Nhân thế hỗn độn, sống trên đời mấy ai chưa từng biết đến hai chữ “oán hận?”. Một người bạn đời lăng nhăng, một tuổi thơ không ấm áp, một sự phản bội từ người bạn coi là tri kỉ… Tha thứ, liệu có khó?
Thời gian trôi đi, nỗi đau thuở đầu như gươm sắc cứa vào tim giờ cũng nguôi ngoai vài phần. Nhưng cái tâm oán hận ấy vẫn cứ luôn cố chấp mà dằn vặt bạn. Cho đến một ngày khi cả tâm lẫn thân đều đã mỏi mệt, bạn tự hỏi rằng: Mình sẽ tha thứ cho họ chứ?
Tức giận, cay đắng, hận thù, những thứ cảm xúc này sẽ chỉ làm tăng thêm gánh nặng cho tinh thần của bạn. Nếu không được loại bỏ, chúng sẽ cắm rễ sâu bên trong, biểu hiện ra những phản ứng về thể chất như đau bụng, huyết áp cao, nặng hơn thì dẫn đến lo lắng, trầm cảm.
Tha thứ chính là buông đi oán hận, chỉ trích, chính là xả đi bất bình, để cho tâm của bạn được hàn gắn và từ bi.
Người ta nói rằng để học cách thứ tha, trước hết hãy xem như thế nào không phải là tha thứ. Mỗi chúng ta không ít thì nhiều đều có những hiểu sai về điều này. Bởi vì, tha thứ không có nghĩa là:
Dung thứ hay bỏ qua cho lỗi lầm của người khác.
Hay nhất thiết phải nói với ai đó rằng họ đã được thứ tha.
Cũng không phải bất động tâm khi nghĩ về quá khứ.
Hay là cho rằng mối quan hệ ấy không cần thêm sự nỗ lực hoặc mọi chuyện đã ổn thoả.
Không phải ép bản thân vĩnh viễn quên đi.
Hay không phải cứ cần sự hiện diện của họ trong cuộc sống.
… Vì tha thứ, không phải điều bạn làm cho ai đó.
Bằng tha thứ, bạn biết rằng bản thân có thể chấp nhận được chuyện đã xảy ra. Sẽ cần thời gian để bạn có thể làm được điều đó, nhưng không nhất thiết bạn phải luôn nghĩ về họ. Tha thứ không phải chỉ là tha thứ cho người đã làm bạn tổn thương, mà là giúp chính bạn được hàn gắn.
Nhưng mà, sao lại khó như vậy?
Bởi vì, khi ấy trong đầu bạn đang phủ đầy suy nghĩ trả thù, cái tâm bảo vệ bản thân trở nên mạnh mẽ. Bạn cảm thấy không có lối thoát. Bạn cho rằng bản thân chính là người chịu thiệt thòi. Bạn e sợ rằng nếu tha thứ cho người ấy, bạn sẽ hoặc phải gặp lại, hoặc sẽ không còn được gặp họ nữa. Những suy nghĩ này có thể được giải quyết bằng cách làm quen hơn với bản thân, với suy nghĩ và cảm xúc, với giới hạn và nhu cầu của bạn.
Có người mà nỗi đau họ phải chịu quá lớn, có người mà đối phương quá bạo lực hoặc không thể hiện chút hối cải, thì đối với họ, tha thứ dường như là điều không thể. Nhưng đừng cố gắng ép mình phải tha thứ cho ai đó khi mà chính bạn chưa thực sự rũ bỏ được tâm oán hận và cảm giác đau khổ.
Khi bạn đã vượt qua được giai đoạn ấy và quyết định mở rộng lòng tha thứ cho họ, hãy tìm một nơi thật yên bình, dành thời gian nói chuyện với suy nghĩa của bạn:
Nghĩ về quá khứ đã làm bạn tổn thương: Chuyện gì thuộc về quá khứ, hãy để nó ở lại quá khứ dù bạn đã từng cảm thấy ra sao, dù bạn đã phản ứng như thế nào. Ừ thì nó đã xảy ra rồi!
Coi đó như cái giá của sự trưởng thành: Sau chuyện này bạn lại có thể thực sự hiểu bản thân mình hơn, điều bạn mong cầu là gì, giới hạn của bạn đến đâu. Ngẫm lại thì bạn không những “sống sót” qua nỗi đau ấy, mà còn nhờ đó thêm trưởng thành.
Nghĩ cho người khác trước: Hãy đặt bạn vào địa vị của họ. Khi họ làm bạn tổn thương, hoàn cảnh của họ lúc ấy là gì? Liệu họ có thực sự muốn làm bạn thương tổn? Ai mà chẳng phạm sai lầm, ai mà chẳng từng làm ai đó khóc. Thế gian này có mấy ai mà hoàn hảo đâu…
Viết một lá thư cho họ: Giãi bày tất cả những cảm xúc, suy nghĩ, những trải nghiệm và cả sự tức giận của bạn. Nhớ rằng, lá thư này là dành cho bạn. Không ai khác cần phải đọc nó. Giờ thì hãy thử viết một lá thứ thứ hai bằng tay còn lại. Nghiên cứu chỉ ra rằng viết bằng tay không thuận có thể giúp gạt bỏ bộ phận đảm nhiệm chức năng phân tích và đánh giá dữ liệu của não bộ, từ đó giúp suy nghĩ và cảm xúc trở nên khách quan và trung thực hơn.
Cuối cùng thì, hãy quyết định xem liệu bạn có muốn nói với người ta rằng bạn đã tha thứ cho họ hay chưa: Nếu không thể làm một cách trực tiếp, chí ít hãy tưởng tượng người đó đang ở trước mặt bạn. Hãy hét thật to rằng: “Tôi tha thứ cho bạn” và giải thích với họ những điều mà bạn cho rằng thích đáng.
Có khi nào bạn tự hỏi, rằng tại sao người ta lại đối xử với bạn thật bất công? Rằng tại sao cuộc đời bạn lại luôn phải chịu thiệt thòi hay cứ mãi di mạn trong đau khổ? Tôi nói với bạn rằng, đó chính là bạn và tôi đang trong luân hồi mà hoàn trả nợ nghiệp. Vậy nên đừng ôm oán hận mà làm mệt mỏi tấm thân. Hãy tìm lấy cho mình một khoảng hoà hoãn, hãy để nội tâm được thanh tịnh và tràn đầy năng lượng của từ bi. Cổ nhân dạy: “Tu nội an ngoại”, có thể bình thản mà tha thứ cho người khác, chính là cảnh giới cao của người có hàm dưỡng.