Trong “Hậu Hán thư: Độc hành liệt truyện”, có ghi lại một số nhân vật và sự tích cảm động. Trong thời loạn thế, tinh thần và nghĩa hành của họ đã cảm động Thượng Thiên, và cuộc đời của họ đầy màu sắc. Đối với thời đại hiện nay của chúng ta, nó cũng rất truyền cảm hứng. Bài viết này kể về câu chuyện cuộc đời của một người hầu và một cậu bé nghèo.

Bộc nhân Lý Sơn: Trung nghĩa thành tín, tích đức cải mệnh

Lý Thiện vốn là một gia nhân hèn mọn, tại sao lại được hoàng đế sủng ái, trở thành huyện lệnh, sau đó lại được thăng làm thái thú?

Lý Thiện, tự Thứ Tôn, là người Rộc Dương, Nam Dương vào thời Đông Hán. Ông nguyên bản là người hầu của Lý Nguyên ở cùng huyện. Trong những năm Kiến Vũ, ôn dịch hoành hành, cả nhà Lý Nguyên lần lượt qua đời, chỉ còn lại một cô nhi tên Lý Tục mới được vài tuần tuổi, và một gia sản lớn. Các nô tì tư thông với nhau âm mưu giết hại đứa trẻ mồ côi Lý Tục rồi chia nhau gia tài. Lý Thiện vô cùng đau buồn trước sự bất hạnh của Lý gia, nhưng một mình ông không cách nào ngăn chặn những âm mưu này, bèn lặng lẽ mang đứa trẻ Lý Tục chạy trốn, ẩn náu ở vùng Hà Khâu, Sơn Dương, tự mình mớm sữa mớm cháo, nuôi nấng đứa trẻ. Lý Thiện cam nguyện ở chỗ ẩm ướt, giành chỗ khô ráo cho Lý Tục ở, chăm sóc cậu bé thật tốt.

Lý Tục tuy là một đứa bé, nhưng Lý Thiện lại đối đãi với cậu như thể là chủ nhân, phàm có chuyện đều quỳ xuống hỏi ý kiến trước. Những người hàng xóm cảm động trước hành vi của Lý Thiện, lần lượt bắt chước nghĩa hành của ông. Khi Lý Tục lên mười tuổi, Lý Thiện đưa cậu trở về quê gốc, trọng chỉnh lại gia nghiệp. Ông đã tố cáo lên quan phủ những nô tì này, quan phủ sai người tróc nã và xử hình toàn bộ. Đương thời Chung Ly Ý là huyện lệnh của Hà Khâu, ông đã viết một lá thư tiến cử Lý Thiện, tuyên dương nghĩa hành của Lý Thiện. Quang Vũ Đế hạ chiếu, bổ nhiệm Lý Thiện và Lý Tục cùng làm thái thú xá nhân.  

Dưới thời trị vì của Hoàng đế Hiển Tông, Lý Thiện được hiệu triệu vào công phủ, vì ông có thể xử lý những sự vụ phức tạp, nên nhiều lần được thăng chức, cuối cùng trở thành thái thú Nhật Nam. Trên đường từ kinh đô đến nơi nhậm chức, khi đi ngang qua quê hương Rộc Dương của mình, Lý Thiện đã đặc biệt đến tế bái mộ phần của Lý Nguyên. Khi còn cách nghĩa trang một dặm, ông cởi quần áo cung đình, bắt đầu cuốc đất làm cỏ. Đến trước mộ phần, ông bi thương quá độ, khóc lóc rất thương tâm. Ông đích thân đốt lửa nấu nướng, chuẩn bị thức ăn để tế tự. Vừa khóc vừa bái lạy, ông nói: “Chủ nhân phu nhân, Thiện đang ở đây.” Ông tận tình biểu đạt nỗi ai oán tại nghĩa trang, mấy ngày sau mới rời đi.

Sau khi Lý Thiện nhậm chức, ông làm quan nhân ái, thương dân, hóa giải những bất bình của các dị tộc địa phương. Sau đó ông lại được điều chuyển đến Cửu Giang làm thái thú.

Cậu bé nghèo Lưu Mậu: Trung hiếu dũng cảm, bình an trong loạn thế

Lưu Mậu, tự Tử Vệ, là người Tấn Dương, Thái Nguyên vào thời Đông Hán. Cha ông mất khi ông còn nhỏ, ông trở thành trẻ mồ côi, một mình phụng dưỡng mẹ. Gia cảnh bần khốn, ông phải lao lực để nuôi gia đình, lòng hiếu thảo của ông được nhiều người cùng làng ca ngợi. Hoàn cảnh khốn khó đã không thể ngăn cản được động lực tiến thân của Lưu Mậu, ông thời thời khắc khắc không quên việc học, sau khi thành niên, ông đã dạy hàng trăm học trò với chuyên môn về Kinh “Lễ”. Khi Ai Đế lên ngôi, ông được tiến cử làm hiếu liêm, qua mấy lần thăng chức, cuối cùng trở thành Ngũ nguyên thuộc quốc hầu. Sau khi mẹ qua đời, ông từ quan về nhà thủ tang bà. Sau khi mãn thời hạn thủ tang, ông được bổ nhiệm làm huyện lệnh Tự Dương. Đương thời Vương Mãng soán ngôi hoàng đế, Lưu Mậu từ quan, sống ẩn cư ở núi Hoằng Nông để dạy học.

Năm Kiến Vũ thứ hai, Lưu Mậu trở về, thành quan lại dưới quận môn. Đương thời, hơn 20 vạn quân của Xích Mi đã tấn công quận huyện, sát hại trưởng quan và quan lại. Lưu Mậu cõng thái thú Tôn Phúc trên lưng trèo qua tường trốn vào hang động thoát chết. Đêm đó, bọn họ chạy trốn đến Vu huyện, ban ngày trốn, ban đêm mới ra ngoài kiếm ăn. Hơn trăm ngày sau, giặc rút lui, bọn họ mới có thể trở về phủ.

Năm sau, triều đình hạ chiếu chiêu mộ nghĩa sĩ, Tôn Phúc đã tiến cử Lưu Mậu, nói rằng: “Khi thần bị Xích Mi tấn công, quan lại bỏ chạy, thần bị bọn giặc bao vây, mạng sống treo trên sợi tóc. May mắn thay, Lưu Mậu đã cứu thần ra khỏi thành, cứu tính mạng thần. Mậu và em trai liều mạng lao vào hiểm nguy dưới lưỡi đao của bọn giặc, vượt núi xuyên rừng giao lương, nhờ đó bảo toàn được mạng sống của thần và người nhà, tiết nghĩa đặc biệt cao, nên được khen ngợi và đề bạt để truyền cảm hứng cho những nghĩa sĩ.”

Triều đình ngay lập tức chiêu Lưu Mậu làm nghị lang, sau được thăng làm tông chính Thừa, sau đó lại thăng lên chức “Thị trung” [1] cho đến khi ông qua đời. “Thị trung” là người được hoàng đế tin tưởng, là thân tín của hoàng đế, có thể ra vào đông điện để thực thi công việc (xem “Thông điển – Chức quan tam – Tể tướng”).

Lý Thiện và Lưu Mậu dù xuất thân thấp hèn hoặc nghèo khó, nhưng họ đều có một tinh thần cao quý không bị trầm trong nghèo khó và thấp hèn – họ đề cao tiết tháo trung hiếu tiết nghĩa, khiến cả Trời và người đều cảm động, cuối cùng thiện hành của họ đã được Thượng Thiên hồi báo mỹ mãn.

Nguồn: “Hậu Hán thư: Độc hành liệt truyện”

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch