Nhắc đến nhà văn Kim Dung, người ta nghĩ ngay đến truyện kiếm hiệp. Nhưng kiếm hiệp chỉ là hình thức mà Kim Dung mượn để giãi bày triết lý nhân sinh của ông và qua đó độc giả được tiếp thụ tư tưởng lớn nhất của văn học Trung Hoa thời hiện đại.
Đọc các tác phẩm của Kim Dung chính là đắm mình vào một thế giới vừa có cái đẹp cổ điển hoa lệ của 5000 năm văn minh Hoa Hạ với những triết lý thâm ảo của cửu lưu Tam giáo, vừa là chuyến du lịch đầy hứng khởi qua nhiều vùng đất, nhiều vùng văn hóa với xiết bao phong tục tập quán đặc sắc, những núi cao sông dài, kỳ hoa dị thảo, không gì không có, như một cuốn từ điển được viết theo cách thú vị nhất.
Người đọc tác phẩm của Kim Dung để giải trí, người tìm kiếm kiến thức sử ký địa dư văn chương thi từ, người trầm ngâm với những triết lý nhân sinh và tôn giáo sâu thăm thẳm… đều được mãn nguyện. Thật là những tuyệt tác mà bao thế hệ độc giả đã không tiếc lời khen ngợi và bình phẩm.
Đại Kỷ Nguyên trân trọng giới thiệu chuyên mục dài kỳ về Kim Dung để chia sẻ với độc giả những tâm đắc và chút bình luận khiêm nhường về:
Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc
Tiếu thư thần hiệp ỷ bích uyên [1]
Nghĩa là:
Tuyết bay đầy trời bắn (nhìn) hươu trắng
Truyện cười thần hiệp tựa uyên xanh
- Loạt bài dài kỳ: Bình Kim Dung
Kỳ 3: Sự thật và hư cấu trong truyện của Kim Dung
Người viết đã ngần ngừ hồi lâu mới dám đặt bút viết về nội dung này. Sở dĩ như vậy là bởi vì cân nhắc lợi hại trong việc chia sẻ với bạn đọc những người thật việc thật đã được Kim Dung sử dụng trong 14 tác phẩm, cũng như những hư cấu ông mang vào. Đó là thủ pháp văn chương thượng thặng của Kim Dung khiến chúng ta đi từ thú vị này đến bất ngờ khác, say mê nhập tâm vào thế giới hư hư thực thực của các nhân vật và sự kiện mà Kim Dung tạo ra.
Đến một lúc, ta không còn phân biệt được đâu là sự kiện có thực, đâu là hư cấu của Kim Dung nữa, ranh giới ấy đã bị xóa nhòa. Cuối cùng tất cả những nhân vật được tạo nên ấy đều trở thành sống động, giống như đang sống giữa chúng ta bằng xương bằng thịt. Họ trở thành bạn hữu của chúng ta. Ít nhất thì trong tâm trí chúng ta, họ đã chiếm một vị trí không hề nhỏ đến mức mà, ta thầm so sánh với họ những con người ta gặp trong đời thực.
Gặp một kẻ giảo hoạt, xảo ngôn, giỏi luồn lách, nhiều tiểu xảo, lắm thủ đoạn, bất học nhưng hữu thuật… ta có thể thầm nghĩ: “Lại một gã Vi Tiểu Bảo”. Nếu may mắn gặp người trung hậu, cương trực mạnh mẽ và nghĩa hiệp, ta mừng thầm giống như gặp được chàng Quách Tĩnh. Gặp một gã trai mới lớn si tình nhưng trong trắng, ta hết sức thông cảm nghĩ tới hình ảnh Đoàn Dự…
Như thế, các nhân vật của Kim Dung dù có thật hay không, đã bước vào cuộc đời thực của chúng ta, họ đã trở nên có thật theo cách ấy. Giống như có người đã bình luận về nhân vật Sherlock Holmes: “Người đàn ông chưa từng sống nhưng không bao giờ chết”. Các nhân vật hư cấu của Kim Dung cũng vậy.
