Đại Kỷ Nguyên

Biện Kinh đại dịch: Khúc nhạc dạo báo hiệu sự sụp đổ của nhà Kim 

Biện Kinh đại dịch: Khúc nhạc dạo báo hiệu sự sụp đổ của nhà Kim 

Ảnh chụp màn hình phim "Tinh Trung Nhạc Phi".

Người Kim đã từng sát hại và cướp bóc hàng loạt dân trong thành, nào ngờ cũng trong tòa thành đó, một trận đại ôn dịch là khúc nhạc dạo đầu cho sự diệt vong của vương triều Kim.

Đầu tháng 4 năm Thiên Hưng thứ nhất, đại quân Mông Cổ tấn công vào thành Biện Kinh, nơi được gọi là “phủ Khai Phong của Nam Kinh” nhà Kim, nhưng rồi buộc phải rút lui sau đó nửa tháng. Ngay sau khi Mông Cổ lui quân, thành Biện Kinh đột nhiên bùng phát đại ôn dịch. Dịch bệnh xảy ra trong khoảng 50 ngày khiến gần nửa dân số tử vong, buộc Kim Ai Tông phải trốn chạy. Không lâu sau đó, Hoàng đế Ai Tông tự vẫn, triều đại nhà Kim cũng diệt vong. Nhiều người cho rằng bối cảnh lịch sử của Kim Ai Tông khi đó chính là màn diễn thử cho bi kịch của Hoàng đế Minh Sùng Trinh 400 năm sau này. 

Vương triều mạt lộ

Triều đại nhà Kim tồn tại hơn một trăm năm kể từ khi thủ lĩnh Hoàn Nhan A Cốt Đả thống nhất các bộ lạc Nữ Chân. Năm 1115, nhà Kim bắt đầu dựng nước và đặt đô tại Hội Ninh phủ. Đến năm 1234, khi thành Thái Châu bị chiếm đóng, Kim Ai Tông tự sát, còn Kim Mạt Đế thì tử vong trong loạn quân, triều đại nhà Kim cũng lụi tàn từ đây.

Kim Ai Tông tên thật là Hoàn Nhan Thủ Lễ, là hoàng đế thứ chín của vương triều nhà Kim, cũng là vị hoàng đế thời mạt với đủ sắc màu bi kịch. Ông vốn không phải thái tử, cũng không phải người được lựa chọn để kế vị ngôi vua. Lúc ấy, Hoàng thái tử Hoàn Nhan Thủ Trung vì triều đình nhà Kim thất thủ mà bỏ mình, Hoàng thái tử Tôn Hoàn Nhan Thương cũng sớm chết yểu, vậy nên bất đắc dĩ Kim Tuyên Tông phải lập Hoàn Nhan Thủ Lễ làm thái tử và đổi tên “Thủ Lễ” thành “Thủ Tự”. Năm 1223, Kim Tuyên Tông băng hà, Hoàn Nhan Thủ Tự kế vị, lấy hiệu Kim Ai Tông. 

Kim Ai Tông là vị vua có quyết tâm chấn hưng đất nước, chỉ tiếc là không gặp thời. Ông lên ngôi trong bối cảnh đất nước tứ bề nguy kịch: Một mặt, quân Mông Cổ liên tục xâm lấn, phần đất phía bắc sông Hoàng Hà gần như đã bị cướp sạch, người Mông cũng bắt đầu đưa quân vượt sông tràn vào Trung Nguyên. Mặt khác trên mặt trận phía nam, triều Kim cũng thất bại trong các cuộc chiến tranh với Nam Tống, mất đất đai và khoản tiền triều cống, đồng thời bị Tây Hạ liên tục quấy nhiễu, đẩy nước Kim vào tình thế sắp diệt vong. 

Để cứu vãn tình hình, Ai Tông chủ trương phục hưng nông nghiệp, vỗ về dân chúng, tiến hành cải cách nội bộ, bỏ kẻ gian dùng người ngay, bên ngoài đình chỉ chiến tranh với triều Tống, thiết lập lại quan hệ hữu hảo với Tây Hạ, bên trong bổ nhiệm nhiều tướng giỏi cho mặt trận chống Mông. Những nỗ lực ban đầu đã có nhiều chuyển biến tốt đẹp, triều Kim dần thu lại không ít đất đai từng bị mất.

Biện Kinh đại dịch, mỗi ngày có 20.000 người chết 

Tháng Giêng năm Thiên Hưng thứ nhất (năm 1232), ở Biện Kinh đã xảy ra đại chiến Tam Phong Sơn giữa quân Mông Cổ và nhà Kim. Quân Mông Cổ giành chiến thắng, danh tướng Di Lạt Bồ A và hòa thượng Hoàn Nhan Trần bị trọng thương ở Quân Châu thành, khởi đầu cho sự sụp đổ của nhà Kim. 

Tháng 3/1232, quân Mông Cổ phát động cuộc tấn công vào thủ phủ của nhà Kim là Biện Kinh và bao vây toàn bộ thành phố. Hai bên bắt đầu một trận chiến khốc liệt, Kim Ai Tông đích thân tới Thừa Thiên Môn trấn an tướng sĩ. Sau 16 ngày đêm giao chiến, quân đội Mông Cổ không chiếm được Biện Kinh, hai bên đều thương tích, con số tử vong lên đến gần một triệu người. 

Quân đội Mông Cổ biết rằng nhất thời khó có thể đánh chiếm được thành trì nên hai bên quyết định đàm phán hòa bình. Triều đình nhà Kim cử Tào vương Kinh Châu làm con tin cầu hòa, lại phái Thị lang bộ hộ Dương Cư Nhân mang rượu thịt biếu tặng người Mông Cổ. Ngày 8/4, hai bên chính thức đình chiến. Đại tướng quân nhà Kim là Hợp Hỉ nghĩ rằng việc trấn giữ thành vậy là đã thành công, nên đề xuất rút binh về để tổ chức ăn mừng. 

Tranh minh hoạ: Để quân Mông Cổ ngừng bao vây Trung Đô, Kim Tuyên Tông phải trao em họ là Kỳ Quốc công chúa, con của Hoàng đế Hoàng Nhan Vĩnh Tế, cho Thành Cát Tư Hãn để hòa thân, quân Mông Cổ sau đó trở về khu vực Mạc Bắc (nguồn: Wikipedia).

Ngay khi người Kim đang chuẩn bị bày tiệc ăn mừng, một sự kiện bất ngờ đã xảy đến. Cả thành phố bị đại ôn dịch càn quét, cướp đi tính mạng của vô số người. 

Kim sử – Ai Tông bản kỷ chép rằng, tháng 5 năm Thiên Hưng thứ nhất, chỉ trong vòng 50 ngày đã có hơn 900.000 người chết, vô số dân nghèo tử vong nhưng người nhà không có tiền chôn cất. Theo tính toán trong các tài liệu lịch sử, mỗi ngày có gần 20.000 người thiệt mạng. 

Thảm kịch này cũng được miêu tả trong Kim sử – Hậu Phi liệt truyện như sau: Năm Nhâm Thìn (1232), ở Hà Nam mất mùa, xảy ra nạn đói lớn. Quân Nguyên Mông bao vây thành, cộng thêm đại ôn dịch hoành hành làm người dân trong thành tử vong gần một triệu người. 

Nhà văn sử học nổi tiếng là Nguyên Hảo Vấn cũng trải qua những ngày bị bao vây tại thành Biện Kinh vào thời điểm đó. Ông tận mắt chứng kiến tình trạng bi thảm của đại dịch và ghi chép rằng: “Năm Nhâm Thìn người dân gặp biến, trong thời gian 50 ngày, số người tử vong vì đói kém và mệt mỏi lên tới một triệu người”. 

Dịch hạch có thể là nguyên nhân gây ôn dịch ở Biện Kinh

Các học giả sau này có nhiều quan điểm khác nhau về nguyên nhân gây ra đại dịch ở Biện Kinh. Một số người cho rằng do bệnh về đường tiêu hóa, cúm, dịch hạch, lại có người cho rằng đó là thương hàn, viêm gan lây nhiễm… Xâu chuỗi các dữ liệu lịch sử vào thế kỷ 13 cho thấy, đó là thời gian bệnh dịch hạch hoành hành. 

Lý Cảo, danh y nổi tiếng đương thời từng ghi chép trong cuốn Nội ngoại thương biện hoặc luận như sau: Bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như sốt, có đờm, ho, khó thở, ho ra máu, nhiều dịch đờm loãng, vô cùng mệt mỏi… Ngoài ra còn kèm với các triệu chứng về hệ thần kinh như dễ sợ hãi, khủng hoảng, nóng nảy, ý thức hệ thần kinh bị hạn chế, cáu kỉnh, khó chịu, rối loạn… Thông thường bệnh nhân tử vong trong vòng 10 ngày. Căn cứ vào mô tả triệu chứng, có thể thấy nó rất giống với bệnh dịch hạch, chỉ khác là thời gian tử vong dài hơn. 

Lý Cảo mô tả về số người tử vong vì ôn dịch làm người ta kinh hoàng, ông viết: Số người chết nối tiếp nhau, người này nối gót người kia. Mỗi cổng thành cứ mười người thì có hai người nhiễm bệnh. Mỗi ngày các cổng thành đều có thi thể người chết, nhiều thì hơn 2000, ít thì hơn 1000. Nếu mỗi ngày mỗi cổng thành cần 1500 cỗ quan tài cho thi thể người chết, 12 cổng thành là 18.000 cỗ quan tài.

Cấm cửa thành làm gia tăng tai họa

Tình hình dịch bệnh nghiêm trọng đã nhanh chóng biến Biện Kinh trở thành thành phố chết, khiến lòng dân hoang mang, ai ai cũng đổ xô chạy trốn khỏi khu vực thảm họa. Đến tháng 5, có hàng chục nghìn người xin rời khỏi thành. Tuy nhiên, do cân nhắc về vấn đề chính trị và lo sợ người Mông Cổ lợi dụng sơ hở tấn công, triều đình nhà Kim quyết định cấm cửa thành, không cho bách tính rời đi. 

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng. Từ khi người Mông Cổ bao vây đến khi ôn dịch bùng phát, trong vòng hơn ba tháng, sản lượng lương thực tích trữ không đủ, trong thành xuất hiện nạn đói, buộc triều đình nhà Kim phải tìm nguồn lương thực từ bên ngoài.

Trước khi xảy ra trận giao chiến chống lại quân Mông Cổ, để mở rộng quân đội, triều đình hạ lệnh di chuyển số lượng lớn cư dân sống bên ngoài vào trong thành, tạo nên tình trạng mật độ dân cư tăng cao, khoảng từ 2,5 triệu đến 3 triệu người, hầu hết đều đi lính hoặc quản lý trong quân đội.   

Thành Biện Kinh rơi vào tình trạng vô cùng thảm thương, cỏ mọc hoang thành rừng rậm, xương người trắng đầy đồng, ruồi nhặng bay khắp nơi, hoang sơ thưa vắng dấu chân người, binh lính chỉ còn lại sáu bảy trăm người. Gai, cỏ xen lẫn thi thể, đường xá vắng bóng lại qua, người sống sót chưa tới nghìn hộ. 

Điềm mộng và Thiên ý

Nửa tháng sau khi quân Mông Cổ bao vây thành Biện Kinh, quân đội Kim vì sở hữu vũ khí có sức mạnh vô cùng to lớn như Chấn Thiên Lôi và Phi Hỏa Thương khiến quân Mông Cổ không thể tấn công thành trong một thời gian dài. Con số thương vong của cả Mông Cổ và Kim đều rất nghiêm trọng, nên hai bên thương lượng và Mông Cổ rút quân. 

Thành Biện Kinh rơi vào giai đoạn mạt thế không phải bởi đại quân Mông Cổ vây chiếm, mà là vì bị ôn dịch tấn công, đây chính là Thiên ý. Trước đó, đã có một giấc mộng như điềm báo dự đoán tương lai. 

Kim sử quyển 2-3 ghi chép: Sau khi Kim Ai Tông kế vị, một ngày Tuyên Tôn thái hậu ngủ mơ thấy trong làn sương mờ ảo có mấy vạn người ăn mày đi theo khiến bà không khỏi lo lắng. Sau khi bốc quẻ, thầy bói nói: Thái hậu là mẹ của vạn dân, bách tính gặp phải thống khổ khốn cùng tất sẽ tìm tới cầu xin thái hậu cứu giúp. Tuyên Tôn thái hậu liền hạ lệnh nấu cháo và bốc thuốc ban phát cho dân chúng. Người đời sau tin rằng, giấc mơ chính là điềm báo đại ôn dịch ở Biện Kinh vào năm đầu Thiên Hưng.

Thời tiết năm ấy cũng dường như là bước đệm chuẩn bị cho đợt ôn dịch này. Trong sử sách ghi chép rằng, vào tháng 5 năm Thiên Hưng thứ nhất, “Tân Mão, đại hàn như mùa đông”. Tháng năm vốn là đầu mùa hè, nhưng nhiệt độ giảm đột ngột làm người dân không thể thích nghi. 

Trước khi ôn dịch xảy ra, số lượng nhân khẩu trong thành tập trung quá đông, nơi đâu cũng ở trạng thái bị bao vây giữa chiến tranh, đại binh chịu áp lực, lòng dân hoảng loạn, đói khát, vệ sinh không đảm bảo, khí hậu lại không hài hòa. Binh lính chịu áp lực, mọi người run rẩy, chế độ ăn uống không phù hợp. Sau khi đại ôn dịch kết thúc, trong thành chỉ còn lại 1,47 triệu dân, nhiều người trong số đó đã phải di tản ra ngoài thành. 

Sự luân hồi của lịch sử

Tháng 12/1232, Kim Ai Tông tháo chạy khỏi Biện Kinh và đi về Hà Sóc, vượt sông từ Bồ Thành chạy tới Quy Đức (nay là Thương Khâu, Hà Nam). Trong thành Quy Đức, thống soái Thạch Trản Nữ Lỗ Hoan và nguyên soái Bồ Sát Quan Nô lục đục đấu đá lẫn nhau, làm chút nguyên khí cuối cùng của nhà Kim cũng bị mất hết.

Tháng 12 âm lịch, quân Tống do Mạnh Củng chỉ huy đánh chiếm được Sài Đàm Lâu, Kim Ai Tông muốn xông ra từ thành đông nhưng bị cản lại, ông phải giao chiến với liên quân một hồi lâu mới chạy thoát trở về, thừa nhận với tướng sĩ rằng không có cách gì để đột vây. Tướng Kim Hoàn Nhan Hốt Tà Hổ tìm cách bố trí phòng ngự ở thành trong, Ai Tông biết thế nguy cấp nên khóc lóc nói với thị thần:

“Trẫm giữ chức Kim tử mười năm, thái tử cũng mười năm, làm Ai Tông mười năm, từ đó đến nay không làm điều gì đại ác, có chết cũng không hận. Chỉ hận một điều rằng tổ tông truyền nối đã hơn 100 năm mà đến ta thì phải diệt vong, thì thực hận quá. Tự cổ đến nay quân chủ mất nước đều là hàng hoang dâm bạo loạn, chỉ có mình trẫm là khác họ thôi”.

“Vong quốc chi quân, người thì bị tù tội, người bị giết hại, người bị làm nhục, người bị đày ải. Trẫm quyết không như thế. Vua chết vì xã tắc vì chính nghĩa, chứ quyết không làm nô lệ cho kẻ khác”.

Năm Tống Đoan Bình thứ nhất, năm Kim Thiên Hưng thứ ba, và năm Mông Thái Tông thứ sáu, quân Mông Cổ phá thành tây làm ra 5 cửa tiến vào, tấn công quyết liệt. Đêm hôm đó, Ai Tông Thủ Tự cho triệu nguyên soái Hoàn Nhan Thừa Lân vào cung để truyền ngôi. Sáng hôm sau, Hoàn Nhan Thừa Lân lên ngôi, tức là Kim Mạt Đế. Vừa lúc đó quân Tống đánh vào thành nam. Hoàn Nhan Hốt Tà Hổ cùng khoảng 1000 quân ra nghênh chiến, quân lính bị thương vong gần hết. Vua Kim tuyệt vọng liền lui về Lan Hiên tự vẫn. Năm đó vua được 37 tuổi, giữ ngôi 11 năm.

Mùa xuân năm 1127, tức hơn một trăm năm trước đó, quân đội nhà Kim công phá đô thành Biện Kinh của Bắc Tống, cướp của, đốt nhà, giết người, bắt Tống Huy Tông, Khâm Nhị Tông và hơn ba nghìn phi tần hoàng phi trong cung. Trong thành hơn nửa số dân bị sát hại và bệnh tật, Bắc Tống diệt vong, sử sách gọi là “Tĩnh Khang chi biến”, “Loạn Tĩnh Khang”, hay “Sự sỉ nhục Tĩnh Khang”. Người Kim đã từng sát hại và cướp bóc hàng loạt dân trong thành, nào ngờ cũng trong tòa thành đó, mức độ tàn sát nghiêm trọng của trận đại ôn dịch là khúc nhạc dạo đầu cho sự diệt vong của vương triều Kim. 

Theo Tống Gia Tú, NTDTV
Kiên Định biên dịch

Video: Bất chấp COVID-19 bùng phát, Bắc Kinh vẫn tiếp tục đàn áp người có đức tin

Exit mobile version