Đại Kỷ Nguyên

Bình Kim Dung (Kỳ 4): Lý Mạc Sầu – nạn nhân tuyệt vọng của chữ Tình trong Thần Điêu Hiệp Lữ

Nhắc đến nhà văn Kim Dung, người ta nghĩ ngay đến truyện kiếm hiệp. Nhưng kiếm hiệp chỉ là hình thức mà Kim Dung mượn để giãi bày triết lý nhân sinh của ông và qua đó độc giả được tiếp thụ tư tưởng lớn nhất của văn học Trung Hoa thời hiện đại.

Đọc các tác phẩm của Kim Dung chính là đắm mình vào một thế giới vừa có cái đẹp cổ điển hoa lệ của 5.000 năm văn minh Hoa Hạ với những triết lý thâm ảo của cửu lưu Tam giáo, vừa là chuyến du lịch đầy hứng khởi qua nhiều vùng đất, nhiều vùng văn hóa với xiết bao phong tục tập quán đặc sắc, những núi cao sông dài, kỳ hoa dị thảo, không gì không có, như một cuốn từ điển được viết theo cách thú vị nhất.

Người đọc tác phẩm của Kim Dung để giải trí, người tìm kiếm kiến thức sử ký địa dư văn chương thi từ, người trầm ngâm với những triết lý nhân sinh và tôn giáo sâu thăm thẳm… đều được mãn nguyện. Thật là những tuyệt tác mà bao thế hệ độc giả đã không tiếc lời khen ngợi và bình phẩm.

Đại Kỷ Nguyên trân trọng giới thiệu chuyên mục Kim Dung dài kỳ để chia sẻ với độc giả những tâm đắc và chút bình luận khiêm nhường về:

Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc
Tiếu thư thần hiệp ỷ bích uyên

Nghĩa là:

Tuyết bay đầy trời bắn (nhìn) hươu trắng
Truyện cười thần hiệp tựa uyên xanh

Kỳ 4: Lý Mạc Sầu – nạn nhân tuyệt vọng của chữ Tình trong “Thần Điêu Hiệp Lữ”

Vấn thế gian tình thị hà vật
Trực giáo sinh tử tương hứa
Thiên nam địa bắc song phi khách
Lão sí kỷ hồi hàn thử

Hoan lạc thú ly biệt khổ
Tựu trung cánh hữu si nhi nữ
Quân ứng hữu ngữ diểu vạn lý tằng vân
Thiên San mộ tuyết chích ảnh hướng thùy khứ

Nghĩa là:

Tình là chi hỡi thế gian?
Câu thề sinh tử đa mang một đời
Trời Nam đất Bắc đôi nơi
Cánh chim rũ mỏi mấy hồi hàn ôn

Vui ân ái, biệt ly buồn
Si tình nhi nữ, khởi nguồn bi hoan
Tiếng xưa xa khuất mây ngàn
Về đâu bóng lẻ Thiên San tuyết chiều

Tạo dựng nhân vật Lý Mạc Sầu trong Thần Điêu đại hiệp 2014. (Ảnh: Youtube)

Mấy ai say mê Thần Điêu Hiệp Lữ lại không nhớ bài thơ mà nữ ma đầu Lý Mạc Sầu ngâm nga từ khi mụ xuất hiện đắc thắng ở Lục Gia Trang, cho đến những giây phút cuối cùng đau đớn của cuộc đời mụ. “Vấn thế gian tình thị hà vật”, câu thơ dai dẳng đeo bám mãi Lý Mạc Sầu như một dấu hỏi lớn nhất cuộc đời họ Lý, cũng là một trong những câu hỏi lớn nhất của cuộc đời chúng ta: “Tình là chi hỡi thế gian?”.

Bài thơ tên là Mô Ngư Nhi – Nhạn Khâu là một tác phẩm của danh sĩ cuối đời Kim đầu đời Nguyên tên là Nguyên Hiếu Vấn.

