Nhắc đến nhà văn Kim Dung, người ta nghĩ ngay đến truyện kiếm hiệp. Nhưng kiếm hiệp chỉ là hình thức mà Kim Dung mượn để giãi bày triết lý nhân sinh của ông và qua đó độc giả được tiếp thụ tư tưởng lớn nhất của văn học Trung Hoa thời hiện đại.
Đọc các tác phẩm của Kim Dung chính là đắm mình vào một thế giới vừa có cái đẹp cổ điển hoa lệ của 5.000 năm văn minh Hoa Hạ với những triết lý thâm ảo của cửu lưu Tam giáo, vừa là chuyến du lịch đầy hứng khởi qua nhiều vùng đất, nhiều vùng văn hóa với xiết bao phong tục tập quán đặc sắc, những núi cao sông dài, kỳ hoa dị thảo, không gì không có, như một cuốn từ điển được viết theo cách thú vị nhất.
Người đọc tác phẩm của Kim Dung để giải trí, người tìm kiếm kiến thức sử ký địa dư văn chương thi từ, người trầm ngâm với những triết lý nhân sinh và tôn giáo sâu thăm thẳm… đều được mãn nguyện. Thật là những tuyệt tác mà bao thế hệ độc giả đã không tiếc lời khen ngợi và bình phẩm.
Đại Kỷ Nguyên trân trọng giới thiệu chuyên mục Kim Dung dài kỳ để chia sẻ với độc giả những tâm đắc và chút bình luận khiêm nhường về:
Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc
Tiếu thư thần hiệp ỷ bích uyên
Nghĩa là:
Tuyết bay đầy trời bắn (nhìn) hươu trắng
Truyện cười thần hiệp tựa uyên xanh
- Trọn bộ: Bình Kim Dung
Thành kính tri ân văn hào Kim Dung!
Kỳ 10: Kiều Phong hay Tiêu Phong? Nạn nhân của mối thù sắc tộc kẻ Hán người Hồ (1)
“Bắc Kiều Phong – một phẩm chất hiếm có”
Trong thiên hạ võ lâm của Thiên Long Bát Bộ, không ai là không biết câu: “Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung”. Kiều Phong, bang chủ Cái Bang, là người có võ công cao nhất phía Bắc Trung Nguyên. Còn ở các tỉnh miền nam thì Mộ Dung Phục, con trai nhà Mộ Dung là đứng đầu.
Vậy mà truyện có 50 hồi thì mãi đến hồi thứ 14, Kiều Phong mới lần đầu xuất hiện. Sân khấu chính trước đó nhường cho Đoàn Dự, hoàng tử nước Đại Lý. Bỗng cái khí độ tự nhiên của Kiều Phong ngay lập tức chinh phục Đoàn Dự trong những phút đầu tiên gặp mặt. Đó là một đại hán “thân thể thật là cao lớn, chừng trên dưới ba mươi, mặc áo vải màu tro cũ kỹ đã sờn rách, mày rậm mắt to, mũi cao miệng rộng, khuôn mặt vuông vức hình chữ quốc, tuy nhuốm vẻ phong sương nhưng đầy vẻ uy nghiêm” (2).
