Nhắc đến nhà văn Kim Dung, người ta nghĩ ngay đến truyện kiếm hiệp. Nhưng kiếm hiệp chỉ là hình thức mà Kim Dung mượn để giãi bày triết lý nhân sinh của ông và qua đó độc giả được tiếp thụ tư tưởng lớn nhất của văn học Trung Hoa thời hiện đại.
Đọc các tác phẩm của Kim Dung chính là đắm mình vào một thế giới vừa có cái đẹp cổ điển hoa lệ của 5.000 năm văn minh Hoa Hạ với những triết lý thâm ảo của cửu lưu Tam giáo, vừa là chuyến du lịch đầy hứng khởi qua nhiều vùng đất, nhiều vùng văn hóa với xiết bao phong tục tập quán đặc sắc, những núi cao sông dài, kỳ hoa dị thảo, không gì không có, như một cuốn từ điển được viết theo cách thú vị nhất.
Người đọc tác phẩm của Kim Dung để giải trí, người tìm kiếm kiến thức sử ký địa dư văn chương thi từ, người trầm ngâm với những triết lý nhân sinh và tôn giáo sâu thăm thẳm… đều được mãn nguyện. Thật là những tuyệt tác mà bao thế hệ độc giả đã không tiếc lời khen ngợi và bình phẩm!
Đại Kỷ Nguyên trân trọng giới thiệu chuyên mục Kim Dung dài kỳ để chia sẻ với độc giả những tâm đắc và chút bình luận khiêm nhường về:
Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc
Tiếu thư thần hiệp ỷ bích uyên
Nghĩa là:
Tuyết bay đầy trời bắn (nhìn) hươu trắng
Truyện cười thần hiệp tựa uyên xanh
- Trọn bộ: Bình Kim Dung
Kỳ 13: Đoàn Dự – anh đồ gàn si tình không cầu mà được
Có một chàng bạch mã hoàng tử xăng xái qua lại giang hồ hiểm ác như vào chỗ không người, trên tay phe phẩy chiếc quạt giấy có vẻ khá ung dung nhàn tản. Chàng giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha, miễn là việc nghĩa hay hợp với đạo lý thì dẫu có phải dấn thân vào chốn trập trùng đao quang kiếm ảnh chàng cũng không từ nan. Chắc hẳn chàng phải mang một thân võ công tuyệt thế? Không, vậy thường quá, vũ khí duy nhất của chàng là mấy bộ Kinh Phật và Tứ Thư, Ngũ Kinh của Nho giáo, ngoài ra còn có Dịch học và văn chương thơ phú. Nhân vật võ lâm không biết võ, “tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả” này mang tên: Đại Lý Đoàn Dự, biệt danh “anh đồ gàn”.
Trong đời, chàng trai này chỉ tôn sùng ba điều: Chàng tôn sùng cái đẹp và tình yêu, chàng tôn sùng nghĩa khí, chàng tôn sùng đạo lý thánh hiền. Còn những thứ khác, chàng coi như bùn đất. Cả ngôi vua Đại Lý đương nhiên thuộc về chàng, chàng cũng chẳng coi là quan trọng.
Trong võ lâm cũng có người không ham ngôi cao, nhưng họ quý võ công như tính mạng. Võ công cao cường đảm bảo tính mạng cho họ, mang lại oai danh địa vị và sự kết giao với giới võ lâm. Bởi vậy, bí kíp võ công lắm người ham. Nhất Dương Chỉ nhà họ Đoàn thì giới võ lâm giang hồ thèm rỏ dãi. Thế mà kẻ làm phận con cháu họ Đoàn là Đoàn Dự lại thờ ơ. Chỉ vì theo chàng nếu trong lòng đã có đức nhân từ của Nho gia, có giới sát giới sân, có đức từ bi của nhà Phật thì học mấy thứ võ công giết người đó để làm gì? Vậy nên có ép chàng cũng không học, ép mãi thì bỏ nhà ra đi:
“Sểnh nhà cất bước đi ra,
Áo xanh Tư Mã xông pha hiểm nghèo” (1)
Một anh đồ gàn đem sách vở, đạo lý giảng giải cho giới giang hồ đao búa
Có ai mà xông vào giữa đám người thô bạo cuồng ngạo chỉ lấy đao kiếm để phân xử mà can ngăn và giảng giải Phật Pháp hay cái chữ thánh hiền hay không? Có, chính Đoàn Dự đấy.