Nhạn ở Trung Hoa tức là loài ngỗng trời, chúng sống thành đôi rất chung thủy. Về xuất xứ bài thơ, tác giả viết: “Năm Ất Sửu Thái Hoà thứ năm, tới Tinh Châu thi, trên đường gặp người bắt nhạn nói: “Hôm nay bắt được một con nhạn, đem giết. Con thoát được lưới buồn hót không chịu đi, cuối cùng lao xuống đất mà chết.” Tôi bèn mua lấy, đem chôn trên sông Phần, đắp đá thành mộ chí, gọi là mồ chim nhạn. Khi đó nhiều người cùng đi làm thơ phú, tôi cũng làm bài “Nhạn khâu từ”. Bài cũ đó không theo nhạc điệu, nay sửa lại”. (theo lời dẫn của thivien.net)

Một nửa đầu của bài thơ được nhà văn Kim Dung sử dụng trong Thần Điêu Hiệp Lữ, chính là ca khúc mà Lý Mạc Sầu cứ ngâm nga mãi từ thời trẻ.

Hỡi thế gian tình ái là chi…. (Ảnh: Youtube)

Vậy, tình là chi hỡi thế gian?

Người ta hay hiểu chữ “tình” là tình cảm lứa đôi. Nhưng hiểu rộng hơn thì tình là cảm xúc căn bản nhất của con người. Khi chúng ta yêu thích ai, cái gì, việc gì thì là tình. Khi ta ghét ai, cái gì, việc gì cũng là tình. Tình cũng có nhiều mức độ, giống như từ thiện cảm, quý mến đến yêu thương, đến say mê, đến cuồng si. Hoặc từ không ưa chuộng đến ghét bỏ, đến hận thù. Đều là tình cả. Và tình là mang tính tự tư.

Con người thế nhân sống ở trong cái tình ấy và chết đi cũng vì cái tình ấy, luân hồi cũng vì cái tình ấy mà thôi. Chỉ có bậc chân tu đã biết dứt bỏ tình, thay nó bằng một điều cao thượng hơn: Lòng từ bi đối với chúng sinh bất kể thân sơ.

Thần Điêu Hiệp Lữ là câu chuyện của tình. Trung tâm của truyện là mối tình lắm nỗi đoạn trường của hai nhân vật chính Dương Quá – Tiểu Long Nữ. Nhưng không chỉ có ái tình nam nữ, cái tình mà Kim Dung viết ở đây rộng hơn thế: Từ tình cảm yêu đương trai gái đến tình mẫu tử, tình phụ tử, tình vợ chồng, tình đồng môn, tình ái quốc, tình người với người… từ những mối tình sâu nặng đến những tình cảm nông nổi bồng bột, từ những kẻ thất tình đến những người yêu đơn phương, từ mối tình của thường nhân đến những bậc chân tu dù xuất gia nhưng vẫn canh cánh một chữ tình chưa cởi được. Có tình cảm của con người dành cho nhau mà cũng có tình cảm của loài vật… thật là vô cùng phong phú và nhiều màu sắc.

Trong tác phẩm của Kim Dung xoay quanh chữ tình, không chỉ có mối tình của Tiểu Long Nữ-Dương Quá mà còn mở rộng ra nhiều biểu đạt khác nhau của Tình. (Ảnh: Youtube)

Lý Mạc Sầu, vì thất tình mà tác ác đa đoan

Bộ truyện mở đầu với hai kẻ thất tình: Võ Tam Thông và Lý Mạc Sầu. Chúng ta hãy nói về Lý Mạc Sầu, dù là một nhân vật phụ, nhưng lại rất quan trọng vì đây là một trong những nhân vật bị cái tình dẫn động ghê gớm nhất, vì hận tình mà biến thành kẻ thù của thế nhân.