Thành ra, 14 tác phẩm của Kim Dung xếp thành hai câu thơ kia, có thể ví như một con rồng ẩn hiện trong mây, nó có vẻ đẹp kỳ ảo. Nếu tách mây ra khỏi rồng một cách tỉnh táo minh bạch, thì chắc gì đã hay? Nhưng suy từ bản thân, người viết thấy rằng càng hiểu về xuất xứ nhân vật và sự kiện trong truyện Kim Dung, thì chúng ta lại càng thấy rõ hơn tài năng của ông và những tác phẩm ấy càng trở thành báu vật trong lòng ta. Cho nên, người viết mạnh dạn chia sẻ về đề tài này với những bạn đọc cùng sở thích.
Về các nhân vật và sự kiện trong truyện Kim Dung
Hầu như trong mỗi bộ truyện, Kim Dung sẽ xây dựng nhân vật và tình tiết dựa trên một bối cảnh có thật, sự kiện có thật và những nhân vật có thật trong lịch sử. Ví như trong Xạ Điêu Tam Bộ Khúc (gồm “Anh Hùng Xạ Điêu”, “Thần Điêu Đại Hiệp” và “Ỷ Thiên Đồ Long Ký”) là thời kỳ nhà Nam Tống ở phía Nam sau khi Kim diệt Bắc Tống, rồi Mông Cổ diệt cả Nam Tống và Kim để lập nên triều Nguyên và cuối cùng là cuộc khởi nghĩa của người Hán do Chu Nguyên Chương đứng đầu, diệt Mông Cổ mà lập ra nhà Minh. Thời gian của Xạ Điêu Tam Bộ Khúc là hơn 100 năm. Các nhân vật trong Xạ Điêu Tam Bộ Khúc đều có liên hệ với nhau.
Lấy Anh Hùng Xạ Điêu làm ví dụ. Bối cảnh lịch sử của truyện là sự kình chống của ba lực lượng chính trị, quân sự lớn là nhà Nam Tống, nhà Kim ở phía Bắc và Đế chế Mông Cổ đang chuẩn bị tràn xuống phương Nam. Vì thế, ta có những nhân vật lịch sử có thật như: Thành Cát Tư Hãn, Hoàng tử Đà Lôi, Hoa Tranh công chúa, tướng Triết Biệt bên phía Mông Cổ, Hoàn Nhan Hồng Liệt là vương tử nhà Kim.
Ta có những nhân vật lịch sử chống Kim là đạo sĩ người Hán Vương Trùng Dương (nhân vật hay được nói đến nhưng chưa bao giờ xuất hiện), người sáng lập Toàn Chân Giáo, và 7 đệ tử của ông ta (Toàn Chân Thất Tử), trong đó có Khưu Xứ Cơ là một đạo sĩ rất nổi tiếng, đã từng được Thành Cát Tư Hãn vời qua Mông Cổ để giảng đạo.
Chúng ta có Châu Bá Thông cũng là một nhân vật có thật, ngoài đời ông ta rất ngưỡng vọng Vương Trùng Dương và giúp họ Vương điều khiển Tam Giáo Kim Liên Hội, một chi nhánh của Toàn Chân Giáo. Trong 5 nhân vật võ công đứng đầu thiên hạ gồm: Vương Trùng Dương, Hồng Thất Công, Hoàng Dược Sư, Đoàn Trí Hưng, Âu Dương Phong thì có 3 người là nhân vật có thật.
Đoàn Trí Hưng là vua nước Đại Lý nay thuộc địa phận tỉnh Vân Nam, Quý Châu và một phần Tứ Xuyên. Hoàng Dược Sư cũng là một nhân vật có thật, nhưng sự thật ấy khá tức cười. Trong đời thực, ông ta và Quách Tĩnh – một binh sĩ của Lữ Văn Đức, quan An phủ sứ vùng Kinh Hồ, tự tin là có thể dùng thần thông để phá được quân Mông Cổ, nhưng thất bại.
Tóm lại, có nhiều nhân vật lịch sử trong Anh Hùng Xạ Điêu, tuy vậy, mức độ khai thác con người thật của họ trong truyện là có sự đậm nhạt khác nhau. Trong phần lớn trường hợp, Kim Dung đã khoác lên cho họ những phẩm chất mới, có thể khác hoàn toàn trong đời thực giống như Quách Tĩnh và Hoàng Dược Sư đã được đề cập ở trên.