“Đoàn Dự phe phẩy cái quạt làm như không có gì xảy ra nói: Những bọn giang hồ này đánh nhau giết nhau càng lúc càng không đâu vào đâu. Người của Vô Lượng Kiếm giết người của Thần Nông Bang, thì gã Dung Tử Củ kia cũng đã bị Thần Nông Bang giết rồi, lại giết cả Cung Quang Kiệt, nếu như một mạng đổi một mạng thì đã quá số rồi. Còn như vẫn chưa bằng lòng thì phải trình lên quan cho rõ ràng, để cho cha mẹ dân xét xử cho minh bạch, chứ có lý đâu động một tí là giết người phóng hỏa? Chẳng lẽ nước Đại Lý này không còn vương pháp nữa hay sao?… Không được, việc này tôi không thể không nhúng tay vào, nếu như cô sợ thì ngồi đây chờ tôi vậy.”(2)
Lời giới thiệu môn phái của chàng thật khiến cho giới giang hồ cũng đến hồ đồ, lẫn lộn cả lên. Người võ lâm đa số vốn thô bạo, mấy ai biết “Dịch lý”, “Thuyết Quái”, “Hệ Từ”… mà Đoàn Dự giới thiệu là cái giống gì? Nhưng cẩn thận vẫn hơn, biết đâu là môn võ bí truyền cực kỳ nguy hiểm chăng? Không ai tin một anh chàng trói gà không chặt lại cứ dây vào những chuyện nguy hiểm chết người quá sức mình để bảo vệ những giá trị đạo lý.
“Lão già hỏi lại: Các hạ thuộc môn phái nào? Tôn sư tên họ là chi? Đoàn Dự đáp: Tôi không có môn phái. Thụ nghiệp sư phụ của tôi họ Mạnh, tên trên Thuật dưới Thánh, tự Kế Nho. Sư phụ tôi chuyên nghiên cứu về Dịch Lý, Thuyết Quái, Hệ Từ cũng khá thâm hiểu. Chàng nói đến sư phụ chính là nói về ông thầy dạy chàng đọc sách, làm văn. Thế nhưng lão già kia nghe thấy nào là “dịch lý, thuyết quái, hệ từ” lại tưởng là những môn công phu đặc biệt, nhất là Đoàn Dự tay cầm quạt phe phẩy, trông cũng có vẻ như thân mang tuyệt nghệ đã luyện đến mức không lộ ra ngoài nên không dám coi thường, mặc dầu chưa nghĩ ra trong võ lâm ai là Mạnh Thuật Thánh nhưng đối phương dám tự khoe là “cũng khá thâm hiểu” thì chắc không phải thuận miệng huênh hoang…”(3)
Thế nhưng “ghét của nào trời trao của ấy”. Đoàn Dự không tìm đến võ công, nhưng võ công lại cứ tìm đến chàng. Có những người như Tả Tử Mục và môn phái Vô Lượng Kiếm lao tâm khổ tứ, bôn ba xuất lực, bày mưu tính kế, đổ cả máu mấy chục năm trời mà không tìm thấy Vô Lượng Cung, nơi chứa vô số bí kíp võ công mà Đoàn Dự đã vô tình lạc đến và coi như đồ bỏ. Rồi anh chàng vô tình gặp hết kỳ duyên này đến kỳ duyên khác nên công lực càng cao thâm, lại càng thấy phiền toái. Đúng là: “Có lòng trồng hoa, hoa chẳng nở. Vô tình cắm liễu, liễu lên xanh”.
Cái duyên trời đã định thế, có muốn cũng không được mà không muốn cũng phải nhận. Nhận rồi nhưng chàng chẳng để tâm hay luyện tập, chẳng qua giống một cái kho chứa nội lực mà thôi, nên hiệu lực lúc có lúc không. Nhưng chất ngang tàng của chàng thì xưa nay vẫn thế, dù có kề dao vào cổ cũng chẳng chịu khuất phục, vẫn có thể nói vài câu bông lơn kiểu như: “Chết thì có gì thú? Đương nhiên là sống trên cõi đời so ra vẫn hơn chứ”(4). Hay là nghiêm nghị kiểu một thầy đồ “uy vũ bất năng khuất”: “Nếu như bà muốn học hỏi với tôi, thì phải có cái lễ phép của người muốn học. Còn như bức bách tra hỏi thì cứ việc chặt hai chân tôi trước rồi hỏi sau cũng không muộn”(5).