Ở Lục Gia Trang miền sông nước Giang Nam xinh đẹp có cặp đôi trai tài gái sắc: Lục Triển Nguyên và Hà Nguyên Quân. Trước khi thành hôn với Hà Nguyên Quân thì Lục Triển Nguyên đã từng yêu đương thề thốt với Lý Mạc Sầu, thuở ấy còn là một thiếu nữ trong sáng đẹp như tiên. Còn Hà Nguyên Quân thuở nhỏ được vợ chồng Võ Tam Thông nuôi nấng, lâu dần Võ Tam Thông cũng chẳng biết tình cảm mình dành cho Hà Nguyên Quân là gì nữa. Cho nên, hai người này đến phá đám cưới của cặp đôi kia nhưng không được. Họ hẹn mười năm sau sẽ đến Lục Gia Trang để trả thù. Trong 10 năm ấy, Võ Tam Thông như biến thành một kẻ thần trí thất thường, mơ mơ tỉnh tỉnh, vợ con chẳng thiết, đúng là điên tình. Còn Lý Mạc Sầu tàn độc hơn, mụ vì bị giành mất người yêu nên trở thành một kẻ giết người máu lạnh. Tình địch chết rồi nhưng quyết phải giết hết cả nhà họ Lục, đến con gà con chó cũng không còn. Bất cứ cái gì nhắc tới Hà Nguyên Quân cũng làm mụ điên giận. Đến nỗi cả nhà Hà lão quyền sư vốn chẳng quen biết gì mà vẫn bị mụ giết sạch, đến chết cũng không biết được lý do mình bị giết là vì… mang họ . Hoặc mụ giết cả 16 nhà thuyền vì chiêu bài hành nghề mang chữ… Nguyên Quân.

Lý Mạc Sầu có dáng vẻ của một đạo cô xinh đẹp nhất, nhưng lại mang tâm địa rắn rết nhất. Mụ hay xuất hiện trong bộ đạo bào màu vàng, tay phe phẩy ngọn phất trần với phong thái có vẻ ung dung nhàn tản. Nhưng ai biết được rằng con người với bộ mặt lạnh lùng cao ngạo kia chỉ cất tay một cái là có thể lấy mạng một nhân sĩ võ lâm trong nháy mắt mà không có dấu hiệu gì báo trước. Mụ hay cưỡi trên một con lừa cổ đeo vòng lục lạc, ở đâu nghe tiếng lục lạc thì các địch thủ của mụ phải táng đởm kinh hồn. Mụ có ngón đòn tủ: Xích luyện thần chưởng, chưởng đánh ra in hình bàn tay đỏ như máu. Ngoại hiệu của mụ là Xích Luyện Tiên Tử, nó phản ánh đúng con người mụ, giống như một tiên nữ hắc ám.

Lý Mạc Sầu được miêu tả có dáng vẻ của một đạo cô xinh đẹp nhất, nhưng lại mang tâm địa rắn rết. (Ảnh: Youtube)

Vì bị tình phụ, mụ ở vậy với quan niệm rằng: Đàn ông trong thiên hạ đều là kẻ bạc tình. Một mặt rất tự phụ vì sắc đẹp của mình, một mặt mụ rất ghét đàn ông nhìn mụ với cái tâm sắc dục. Có khi chỉ vì thế mà mụ lấy mạng người ta. Mặc dù tàn ác nhưng mụ lại giữ mình băng thanh ngọc khiết, đến chết vẫn là một xử nữ từ trong tâm khảm đến thể xác. Nhưng là một trinh nữ đại ma đầu.

Thế mà, tên đại ma đầu ghét cay ghét đắng đàn ông ấy đã hai lần bị một nam nhân nhỏ tuổi ôm cứng mà không làm gì được. Nam nhân ấy chính là Dương Quá. Lần đầu tiên, là lúc chàng 13, 14 tuổi. Lần thứ hai, là khi chàng chưa tới 20 tuổi. Cả hai lần đều là vì vạn bất đắc dĩ để ngăn Lý Mạc Sầu sát hại bạn bè và người thương của chàng. Và cả hai lần Lý Mạc Sầu đều mềm như bún không đủ sức chống trả. “Lý Mạc Sầu trong giây lát vụt nghĩ bao nhiêu điều biết tình thế nguy cấp, sống chết chỉ trên đầu sợi tóc nhưng bị Dương Quá ôm chặt, hồn vía đê mê, dễ chịu khôn tả, không muốn vùng vẫy gì hết”. (1)

Hóa ra, con người ấy cũng không phải đã hoàn toàn biến thành đao kiếm sắt thép. Vẫn mềm lòng vì nam nhân như thường. Nhưng phải là nam nhân có tình cảm trong sáng, không chút tà niệm.

