Đại Kỷ Nguyên

Bóng gió vu vạ, vô sự sinh thị phi khiến ba người tử vong

Bóng gió vu vạ hại chết người, rồi tự mình gánh chịu ác quả. (Pixabay)

Khi tĩnh tọa chỉ nhìn lại bản thân mình, khi nhàn đàm không luận đàm thị phi của người khác, đó mới thực là đạo xử thế của người quân tử. Dưới đây là một câu chuyện bóng gió vu vạ, vô sự sinh thị phi mà tạo thành ba người tử vong.

Vào thời nhà Thanh, có một thư sinh tên là Khang Sinh, người được biết đến với tài mạo song toàn, khi mới 22 tuổi, Khang Sinh đã dạy học tại nhà của một viên quan lớn họ Đan. Nhà họ Đan đã ba đời làm quan, là người giàu có nhất toàn huyện, trong nhà khi nhiều nhất có đến mấy trăm nam nữ nô bộc. Nhưng họ Đan tính tình tàn bạo, gia quy nghiêm khắc. Nô bộc nếu bất cẩn, sẽ bị quất roi, thậm chí bị tra khảo, bị thiêu đốt hoặc các khốc hình khác. Thường có nô bộc bị tra tấn đến chết, nhưng họ Đan không cho đó là sai, quan phủ cũng bất lực trước ông ta. Khang Sinh tuổi trẻ gây sự, thường thích đuổi gió bắt hình, vô sự sinh thị phi. 

Khang Sinh có năm người học trò: bốn người là cháu trai của viên quan họ Đan, cụ thể là Đan Tư, Đan Bảo, Đan Kiệt, Đan Ti; người còn lại là em trai cùng cha khác mẹ của họ Đan tên là Văn Bỉnh. Văn Bỉnh mới mười bảy tuổi nhưng rất thông minh. Thơ văn của Văn Bỉnh, Khang Sinh thường không thể nào bắt bẻ. Bề ngoài, Khang Sinh biểu hiện tán thưởng Văn Bỉnh, nhưng thực tế trong lòng lại sinh ghen ghét. Trong số năm học trò, chỉ có Đan Bảo là hợp nhất với Khang Sinh. Bất cứ khi nào có chuyện gì xảy ra, Đan Bảo sẽ đi dò la, rồi quay lại nói với Khang Sinh; Khang Sinh thấy người lạ nào cũng nhờ Đan Bảo đi nghe ngóng, mối quan hệ giữa hai người kỳ thực giống như bằng hữu.

Một ngày nọ, nhà họ Đan tổ chức tiệc chiêu đãi họ hàng của phu nhân, đến tối, khách khứa dần tản đi. Mấy nữ nhân từ biệt khách khứa trở về, vừa nói vừa cười suốt một đoạn đường đi qua cổng thư viện. Khang Sinh lén nhìn qua khe cửa, nhìn thấy một nha hoàn váy xanh quần trắng, diễm lệ yêu kiều, phong thái quyến rũ, nhất thời cảm thấy tâm thần xốn xang. Trong lúc bần thần, tình cờ gặp một thư đồng tay cầm nến mang rượu và thức ăn đến. Khang Sinh hỏi: “Các vị công tử ở trong đó làm gì?” Thư đồng nói: “Có người thân lưu lại qua đêm, mấy thiếu gia đang bận thu xếp, lát nữa hai thiếu gia sẽ ra ngoài uống rượu với tiên sinh.” Khang Sinh gật đầu.

Một lúc sau, Đan Bảo đến, thầy trò hai người vui vẻ uống rượu thưởng ẩm. Khang Sinh liền hỏi về cô nha hoàn mà anh ta vừa thấy, Đan Bảo nói: “Có phải tiên sinh hỏi về cô nha hoàn có làn da trắng, đôi mắt to, hàm răng trắng và mái tóc đen dày không?” Khang Sinh nói: “Đúng vậy!”

Đan Bảo nói: “Đó là nha hoàn Tiểu Huệ trong phòng của dì Ba. Cô nha hoàn này thông minh lanh lợi, rất giỏi may vá, cả nhà đều thích cô ấy, năm nay cô ấy đã 19 tuổi, còn chưa tìm được nhà chồng.” 

Khang Sinh như mở cờ trong bụng, nói: “Người đẹp như vậy, ngày ngày ở ngay trước mắt, mấy huynh đệ cậu không ai chú ý đến cô ấy hay sao?”

Đan Bảo cười nói: “Ai chưa từng thử chứ? Chẳng qua là tiểu nha hoàn này tự có biện pháp tránh né, mắt thèm mà tay đành chịu thua. Chỉ có Văn Bỉnh là luôn có quan hệ tốt với cô ấy.” 