Ấy vậy có lúc cực chẳng đã mà ngộ sát địch thủ, Đoàn Dự ân hận lắm, chàng nói: “Mình nên đem bọn họ chôn cất cho tử tế, xem xét tên tuổi thế nào, mỗi người làm một cái bia mộ để sau này gia đình người ta tìm đến đem cốt về nước còn biết ai với ai”(6). Rồi chàng quỳ xuống khấn: “Sắc thân vô thường không thể giữ được mãi mãi. Các vị nhân huynh hôm nay chết dưới tay tại hạ, âu cũng là nghiệp báo kiếp trước, mong rằng hồn về Cực Lạc vĩnh viễn thoát được cái kiếp luân hồi. Xin đừng trách ta! Chàng lầm rầm xuýt xoa thêm một hồi nữa mới chịu đứng lên”(7).
Trong chốn giang hồ gió tanh mưa máu, hành động nhân đạo ấy giống như một anh đồ gàn, nhưng với người đọc chúng ta đó là cái gàn của một tâm hồn trong trẻo, thánh thiện.
Tôn sùng cái đẹp và tình yêu
Có lẽ ít người biết danh xưng “thần tiên tỉ tỉ” là phát minh của Đoàn Dự. Thần tiên tỉ tỉ là tên chàng đặt cho pho tượng người ngọc đẹp lộng lẫy trong Vô Lượng cung. Pho tượng khiến cho chàng tâm thần mê mẩn, ngưỡng mộ sùng bái như thiên tiên. Chàng sẵn sàng dập đầu lạy pho tượng một nghìn cái chỉ vì yêu vẻ đẹp tiên nữ ấy. Chàng sẵn sàng bào chữa cho thần tiên tỉ tỉ bất cứ điều gì không chính đáng. Đối với Đoàn Dự, thần tiên tỉ tỉ không bao giờ sai, không bao giờ xấu, chỉ có tâm phàm của mình không hiểu được người tiên.
Như một nhà thơ gặp nàng thơ của mình, như một họa sĩ tài hoa yêu nghề gặp một người mẫu hoàn hảo, tình yêu của Đoàn Dự luôn bắt đầu từ sự ngưỡng mộ cái đẹp rất trong sáng không bợn chút nhục dục. Chàng luôn xấu hổ đỏ bừng mặt lên như con gái và tự xỉ vả mình, thậm chí tự tát mình mấy cái khi vô tình rơi vào những trường hợp hơi “tế nhị” về quan hệ nam nữ. Kể cả khi bị Đoàn Diên Khánh chơi ác nhốt chàng với Mộc Uyển Thanh trong buồng sau khi cho cả hai uống thuốc kích dục Âm Dương Hòa Hợp Tán thì Đoàn Dự vẫn là một người quân tử giữ lễ. Chi tiết Đoàn Dự dạy Mộc Uyển Thanh “Kinh Dịch” để hai anh em quên đi sự khao khát dục tình của trai mới lớn gái đương thì đang cuồn cuộn dâng lên như nham thạch núi lửa… khiến chúng ta vừa buồn cười vừa khâm phục anh chàng đồ gàn đáng mến.
Nếu pho tượng bằng ngọc đã được Đoàn Dự gọi bằng thần tiên, thì Vương Ngữ Yên, người giống hệt pho tượng chính là tiên nữ sống động hạ phàm xứng đáng được Đoàn Dự đặt lên điện thờ. Chính là:
Từng khi khắc khoải mơ người ngọc,
Nay càng say đắm mộng giai nhân.(8)
Lời nói của Vương Ngữ Yên không khác chỉ dụ của hoàng đế với chàng. Chỉ có Vương Ngữ Yên mới có thể khiến Đoàn Dự gạt bỏ lòng tự tôn vương tử, sĩ diện kẻ sĩ để mặt dày mày dạn đi theo khắp núi Nam bể Bắc bất chấp bị mỉa mai châm biếm. Trong khi lòng nàng để cả vào người anh họ Mộ Dung Phục thì Đoàn Dự lẽo đẽo bám đuôi mong sao nhận được một ánh nhìn, một lời nói dù vu vơ, một tiếng thở dài thương cảm của nàng, hoặc thậm chí chỉ cần được đi cùng nàng thôi là đủ. Và bao phen chàng đã phải thất vọng, hay phát phẫn vì người ngọc vẫn vô tình. Bao lần chàng lấy cả Kinh Phật mà chàng thuộc làu làu ra để tự răn mình đừng si mê đến mất hết cả lý trí. Nhưng rốt cuộc Đoàn Dự vẫn lại lần tìm mọi dấu vết mà Vương Ngữ Yên để lại, để tiếp tục theo đuổi và tiếp tục bị làm ngơ.
