Đại Kỷ Nguyên

Bị điểm 2 vì ước mơ “hão huyền”, cô giáo không thốt nên lời khi gặp lại cậu

Ở miền tây nước Mỹ, tại một trường tiểu học nọ có một giáo viên dạy văn tên là Linda. Một hôm, trong giờ dạy học của mình, cô yêu cầu những em học sinh hãy viết một bài văn về ước mơ của mình.

Những đứa trẻ tỏ ra rất hào hứng và say sưa viết. Tối hôm đó, khi đang ngồi chấm bài, Linda phát hiện ra một bài văn khá lạ, là của Petter, cậu bé nghịch ngợm nhất lớp. Cậu viết:

“Em ước mơ sau này mình sẽ trở thành chủ của một trang trại rộng hơn 10 hecta, trên khu đất đó em sẽ trồng một thảm cỏ xanh mướt để mọi người có thể vui chơi. Trong trang trại này em sẽ cho xây những khu nhà nghỉ dưỡng bằng gỗ sang trọng, một nhà hàng ngoài trời và một bể bơi xanh thẳm.

Em cũng sẽ sống ở đó và làm hướng dẫn viên hướng dẫn du khách tới tham quan, giới thiệu cho họ những món ngon nổi tiếng ở vùng đó.”

Ảnh: thông qua tynerpondfarm.com

Linda gấp bài kiểm tra đó lại, viết vài dòng lên đó và để riêng. Hôm sau, khi lên lớp, Linda đã cho gọi Petter lên.

Petter hớn hở, bước lên gần chỗ cô giáo ngồi, nhưng nụ cười bỗng vụt tắt trên khuôn mặt bầu bĩnh của cậu. Cô giáo đã dùng bút đỏ gạch chéo lên bài của cậu cùng dòng chữ gì đó mà cậu không kịp nhìn thấy.

Cô giáo nói với cậu: “Điều cô muốn các em làm là viết lên ước mơ của mình, nhưng phải thực tế, chứ không phải những mơ mộng viển vông, hão huyền như thế này, em hiểu không?”

“Nhưng mà, thưa cô đây thật sự là mơ ước của con ạ!”, Petter cố giải thích.

“Không, đây là điều không thể thực hiện được, đó chỉ là ảo tưởng hão huyền thôi, cô muốn con viết lại nó.” Linda cương quyết.

Petter cũng không chịu nhượng bộ: “Con hiểu rất rõ mình đang muốn gì, đây là ước mơ của con và nó rất thực tế. Con không muốn điều gì khác ngoài nó ạ.”

“Con hãy suy nghĩ cho kỹ, nếu như con không viết lại, ta sẽ để bài của con đạt điểm trung bình.” Cô giáo lắc đầu.

Petter nở một nụ cười nhẹ, ánh mắt cương nghị, cậu không muốn viết lại. Và tất nhiên, bài văn của cậu bị phê “hão huyền” cùng con điểm 2 to đùng…

30 năm sau, một ngày nọ, trường tiểu học của cậu bé năm nào đã tổ chức cho các học sinh trong trường đi dã ngoại tại một khu nghỉ dưỡng. Cô giáo Linda hít nhẹ một hơi, đã lâu lắm rồi cô mới được tận hưởng một không khí trong lành như vậy. Cây cối xanh mát, thảm cỏ mượt như nhung trải dài tới tận chân trời, xa xa là vài quán cà phê thơ mộng, đan xen với nó là các nhà hàng ẩm thực.

“Xin chào, cô còn nhận ra em không ạ”, một người đàn ông lạ mặt, tầm trung niên cất tiếng chào.

Ngoái lại, cô Linda có chút ngỡ ngàng: “Anh là…”

“Em là chủ của khu nghỉ dưỡng này, cũng là học trò của cô năm nào.” Người đàn ông mỉm cười một cách huyền bí: “Em là Petter đây? Cô còn nhận ra em không? Trang trại này là giấc mơ của em, và em đã biến nó trở thành hiện thực”.

Ảnh minh họa: thông qua smh.com.au

“Thì ra là em à?”, Linda vui mừng, rồi bỗng nhiên cô có chút bùi ngùi, thở dài: “30 năm qua, cô vẫn luôn dạy như vậy, vẫn luôn tin vào suy nghĩ thực tế của mình. Ài, nhưng xem ra cô đã sai rồi. Suốt 30 năm qua, nếu cô không cứng nhắc, chắc bây giờ nước Mỹ sẽ còn có nhiều người tài giỏi như em hơn nữa”.

Suy ngẫm

Ước mơ của mỗi người là khác nhau, đã là mơ ước thì không có phân biệt sang hèn, tốt hay xấu, chỉ có sự khác biệt duy nhất đó là “thực hiện hay để nó trở thành hão huyền”.

Ước mơ của bạn cho dù có vĩ đại như thế nào đi nữa mà không thực hiện chúng, cũng chỉ là một giấc mơ giữa ban ngày, một ước mơ dù nhỏ tới thế nào đi nữa chỉ cần bạn cố gắng thực hiện nó, thì ước mơ đó vì được thực hiện mà trở nên vĩ đại.

Chúng ta không nên dùng suy nghĩ của mình để áp đặt hay bình luận ước mơ của người khác, càng không nên chỉ vì vài ba lời nói của người khác mà từ bỏ việc thực hiện ước mơ của bản thân mình.

Ước mơ cũng cần phải trải qua nỗ lực và cố gắng, trải qua nhiều khó khăn ngăn trở mới có thể được thực hiện và mới có thể thành công, cũng bởi mơ ước không dễ để thực hiện được, nên càng phải trân quý.

Kiên Định

Xem thêm:

Exit mobile version