Và những nhân vật khác, không phân biệt chính hay phụ, đều là được Kim Dung hư cấu hoàn toàn, như: Hồng Thất Công, Âu Dương Phong, Hoàng Dung, Giang Nam Thất Quái, Mai Siêu Phong…
Cũng như trong Thần Điêu Đại Hiệp, lấy bối cảnh là cuộc chiến chống quân Mông Cổ của nhà Nam Tống tại thành Tương Dương là sự kiện có thật, trong đó xuất hiện nhân vật lịch sử Hốt Tất Liệt của phía Mông Cổ. Quách Tĩnh là anh hùng giúp giữ vững thành Tương Dương chứ không phải kẻ bất tài nhảm nhí trong lịch sử. Còn Dương Quá, Tiểu Long Nữ dẫu là nhân vật chính nhưng được hư cấu hoàn toàn. Tuy vậy, Kim Dung khéo léo lồng sự kiện có thật đó là Đại Hãn Mông Kha chết trận trong cuộc tấn công thành Tương Dương vào mạch chuyện, và lý do của cái chết của ông ta là đã bị Dương Quá dùng võ công thượng thừa để hành thích.
Về võ công
Nói đến truyện kiếm hiệp mà không nói về võ công thì quả là thiếu sót. Trong các thiên truyện của Kim Dung, ta thấy xuất hiện rất nhiều võ phái đều là có thật. Ví như: Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi, Không Động, Côn Luân… với các tuyệt kỹ có thật như: Thái Cực Quyền của Võ Đang, 72 tuyệt kỹ của Thiếu Lâm với các binh khí khác nhau… Nhưng 72 tuyệt kỹ này trong truyện được gán cho là sáng tạo của Đạt Ma Sư Tổ, người sáng lập ra chùa Thiếu Lâm ở Hà Nam và cũng là ông tổ của Phật Giáo Thiền tông.
Thành ra, hình ảnh Đạt Ma giống như là ông tổ của võ học Trung Quốc, là thiên tài võ học mà hậu nhân khó ai có thể so sánh được. Trên thực tế thì, 72 tuyệt kỹ là đóng góp của bao nhiêu thế hệ võ tăng của Thiếu Lâm Tự. Đạt Ma là người có thần thông, nhưng ông chỉ mang từ Ấn Độ sang một số bài tập có tính chất nâng cao sức khỏe và khả năng tự vệ cho tăng chúng Thiếu Lâm thời kỳ đầu, khiến họ có thể trạng tốt để tu luyện Phật Pháp.
Các động tác của võ thuật được Kim Dung mô tả chính là lấy từ thực tế. Ví dụ trong cận chiến thì có chưởng pháp (dùng tay tấn công), quyền pháp (dùng nắm đấm), chỉ pháp (dùng lực ngón tay), trảo pháp (dùng lực bàn tay với các ngón tay giống như động vật cào), cầm nã (phép túm, giật móc, túm, kéo, khóa), bộ pháp (phép di chuyển)…
Cũng có nhiều môn võ bắt chước từ động vật trong thực tế được Kim Dung đưa vào như: Ưng trảo công (bắt chước con chim ưng dùng móng vuốt chộp bắt), xà quyền (lối đánh bắt chước rắn), hàm mô công (công phu giống con ếch nhảy vồ)… Ông cũng khéo léo gài những chuyện võ nghệ có thật gây cảm hứng như bài quyền pháp Thái tổ Trường Quyền của Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn. Bài quyền này được Triệu Khuông Dẫn sáng tác khi còn học và dạy võ thuật trong chùa Thiếu Lâm. Tiêu Phong trong trận chiến Tụ Hiền Trang đã sử dụng công phu này để đối phó với các nhà sư Thiếu Lâm khiến quần hùng và ngay cả kẻ địch của ông cũng rất ngưỡng mộ.
Sở dĩ Kim Dung có thể mô tả sống động và chính xác các chiêu thức võ học là bởi vì ông rất chủ động tìm tới các võ sư để tham khảo về đòn thế, chiêu số và cách đánh thực tế. Đấy là cách làm việc rất nghiêm túc và đáng học tập. Tuy nhiên, tiểu thuyết kiếm hiệp không phải là một cuốn biên khảo hay bài nghiên cứu về võ công, cho nên cũng tồn tại nhiều chi tiết mang tính tưởng tượng và lãng mạn, cốt để gây cảm hứng cho người đọc.
Vì vậy mà, Kim Dung đã sáng tạo ra nhiều chiêu thức với tên gọi rất thú vị. Nào là “Sư tử hống” là chiêu thức dùng nội công để đưa vào tiếng rống khiến người nghe bị đinh tai nhức óc, tâm thần tán loạn dẫn đến bất tỉnh. Có người phát điên. Người có công phu Sư tử hống nổi tiếng nhất là Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn, ngoại hiệu của ông có nghĩa là con sư tử lông vàng.
Hoặc công phu “Hấp tinh đại pháp” của giáo chủ Triêu Dương thần giáo Nhậm Ngã Hành, công phu này có thể hút công lực của người khác làm của mình. Hoặc tuyệt chiêu “Lục Mạch thần kiếm” của hoàng gia họ Đoàn nước Đại Lý, họ có thể dùng kiếm khí vô hình phát ra từ các ngón tay để đả thương địch thủ từ một khoảng cách nhất định. Đến những chiêu thức chỉ có trong trí tưởng tượng hoang dã nhất như “Cách sơn đả ngưu”.
Nhà sư nước Thổ Phồn Cưu Ma Trí đã dùng công phu này đứng từ xa để đánh vào lư hương đồng. Phía mặt trước của lư hương tiếp xúc với chưởng lực này vẫn nguyên vẹn, nhưng mặt đối diện đằng sau thì thủng một miếng in hình bàn tay của Cưu Ma Trí. Nếu giả sử thực sự có công phu “Cách sơn đả ngưu” này, thì nó không còn được gọi là võ học, nó là một dạng năng lực khác.
Thực chất của những công phu thần diệu đó là gì?
Kim Dung có đề cập đến những công phu kỳ lạ chẳng hạn như “Thiết Sa chưởng”, “Kim chung tráo”, “thiết bố sam”, “bách bộ xuyên dương”, v.v. còn có phép “thần hành” hay còn gọi là khinh công. Những công phu đó có thật hay không? Câu trả lời là có. Nó còn được gọi với một tên gọi khác là công năng đặc dị. Tuy nhiên, người luyện võ ngày xưa là bao gồm nội công và ngoại công. Nội công là tu luyện khí công. Ngoại công là luyện các động tác chiến đấu, dùng đến cơ bắp.
Công năng đặc dị là kết quả tu thành của những người tu luyện khí công. Muốn thành thì người luyện phải cải biến tâm tính của mình, phải dứt bỏ nhiều tâm chấp trước như tâm tranh đấu, tâm đố kỵ, tâm tham lam, tâm thể hiện (hay hiển thị), tâm giận dữ, v.v. có rất nhiều nhân tâm mà họ phải tu bỏ mới có được thành tựu. Thậm chí tu xuất được công năng đặc dị cũng không được thể hiện cho người khác thấy. Nếu ai làm vậy thì công năng của họ sẽ mất.
Đằng này, các nhân vật của Kim Dung thì tâm nào cũng có. Họ tranh giành nhau bí kíp võ công, quyền phổ, kiếm phổ, người tình. Họ vì ghen tuông hay thất tình mà sát hại người khác, họ có đầy đủ thất tình lục dục của thường nhân… Vậy mà họ lại có bản sự lớn như thế của những người tu luyện đắc Đạo thì hoàn toàn chỉ là một thủ pháp hư cấu của văn chương mà thôi.
Mặc dù công lực của một người là sở hữu của riêng người đó, do người đó tự luyện được, bất cứ ai cũng không thể lấy đi hoặc cấp thêm cho người ấy. Nhưng Kim Dung thì khiến công lực giống như một dạng nhiên liệu vậy, có thể cho đi lấy về dễ dàng. Chẳng thế mà Nhậm Ngã Hành dùng công phu “Hấp tinh đại pháp” để hút công lực của kẻ khác. Hoặc khi một nhân sĩ võ lâm bị nội thương, tổn hao chân khí thì một cao thủ võ lâm có thể truyền thêm công lực để họ phục hồi.
Tẩu hỏa nhập ma có thật hay không?
