Đại Kỷ Nguyên

Bởi vì con là tất cả đời cha (P.1): Cha đơn thân còm cõi, nuôi con trên gác tum kho hàng

Một ngõ nhỏ ở khu vực Thanh Nhàn, Hà Nội vẫn lưu truyền mãi câu chuyện về anh Trung nghèo khó, đối mặt với thử thách về vật chất và tinh thần để vượt lên số phận. Trong một xã hội đầy cạm bẫy cám dỗ con trẻ, anh đã nuôi con khôn lớn thành người. Thành công của người đàn ông luôn trọng chữ tín, sống đức hạnh, có tình người, và tín ngưỡng Thần Phật như anh cuối cùng đã xứng đáng được hưởng phúc báo.

Phần 1. Những tháng ngày vất vả

Đã nhiều năm trôi qua nhưng tôi không bao giờ quên câu chuyện xúc động về một người cha đơn thân nuôi con, vượt bao đắng cay tủi nhục của cuộc đời bôn ba nơi đô thành để nuôi con khôn lớn thành người. Nuôi con đã khó, dạy con lại càng khó hơn, xã hội càng phát triển thì càng có nhiều cám dỗ khiến đạo đức trượt dốc, nhất là với con trẻ.

Chuyện xảy ra đã ngót chục năm rồi…

– Phở ngon không con?

– Tuyệt lắm cha ạ, con thấy ngon nhất trần đời rồi!

Đang ăn sáng ở quán phở đầu ngõ, tôi nghe thấy giọng nói chuyện rất nhỏ nhẹ của hai cha con anh Trung xe ôm chuyên đứng ở đầu ngõ. Trung nghèo lắm, hôm nay cho con đi ăn phở là một sự lạ.

– So với lần ăn trước thì thế nào con?

– Ồ để con nhớ đã, lần ăn phở trước là từ Tết Trung thu năm ngoái, con vẫn nhớ lắm, nhưng lần này đúng là tuyệt thật ạ. Thế mà cái Thủy cùng bàn với con ngày nào cũng được ăn, sướng thật cha nhỉ!

Trung quay mặt đi lặng lẽ cúi đầu, tôi thấy anh lén lau những giọt nước mắt.

– Con ăn nhanh đi, kẻo đến trường muộn đấy.

– Vâng ạ.

– Con ngoan và học giỏi đi rồi đến Tết cha lại sẽ chiêu đãi con món phở nhé!

Cô bé con ngước mắt lên nhìn cha và mỉm cười rạng rỡ.

Cô bé con ngước mắt lên nhìn cha và mỉm cười rạng rỡ. (Ảnh minh họa: fstoppers.com)

Tôi quặn lòng, im lặng không nói gì, không muốn để anh biết và cũng cố kìm nén những giọt nước mắt chỉ chực trào ra. Giữa chốn đô thành phồn hoa này sao lại có em bé khổ thế, đây là ngay tại Hà Nội chứ có phải vùng núi xa xôi đâu? Cả xóm nghèo này ai cũng biết nhà Trung là hoàn cảnh nhất, nhưng chuyện cô bé một năm rồi mới được ăn tô phở xoàng trong ngõ thì tôi thực sự không cầm được nước mắt. Thật đáng thương với những mảnh đời vất vả, người lớn chịu một chút khổ còn được, nhưng trẻ thơ phải khổ thế thì thật không cam lòng.

Vợ chồng Trung cùng quê Việt Trì, đều là trai tài gái sắc trong vùng, họ từng rất hạnh phúc và có nhiều ước mơ, nhiều dự định ấp ủ cho tương lai. Nhưng cuộc sống êm đềm chưa lâu thì tai họa ập đến, vợ anh sinh con được 3 năm thì phát hiện bị ung thư dạ con. Trung đưa về chữa ở Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, chỉ hai năm nằm viện là hết sạch tiền, không còn cách nào khác nên phải đi xe ôm ở Hà Nội để trang trải chi phí và hàng ngày gần gũi để cơm nước và trông nom chăm sóc vợ nằm viện.

Hồi ấy thông tin mạng chưa rộng rãi như bây giờ. Nếu có thì chỉ cần đăng lên facebook bức ảnh người mẹ trẻ xạ trị rụng hết tóc mà vẫn xinh đẹp nao lòng, trong tay bế con gái nhỏ, ánh mắt toát lên nỗi buồn da diết thăm thẳm như muốn gửi gắm tất cả hy vọng tương lai vào con gái bé bỏng trước khi rời xa khỏi thế gian này, thì có lẽ bức ảnh ấy đã gây bão mạng làm lay động hàng triệu con tim.

