sống trong các hoàn cảnh rất khác nhau, nhưng ai có tâm thế của người Tu luyện thì đều thoát khỏi cái quy luật nghiệt ngã với “người” nhưng không can dự gì đến “Thần”.
Mình đã ngộ ra rằng, có những sinh mệnh cao cấp xuống thế gian để giáo hóa, cứu độ con người như Đức Thích Ca, như Lão Tử, Đức Jesus .. Nhưng có những người là Giác Giả xuống thế gian để hộ Pháp cùng các Ngài. Họ đánh thức cái Ngộ cho con người. Đó là các nhà Tiên Tri, những người có công năng mà khoa học phải bó tay với việc làm của họ. Và trên hết là các nhà thơ, nhà văn, là những người nghệ sỹ… Và cả những nhà Khoa học có lương tâm, trách nhiệm với nhân loại. Họ không hề khước từ mà rất tin tưởng vào Thần Phật. Có lẽ Albert Einstein đã nhận ra điều này khi ông cho rằng: Không phải là các nhà Khoa học mà chính là các Nghệ sĩ lớn của Nhân loại đã tạo nên, bảo tồn và phát triển văn minh của con người. Fyodor Mikhailovich Dostoyevsky là nhà văn nổi tiếng người Nga, người có ảnh hưởng rất lớn cho sự ra đời của “Thuyết tương đối” cũng từng nói: Chỉ có cái đẹp mới cứu rỗi được thế giới.
Nguyễn Du có lẽ cũng là một Giác Giả xuống mách bảo cho con người, giải Mê cho con người. Hãy thử đọc lại phần mở đầu Truyện Kiều:
Trăm năm trong cõi người ta
Sao lại là Cõi? Thế giới Ma, Âm Phủ, Địa Ngục hoặc chốn Thiên Đường, Niết Bàn, Thiên Thai.. thì ta mới nói là Cõi.
Nhân tại mê trung, có sống trong mê thì con người mới không thấy những cõi không gian khác. Ai đã xuống Âm gian? Ai đã từng thăm Thiên giới? Tất cả với chúng ta đều hư hư thực thực. Ta gọi hai loại thế giới ngược chiều trên là Cõi.
Nguyễn Du rõ ràng không ở trong nhận thức tầng thứ con người khi ông viết câu thơ trên. Ông đã thoát mê, đứng tại một cảnh giới, một cõi khác để nhìn cõi mê. Chắc chắn nhục thân của ông đang ở cõi người nhưng trí huệ của ông đã quay lại nhìn được cõi người. Đạo gia hay nói về câu chuyện “nguyên thần ly thể”. Biết đâu cụ Nguyễn đã có những lúc thăng hoa như vậy?
Đây là câu thơ nên hiểu ngược. Cảm nhận của Nguyễn Du về chữ Cõi là khác chúng ta. Ba tiếng “cõi người ta” cũng rất đáng bàn. Nguyễn Du đã đẩy thế giới loài người trong cuộc bể dâu ngắn ngủi 100 năm ra xa khỏi mình để quan sát và miêu tả. Và câu thứ hai:
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Hai chữ “khéo là” ở đây cũng là một thái độ của người ngoài nhìn cuộc bể dâu Mê muội của con người. Con người cứ loanh quanh với những giá trị để đi vào luân hồi lục dục. Dường như ở đây có một cái nhếch mép không vừa lòng, một mỉa mai đầy trắc ẩn, xót thương, từ bi với nhân loại trong Mê. Tài (thực ra ở đây là “tình”, một đề tài có thể phải nói rất nhiều ở một bài viết khác) xung khắc với “mệnh” dường như là một quy luật. Xung khắc ấy sẽ nẩy sinh tâm tranh đấu, loại trừ nhau cũng là tất yếu. Suy rộng ra, nó quy về cái luật nhân quả rất nghiêm túc trong vũ trụ xưa nay. Lý giải điều này ra sao thì mời mọi người hãy đọc phần sau của tác phẩm:
Có tài mà cậy chi tài…
Thực ra,Trời xanh không phải có cái thói xấu là quen đánh ghen gây sự với khách má hồng. Trời xanh khó hỏi :
Nỗi hờn kim cổ Trời khôn hỏi
Cái án phong lưu khách tự mang
(Đọc Tiểu Thanh Ký – Nguyễn Du)
Nên hỏi chính mình có sa lầy vào trong cái chữ “Tình” làm tổn thương số mệnh của mình và liên lụy bao người khác hơn là hỏi Trời. Trời với con người ngày xưa là có thực. Nhưng ai tiết lộ Thiên cơ khi không vào con đường tu luyện đầy sự nghiêm túc phi thường? Cho nên trong cái nhìn của “khách má hồng” thì Trời cũng ghen tuông, đầy rẫy tâm tật đố. Con người tự tâm sinh ma mới nhìn khách thể từ chủ thể là như vậy.
“Bỉ sắc tư phong” với Nguyễn Du khi đã ở cảnh giới cao hơn, ông không lạ. Nhưng ngay bây giờ, hơn 7 tỷ con người đang ngày mỗi ngày thấy lạ. Họ không hiểu câu chuyện Trương Quả Lão trong Bát Tiên của Đạo gia hàng ngày rong ruổi trên thế gian mấy ngàn năm rồi. Ông cưỡi con Lừa ngược! Tại sao lại là Lừa? Tại sao lại cưỡi ngược?
Ẩn dụ ấy đang tủm tỉm với chúng ta.
La Vinh
Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn, âm nhạc mà chuyên mục Văn hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.
Xem thêm: