Đại Kỷ Nguyên

Biết đủ thường vui, tham thì lụy nhưng người đời mấy ai thấu hiểu?

Biết đủ thường vui, tham thì lụy nhưng người đời mấy ai thấu hiểu?

Ảnh ghép minh họa: Đại Kỷ Nguyên.

Người xưa dạy: “Biết đủ thì được vui mãi” (Tri túc thường lạc), không tham lam thì mãi có được hạnh phúc lâu bền. Câu chuyện dưới đây sẽ cho bạn một minh chứng sinh động cho đạo lý ấy.

Có chàng trai trẻ tìm được một chiếc thuyền nhỏ bị hỏng bên bờ biển. Cậu mang nó về sửa lại rồi hằng ngày chèo thuyền ra khơi đánh cá. Có những hôm thuyền về trống không nhưng miệng cậu vẫn không ngừng hát ca, ra chiều yêu đời lắm. Cậu nằm dài trên cát nhìn ánh sao đêm, sáng dậy sớm ngắm cảnh bình mình, lúc nào cũng luôn vui vẻ như thế cả.

Lại có cặp vợ chồng buôn cá giàu có sống trong một căn biệt thự lớn bên bờ biển. Hằng ngày họ tất bật buôn bán, sáng đi tối về không phút thảnh thơi, lúc nào cũng bận rộn tính toán “bán được bao nhiêu, lời bao nhiêu”. Cả ngày chỉ thấy họ chau mày suy tính hơn thua, chẳng mấy khi vui cười. 

Rồi ngày nào cũng vậy, họ đều nghe thấy tiếng hát yêu đời của chàng trai nghèo đánh cá, trong lòng thầm ngưỡng mộ: “Sao cậu ta có thể vui vẻ cả ngày như thế được nhỉ? Mình có nhiều cá như vậy nhưng cũng chẳng cười nổi. Cậu ta có lúc ngay cả một con cá nhỏ cũng không bắt được, vậy mà suốt ngày hò hát cũng tài!”.

Ông chồng nói: “Tôi đã tìm ra được cách để thử cậu ta, xem có đúng là người này được ông Trời hậu đãi không?”. Thế rồi, tranh thủ lúc chàng trai nghèo đang ngồi trên bờ biển ca hát, ông chồng bỏ một bọc tiền lớn vào chiếc thuyền của cậu. Sáng hôm sau, khi chuẩn bị lên thuyền ra khơi đánh cá, chàng trai thấy một bọc tiền lớn ở chỗ mình. Số tiền này có thể giúp cậu mua được chiếc thuyền lớn hơn, hằng ngày cậu có thể ra khơi xa đánh cá, sau đó còn có thể có tiền mua thuyền lớn hơn, thuê thêm vài người làm công cho mình.

Thuyền của chàng trai mỗi lúc một to hơn, cá ngoài khơi xa gần đều lần lượt về hết tay cậu. Dần dần cậu trở thành một chủ tàu lớn và mơ mộng trở thành người giàu có bậc nhất ở bến cảng. Cả ngày cậu suy nghĩ về viễn cảnh đó, đêm đến cũng nằm vắt tay lên trán trằn trọc, thở than. Rồi dần dần, chàng trai đã quên cả những bài hát vui vẻ trước đây.

Từ đó cậu bắt đầu phiền muộn nhiều hơn, không ai còn thấy nét mặt vui tươi ngày xưa của cậu nữa. Muốn mua một chiếc thuyền lớn hơn, nhưng vì tiền không đủ cậu đành phải đi vay nợ lãi suất cao. Khi có một món nợ lớn trên đầu, cậu lại càng phải sống chung với áp lực ngày ngày, giấc ngủ cũng chẳng còn bình yên. 

Một hôm, hai vợ chồng người buôn cá ngồi nói chuyện với nhau. Bà vợ liền hỏi: “Ông làm cách nào mà hay vậy? Bây giờ cậu ta cũng giống như chúng ta, không biết niềm vui là gì!”. Ông chồng đáp: “Tôi chẳng qua chỉ là để cậu ta có được nhiều hơn những gì bản thân cần mà thôi. Như vậy sẽ khiến lòng tham của cậu ta trỗi dậy, đã có rồi còn muốn nhiều hơn, cuối cùng chẳng còn khi nào có thể vui được nữa”. 

Rất nhiều năm sau, chàng trai nghèo năm nào đã trở thành một ông chủ tàu lớn, lại cũng ở trong một ngôi biệt thự sang trọng bên bờ biển. Hằng ngày, cậu bận bịu tíu tít với công chuyện kinh doanh, tính toán lời lãi. Sáng sáng chiều chiều cậu ngắm thời tiết, lo các chuyến thuyền đánh cá của mình ra khơi không suôn sẻ. Tất cả những thứ đó đã trói lấy cuộc đời cậu, khiến cậu chẳng phút nào yên. 

Rồi một ngày, đoàn thuyền của cậu bị bão đánh tan, gần như toàn bộ đều hỏng hóc, thiệt hại rất nặng nề. Đau buồn và chán nản, cậu một mình lang thang trên bờ biển và vô tình bắt gặp một chàng trai đánh cá đang vừa đi vừa hát vang dưới ánh chiều tà. Bất giác cậu nhớ lại những năm tháng vô ưu vô lo của mình trước đây, nghĩ mà thấy hối tiếc.

Cậu bèn tiến đến hỏi chàng trai nghèo: “Anh bạn! Anh chỉ là một anh chàng đánh cá nghèo thì có gì mà vui thế?”. Chàng trai kia trả lời: “Tại sao tôi lại không có gì? Tôi có bờ biển, có ánh nắng mặt trời, có hoàng hôn thơ mộng, có cả trời xanh và biển rộng, biển cho tôi thức ăn và nuôi tôi lớn, biển cho tôi tất cả”.

Nghe xong, cậu như bừng tỉnh. Quả thật, trên thế giới này chỉ khi nào người ta tự biết đủ thì mới có thể sống hạnh phúc và vui vẻ. Cậu cũng từng có một cuộc sống không chút muộn phiền như thế, biết hài lòng với những gì mình đang có, vô lo vô nghĩ, ngày ngày hát ca. Nhưng từ khi có được số tiền đó, lòng tham trong cậu nổi dậy, và đã tự đánh mất chính mình. Khi lòng tham trỗi dậy, cậu đã không còn biết đủ nữa. 

Số tiền bắt được ngày nào đã đánh cắp mất niềm vui của cậu. Nó cướp đi sự nhẹ nhàng, thanh thản, cướp đi bản chất hồn hậu, thiện lương và cướp đi sự thanh tịnh trong tâm hồn cậu. Từ đó, cậu cho người khắc lên tất cả thuyền của mình hai chữ “Biết đủ”. Cậu biết rằng điều duy nhất có thể giúp cậu vượt qua khổ nạn chính là biết đủ, biết hài lòng. 

***

Dục vọng của con người là thứ vĩnh viễn không thể thỏa mãn, không thể lấp đầy. Một người không biết giới hạn, không tự “biết đủ” thì chính là tự rước sầu khổ vào thân. Chỉ khi biết đủ mới có thể giúp mình thanh thản vô ưu, tĩnh tâm tự tại. Mọi bi thương trên đời đều bắt nguồn từ việc người ta cứ mãi không hài lòng với những gì mình đang có, cứ muốn truy cầu những thứ cao hơn, đẹp hơn, nhiều hơn.

Chúng ta đến với thế giới này, cả đời bận rộn rốt cuộc cũng chỉ vì để tìm kiếm niềm vui. Nhưng thử hỏi ở đời có mấy ai tìm được cho mình một lối đi đúng nhất? Tất cả mọi người chỉ mãi mòn mỏi kiếm tìm niềm vui bên ngoài, không ngừng oán trách số phận mà không thử nhìn lại chính mình. Phải chăng những đau khổ kia là do người khác mang lại? Thật ra, mọi nỗi buồn đều chính do tự thân ta tạo ra cả mà thôi.

Người xưa nói: “Người không biết đủ giống như con rắn muốn nuốt cả con voi”, nuốt không được nhưng cũng lại không muốn nhả ra, rốt cuộc là tự hành hạ chính mình. Cả đời họ truy đuổi danh, lợi, tình, cuốn vào vòng xoáy nhân thế, hồng trần cuồn cuộn mà không biết điểm dừng. Càng một mực cưỡng cầu, người ta càng dễ sinh phiền não, u uất trong tâm.

Cao ốc ngàn gian, đêm nằm ngủ cũng không quá hai mét, ruộng tốt vạn khoảnh, ngày ăn cũng chẳng quá ba bữa. Con nước lớn dẫu dâng trào cuồn cuộn, bạn không thể lấy hết được, cũng không thể dùng hết được, bởi điều thực sự thuộc về bạn chỉ là một gáo nước mà thôi…

Chính là:

Mất mất được được chốn phù hoa
Năm năm tháng tháng cũng nhạt nhòa
Biết đủ thường vui, tham thì lụy
Đường về chính đạo chẳng còn xa

Video: Con đường sáng cho một sinh mệnh lạc lối

Exit mobile version