Đại Kỷ Nguyên

Bùi Viện và giấc mộng cường quốc Đại Nam dang dở (P.1)

Hoàng đế Quang Trung mất sớm năm 39 tuổi trong bao niềm tiếc nuối khi giấc mộng đưa Đại Việt trở thành cường quốc hàng hải đành dang dở. Hơn 47 năm sau, nước Nam thời Nguyễn trước hiểm hoạ ngoại xâm đã xuất hiện một vị hào kiệt vô cùng giống với Quang Trung Hoàng đế về tài năng thống lĩnh và tầm nhìn đối với hải quân. Vị hào kiệt đó chính là Bùi Viện – Đô đốc hàng hải thương mại của tuần dương quân hiện đại duy nhất thời phong kiến trong lịch sử Việt Nam.

Phần 1: “Chí tang bồng hồ thỉ dạ nào khuây, phải hăm hở ra tài kinh tế”

Thành Ninh Bình với 1.700 binh lính hạ vũ khí đầu hàng một toán quân Pháp chỉ có bảy người. Muốn thoát khỏi cảnh đô hộ, chỉ còn cách duy tân và tự lực tự cường. Đây cũng là thời điểm mà quân đội quốc gia cần một người tài năng như Bùi Viện.

Hoàng đế Quang Trung từng được xem là chúa tể của tất cả hải tặc Đông Nam Á, là vua của hải tặc. Phát kiến sử dụng hải tặc làm nòng cốt trong lực lượng hải quân của ông không những tạo ra một hạm đội lừng lẫy trong khu vực, lập nên những chiến công lớn mà còn làm cho an ninh hải lộ của nước ta không bị ảnh hưởng bởi nạn cướp biển. Quang Trung mất sớm năm 39 tuổi trong bao niềm tiếc nuối khi giấc mộng đưa Đại Việt trở thành cường quốc hàng hải đành dang dở.

Hơn 47 năm sau, nước Nam thời Nguyễn trong cơn nguy cấp đối mặt với chuyện mất nước đã xuất hiện một vị hào kiệt vô cùng giống với Quang Trung Hoàng đế về tài năng thống lĩnh và tầm nhìn đối với hải quân. Ông đã xây dựng nên một hạm đội tuần dương quân hiện đại vô cùng tiềm năng. Tiếc thay, mệnh trời lại trêu ngươi khi người anh tài này, cũng như Quang Trung, mất sớm năm 39 tuổi. Nước Nam một lần nữa lại để vuột mất cơ hội trở mình thành cường quốc. Thật đáng tiếc thay!

Vị hào kiệt đó chính là Bùi Viện, đô đốc hàng hải thương mại của tuần dương quân hiện đại duy nhất thời phong kiến trong sử Việt Nam.

Bùi Viện (1839 – 1878) hiệu Mạnh Dực, quê ở làng Trình Phố, tổng An Bồi, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định (nay là Trình Trung, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho nhưng lại không có duyên khoa cử. Năm 1864 ông đỗ Tú tài, năm 1868 đỗ Cử nhân. Nhưng sau đó hai lần thi Hội năm 1868 và 1869 ông đều hỏng thi. Có lẽ ông Trời không muốn ông đỗ đại khoa làm quan to mà muốn an bài để ông làm những việc phi thường chăng?

Hải quân Đại Nam, thời huy hoàng nay còn đâu?

Để thống nhất quốc gia, nhà Nguyễn phải ưu tiên xây dựng thủy binh hùng mạnh để giành chiến thắng trong cuộc đối đầu với quân Tây Sơn, một lực lượng hải quân có thể coi là tinh nhuệ nhất Đông Nam Á đương thời.

