Đại Kỷ Nguyên

Bộ áo giáp Samurai và bí mật sức mạnh mang tên Nhật Bản

Thời đại Samurai ở Nhật Bản đã chính thức đi vào hồi kết từ hơn 150 năm trước. Tuy nhiên, những bộ giáp tinh vi, phức tạp của họ vẫn đang được cả thế giới chiêm ngưỡng như là biểu trưng mẫu mực của sức mạnh quân sự và phẩm chất Nhật Bản. 

Samurai là nhóm những chiến binh tinh anh được đào tạo nghiêm ngặt và có vũ trang rất tốt. Ngay cả ngựa của họ cũng có trang bị bảo hộ. Bộ giáp Samurai có vẻ đẹp bắt nguồn từ văn hóa thị giác tinh tế của người Nhật. Nó là sự hòa trộn độc nhất giữa sự hung dữ và tinh xảo, các tấm kim loại bện lẫn những dải lụa mềm.

Người chiến binh hung dữ cũng đồng thời là một quý ông lịch thiệp. Mỗi thành phần của bộ giáp đều được cá nhân hóa cho từng Samurai. Và người ta cần hàng tháng để làm xong. Tuy nhiên, sau mấy thế kỷ, chỉ còn lại một vài bộ còn được lưu giữ lại. Có thể chiêm ngưỡng chúng nguyên vẹn như hàng trăm năm trước đây, chẳng khác nào một điều kỳ diệu.

Samurai Nhật Bản trong bộ áo giáp những năm 1860. (Ảnh: pinterest.com)

Sự nổi lên của các Samurai 

Những yếu tố làm nên sự khác biệt của bộ áo giáp Nhật bắt đầu xuất hiện từ thế kỉ thứ 4. Nhưng nhìn chung chúng vẫn chịu ảnh hưởng rất lớn từ các thiết kế của Trung Quốc và Triều Tiên.

Bộ áo giáp Nhật mà chúng ta biết ngày nay chỉ thực sự xuất hiện cùng với sự trỗi dậy của tầng lớp Samurai, khoảng thế kỉ thứ 8. Lúc đó quân đội hoàng gia Nhật Bản chỉ có nguồn gốc từ các nông dân bị bắt đi lính.

Cách làm này không tạo ra được một đội quân có sức mạnh. Các phái ly khai, các lãnh địa độc lập và cả những nhóm trung lập, đều có thể đe dọa đến sự ổn định của đế quốc, cũng như sự an toàn của dân thường.

Không thể trông cậy vào sự bảo vệ của đội quân như vậy, các lãnh chúa và chủ đất đều tự tuyển mộ các chiến binh của mình, nếu có đủ khả năng.

(Ảnh minh họa: pinterest.com)

Lực lượng này được tổ chức bởi các thị tộc địa phương, về cơ bản là lực lượng bảo vệ tư nhân, quy mô nhỏ, sở hữu kỹ năng cưỡi ngựa và bắn cung cực tốt. Mặc dù vẫn có sự cạnh tranh, nhưng họ nhanh nhóng nhìn thấy sức mạnh nếu được liên kết lại.

Từ “Samurai” có nguồn gốc từ một tiếng Nhật cổ mang ý nghĩa “phục vụ, phụng sự”. Cùng với thời gian, quyền lực của nhà vua yếu dần và sức mạnh của tầng lớp võ sĩ quý tộc tăng lên. Từ thế kỉ 12, những Samurai làm việc cho các Shogun chính là tầng lớp thống trị ở Nhật Bản.

Bộ giáp của Samurai 

Samurai không có một cuộc sống dễ dàng. Các cuộc chiến khốc liệt trải dài hầu như toàn bộ lịch sử 700 năm của chế độ quân sự Nhật Bản. Tính chất của các cuộc chiến cũng thay đổi không ngừng.

Các cung thủ trên lưng ngựa dần nhường chỗ cho các kiểm thủ, rồi đến lượt các kiếm thủ bị thay thế bởi các chiến binh dùng súng, được nhập khẩu từ Châu Âu hoặc Trung Quốc. Có rất nhiều biến thể khác nhau của các chiến dịch quân sự, đòi hỏi bộ giáp phải đủ linh hoạt và chắc chắn.

Những cố gắng chế tạo ra một bộ giáp đa năng hoàn hảo dẫn đến sự phát triển của lớp giáp đặc trưng kiểu Nhật. Samurai được bọc từ đầu đến chân bằng rất nhiều tầng bảo vệ làm từ sắt, da, các kim loại quý và cả lụa.

Samurai và bộ trang bị áo giáp, vũ khí với đầy đủ vật dụng những năm 1880. (Ảnh: pinterest.com)

Một bộ đồ Samurai điển hình bao gồm: Bảo vệ vai, cẳng chân, bao tay, tấm bảo vệ đùi, ngực, hông, cùng với mũ, bao tay, mặt nạ, giày, và trong cùng là lớp lót lụa.

Cùng với đó là rất nhiều phụ kiện thiết yếu như là 2 thanh kiếm, 1 cây cung dài cùng bao đựng tên, một bộ mũ, gậy, áo choàng chống lửa, một cái quạt gấp lớn vẽ biểu tượng mặt trời mọc. Mặc dù vậy, tất cả chúng chỉ nặng khoảng 18 kg, so với bộ đồ nặng 27 kg của các kỵ sĩ Châu Âu.

Bushido – Tinh thần võ sĩ đạo

Sự trỗi dậy của tầng lớp Samurai đã hình thành một bộ quy tắc đạo đức được gọi là “Tinh hần võ sĩ đạo”, gần tương tự như quy tắc Hiệp sĩ ở Châu Âu. Bushido chịu ảnh hưởng rất mạnh bởi Nho Giáo và Phật Giáo, nó chỉ cho các chiến binh các nguyên tắc sống và cả cách thức để chết.

Khi sống, Samurai phải biểu lộ sự trung thành, kỉ luật, nghiêm khắc, có nhận thức về tính mong manh hư ảo của cuộc sống. Bởi vậy, tầng lớp quân sự tinh hoa này được đào tạo không chỉ về võ thuật, mà cả về văn hóa và nghệ thuật, như trà đạo, kịch Noh, vẽ…

Chỗ ở của các Samurai cao cấp được trang trí bằng các hình vẽ chim ưng, sư tử và hổ. Họ sưu tầm và trưng bày các đồ đạc có giá trị như đồ gốm, sơn mài và vật dụng kim loại, quần áo của họ làm bằng những loại lụa hảo hạng nhất.

Các chiến binh Samurai mang theo những cảm xúc tinh tế này vào các trận chiến. Đó chính là sự giao thoa của bản chất dũng mãnh và tinh mĩ của “tinh thần võ sĩ đạo”, là cơ sở hình thành thiết kế độc đáo của bộ giáp Samurai.

Mục đích đầu tiên của thiết kế để biểu đạt về lòng trung thành. Tiếp đó phải tạo gây ra sự sợ hãi từ trong tâm của kẻ thù. Cuối cùng thiết kế phải đẹp và ấn tượng.

Chi tiết của loại áo giáp Yokohagido vào khoảng giữa thời Edo. Samurai mặc chiếc áo giáp này thuộc về gia tộc Ikeda. (Ảnh: Wikipedia)

Theo nguyên tắc võ sĩ đạo, người chiến binh chỉ có một cách chết xứng đáng, đó là chết trong chiến đấu. Họ coi tự sát tốt hơn là mất danh dự. Vì lẽ đó, rất nhiều Samurai mong muốn được khi chết sẽ được thiêu cùng với bộ giáp họ mặc khi chiến đấu. Vì vậy chúng nhất thiết cần có vẻ đẹp tráng lệ ấn tượng.

Trong bài viết đánh giá về cuộc triển lãm số lượng lớn các bộ giáp từ thời kì Edo, Tác giả Meher MacArthur đã giải thích về các lựa chọn thường dùng để thiết kế giáp cho Samurai:

Phần lớn cơ thể Samurai được bao phủ bởi hàng trăm miếng vảy sắt được liên kết bằng da và dây lụa, phỏng theo da của rắn hoặc rồng. Thông thường các miếng sắt chỉ giới hạn trong màu xanh tối và nâu, nhưng các lãnh chúa có nhiều tài nguyên và thiên hướng yêu thích kịch thường thích màu đỏ máu hoặc có thể dát vàng. 

Giáp che ngực, đầu và mặt phải đủ chắc chắn để chống lại kiếm, tên hay thậm chí chống được đạn từ súng hỏa mai Châu Âu. Chúng có thể được sắp xếp để có vẻ đẹp lộng lẫy trong hình dáng kì quái, dữ tợn của quỷ hoặc của thần bảo hộ. Chúng có màu nền trung tính tạo cơ sở để khảm vàng như hình Rồng và các thiết kế khác. (McArthur, 2014)”.

Phần quan trọng nhất trong bộ giáp Samurai

Triển lãm giáp mũ Samurai ở bảo tàng Stockholm (Thuỵ Điển). Ảnh: Wikipedia

Đó chính là mũ bảo vệ và mặt nạ, bởi đó là cách đe dọa kẻ thù nhanh chóng và hiệu quả. Hơn nữa, binh sĩ chết trận có thể bị kẻ thù lấy cắt lấy đầu để dùng như là một biểu tượng của chiến thắng.

Mặt nạ được tạo hình dữ tợn như mặt quỷ hoặc thần núi. Nó thường được làm từ sắt, trang trí thêm bằng lông thú, sừng tê giác và sơn mài. Mũ là phần trung tâm của thiết kế bộ giáp, được hợp thành từ nhiều phần, làm từ kim loại, trang trí bằng gạc, sừng, lông thú, lông vũ, vàng, sơn mài và thậm chí cả giấy gấp.

Trang sức của bộ giáp được chọn đôi khi chỉ đơn giản là biểu tượng của gia đình hay thị tộc, như hoa cúc hay hình trăng lưỡi liềm. Một số khác dùng các hình ảnh dữ tợn như hình rồng, sư tử hoặc chim săn mồi. Hoặc có bộ giáp gắn với các biểu tượng tôn giáo, như hình Bồ tát hay nữ thần bảo trợ.

Đến thế kỉ thứ 18, các tướng quân Shogun đã có thể mang lại hòa bình cho Nhật Bản. Không còn nhiều công việc cho các Samurai, họ có thể trở thành viên chức chính phủ, hoặc được thuê theo yêu cầu (như trong bộ phim “7 võ sĩ đạo”).

Tuy nhiên các bộ giáp vẫn được chế tạo để dùng trong các lễ hội hay biểu thị cho sự giàu có của gia đình. Chúng được giữ đến ngày nay, nhiều hơn so với các bộ được làm từ thế kỉ 12. Dù vậy, những bộ áo giáp cổ vẫn xứng đáng là những kiệt tác đáng để hậu thế chiêm ngưỡng.

Phương Nguyên biên dịch

Xem thêm:

 

Exit mobile version