Đại Kỷ Nguyên

Bình Kim Dung (Kỳ 11): Kiều Phong hay Tiêu Phong? Nạn nhân của mối thù dân tộc kẻ Hán người Hồ (2)

Nhắc đến nhà văn Kim Dung, người ta nghĩ ngay đến truyện kiếm hiệp. Nhưng kiếm hiệp chỉ là hình thức mà Kim Dung mượn để giãi bày triết lý nhân sinh của ông và qua đó độc giả được tiếp thụ tư tưởng lớn nhất của văn học Trung Hoa thời hiện đại.

Đọc các tác phẩm của Kim Dung chính là đắm mình vào một thế giới vừa có cái đẹp cổ điển hoa lệ của 5.000 năm văn minh Hoa Hạ với những triết lý thâm ảo của cửu lưu Tam giáo, vừa là chuyến du lịch đầy hứng khởi qua nhiều vùng đất, nhiều vùng văn hóa với xiết bao phong tục tập quán đặc sắc, những núi cao sông dài, kỳ hoa dị thảo, không gì không có, như một cuốn từ điển được viết theo cách thú vị nhất.

Người đọc tác phẩm của Kim Dung để giải trí, người tìm kiếm kiến thức sử ký địa dư văn chương thi từ, người trầm ngâm với những triết lý nhân sinh và tôn giáo sâu thăm thẳm… đều được mãn nguyện. Thật là những tuyệt tác mà bao thế hệ độc giả đã không tiếc lời khen ngợi và bình phẩm.

Đại Kỷ Nguyên trân trọng giới thiệu chuyên mục Kim Dung dài kỳ để chia sẻ với độc giả những tâm đắc và chút bình luận khiêm nhường về:

Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc
Tiếu thư thần hiệp ỷ bích uyên

Nghĩa là:

Tuyết bay đầy trời bắn (nhìn) hươu trắng
Truyện cười thần hiệp tựa uyên xanh

Thành kính tri ân văn hào Kim Dung!

Kỳ 11: Kiều Phong hay Tiêu Phong? Nạn nhân của mối thù sắc tộc kẻ Hán người Hồ (2)

Nhạn Môn vách đá chênh vênh,
Ngẩn ngơ ngơ ngẩn, một mình ngẩn ngơ.
Còn đâu hàng chữ năm xưa,
Biết đâu thân thế, biết đâu giống giòng”. (1)

Hành trình làm rõ Hán – Hồ trên đèo Nhạn Môn

Kiều Phong hăm hở trèo lên Nhạn Môn Quan để tìm vết tích về thân thế. Nhưng hàng chữ năm xưa cha ông viết trên vách đá sau trận chiến kinh hoàng đã bị kẻ nào đi trước đục xóa mất. Kiều Phong như phát điên lên. Điều ông kinh sợ nhất là bị oan khuất. Làm sao có thể chịu đựng nổi sống hết cuộc đời trong cảnh u u minh minh không rõ cha mẹ, không biết quê hương bản quán, giống loài. Công hay tội? Hán hay Khiết Đan? Thù ai và ơn ai? Nếu mình là Khiết Đan thì việc mình đã làm xưa kia cho người Hán là đúng hay sai? Một hán tử hiên ngang lẫm liệt xưa nay làm gì đều dứt khoát đường hoàng và chủ động trong mọi tình huống… mà rơi vào cảnh bị người khống chế không thể quyết định được gì, hỏi có đau đớn hay không?

Câu trả lời Hán hay Khiết Đan đã đến hầu như ngay lập tức. Một bầy quan binh nhà Tống đã cho ông thấy hiện thực tàn khốc rằng: “Tống cũng tàn bạo chẳng khác gì Khiết Đan. Họ cũng bắt giết không tha cả trẻ em, người già và phụ nữ Khiết Đan y như phía Khiết Đan đã làm với Đại Tống”. Tiếng hú bi thiết và hình xăm con sói xanh trên ngực những người đàn ông Khiết Đan khiến ông chợt động tâm linh. Té ra đấy là dấu hiệu của dòng giống Khiết Đan mà ông cũng có.