Một khái niệm hoàn toàn xuất hiện từ truyện võ hiệp, không chỉ của Kim Dung, đó là: “tẩu hỏa nhập ma”. Nó miêu tả trạng thái của một người luyện công bị thiên sai đi đến khủng hoảng tâm thần và đảo lộn hết các trạng thái sinh lý, thậm chí có thể dẫn đến điên loạn hay mất mạng. Nó là điều đại kỵ của võ lâm. Khái niệm giật gân này mang tính chất kích thích tâm lý người xem rất mạnh, tên gọi nghe cũng ấn tượng. Cho nên, nó rất dễ đi vào đời thường và trở thành một định kiến khó giải.
Thực tế, không tồn tại bất cứ một hiện tượng nào gọi là “tẩu hỏa nhập ma”. Trong các sách tu luyện chính thống xưa nay, chưa từng có khái niệm “tẩu hỏa nhập ma”. Chúng ta có thể đọc các cuốn sách tu luyện nổi tiếng như “Đan Kinh”, “Đạo Tạng”, “Tính Mệnh Khuê Chỉ”… hay các sách võ thuật đồng thời cũng là nội gia quyền của Thái Cực Quyền, trong các sách đó chưa bao giờ nhắc đến hiện tượng “tẩu hỏa nhập ma”. Chỉ đến khi có truyện kiếm hiệp thì mới xuất hiện “tẩu hỏa nhập ma”.
Thực tế thì một số người tu luyện có thể có biểu hiện khác thường khiến người khác khó lý giải. Có thể khi họ tu luyện có chút thành tựu sẽ được nhìn thấy những hiện tượng ở các không gian khác, họ đi chia sẻ những điều đó. Chắc chắn là những hiện tượng đó không thể dùng khái niệm của người thường để lý giải cho nên người ta bảo họ bị tẩu hỏa nhập ma. Hoặc có những người khi luyện công không làm chủ được mình, để cho những sinh mệnh ở không gian khác điều khiển tư tưởng của mình, làm ra những hành động kỳ quặc…
Đó chẳng qua là do ý thức họ không đủ mạnh nên mới bị bên ngoài can thiệp. Cũng giống như những người yếu bóng vía bị ma nhập vậy thôi, họ nào có luyện công gì mà vẫn có biểu hiện bất thường? Cho nên giới tu luyện chân chính luôn khẳng định chắc chắn rằng hiện tượng “tẩu hỏa nhập ma” không hề tồn tại. Và người ta dù có tu luyện hay không thì khi ý thức phải mạnh mẽ, chính trực và kiên định, họ sẽ không xuất hiện bất kể vấn đề gì.
Những yếu tố văn hóa: Rượu, hoa, thư họa, âm nhạc, Đường thi, v.v.
Xã hội võ lâm trong truyện Kim Dung thật là đa dạng, với đủ các tầng lớp, từ những thành phần hạ lưu xuất thân nơi kỹ viện như Vi Tiểu Bảo, những kẻ bắt gà trộm chó, các anh hùng lục lâm thảo khấu… cho đến những kỳ nhân dị sĩ, những nhân sĩ tài hoa trác tuyệt, với bối cảnh là đất nước Trung Hoa rộng lớn với đủ mọi cảnh sắc thiên nhiên và nhiều vùng văn hóa trong thời kỳ dài hàng trăm năm. Cho nên, thực tế đây là một sân khấu cực lớn để Kim Dung phát tiết tài hoa và sự uyên bác của ông về văn hóa Thần truyền Trung Hoa.
Đọc đoạn luận về rượu của Tổ Thiên Thu thì người không thích uống rượu có khi cũng thấy thèm rượu muốn nếm thử, nhưng phải uống những Trạng Nguyên Hồng Thiệu Hưng, Bách Thảo Tửu, Bồ Đào… trong chén thời Bắc Tống, chén gỗ cổ đằng, chén ngọc dạ quang v.v. theo cách mà Tổ Thiên Thu đã hướng dẫn thì mới thú. Hay chúng ta mong một lần được đến Vân Nam ngắm hoa trà của Đại Lý xem có đẹp và lạ như Đoàn Dự đã mô tả hay không? Thế nào là loại hoa trà “Thập Bát học sĩ” gồm 18 bông, mà mỗi bông một màu không giống nhau?