Khang Sinh đắc ý nói: “Ái chà, Văn Bỉnh luôn tự phụ thanh cao, nhưng lại đi làm hại thanh danh người ta, há chẳng phải là minh lý ám lý không nhất trí sao? Ta nghĩ Tiểu Huệ là người thận trọng, e là Văn Bỉnh cũng chưa có thể làm ô uế cô ta, những gì cậu nói đương nhiên chỉ là phỏng đoán thôi.”

Trong nhà ngoài ngõ, nói bóng nói gió là có chuyện chẳng lành. (Pixabay)

Đan Bảo nói: “Không đúng, sự đi lại của hai người đó, tôi và Đan Ti đã tận mắt chứng kiến.” Khang Sinh đến gần Đan Bảo và hỏi: “Các cậu đã thấy gì?” Đan Bảo nói: “Hai người họ nói chuyện, Đan Ti ở trong phòng nhìn trộm, còn tôi tình cờ gặp ở vườn hoa.” Khang Sinh cười lớn.

Một ngày nọ, Đan Ti hỏi Khang Sinh về điển cố “Man súc chi tranh” (tranh cãi vì những chuyện nhỏ nhặt) trong “Trang Tử”, nhưng Khang Sinh không thể trả lời nổi. Văn Bỉnh bên cạnh bèn giải thích, Khang Sinh rất xấu hổ, nhưng vẫn dùng khẩu khí giáo huấn, cao giọng nói: “Việc học cần lấy ‘13 Kinh’ làm căn bản, ‘21 Sử’ làm học vấn, những cuốn sách hoang đường này, đọc chỉ như vớ đống rác.”

Văn Bỉnh nói: “Một chuyện không biết, cũng là một điều sỉ nhục đối với Nho sinh. Tể tướng cũng phải do người có học đảm nhiệm, bởi vì học giả có kiến thức rộng, do đó tác dụng cũng lớn.”

Khang Sinh nói: “Đọc sách có thể cải biến khí chất của một người. Khí chất của cậu như vậy mà cũng dám xưng là Nho sinh? Tuy tôi chỉ lớn hơn cậu vài tuổi, nhưng tôi cũng là thầy của cậu, cậu là học trò, làm học trò mà lăng mạ thầy như thế, thì đọc sách có tác dụng gì? Hơn nữa, cậu cho rằng mình tinh thông Nho thuật, nhưng lại tư thông với nha hoàn, phá hoại quy cách phòng the của người khác, thiên hạ có loại Nho sinh như vậy chăng?” Văn Bỉnh nghe vậy, sắc mặt kịch biến, không dám nói năng gì nữa. Đan Ti và những huynh đệ khác đã nỗ lực khuyên giải Khang Sinh, sau đó cơn giận của anh ta dần nguôi ngoai, nhưng anh ta và Văn Bỉnh từ đó không còn nói chuyện với nhau.

Sau khi viên quan họ Đan biết chuyện, liền đánh Văn Bỉnh hơn chục roi, thậm chí còn mượn rượu xin lỗi Khang Sinh, nói: “Đại trượng phu mượn rượu thổ lộ bất bình, huống chi là thầy với trò! Tiểu đệ của tôi thật vô tri, thầy đừng tranh cãi với cậu ta.” Khang Sinh vâng vâng dạ dạ, cùng họ Đan uống rượu. 

Họ Đan uống say, rất hứng chí, bèn kể về những chuyện đắc ý trong đời mình, thao thao bất tuyệt mãi không hết. Khang Sinh nhân cơ hội khiêu khích, nói: “Lão tiên sinh làm chính sự, sáng tác thơ văn, trác việt siêu quần, đủ để lưu danh thiên hạ, chỉ là gia pháp không đủ nghiêm minh, người ngoài có chút đồn đại mà thôi, thực tại quá đáng tiếc!”

Họ Đan không vui nói: “Tôi trị gia tự nhận không xứng với Thạch Liễu. Tiên sinh nói vậy, có phải đã nghe thấy điều gì không?” Khang Sinh nói: “Tôi thấy mà không biết nên nói thế nào, chuyện này liên quan đến chuyện riêng của người khác, thật bất tiện.”

Họ Đan càng khởi nghi tâm, quay trái quay phải, thì thầm hỏi. Khang Sinh liền đem chuyện Văn Bỉnh và Tiểu Huệ tư thông, thêm cành thêm lá nói cho thông, còn nói: “Chuyện này các công tử nhà mình đã đều tận mắt chứng kiến. Lão tiên sinh là hình mẫu của cả gia hương, sao có thể vì nhất thời hoan lạc của con tiểu nữ này mà làm ô uế ảnh hưởng tới danh vọng của ngài?”

Nhà họ Đan luôn tự hào về gia pháp nghiêm khắc, một khi có người vạch ra ô uế của gia đình, liền tức giận lôi đình. Họ Đan đập mạnh ly rượu, bước vào phòng trong, vừa đi vừa gầm lên gọi Tiểu Huệ, dùng roi quất mạnh tay thẩm vấn. Tiểu Huệ nhẫn chịu không nổi, đành phải thừa nhận trái với lương tâm.