Kiều Phong ngay lập tức hành động để cứu những người đồng chủng nhưng rồi ông đau đớn vô cùng: “Hóa ra mình thuộc về một dòng giống mà xưa nay mình căm ghét, coi như cầm thú”. Ông chạy như ma đuổi, tuồng như để thoát được cái gốc tích Khiết Đan đang bám đuổi đằng sau. “Thôi, vậy là hết, không còn nghi ngờ gì nữa. Ta cùng chung dòng máu dơ bẩn, tàn ác, đê tiện với những kẻ Khiết Đan kia. Biết đi đâu về đâu bây giờ? Trời đất kia bao la mà ta không một chốn dung thân”.

Biết mình là người Khiết Đan, Kiều Phong như sụp đổ. (Ảnh minh họa từ youtube)

Trong tuyệt vọng lại tìm được tình yêu và có nhận thức mới về Hán hay Hồ

A Châu đã có mặt kịp thời trong lúc Tiêu Phong tuyệt vọng về thân thế. Nàng nhỏ nhẹ: “Người Hán cũng có người xấu người tốt, người Khiết Đan dĩ nhiên cũng có kẻ hay người dở. Kiều đại gia, ông đừng để chuyện này trong lòng làm chi. Tính mạng của A Châu do ông cứu, ông là người Hán cũng vậy, mà là người Khiết Đan cũng thế đối với thiếp thật chẳng khác gì.”(2)

Nàng quyết liệt tỏ rõ khí khái muốn tự tận nếu thành ý bị coi thường khiến Kiều Phong – mà nay là Tiêu Phong, là cái tên Khiết Đan của ông (dù ông chưa được biết) – cảm động. Ít ra thì trên đời này có một người không khinh bỉ, sợ hãi hay căm ghét nguồn gốc Khiết Đan của ông. Tình yêu của Tiêu Phong dành cho A Châu đã bắt đầu trong hoàn cảnh như thế. Đứng ở một nơi ranh giới giữa hai quốc gia Liêu – Tống là Nhạn Môn Quan, tâm tình “Kiều Phong – Đại Hán” đã ngập ngừng bước sang “Tiêu Phong – Khiết Đan”. Chứng kiến những cảnh quan binh Đại Tống vừa làm với người dân Khiết Đan, ông cũng không còn cho người Tống là luôn tốt, cũng như người Khiết Đan là luôn xấu nữa.

Ta trước nay chỉ tưởng người Khiết Đan hung ác tàn bạo, sát hại người Hán, thế nhưng hôm nay chính mắt thấy quan binh Đại Tống cũng tàn nhẫn giết hại những kẻ già cả yếu đuối, đàn bà trẻ con người Khiết Đan, ta… ta… A Châu ơi, ta là người Khiết Đan nhưng từ nay về sau, chẳng còn thấy là người Khiết Đan thì đáng hổ thẹn mà cũng chẳng nghĩ rằng làm người Đại Tống mới vinh quang”. A Châu nghe ông nói thế, biết ông đã cởi được cái uất ức trong lòng, thật là hoan hỉ nói:  “Thì thiếp đã nói người Hồ cũng có kẻ tốt người xấu, mà người Hán thì cũng có kẻ hay người dở. Người Hồ không giảo hoạt như người Hán, có khi kẻ xấu còn ít hơn là khác.”(3)

Nợ nước đã nhạt, nhưng còn thù nhà phải báo

Hai người rời khỏi Nhạn Môn Quan. Tiêu Phong quyết tâm đi tìm những kẻ thù xưa cũ trong vụ thảm sát gia đình mình, vừa là để tra tìm thêm manh mối. Nhưng luôn luôn có một “kẻ đại ác” bí ẩn trong bóng tối phá hỏng kế hoạch của ông, lại khoác thêm cho ông những tội ác mới. Đúng là:

“Ruổi rong muôn dặm đường xa,
Cứ đi mà chẳng biết là đi đâu.
Kẻ thù như thể bóng câu,
Chạy theo chỉ thấy một màu khói sương.”(4)

Đến Trí Quang đại sư, nhân chứng và thủ phạm của vụ thảm án năm xưa, cũng chẳng thể cho ông biết gì hơn về “thủ lĩnh đại ca”, người chỉ huy cuộc thảm sát. Ngoài vài dòng Tiêu Viễn Sơn – cha ông để lại, Trí Quang đại sư chỉ để lại một bài kệ điểm hóa cho ông trước khi thanh thản viên tịch.

“Vạn vật đều là một,
Chúng sinh cũng ngang nhau.
Thánh hiền hay loài vật,
Cùng một khác gì đâu?

Dẫu Hán hay Hồ Lỗ,
Như thật mà như không.
Ân oán và vinh nhục,
Với cát bụi một dòng.”(5)

Có nhất thiết phải truy tìm thủ phạm để trả thù mới là người con có hiếu hay không? Là Hán thì sao và là Khiết Đan thì sao? Cuối cùng chẳng phải cùng quay về với cát bụi? Là Hán thì chắc gì luôn tốt. Là Khiết Đan chắc gì luôn xấu. Có ai chọn được nguồn gốc xuất thân? Chúng sinh đều bình đẳng dưới con mắt nhà Phật. Chỉ có con người ở trong mê, say sưa với ái hận tình thù mới sinh tâm phân biệt đối đãi khiến ân oán bao đời không cởi được. Oan oan tương báo, bao giờ mới dứt?

Sau khi gặp Đến Trí Quang đại sư, lòng hận thù trong Kiều Phong đã nhạt đi rất nhiều. (Ảnh minh họa từ youtube)

Nợ nước thù nhà đều phai nhạt, tìm lối thoát trong tình yêu và hạnh phúc gia đình

Rời khỏi núi Thiên Thai, nơi ở của Trí Quang đại sư, lòng trả thù của ông gần như đã nguội lạnh. Bao nhiêu hùng tâm tráng chí muốn xả thân giúp nước cũng nguội theo. Và ông mơ về một chốn yên bình ngoài biên ải Nhạn Môn Quan, nơi chẳng có Khiết Đan hay Hán, cùng với hồng nhan tri kỷ A Châu sống cuộc đời khoái hoạt “săn chồn đuổi thỏ”. Khi buông bỏ quan niệm kẻ Hán người Hồ hay thù nhà nợ nước thì mới thấy:

Hết khổ đau lại chập chờn hy vọng
Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc có thật không?” (6)

Thế là cuộc đi tìm nhân chứng cuối cùng – Mã phu nhân, góa phụ của Mã Đại Nguyên – phó Bang chủ trở thành một cuộc ngao du sung sướng đủng đỉnh nhất. “Chuyến đi từ Giang Nam ngược lên trung châu, so với lần đi từ Nhạn Môn Quan hối hả chạy qua Sơn Đông tâm tình thật khác hẳn. Tiêu Phong cũng có khi hồi tưởng, chặng đường mấy nghìn dặm này thật quả mơ mơ hồ hồ, lúc đầu là những cơn ác mộng nhưng đến sau lại là một cơn mộng đẹp đến nỗi nếu không có nàng A Châu kiều diễm ở bên mình thì ắt đã nghi rằng chỉ là một giấc mơ.” (7)

Có lẽ trong cả cuộc đời Tiêu Phong kể từ sau biến cố trong rừng hạnh, đây là những ngày hạnh phúc nhất.

Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang

Hai người có ngờ đâu, nơi không đao không kiếm lại là nơi nguy hiểm nhất. Một góa phụ xinh đẹp yểu điệu lại ghê gớm hơn cả những đại ma đầu. Ngôi vị “ác quán mãn doanh – kẻ ác nhất thiên hạ” đâu phải thuộc về Đoàn Diên Khánh mà đúng ra là của Mã phu nhân Khang Mẫn. Mụ đã sắp đặt để lừa họ vào một âm mưu trả hờn ghê tởm. Mụ bịa đặt thủ lĩnh đại ca chính là Đoàn Chính Thuần, người tình phụ của mụ, người cha mà A Châu chưa biết.