Anh chàng Đoàn Dự mọt sách nhưng hóa ra có con mắt nhìn người cũng tinh đời. Chàng thầm nghĩ: “Quả là một đại hán hiên ngang! Hẳn đây là một tráng sĩ bi ca khẳng khái của nước Yên nước Triệu nơi miền bắc chứ Giang Nam hay Đại Lý không thể có được người như thế này. Bao Bất Đồng tự mình huyên hoang anh khí ngất trời nhưng phải người như thế này mới xứng đáng bốn chữ đó.”(3)
Cái chất hào sảng anh hùng của Kiều Phong thể hiện ở nhiều việc. Gặp kẻ địch mạnh vẫn bình tĩnh như không, trước hết cứ phải uống với nhau chục cân rượu rồi đánh gì thì đánh, tất nhiên không đối ẩm với phường tiểu nhân gian trá. Trong ứng xử, dẫu kẻ thù có khiêu khích Kiều Phong thì cũng vô ích mà thôi, cái tâm ấy vững như bàn thạch. Thế nhưng, ông lại hết sức rộng lượng. Nếu chỉ là hiểu nhầm với anh tài võ lâm thì ông sẵn sàng làm đủ mọi cách để cứu mạng họ, kể cả quên mình hút nọc rắn cho họ, hay tự đâm chém mình để giúp họ trả luật giang hồ. Cuộc chạm trán với Bao Bất Đồng và Phong Ba Ác ngoài rừng hạnh cho thấy bản sắc đó. Những nhân vật không sợ đất, chẳng sợ trời này cũng đã phải phục Kiều Phong sát đất.
Và Đoàn Dự, trong những phút sơ giao, đã đánh giá ngay rằng: “Đại ca bề ngoài thô hào nhưng nội tâm cực kỳ tinh tế”. Nhận xét ấy ngắn gọn, nhưng đáng giá đến từng chữ. Quả là trong sự ngây ngô chưa lịch duyệt giang hồ của anh đồ gàn Đoàn Dự lại ngầm chứa trí tuệ tinh xảo của kẻ có học.
Bi kịch bắt đầu, nạn nhân của mối hận thù dân tộc Hán – Khiết Đan chính là người anh hùng uy phong lầm lẫm
Độc giả từ lúc gặp Kiều Phong có lẽ cũng bị khí chất của một thủ lĩnh bẩm sinh làm cho nín thở. Nhưng chúng ta chưa kịp thở ra khoan khoái và nói vài lời cảm thán thì đã thấy Kiều Phong bị lôi tuột vào vòng xoáy của bi kịch. Và cũng từ đó, như ngựa không dừng vó, cuộc đời ông bị nhồi vào trong hết đợt sóng lớn này đến đợt sóng lớn khác và không bao giờ có thể lại bình yên được nữa.
Kiều Phong là bang chủ của Cái Bang, bang hội lớn nhất giang hồ. Con người ông rộng lượng, hào sảng, yêu quý anh em bạn bè. Ông lại có võ công cực kỳ tinh nhuệ, bẩm tính thông minh, cơ biến, rất từng trải giang hồ. Ông lại là đại công thần của Cái Bang, người vượt qua những thử thách khó khăn hơn hẳn các bang chủ tiền nhiệm nên mới được chọn kế nhiệm chức bang chủ. Ông được thầy yêu, bạn mến. Đúng là ở hoàn cảnh không thể hài lòng hơn được nữa.
Con người Kiều Phong coi thường danh lợi, nữ sắc, chỉ trọng nhất nghĩa khí với bạn bè. Niềm thống khoái duy nhất của ông là được cùng bằng hữu hay anh hùng thiên hạ uống say túy lúy mà nói những chuyện võ lâm hay chuyện xả thân giúp nước. Và tất nhiên, ông tự hào mang dòng máu Đại Hán, căm thù người Liêu (Khiết Đan) ghê gớm, vì trong con mắt của nhân sĩ võ lâm Đại Tống – Hán tộc, thì người Liêu tàn ác là nguyên nhân gây nên cảnh tang thương của nhân dân Đại Tống.
Thế mà, thoắt một cái, trong cánh rừng hạnh, anh em Cái Bang đã biến ông từ một Bang Chủ Cái Bang lừng lẫy thành một người Khiết Đan hung ác không cha không mẹ. Từ một lá thư vô tình của bang chủ đời trước Uông Kiếm Thông – bị lợi dụng biến thành một mưu gian cố ý của một vài người trong Cái Bang, Kiều Phong bị truất phế chức bang chủ. Thảm hơn, ông bị trở thành nghi phạm chính giết phó bang chủ Mã Đại Nguyên và bị những huynh đệ đồng sinh đồng tử xưa nay vẫn yêu quý ông trở mặt thành thù, gạt ông ra bên ngoài xã hội võ lâm Đại Tống, hễ gặp lại nhau là chỉ đối xử bằng ngọn đao lưỡi kiếm. Đúng là đang yên lành bỗng thành kẻ tứ cố vô thân.