Hoặc ta thả hồn trôi theo nhịp chèo bơi trên hồ sen của A Châu, A Bích và các cô thiếu nữ vùng Giang Nam xinh đẹp để ngắm những đóa sen hồng thơm ngát nõn nà trong một không gian bàng bạc chất Đường Thi của bài ca Hái sen ở Giang Nam (Giang Nam khả thái liên). Hay đắm mình vào những bức thư pháp theo lối cuồng Thảo với khí thế bất phàm của Thảo Thánh Trương Húc.
Có người như Chu Tử Liễu, đệ tử của Đoàn Nam Đế, chế địch bằng bút lông viết theo lối chữ Khải của Chử Toại Lương, một trong Tứ Đại Gia thời Sơ Đường. Có khi lòng ta lại nặng trĩu khi nghe Đoàn Dự ngâm nga lời thơ “Chiến Thành Nam” của thi tiên Lý Bạch trong giờ phút Tống Liêu sắp giao tranh, lặng buồn không biết khi nào những cuộc binh lửa của loài người mới chấm dứt. Hay lại hòa mình vào cái bừng bừng hào khí của người “thất phu hữu trách” muốn trả nợ với non sông trong bài ca hào hùng Trầm Giang của Tổng Đà Chủ Trần Cận Nam và Đà Chủ Hồng Thuận Đường Ngô Lục Kỳ của Thiên Địa Hội trên con thuyền nhỏ bồng bềnh giữa dòng Liễu Giang trong một đêm giông tố…
Tất cả những yếu tố văn hóa ấy làm cho truyện Kim Dung trở nên cuốn hút lạ lùng. Tuy đọc truyện, nhưng mắt ta như được nhìn thấy cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, thư pháp, hội họa, hoa cỏ… lưỡi ta như được nếm vị rượu ngon, tai ta như nghe được những bài ca, bài thơ từ trữ tình đến hào hùng, có lúc bác học có khi dân dã. Kim Dung đã khéo léo sử dụng những tinh hoa trong văn hóa thần truyền của đất nước Trung Hoa và là có thật trong lịch sử để minh họa, tô điểm như thêu hoa lên gấm cho những tác phẩm của mình.
Nhưng mặt khác, ông lại hư cấu thêm những sản phẩm văn hóa khác để phục vụ cho ý đồ câu chuyện. Chẳng hạn, đó chính là khúc hợp tấu đàn sáo “Tiếu Ngạo Giang Hồ” của Lưu Chính Phong phái Hành Sơn và trưởng lão Khúc Dương của Triêu Dương Thần Giáo. Khúc nhạc hay và khó chơi đến nỗi, một nhạc sư bình thường cũng không thể phân biệt được đó là cầm phổ hay kiếm phổ và khiến cho chàng lãng tử Lệnh Hồ Xung tiếp tục chịu oan khuất. Khúc nhạc đó chính là tiếng lòng của những tri âm tri kỷ đến với nhau bất chấp phe phái, bất chấp những định kiến nhỏ nhen của người đời, dù người trong cuộc có phải trả giá bằng tính mạng thì những tình cảm cao đẹp son sắt ấy vẫn còn mãi…
Đến đây, người viết xin tạm dừng bút. Những sự thực và ảo trong truyện Kim Dung còn nhiều lắm, người viết không có tham vọng có thể phân tích hết trong một bài viết ngắn ngủi. Nhưng dẫu sao, chút gạn lọc đó cũng cần thiết để gây thêm chút cảm hứng cho bạn đọc tự tìm hiểu và cảm nghiệm vẻ đẹp của những tác phẩm của Kim Dung; cũng như khiến chúng ta có một nhận thức chung sơ bộ nào đó trước khi chúng ta cùng tiếp tục khám phá thế giới võ hiệp và văn hóa huyền diệu thâm ảo của Kim Dung với tâm trạng bất ngờ và vui sướng như cô bé Alice ở xứ sở diệu kỳ.
(Bạn đọc nếu muốn đặt câu hỏi về nhân vật hay sự kiện nào trong truyện Kim Dung là có thật hay không, xin hãy để lại lời nhắn trong phần bình luận, người viết rất vui được chia sẻ cùng bạn đọc).
Y Hoàng