- Toàn tập Pháp nạn Phật giáo
Tùy Văn Đế Dương Kiên thay thế triều đại Bắc Chu, đánh bại chính quyền họ Trần ở Nam triều, thống nhất Trung Nguyên, kết thúc chiến loạn phân tranh kéo dài hơn 200 năm sau triều đại Tây Tấn, đồng thời cũng kết thúc chính sách cấm đoán Phật Đạo nhị giáo của Bắc Chu Võ Đế, chấn hưng Phật pháp Đạo pháp. Thời kỳ trị vì của ông được gọi là ‘Khai Hoàng chi trị’ trong lịch sử. Tuy nhiên, triều đại của nhà Tùy chỉ kéo dài 38 năm, vào cuối triều đại nhà Tùy, chiến tranh bùng nổ, quần hùng cát cứ, Lý Uyên, Lý Thế Dân hai cha con đã dấy binh ở Thái Nguyên, cuối cùng thống nhất thiên hạ, nhà Đường được kiến lập.
Trong thời kỳ Đường Cao Tổ Lý Uyên, thái sử lệnh cho phó dịch viết thư nhiều lần, yêu cầu cấm Phật giáo. Vì vậy, vào tháng 5 năm Võ Đức thứ chín (626 SCN), Đường Cao Tổ hạ chiếu: Ngoại trừ các tăng nhân và đạo sĩ tu trì tinh tấn ra, tất cả các tăng ni và đạo sĩ khác sẽ phải hoàn tục. Kinh thành chỉ giữ lại ba ngôi chùa, hai ngôi đạo quán, mỗi châu giữ lại một ngôi chùa, một đạo quán, còn lại sẽ nhất loạt bị phá bỏ.
Nhưng vào tháng 6 năm đó đã phát sinh loạn Huyền Vũ Môn, thái tử Lý Kiến Thành bị giết, Tần vương Lý Thế Dân được lập làm thái tử, hai tháng sau được Cao Tổ truyền ngôi, thái tử Lý Thế Dân đăng cơ, lấy niên hiệu là Trinh Quán. Trước khi chiếu thư tiêu hủy chùa chiền quy mô lớn của Cao Tổ được chấp hành, Thái Tông Lý Thế Dân đã lập tức bãi bỏ chiếu thư trước đó, còn hạ lệnh các nơi phổ độ tăng ni, tu tạo các Phật tự, hoằng dương Phật pháp. Từ năm Trinh Nguyên thứ nhất đến thứ 10, Thái Tông đã đích thân ra lệnh xây dựng hơn 10 ngôi chùa.
Vào năm Trinh Quán thứ mười chín (645), pháp sư Huyền Trang du hành phương Tây đến Ấn Độ cầu pháp, sau khi trải qua tận cùng khổ nạn trở về, ông đã có một cuộc nói chuyện vô cùng tốt đẹp với Đường Thái Tông, Thái Tông đích thân tuyển viết “Đại Đường Tam Tạng Thánh Giáo Tự”, ca ngợi Phật pháp bác đại tinh thâm, đại ý: “Từ cái lớn như vũ trụ tràn đầy, từ cái nhỏ như từng li từng tí. Vô diệt vô sinh, trải qua ngàn kiếp mà không cổ; Vừa ẩn vừa hiện, mang theo trăm phúc lành và trường tồn mãi mãi.” Thái Tông trước khi lâm chung đã từng nhiều lần nói với pháp sư Huyền Trang rằng: Chỉ tiếc bản thân được gặp pháp sư quá muộn, nếu không nhất định sẽ đại chấn hưng Phật pháp.
Vương triều Lý Đường luôn được thế nhân ca ngợi vì sự bác đại bao dung, đô thành Trường An đi đâu cũng thấy bóng dáng của người ngoại quốc, trong số các quan viên, thương nhân, tăng lữ cũng có nhiều người là ngoại quốc. Tam giáo Nho Thích Đạo không hề mâu thuẫn nhau trên lãnh thổ của nhà Đường, ngay cả Nestorianism (một nhánh của Thiên chúa giáo), Zoroastrianism và Manichaeism từ Trung Á và Tây Á cũng xuất hiện trong trong tầm mắt người dân.