Đoàn Dự chẳng dám mơ ngày sau nên duyên với người tiên, bình sinh chỉ luôn nguyện ước:
“Trong lòng Vương cô nương chỉ nhớ tới mỗi mình biểu ca nàng Mộ Dung Phục. Hôm nay ta cùng nàng vào sinh ra tử, phải tận tâm kiệt lực bảo vệ cho nàng, dẫu có vì nàng mà bỏ mình thì ít ra trong đời nàng cũng nhớ tới mình một đôi chút. Mai sau nàng cùng Mộ Dung Phục nên duyên, sinh con đẻ cái, trong khi nhàn rỗi kể chuyện cho con cháu nghe có khi nhắc lại chuyện hôm nay không chừng. Khi đó chắc nàng đầu tóc đã trắng xóa, nói tới ‘Đoàn công tử’ sẽ long lanh giọt lệ…”(9)
Có nhiều khi mải theo đuổi giấc mộng quanh quẩn với Vương Ngữ Yên nên Đoàn Dự tự lảm nhảm nói một mình những câu đầu Ngô mình Sở khiến người xung quanh ngơ ngác. Có khi giữa đám quần hào đang rứt lác nói những chuyện đâm đâm chém chém, chàng vẫn thở dài sõng sượt, lúc lại ngâm thơ hay thốt lên những lời chán nản về mối tình vô vọng mà chẳng cần quan tâm đến người bên cạnh. Nhưng đi lâu lâu với chàng cũng quen dần, người ta dần nảy lòng thương cảm anh chàng si tình quá đỗi.
Trong tiểu thuyết Kim Dung, có một kẻ khác cũng hay mơ thấy con gái giữa ban ngày, đó là Vi Tiểu Bảo. Giữa quân trướng họp bàn kế sách chống địch, y cũng lim dim mắt để hình dung những cảnh ái ân, miệng lảm nhảm bậy bạ những câu đầu Ngô mình Sở khiến cho quân tướng dưới quyền chẳng hiểu gì. Nhưng giấc mơ của Vi Tiểu Bảo đậm mùi kỹ viện, vì đó là chốn xuất thân của y. Còn Đoàn Dự trong trắng dù trong mơ cũng không bao giờ dám khinh bạc với Vương Ngữ Yên. Dẫu sao, hoàn toàn khác với Vi Tiểu Bảo, Đoàn Dự vẫn là một một vương tử tôn quý có giáo dục, có danh dự như chữ “Dự” (譽) trong tên của chàng.
Nhưng Đoàn Dự yêu cái đẹp mà không giới hạn vào người đẹp. Nhờ có Đoàn Dự, Vương phu nhân mới biết hoa trà Đại Lý đẹp như thế nào, mới hiểu hóa ra bà ta chỉ là một tay chơi nửa mùa, mới biết thế nào là loại trà “Thập Bát Đại Học Sĩ”, “Bát Tiên Quá Hải”, “Trảo Phá Mỹ Nhân Kiểm”… Nghe Đoàn Dự thao thao bất tuyệt như một chuyên gia về hoa trà, Vương phu nhân từ thái độ muốn ăn sống nuốt tươi phải chủ động xuống nước khách khí với chàng hơn. Cũng chỉ có Đoàn Dự mới có thể phẩm bình tinh tế những món ăn thanh tao mà A Châu, A Bích đãi khách.
Võ công chuệch choạc, nghĩa khí ngất trời
Môn võ duy nhất mà Đoàn Dự chủ động học tập là Lăng Ba Vi Bộ, một môn khinh công. Lý do là nó hợp với triết lý không sát sinh của chàng và lại giúp chàng “tẩu vi thượng sách” nhanh như gió, thật là hữu ích khi qua lại trên giang hồ ác hiểm.
Nhờ có Lăng Ba Vi Bộ mà mấy phen Đoàn Dự cõng Vương Ngữ Yên thoát hiểm. Nhưng không hiếm lần Đoàn Dự nhảy ra trước mặt Vương Ngữ Yên để che thân cho nàng dù anh chàng chẳng biết một chiêu thức võ công nào hết. Có lần anh chàng bị thương ngã xuống, Vương Ngữ Yên vội xông ra đỡ lấy. “Đoàn Dự thở hắt ra: Vương cô nương, ta… ta sắp chết rồi, chúc cô nương cùng Mộ Dung huynh được trăm năm ngang mày, bạch đầu giai lão. Cha ơi, mẹ ơi… con… con…”(10). Thực ra, anh chàng đâu có bị thương nặng mà chỉ mong một lần nằm trong vòng tay người đẹp, để cho những giọt châu tầm tã của nàng rơi trên người mình là chàng sướng mê tơi lên rồi. Đoàn Dự thật có máu xi-nê.