Khi trong lòng hoang mang cực độ, ông muốn tìm cho ra gốc ngọn của vấn đề thì luôn bị kẻ địch trong bóng tối – mà ông gọi là “kẻ đại ác” – đi trước một bước giết cha mẹ nuôi Kiều Tam Hòe, giết cả ân sư Huyền Khổ. Tất nhiên, tất cả tiếng ác ấy ông phải nhận lãnh hết.
Và đó là lúc ông gặp A Châu.
Trong gian nguy vẫn xả thân cứu người
A Châu là thị nữ của nhà Mộ Dung. Cô giả trang vào chùa Thiếu Lâm để trộm cuốn Dịch Cân Kinh. Không may, cô bị cao tăng chùa Thiếu Lâm phóng chưởng và thật là tình cờ, chỉ nhờ tài ứng biến phi thường của Kiều Phong mới cứu cô thoát chết.
Hoàn cảnh hiểm nguy, tâm sự rối bời, vậy mà Kiều Phong còn phải luôn luôn tiếp thêm nội lực để ngăn A Châu khỏi chết. Cô A Châu này ông đâu có quen biết, nữ sắc lại là điều ông coi nhẹ. Chẳng qua vì lòng từ bi thấy chết không thể không cứu, cũng vì đó là người thân tín của bằng hữu giang hồ mà ông khâm phục – Mộ Dung Phục, dù chỉ nghe danh chứ chưa một lần gặp mặt.
Đại anh hùng Kiều Phong xưa nay chỉ quen ăn to nói lớn, ngồi trong tiệc rượu với anh hùng thiên hạ mà luận bàn những chuyện kinh thiên động địa, trong khi oan ức trùng trùng lại đành gạt hết tâm sự để kể chuyện nhỏ to cho một cô gái nhỏ xa lạ nghe, cốt để cô ta không rơi vào hôn mê và chết.
Nhưng hóa ra lại hay. Vì A Châu lúc này cần Kiều Phong thì Kiều Phong cũng cần A Châu. Có người trò chuyện an ủi, Kiều Phong cũng vơi bớt cô đơn buồn tủi. Nhưng nỗi đau bị thành người Khiết Đan không lúc nào nguôi trong ông.
Người ta cho rằng, khi Kiều Phong đưa A Châu đến Tụ Hiền Trang để nhờ Tiết Thần Y chữa bệnh cho nàng là bởi vì tư tình. Thực ra đâu phải thế. Tính ông làm gì là phải đến nơi đến chốn, cứu người cũng vậy. Dù phải nhảy vào đầm rồng hang hổ nơi bao nhiêu anh hùng hảo hán võ nghệ cao cường phục sẵn để triệt hạ mình cũng phải cứu bằng được A Châu. Từ đó, giang hồ lưu truyền thêm câu chuyện gã Kiều Phong người Khiết Đan hung ác dám giết cả cha mẹ nuôi và ân sư nhưng lại chí tình với gái. Thực ra, miệng lưỡi thiên hạ cũng có kém gì đao kiếm đâu.
Một mình dấn thân vào Tụ Hiền Trang, một mình dám đánh với cả trăm cao thủ hạng nhất đang nghiến răng căm hận chỉ muốn xả thịt lột da mình, sau này lại một mình xông vào đám quân trăm vạn để bắt tướng giặc… bản sắc ấy chỉ duy nhất có ở Kiều Phong. Dù rằng, luôn là hoàn cảnh buộc ông phải làm vậy. Ông muốn buộc Tiết Thần Y phải hứa lời chữa cho A Châu, còn sống chết của bản thân ông đâu có màng.