Vợ anh nằm viện 3 năm thì mất, khi ấy con gái vừa tròn 6 tuổi. Hai cha con anh đau đớn khóc lóc khôn nguôi, họ cảm thấy bơ vơ, họ thiếu thốn đủ mọi bề cả vật chất và tình cảm. Trở về căn nhà hạnh phúc trước đây anh thấy trống trải, tái tê trong lòng, đâu đâu cũng còn lưu lại hình ảnh và ký ức của vợ, thế là đưa con lên Hà Nội. Hơn nữa ở quê khó kiếm việc làm để có tiền trả nợ, nên cha con anh đành phải chấp nhận vất vả mưu sinh nơi đô thành. Hơn nữa, anh muốn cho con về Hà Nội để tránh xa cái làng bị ô nhiễm hóa chất từ khu công nghiệp, đã có rất nhiều người qua đời vì ung thư. Anh sợ con gái bé bỏng của anh nếu cứ tiếp tục sống ở đấy, uống nước ở đấy, ăn gạo ở đấy, hít thở không khí ở đấy rồi cũng sẽ có ngày…

Chấp nhận khó khăn vì tương lai của con

Được bạn bè cùng quê giới thiệu, Trung thuê nhà trọ giá rẻ ở xóm liều Thanh Nhàn, ngày nào cũng đứng đầu ngõ làm xe ôm. Cả ngõ này ai cũng thương cha con anh, vì anh rất dễ mến lại hiền lành tốt bụng, luôn giữ chữ tín, có đạo đức, sẵn sàng giúp đỡ mọi người và rất chăm chỉ lao động. Ở ngõ này nhà nào có công việc nặng nhọc như bê vác, kê dọn đồ đạc, sửa chữa đồ vặt trong nhà, căng rạp tiếp khách cưới hỏi, đưa các cụ đi bệnh viện khám định kỳ, đưa trẻ nhỏ đi học thì đều gọi đến anh, đều được anh nhiệt tình giúp đỡ.

Hoa con gái anh, 6 tuổi mới vào lớp một. Cô bé hiền lành ngoan ngoãn lại xinh xắn đáng yêu, nhưng thấp còi so với các bạn cùng lứa. Vì không có mẹ nên đi học về là Hoa tự mình đi chợ nấu cơm, giặt giũ quần áo, lo việc nhà để cha yên tâm đi làm cả ngày.

Anh Trung treo bức ảnh hai mẹ con lên tường và nói với con rằng, mẹ con đang ở trên trời cao kia, nơi ấy rất đẹp, rất thánh khiết, là nơi của các Thiên Thần. Chúng ta không nhìn thấy, nhưng mẹ vẫn nhìn thấy con đấy, nếu con ngoan các vị Phật sẽ giúp con. Hoa cũng không bao giờ quên được gương mặt buồn và lời dặn dò của mẹ, tin rằng mẹ vẫn ở trên trời và vẫn dõi theo che chở mình.

Những người thôn quê bất đắc dĩ phải ra thành phố làm xe ôm, cuộc sống bấp bênh khó khăn, khó hòa nhập vào chốn đô thị phồn hoa đắt đỏ này. Ở đây thì biết bao thứ phải chi hàng ngày như tiền thuê nhà, tiền điện, nước, điện thoại, tiền ăn, tiền khám chữa bệnh, tiền sinh hoạt phí khác. Tiền học phải đóng cho cô bé cũng rất nhiều như bảo hiểm y tế, sách vở, xây dựng trường, học thêm. Rồi còn tiền gửi về quê để góp giỗ họ, tiền lễ đình chùa quê, tiền hiếu hỷ, thăm người già ốm ở quê và hàng xóm.

Anh làm xe ôm tận tình có trách nhiệm nên có nhiều khách quen gọi, người thì nhờ đưa đón con đi học, người thì nhờ chở bố mẹ đi bệnh viện khám sức khỏe, người thì tin tưởng nhờ đi giao hàng hóa thay cho họ… Anh đứng đón khách cả ngày, đến cả đêm ai gọi cũng đi, xa mấy cũng đi, mưa nắng cũng đi, ngập lụt cũng đi, bão tố cũng đi. Anh làm việc chăm chỉ quanh năm, có thể chỉ nghỉ mấy ngày tết, vậy mà vẫn nghèo đói, chưa trả nợ xong tiền chữa bệnh cho vợ, cái nghèo vẫn hoàn nghèo.

Anh xót xa thương con thiệt thòi không còn mẹ, suốt những năm tiểu học phải sống trong đói nghèo, thiếu thốn, mặc cảm, tự ti ở căn phòng trọ chật chội, ẩm thấp. Kiếm được miếng ăn nơi đô thành quả là khó đến mức có nhiều hôm anh phải nhịn ăn để dành cho con đang tuổi ăn tuổi lớn, lo ăn mặc học hành cho con cũng là một gánh nặng quá lớn. Những khi con bé bị ốm thì anh một thân một mình vừa cơm cháo, vừa chăm sóc trông con, cảnh gà trống nuôi con thật là cơ cực nhường nào.

Hoa thì tủi phận vì cha làm xe ôm lại là dân tỉnh lẻ, nó tự ti vì nhà nó nghèo hèn, nó tự ti vì không có mẹ như những đứa trẻ khác. Tự nó đã lánh xa các bạn, các bạn cũng không muốn kết bạn với con bé nghèo hèn, vì thế nó chỉ có mấy đứa bạn “con nhà nghèo” ở cùng ngõ nhỏ tồi tàn này mà thôi.