Ở Tiểu Kính Hồ, A Châu mới biết Đoàn Chính Thuần là cha mình, thậm chí nàng đã đoàn tụ với cả gia đình mà không ai hay biết. Vậy là trong khi Tiêu Phong ấp ủ giấc mơ trả hận xong lập tức cùng A Châu ra ngoài Nhạn Môn Quan săn chồn đuổi thỏ thì A Châu đau đớn nghĩ kế vẹn toàn nhất. Nàng đã sử dụng tài hóa trang để đóng giả Đoàn Chính Thuần đến điểm hẹn nhận một chưởng của Tiêu Phong để hóa giải ân oán cho người cha chưa từng biết đến nàng.

Hạnh phúc vừa nhen lên cho hai con người côi cút thì đã bị dập tắt và cơn sóng cuộc đời tiếp tục nhồi Tiêu Phong vào sâu hơn trong bi kịch. Tiêu Phong từng bị lấy mất danh dự, mất anh em bạn bè, mất chức Bang chủ, mất tổ quốc… tưởng như tình yêu có thể tạm thay thế được thì giờ đây người yêu cũng mất nốt.

Hạnh phúc vừa nhen lên cho hai con người côi cút thì đã bị dập tắt, Tiêu Phong vào sâu hơn trong bi kịch. (Ảnh minh họa từ youtube)

Cảnh tượng đêm bi kịch đó được Kim Dung miêu tả thật tài tình. Trong mưa gió sấm sét ầm ầm, ông trời như đau lòng phẫn hận cho những cảnh đời oan trái, Tiêu Phong vung chưởng dốc sức bình sinh đánh vào người thân yêu nhất trên đời của ông mà cứ ngỡ đang ra tay lấy mạng kẻ thù:

Đột nhiên một ánh chớp sáng lòa, trên trời một tiếng sét ỳ ầm vang động, tiếng sấm tưởng như phụ họa với thế chưởng Tiêu Phong đánh ra, uy mãnh quả thực trời long đất lở, bình một tiếng, trúng giữa ngực Đoàn Chính Thuần. Chỉ thấy ông ta đứng không vững, đổ gục ngay xuống, nghe bịch một tiếng đã ngã sập trên lan can chiếc cầu đá xanh, nằm bẹp xuống không động đậy gì nữa.” (8)

Thế rồi, sau khi phát hiện ra sự thực, ông đau lòng như hóa điên:

Tiêu Phong đứng chết sững trên cầu, hết sức thương tâm, lại thêm vô cùng hối hận, giơ chưởng lên bình một tiếng đã đánh vào lan can cầu, đá vỡ bay tung tóe. Ông đánh hết chưởng này đến chưởng khác, muốn khóc nhưng không sao khóc được, bỗng nghe lạch cạch, phiến đá lan can rơi tòm xuống sông. Một ánh chớp lại bùng lên, chiếu lên mặt A Châu, nỗi thâm tình quan thiết của nàng vẫn còn vương trên khóe miệng. Tiêu Phong lại kêu rống lên: A Châu! Ông ôm xác người tình lên chạy như bay vào trong đồng không mông quạnh. Sấm chớp vẫn đùng đùng, mưa như trút nước, lúc thì chạy lên trên triền núi, lúc lại chạy xuống vực sâu, chẳng biết mình đang ở nơi đâu, đầu óc hỗn loạn trống rỗng không còn biết gì nữa…” (9).

Vở bi kịch theo phong cách Hy Lạp cổ này sẽ kết thúc thế nào, mời quý độc giả đón đọc bài cuối của loạt bài: Kiều Phong hay Tiêu Phong? Nạn nhân của mối thù dân tộc kẻ Hán người Hồ.

Bình Nguyên

Exit mobile version