Nhưng Kiều Phong đâu phải chỉ có võ công tinh tuyệt, mà khí phách cũng muôn người không sánh kịp. Trước khi buộc phải phân sinh tử với anh em thân thiết thì ông vẫn khảng khái mời mọi người bát rượu đoạn tình. Bát vứt xuống đất choang một cái là từ đây chỉ có kẻ thù mà thôi.
Trận đánh tại Tụ Hiền Trang thật kinh tâm động phách, khiến những hảo hán dám ăn gan hùm mà mỗi lần nghĩ lại còn thấy tim đập chân run.
Người anh hùng võ công cái thế, lịch duyệt giang hồ từ cảnh ngộ bản thân lần đầu tiên nhìn ra sự hận thù vô lý
Sử dụng Thái Tổ Trường Quyền của người Hán để đối chiêu với Thái Tổ Trường Quyền. Khi đối phương dùng tuyệt chiêu của Thiếu Lâm thì ông vẫn dùng chiêu thức sơ khai Thái Tổ Trường Quyền để đón đỡ. Ông nói: “Đại sư dùng võ công của người Hồ Thiên Trúc, tấn công quyền pháp của Thái Tổ bản triều. Nếu như đại sư thắng được tại hạ thì chẳng hóa ra là thông Phiên mãi quốc làm nhục đến Trung Hoa hay sao?”. (4)
Kiều Phong đâu chỉ có võ công cao diệu, trí tuệ mẫn tiệp mà còn có miệng mồm ghê gớm. Ông chỉ ra cho quần hùng thấy, họ đang sử dụng võ công của Đạt Ma sư tổ, một người Hồ, để đánh lại võ công người Hán. Vậy thì sao còn thù ông chỉ vì ông là người Hồ, là Khiết Đan? Con người Kiều Phong một lần nữa khẳng định lại nhận xét của Đoàn Dự: “Bên ngoài thô hào mà bên trong cực kỳ tinh tế”.
Cũng không chỉ một mình Kiều Phong lý luận vậy. Sau này, Đinh Xuân Thu và Thần Sơn thượng nhân cũng chỉ ra điều tương tự khi có người muốn phân biệt kẻ Hán người Hồ. Thực ra, võ học cũng như văn hóa, hễ là tinh hoa của nhân loại, ắt có người học theo khiến cho nó trường tồn, làm sao có thể lấy huyết chủng mà phân biệt đây? Làm sao có thể nói hễ cứ cái gì thuộc về đối phương hay chủng loài mà ta căm ghét thì đều là bất hảo?
Nhưng Tiêu Phong lúc này mới lờ mờ nhận ra chân lý ấy trong hoàn cảnh phải tự vệ. Sự thức tỉnh về bản chất của Hồ và Hán, Tống và Khiết Đan chỉ đến khi ông tới Nhạn Môn Quan, nơi đầu dây mối nhợ của bi kịch cá nhân ông, gia đình ông và cả võ lâm hai nước Tống Liêu.
Đó cũng là nơi cõi lòng tưởng như đã chết của Kiều Phong bừng lên sinh khí mới của tình yêu, một mối tình ôn nhu bất ngờ đến trong lúc tuyệt vọng nhất, một lối thoát có vẻ êm ái nhất cho ông đến lúc này.
Câu chuyện sẽ tiếp tục diễn biến thế nào, mời quý độc giả đón đọc kỳ sau.
Bình Nguyên
- (1): Theo nghĩa rộng vào thời cổ đại Trung Quốc, các dị tộc ở phương bắc và các dân tộc Tây Vực được gọi là Hồ Nhi (Wikipedia)
- (2), (3), (4): trích Thiên Long Bát Bộ, bản dịch của Nguyễn Duy Chính.