Nhưng phải nói công bằng, Đoàn Dự không trọng sắc khinh bạn. Chàng sẵn sàng đứng cùng trận tuyến với nghĩa huynh Tiêu Phong để địch lại cả nghìn người dù công phu quyền cước của chàng là con số không, Lục Mạch Thần Kiếm thì lúc tắt lúc sáng. Khi Tiêu Phong bị quần hùng rượt đuổi lên Tàng Kinh Các thì chàng bỏ lại Vương Ngữ Yên để chạy theo bảo vệ nghĩa huynh: “Cả nghìn người như đàn ong kéo lên, định vây đánh Tiêu đại ca, anh ta ở vào cảnh ngộ cực kỳ hung hiểm. Hư Trúc nhị ca đã nói rõ là không giúp bên nào, nếu ta không hết sức ra tay giúp đỡ thì cái tình kim lan kết nghĩa còn đâu? Dẫu cho Vương cô nương có giận thì mình cũng đành chịu vậy thôi.”(11)
Có lần chàng hiểu nhầm Hư Trúc cũng yêu Vương Ngữ Yên, chàng không những không đố kỵ mà còn đầy lòng thông cảm với Hư Trúc. Nhờ đó hai anh chàng dở hơi cám hấp mới cởi mở câu chuyện và nên duyên huynh đệ. Thật là những tâm hồn rộng rãi đáng mến.
Cũng không chỉ có bạn, người mới sơ giao mà có ơn với chàng, chàng cũng xả thân cứu cho bằng được. Vì vậy anh chàng Đoàn Dự mới tò te đã “không do dự” luồn rừng vượt núi xông vào nơi “giết không tha bất cứ người họ Đoàn nào dám bước chân vào” để cầu cứu cho cô bạn Chung Linh. Khi mượn được ngựa của Mộc Uyển Thanh, đi được nửa đường lại quay về báo cho Mộc Uyển Thanh biết có cường địch tập kích, rồi lại sẵn sàng tương trợ cô ta chống lại kẻ địch đông đảo. Đoàn Dự được lòng các cô gái, lại được huynh đệ giang hồ quý mến cũng vì cái nghĩa khí can vân dám xả thân để bảo vệ người cô thế, nào có kể chi đến an nguy bản thân.
Cái nết si tình của Đoàn Dự có lẽ một phần được mượn từ người cha thật sự của chàng: nhà văn Kim Dung. Cũng như Đoàn Dự, Kim Dung cũng yêu đắm say nhiều người phụ nữ, cũng chuộng cái đẹp và đạo lý. Nhưng Đoàn Dự cũng là nhân vật mà Kim Dung muốn ký thác chữ phúc duyên của nhà Phật. Có duyên thì không cầu mà mọi sự vẫn thành. Nước Đại Lý ở phương nam sống hiền hòa, chuộng Phật Pháp nên cũng như Đoàn Dự, không tranh mà được, chẳng khổ công như Tiên Ti phía Bắc của Mộ Dung Phục, trăm phương nghìn kế mà không có lấy một chút phúc đức thì mọi sự vẫn là không.
Xin mến tặng Đoàn Dự mấy dòng thơ:
“Đại Lý công tử sức trói gà
Giang hồ bôn tẩu bước Lăng Ba
Khăn là áo lượt, quạt nạm ngọc
Kiếm đao kề cổ vẫn mơ hoa
Buổi đi cành liễu gió lả lơi
Ngày về tuyết lạnh thổi đầy trời
Mối sầu vương mãi, thương người ngọc
Duyên phận gì đây kiếp nổi trôi?
Thiên hạ tranh hùng chẳng bận tâm
Chỉ mơ được bén gót giai nhân
Gió trăng đầy túi đời tài tử
Võ công cái thế cũng đâu cần?
Huynh đệ tương phùng ba ngàn chén
Vì nghĩa xả thân đáng trượng phu
Sóng gầm cuốn hết bao tình sử
Ngàn năm người cũ vẫn phong lưu.” (10)
Bình Nguyên – Văn Nhược
- (1)–(9): Trích “Thiên Long Bát Bộ” bản dịch của Nguyễn Duy Chính
- (10): Thơ Văn Nhược