Được một lần điểm hóa qua mối tình Dương-Long mà vẫn chưa tỉnh ngộ bỏ ác hành thiện

Cho nên, khi Lý Mạc Sầu chĩa kiếm vào cổ Tiểu Long Nữ, Dương Quá nhào ra đòi chết thay thì Lý Mạc Sầu cảm động lắm. Trong phái Cổ Mộ có một lời nguyền của sư tổ Lâm Triều Anh rằng: Phàm là người đã được truyền y bát như Tiểu Long Nữ thì suốt đời không được ra khỏi nhà mồ “Hoạt tử nhân mộ”, trừ khi có một nam tử cam tâm tình nguyện chết thay, thì lời thề coi như được xóa bỏ. Có điều là không được cho nam tử biết trước điều đó. Lâm Triều Anh cho rằng mọi nam tử trên thế gian đều vô ân bạc tình, anh hùng hiệp nghĩa như Vương Trùng Dương còn thế, huống hồ kẻ khác? Chắc chắn không thể có một nam tử nào cam tâm tình nguyện chết thay cho người mình yêu; giả dụ có được một nam tử như thế, thì đệ tử đời sau của Lâm Triều Anh có theo nam tử đó xuống núi cũng không uổng phí một đời. Hóa ra Lâm Triều Anh cũng là người đau khổ vì tình, truyền đến đời các nữ đệ tử cũng thế. Lý Mạc Sầu thấy Tiểu Long Nữ có người cam tâm chịu chết thay thì lại thấy cám cảnh cho thân phận mình.

Lại khi nhìn thấy vết son thủ cung sa trên tay Tiểu Long Nữ vẫn còn nguyên, một dấu hiệu trinh nguyên của Tiểu Long Nữ, thì Lý Mạc Sầu rất thán phục. Mụ cảm phục vì mối tình trong sáng không gợn chút dục tính của Dương Quá và Tiểu Long Nữ trong ngôi nhà mồ chỉ có hai người “trai đang lớn, gái đương thì” với nhau.

Nhưng chứng kiến cặp Dương – Long sống với nhau chí tình đến thế, vẫn không khiến cho mụ “buông con dao sát thủ xuống” với đời. Họ Lý mê đã quá sâu.

Với quan niệm rằng đàn ông trong thiên hạ đều là kẻ bạc tình, Lý Mạc Sầu lại tan nát trước cảnh Dương Quá xả thân. (Ảnh: Youtube)

Vì ái tình mà hỉ nộ thất thường, Lý Mạc Sầu thật đáng thương

Nhưng điều gì nhắc tới người tình xưa cũng khiến mụ lúc trào sôi căm hận, lúc lại luyến ái bi thương. Biết vậy nên phút lâm chung, hai vợ chồng người em trai là Lục Lập Đỉnh đã cậy người xé chiếc khăn tay mà Lý Mạc Sầu thêu tặng Lục Triển Nguyên thuở hai người còn nồng thắm làm hai nửa, đưa cho con gái Lục Vô Song và cháu gái Trình Anh. Lý Mạc Sầu toan hạ sát hai đứa nhỏ, nhìn thấy mảnh khăn, nhớ lại thuở yêu đương mặn nồng chàng chàng thiếp thiếp, cánh tay giơ lên lại không nỡ hạ xuống.

Lại như khi Lý Mạc Sầu thấy ba người Dương Quá, Trình Anh, Lục Vô Song đã nằm trong tay mình rồi, không chạy đi đâu được thì họ lại coi cái chết như không, kẻ đàn người hát khúc Lưu Ba. Đây là khúc nhạc mụ vẫn hòa tấu cùng ái lữ Lục Triển Nguyên. “Đấy là chuyện hai mươi năm trước, bây giờ âm vận thì vẫn như cũ, nhưng đã là “trăng gió vô tình người đổi dạ,” tai nghe tiếng tiêu hòa với lời ca, vô cùng vương vấn, đột nhiên đau đớn hết chịu nổi, liền khóc tướng lên” (2). Lý Mạc Sầu vì tình mà hỉ nộ thất thường, thực ra đã hoàn toàn bị ma tình dẫn động.