Cuộc sống thời đói nghèo vất vả là thế nhưng anh vẫn âm thầm chịu đựng không hề ca thán, trong lòng anh thầm cảm ơn Trời Phật đã che chở cho hai cha con được bình an. Anh yêu con hết mực, dành tất cả tình cảm, tâm huyết cho con. Anh lo cho nó từng li từng tí, chăm chút cho con từ cái ăn, cái mặc, sách vở học hành, mong nó lớn thành người có học cho đỡ khổ. Con bé cũng rất thương cha, ngoan ngoãn, học giỏi, lại chăm chỉ việc nhà.

Con bé cũng rất thương cha, ngoan ngoãn, học giỏi, lại chăm chỉ việc nhà. (Ảnh: epochtimes.com)

Những thử thách của môi trường đầy cạm bẫy

Vừa lúc con gái lên cấp hai thì anh may mắn có cơ duyên chuyển chỗ ở. Một người chủ cửa hàng lớn ở ngoài mặt ngõ gần đấy rất quý mến, tin tưởng, và cũng muốn giúp đỡ nên đã thuê anh về ở tại cửa hàng để vừa bảo vệ đêm, vừa giao hàng đến các tiệm bán lẻ. Ông chủ là đầu mối bán buôn, chuyên cung cấp hàng Quảng Châu, đủ các loại từ quần áo thời trang, đồ điện tử, đồ nội thất, ông thuê một căn nhà bốn tầng để vừa làm cửa hàng vừa làm kho.

Vậy là anh Trung may mắn từ xe ôm đứng đường thu nhập bấp bênh trở thành nhân viên cửa hàng, được trả lương khoán giao hàng nên thu nhập ổn định và cao hơn trước. Buổi tối anh còn nhận thêm việc đóng hàng theo danh sách đơn hàng của từng khách, ban ngày lại chở đến cho khách hoặc giao cho xe chở hàng đi các tỉnh. Anh làm rất tận tụy, không hề sai sót, bất cứ việc gì được giao anh cũng không nề hà, vậy nên ông chủ rất tín nhiệm. Anh còn tranh thủ những lúc đi giao hàng thì mua lại các vỏ thùng về bán đồng nát, các cửa tiệm bán lẻ đều quý anh nên họ giữ lại vỏ thùng hàng cho anh.

Cha con Trung được ở trên tum của sân thượng khá rộng rãi, với anh đây là món quà may mắn. Anh vừa không phải ở trọ chật chội ẩm thấp, vừa đỡ tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước, giảm một số chi phí đáng kể trong khi thu nhập cao hơn nên cuộc sống đỡ căng thẳng về vật chất hơn. Hoa thì mừng rơn vì có thể ngăn chỗ riêng ngay cạnh bếp, tiện cho việc học tập, ngủ nghỉ và cơm nước. Ông chủ cũng yên tâm vì có người trông kho hàng cả ngày lẫn đêm.

Đến nơi ở mới Hoa cũng đỡ tủi thân vì không phải “con nhà xe ôm”, không phải ở xóm trọ nghèo như trước. Nhưng, hai cha con ở khu vực Thanh Nhàn này mà lại chẳng “thanh nhàn” chút nào. Đây là nơi phức tạp nhất nhì của Hà Nội với đầy rẫy các tệ nạn, các cạm bẫy với giới trẻ, nào là ma túy hút chích, nào là cờ bạc, rượu chè, trai gái, nào là trò chơi điện tử thâu đêm suốt sáng.

Ở đây Hoa bắt đầu kết bạn với những đứa trẻ không phải con nhà nghèo, cô cũng có một cái máy tính cũ, cũng tập tành chơi điện tử. Vài năm qua đi, lâu dần cô đã quên thân phận nghèo, dần dần bị lôi cuốn theo các cám dỗ, cũng bắt đầu biết lấy bớt tiền mua thức ăn để theo bạn đi chơi game, nói dối cha là đi học thêm để chơi game, có hôm vì chơi game quá say sưa mà cả đêm Hoa không về nhà.

Lúc ấy Hoa học lớp 8, ở cái tuổi đang hình thành nhân cách non nớt dễ bị sa ngã nhất. Sau hai lần bỏ nhà đi “bụi” chơi game qua đêm cô làm cha lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Anh Trung tìm mọi cách khuyên giải mà không được, nói thế nào cũng không nghe, con đam mê hút hồn vào các trò chơi ma mị biến dị, vào những truyện tranh ly kỳ hấp dẫn… Cuối cùng, anh đành phải quyết định chuyển trường, thuê nơi ở khác để giúp con tránh xa cái môi trường đầy rẫy cạm bẫy và cám dỗ hiện hữu mỗi ngày.

(Còn nữa)

Nắng Mới

Exit mobile version