Họ Đan tức giận đến cùng cực, trói cô nha hoàn vào cột, gọi Văn Bỉnh đến xem. Văn Bỉnh che mặt ngã quỵ xuống đất, lớn tiếng khóc lóc. Họ Đan vừa la mắng vừa quất cậu ta, giọng nói và vẻ mặt đanh lại. Phu nhân đã ba lần thỉnh cầu, nhưng họ Đan vẫn không thương xót. Sau khi nhốt Văn Bình trong nhà vệ sinh, họ Đan trở về phòng.

Phu nhân lặng lẽ giúp Tiểu Huệ cởi trói và bế cô vào nhà, Tiểu Huệ đã hấp hối, ga trải giường bê bết máu, những người hầu đều rơi nước mắt thương hại cô. Chịu đựng đến nửa đêm, Tiểu Huệ đột nhiên ngồi thẳng dậy, lớn tiếng nói: “Nếu người sắp chết lời nói hữu tri, ta nhất định sẽ tìm ra công đạo!” Nói xong, cô hét lên vài tiếng rồi chết, cả gia đình trên dưới không ai không thương cảm cho cô.

Khi Khang Sinh nghe nói, anh ta cảm thấy rất bất an, vì vậy tìm lý do từ chức về nhà. Mỗi khi nghĩ đến chuyện Tiểu Huệ, anh ta sợ đến toát mồ hôi hột. Khi kỳ thi hương đang đến gần, Khang Sinh bật đèn học ban đêm, chuẩn bị cho kỳ thi. Mẹ của Khang Sinh, Lý thị, đã tự mình chuẩn bị thức ăn mang đến thư phòng. Bà nhìn thấy một người phụ nữ đứng trước cửa sổ thư phòng, trần truồng, toàn thân bê bết máu, bà Lý sợ hãi hét lên một tiếng rồi ngã xuống đất, người phụ nữ đó biến mất trong nháy mắt.

Khang Sinh vội vàng ra ngoài, dìu mẹ trở lại phòng ngủ nghỉ ngơi. Khi hỏi mẹ tại sao bị sốc, bà kể cho anh ta nghe những gì bà đã nhìn thấy, Khang Sinh kinh hoàng tái mặt. Bà Lý nói: “Có vẻ như ngôi nhà này là hung trạch, nó không thích hợp để ở. Huống là, gần đến kỳ thi hương, hay là con lên tỉnh thành, tạm thời ở nhà cậu ruột. Nếu con trúng cử, có thể chuyển đến nơi khác mà sống.” Khang Sinh cảm thấy những gì mẹ mình nói là có lý, nhanh chóng lên thuyền đến tỉnh thành, ở tạm nhà cậu ruột.

Ngày thi hương đã đến, các sĩ tử từ khắp nơi đổ xô đi thi lần lượt vào phòng thi. Đêm hôm đó, mọi người cùng phòng thi đều nghe thấy tiếng phụ nữ khóc, đều cảm thấy vô cùng kỳ quái, chỉ có Khang Sinh thần sắc ủ ê, chẳng muốn ăn uống. Vào nửa đêm canh ba ngày hôm sau, đột nhiên nghe thấy tiếng người ồn ào ngoài bức màn.

Một số giám khảo vén màn đi ra ngoài nhìn, thấy trước cửa phòng Khang Sinh người xem rất đông, biết nhất định đã xảy ra chuyện nên chen vào đám đông để xem. Chỉ thấy Khang Sinh trần truồng ngồi dưới mái hiên, hai mắt chằm chằm, hét lớn: “Đan Đình Hiến (viên quan họ Đan) thời thần chưa đến, tạm thời tha ông ta một trận. Bây giờ phải cắt cái lưỡi của tên bại hoại này, rồi hãy đối chất.” Nói xong, anh ta tự dùng tay rút lưỡi mình ra, dùng hết sức kéo ra, kéo ra khỏi miệng dài chừng bốn, năm tấc, có máu chảy ra từ khóe miệng. Những người xem vô cùng sợ hãi, muốn giúp anh ta giải trừ nguy nạn, nhưng ngón tay của anh ta đã móc vào gốc lưỡi, họ không cách nào có thể tách nó ra. Khi quan phủ phái người đến kiểm tra, anh ta đã rút lưỡi ra đến tận gốc, đau đớn ngất đi, một lúc sau thì chết.

Văn Bỉnh sau khi nghe tin, cũng qua đời nửa năm sau đó. Lẽ nào chàng và Tiểu Huệ vì không thể kết thành mối lương duyên tại nhân thế, nên đành xuống minh phủ để hoàn thành ước nguyện? (Nguồn: “Dạ đàm tùy lục”)

Thái Nguyên chỉnh lý, theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version