Tuy nhiên, sau khi bước qua thời kỳ Trinh Quán chi trị và Khai Nguyên thịnh thế, loạn An Sử nổ ra, quốc lực của nhà Đường bắt đầu chuyển từ thịnh vượng sang suy tàn. Năm 840, Đường Vũ Tông lên ngôi, lấy niên hiệu Hội Xương. Vũ Tông tin Đạo giáo, không tin Phật giáo. Vào năm Hội Xương thứ hai, Vũ Tông hạ chiếu: Trong số các tăng nhân, phàm là người luyện kim đan, luyện tập chú thuật, trốn khỏi quân đội, vì phạm pháp mà phải chịu hình phạt, có các loại kỹ xảo thủ công, giữ phụ nữ (bao gồm môn phái tu luyện nam nữ song tu của Mật Tông thời Đường), không tuân thủ giới luật Phật giáo, toàn bộ hoàn tục. Tăng nhân nếu tích tồn tiền vật, lương thực, chiếm hữu ruộng đất, điền trang, ắt do quan phủ thu hồi, nếu tăng nhân muốn giữ tiền giữ vật, đều phải hoàn tục, phục hồi sưu thuế cho chính phủ. Sau đó đã có hơn ba ngàn tăng ni hoàn tục.
Vào những năm Hội Xương, một tăng nhân Nhật Bản tên là Viên Nhân đến Trung Quốc cầu pháp, đúng lúc gặp pháp nạn Hội Xương, ông đã ghi lại nhiều trải nghiệm và thu thập chúng thành một cuốn sách – “Hành trình nhập Đường cầu pháp”, trong đó đề cập đến: Tháng sáu năm Hội Xương thứ ba, Vi Tông Khanh, từng là thái tử, đã sao chép kinh Phật “Niết Bàn Kinh” và dâng cho Vũ Tông. Vũ Tông đốt kinh Phật và trả lời: Vi Tông Khanh trầm mê vào “tà thuyết”, đang “quạt gió quỷ”. Lúc này, Vũ Tông đã có những suy nghĩ tiêu cực về Phật giáo. Cuốn sách “Hành trình nhập Đường cầu pháp” cũng đề cập, vào tháng 9 năm Hội Xương thứ ba, tiết độ sứ Lưu Tòng Gián của Đạo Lộ phủ ở Hà Bắc phản loạn, có thông tin cho rằng một trong những thủ hạ của ông ta đã cạo đầu ngụy trang thành một tăng nhân. Vì vậy, Vũ Tông đã ra lệnh điều tra các tăng nhân trong thành. Để bắt được kẻ chạy trốn này, Vũ Tông thực sự đã giết 300 tăng nhân vừa mới xuất gia.
Vào năm Hội Xương thứ tư (844), Vũ Tông ra lệnh phá bỏ tất cả các chùa nhỏ và các chùa không đăng ký trên toàn quốc, ép tất cả các tăng nhân trong đó phải hoàn tục. Vào tháng 3 năm Huệ Xương thứ 5 (845), Võ Tông hạ chiếu ra lệnh, tất cả các tăng nhân dưới 50 tuổi phải hoàn tục, bất kể đức hành cao thấp hay có nghiêm thủ giới luật không. Vào tháng 7 cùng năm, Vũ Tông đã ban hành một chiếu chỉ khác: Ngoại trừ một số ngôi chùa và tăng ni, phần lớn các ngôi chùa trong cả nước phải bị dẹp bỏ. Tất cả tăng ni buộc phải hoàn tục, tượng Phật và bàn đồng trong chùa bị nấu chảy và đúc thành tiền đồng. Tổng cộng 4.600 ngôi chùa lớn và 40.000 ngôi chùa nhỏ đã bị phá hủy trên cả nước, 265.000 tăng ni phải hoàn tục, và hàng chục triệu mẫu đất của chùa bị thu hồi.
Trong những năm Hội Xương của triều đại nhà Đường, số hộ khẩu đăng ký khoảng 5 triệu người, và tổng dân số ước tính không dưới 25 triệu người, tổng số tăng nhân chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng dân số, nhưng họ vẫn bị đàn áp toàn diện. Mệnh lệnh đàn áp Phật giáo này thậm chí còn lan sang cả Nestorianism, Manichaeism và Zoroastrianism.
Khi pháp nạn Hội Xương xảy ra, tăng nhân Huyền Sướng từng viết “Lịch đại đế vương lục”, khuyên can Vũ Tông thu hồi lệnh, nhưng Vũ Tông không chịu nghe. Tuy nhiên, bốn trấn ở phía bắc sông Hoàng Hà: Trấn Châu, U Châu, Ngụy Châu và Lô Châu vẫn không thi hành mệnh lệnh của triều đình, các tăng nhân vẫn tu hành như thường lệ. Khi đương triều phái quan viên đi kiểm tra tình huống chấp hành mệnh lệnh của bốn trấn, tiết độ sứ của bốn trấn hồi đáp: Nếu thiên tử muốn hủy chùa đốt kinh, xin để ngài ấy tự làm, chúng tôi không dám làm. Nguyên lai, bốn vị tiết độ sứ này đều kính phụng Phật pháp, không nguyện tuân theo hiệu lệnh diệt Phật của triều đình.
Vào tháng 3 năm Huệ Xương thứ sáu (846), Vũ Tông chết đột ngột vì trúng độc do uống đan dược do đạo sĩ bào chế, lúc đó ông mới 32 tuổi. Ngay sau khi Tuyên Tông lên ngôi, Tuyên Tông tin tưởng Phật giáo, sau khi lên ngôi đã ra lệnh chấn hưng Phật giáo, xây dựng thêm nhiều chùa chiền, cho phép các tăng nhân phục dựng lại những ngôi chùa đã bị phá hủy trong những năm Hội Xương. Tuyên Tông cũng ra lệnh xử tử Lưu Huyền Tĩnh, Triệu Quy Chân và các Đạo sĩ khác, những người đã xúi giục Vũ Tông đả kích Phật giáo. Tuyên Tông và Vũ Tông trạc tuổi nhau, nhưng Tuyên Tông cao hơn một thế hệ, trước khi lên ngôi, ông luôn thu mình và giữ thái độ khiêm tốn. Sau khi đăng cơ, ông như biến thành một con người khác, xử lý chính sự anh minh quả quyết, trị vì 13 năm, hiệu xưng là “Đại Trung chi trị” (niên hiệu của Tuyên Tông là “Đại Trung”), sáng tạo nên huy hoàng cuối cùng của triều đại Lý Đường.
Tính từ sắc lệnh của Vũ Tông vào năm Hội Xương thứ hai và việc phá hủy tất cả các chùa nhỏ vào năm Hội Xương thứ tư, cho đến khi Huyền Tông lên ngôi phục hồi Phật giáo, pháp nạn Hội Xương chỉ kéo dài khoảng hai đến bốn năm. Bắc Ngụy Thái Vũ Đế, Bắc Chu Vũ Đế, và Đường Vũ Tông đều có chữ “Vũ” (võ), trong lịch sử, ba lần pháp nạn này được gọi là “Tam Vũ diệt Phật”, còn được gọi là là “Họa tam Vũ”.
Ở huyện Ngũ Đại, Hãn Châu, tỉnh Sơn Tây, có một ngôi chùa Phật Quang, được xây dựng lần đầu tiên vào thời Bắc Ngụy Hiếu Văn Đế, đến pháp nạn Hội Xương bị phá hủy, rồi đến thời Đường Tuyên Tông lại được xây dựng lại. Đây là một trong những kiến trúc bằng gỗ lâu đời nhất được bảo tồn ở Trung Quốc ngày nay, mang theo lịch sử hàng nghìn năm. Chùa Phật Quang vẫn đứng lặng lẽ trong núi rừng, chăm chú dõi theo những vở kịch lớn của nhân gian đang thượng diễn… (còn tiếp)
Theo Epoch Times, Hương Thảo biên dịch