Khi bắt được ba người rồi, lại thấy họ cười cười nói nói với nhau rằng họ xuống suối vàng bên nhau còn hạnh phúc gấp chục lần “con mụ độc ác kia”, thì mụ thay đổi ý định. Lý Mạc Sầu đâu có lấy giết người làm niềm vui. Mụ chỉ muốn con người kia, cuộc đời kia đã phụ bạc mụ phải nếm trải nỗi đau đớn như mụ, có chết cũng không trốn được điều ấy. Thế là mụ lại giở bài Mô Ngư Nhi ra mà hát với tiếng ca “khi nghẹn ngào khi nức nở, như oan hồn nỉ non trong đêm” (3). Là người thường, ai chẳng có ái tình, ai chẳng có lúc vì ái tình mà đau khổ. Nên ba người dần đi đến chỗ hết chịu nổi.

Quả thực với tâm địa trả thù tình, Lý Mạc Sầu cứ nghĩ mình đã tuyệt tình nhưng lại không biết bản thân thấm đẫm trong tình, trong hỷ nộ ái ố của nhân gian. (Ảnh: Youtube)

Ít nhiều người ta đều bị ái tình dẫn động, chỉ trừ một tâm hồn thơ trẻ

Nhưng có một người mà ái tình không thể động đến chân tâm. Đó là Khúc Cô, con gái của Khúc Linh Phong, đệ tử của Đông Tà Hoàng Dược Sư. Khúc Cô từ nhỏ gặp biến cố đã bị mất trí, nên tuổi đã lớn vẫn hồn nhiên như đứa trẻ lên ba. Khúc Cô đột nhiên xuất hiện hát mấy bài: “cô dâu chú rể, đội rế lên đầu…”, hát hết bài đó lại sang “chi chi chành chành, cái đanh thổi lửa”, rồi lại “một ông sao sáng, hai ông sáng sao”, có khi nhớ lộn chữ nọ sang chữ kia. Giọng ca vui nhộn của Khúc Cô, một cách không cố ý, đã phá hoại màn diễn bi ca của Lý Mạc Sầu, giải vây cho ba người Dương, Lục, Trình.

Lý Mạc Sầu cứ như vậy mà lượn qua lượn lại giữa xã hội võ lâm, đi đến đâu thì đầu rơi máu chảy đến đấy. Mụ không có lý tưởng gì hết. Độc giả cũng chẳng hiểu mụ sống vì điều gì khi tâm hồn của mụ đã gần như chết hẳn. Cứu khốn phù nguy ư? Mụ chính là mối nguy lớn nhất với võ lâm và cả người thường nữa còn gì. Quốc gia dân tộc ư? Mụ quan tâm quái gì, Mông Cổ hay Tống thì có liên quan gì đến mụ? Vì Đạo ư? Con người mụ còn sân hận, còn ngập sâu trong tình hơn cả người thường, thì tu luyện đến đâu đây? Tất cả những điều mụ quan tâm chỉ vỏn vẹn có mối hận tình của mụ và mụ muốn mọi người đều phải đau khổ như mình. Mối hận tình đã khiến mụ trở nên mù quáng.

Điểm hóa lần thứ 2 với tình mẫu tử khơi gợi chút thiện còn sót lại

Nhưng con người hiếu sát tàn nhẫn ấy vẫn chưa mất hết nhân tính. Khi cướp được Quách Tương mới vài ngày tuổi, mụ tưởng đó là con của Dương Quá và Tiểu Long Nữ. Nên mụ quyết giữ để buộc cặp đôi này giao bí kíp “Ngọc Nữ tâm kinh” của phái Cổ Mộ. Hóa ra Quách Tương là con của Hoàng Dung – Quách Tĩnh. Nhưng chính bé Quách Tương xinh xắn trong trẻo mới khơi gợi được tình mẫu tử và nhân tính của Lý Mạc Sầu. “Lý Mạc Sầu sau khi cướp được đứa bé, liền ẩn cư trong thâm sơn, lấy việc dưỡng nhi làm vui, ngày ngày buộc con báo cho Quách Tương bú sữa. Mụ một đời tác ác đa đoan, song cũng không phải là bẩm tính tàn ác, mà sau khi tình trường thất ý, đâm ra căm phẫn thế tục. Quách Tương kiều mỹ khả ái, cuối cùng khơi gợi mẫu tính bẩm sinh nơi Lý Mạc Sầu, có đêm mụ nghĩ, dẫu Tiểu Long Nữ có đem “Ngọc nữ tâm kinh” đến đổi, mụ cũng chưa chắc giao trả đứa bé. Lúc này nghe Hoàng Dung xin ẵm đứa bé, Lý Mạc Sầu như một người mẹ nghe người khác khen con mình, vui sướng trao con cho họ”.(4) Và cây phất trần đã lấy mạng bao nhiêu nhân sĩ võ lâm đã trở thành công cụ đuổi ruồi cho Quách Tương ngủ. Đó là một đoạn đời hạnh phúc của Lý Mạc Sầu mà một tình cảm trong sáng tuyệt đẹp là tình mẫu tử nảy nở trong lòng mụ đã tạm xua tan bóng ma u ám của tình cũ.

Ai ơi, xin hãy trông gương Lý Mạc Sầu, đừng để chữ Tình làm mù quáng

Ở Tuyệt Tình Cốc có một loại hoa tên là hoa Tình. Ai trúng gai của nó mà nghĩ đến tình ái thì đau đớn không chịu nổi. Lý Mạc Sầu đã trúng gai độc của hoa Tình trong những ngày cuối của cuộc đời mụ, người duy nhất là Thần tăng Thiên Trúc có thể chữa thuốc cho mụ thì đã bị mụ giết mất. Nhưng thực ra, như Hoàng Dung đã nói: “Kỳ thực, chất độc hoa Tình tỷ tỷ có trúng hay không trúng cũng vậy cả thôi… Lý tỷ tỷ sớm đã bị trúng độc si tình, làm loạn thế gian, hại người hại mình, lúc này đã muộn mất rồi”(5).

Đến bí mật cuối đời của mụ còn làm người ta ghê sợ: Đào thi thể của tình phụ Lục Triển Nguyên và tình địch Hà Nguyên Quân đem đốt thành tro, rồi mang tro một người rải ở đỉnh Hoa Sơn, người kia thì ở Biển Đông để hai người ấy vĩnh viễn không thể tái hợp. Còn có mối hận tình nào kinh khủng hơn thế?

Kỳ thực, nam nữ có tình là vì có duyên. Có duyên thì đến, hết duyên thì đi. “Còn duyên kẻ đón người đưa, hết duyên đi sớm về trưa một mình”. Nó đâu phụ thuộc vào tâm cưỡng cầu của người trong cuộc. Ẩn sâu trong mối hận tình của Lý Mạc Sầu còn là sự hiếu thắng, là tâm tranh đấu. Mụ nghĩ mình tài giỏi đẹp đẽ lại phải thua người trong tình trường nên không cam lòng. Thế là, trong khi bao nhiêu người rốt cuộc đã giải được nọc độc của mối tình lầm lỡ vào lúc cuối đời như: Châu Bá Thông, Anh Cô, Nhất Đăng đại sư… đến cả Thiết Chưởng Thủy Thượng Phiêu Cừu Thiên Nhận cuối cùng cũng yên lòng nhắm mắt… thì đến phút cuối cuộc đời “Lý Mạc Sầu vẫn hiên ngang đứng trong biển lửa, không lý gì đến tiếng gọi. Thoáng chốc, lửa đã trùm kín người mụ. Đột nhiên từ trong lửa vọng ra tiếng ca thê lương: Tình là chi hỡi thế gian, câu thề sinh tử đa mang một đời… Đến chữ “đời” thì tiếng ca tắt lặng”(6). Lửa có thể thiêu cháy thân xác mụ, nhưng không thể thiêu cháy mối thù của mụ. Và mụ đã ôm nó theo xuống tuyền đài. Chắc ở dưới đó, ba người Lục, Hà, Lý vẫn tiếp tục hục hặc với nhau vì hai chữ “yêu” và “hận”…

Y Hoàng

Chú thích: (1), (2), (3), (4), (5), (6): Trích Thần Điêu Hiệp Lữ, bản dịch của Lê Khánh Trường

Exit mobile version