Nguyễn Ánh, giống như Nguyễn Huệ, cũng là một trong những vị hoàng đế hiếm hoi vô cùng tinh thông thủy chiến và nghệ thuật đóng tàu. Ông đã trực tiếp chỉ huy xây dựng hạm đội nhỏ bé của mình trở thành một lực lượng đáng sợ ở Đông Nam Châu Á và giành chiến thắng chung cuộc. Kết quả là trong vỏn vẹn 10 năm, Nguyễn Ánh đã thành lập một hạm đội với số thuyền hùng hậu lên tới 100 chiến hạm, 800 pháo hạm và 500 bán pháo hạm. Trong đó đáng kể nhất là chiếc Long Phi được trang bị đến 32 khẩu đại bác, Phụng Phi và Bằng Phi có 26 khẩu với sức chứa trên 300 người mỗi thuyền. Điều đáng nói là các chiến hạm và vũ khí này hiện đại tương đương với các đế quốc châu Âu thời đó và tất cả đều được đóng bởi chính người lính thợ Đại Nam.

(Ảnh minh họa: vietbao.vn)

Đây là một lực lượng đủ sức thống trị đường biển và đánh bại bất kỳ đối thủ nào cùng thời. Đã có rất nhiều ghi chép về giai đoạn này trong các tư liệu nước ngoài:

“Liệu cũng trong vòng 10 năm ác liệt như thế, các thần dân rất năng nổ của vua Louis XVI (chỉ Chính phủ Pháp) có thể xây dựng được đội quân hùng hậu như vậy không?”

(Trích “Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792-1793)”, J.Barrow)

“Các xưởng đóng chiến thuyền trong xứ và các quân cảng được Ngài xếp đặt chỉnh tề, đồ sộ; người ngoại quốc đến xem phải động lòng kính phục, nếu cả châu Âu được trông thấy thì cả châu Âu cũng phải khen ngợi.

Một bên bài trí la liệt những súng trường, súng thần công, đại bác đủ hạng, những dã pháo, những xe chở súng, những viên đạn lớn nhỏ đủ cỡ… Phần nhiều so sánh với các kiểu súng đạn tốt nhất ở Tây phương, bất quá chỉ thua kém về vẻ đẹp mà thôi”.

(Le Labrousse, một người Pháp viết trong bức thư đề ngày 1/5/1800 gửi cho giám đốc trường Tu nghiệp của Hội Truyền giáo ngoại quốc ở Paris).

Hạm đội hùng mạnh kia của quân Nguyễn lẽ ra đã có thể được duy trì để chiếm ưu thế trên mặt biển vào thời đó (thế kỷ 19) và bảo vệ quyền lợi quốc gia khi mà các quốc gia Tây Âu đang bành trướng hải quân ra khắp thế giới. Thế nhưng, các vua nhà Nguyễn, sau vài cuộc phản loạn, lại trở nên e sợ chính quân đội và các tướng lĩnh của mình, họ thu hết quyền bính và hạn chế đầu tư vào quân đội. Hải quân càng thê thảm hơn khi hoàng gia xác định rằng lục địa mới là mối quan tâm hàng đầu. Họ bị bỏ bê và hầu như không có đầu tư nào đáng kể. Chưa kể chính sách bế quan tỏa cảng từ sau thời Gia Long lại càng khiến cho trình độ quân sự nhà Nguyễn trở nên lạc hậu trong khu vực. Đội ngũ chiến thuyền khét tiếng Đông Nam Á ngày nào giờ đã trở nên vô cùng nhỏ yếu và mỏng manh.

Binh lính bạc nhược ít huấn luyện:

“Các hạng lính trong nước (tổng) cộng ước (độ) hơn 119.000; trừ số thiếu ước (độ) 31.700 còn ước (độ) hơn 80.800; ở kinh các thứ lính (tổng) cộng ước (độ) 21.790 nhưng trừ lính hạ ban và các khoản khác, còn số đương ban là 9540; các tỉnh thì tỉnh lớn có ước (độ) 4 – 5000; tỉnh nhỏ cũng có số nghìn hoặc mấy trăm. Nhưng mà quân lính ấy ít tập luyện, bắn là thuật cần thiết mà mỗi năm chỉ tập một lần thôi, cho nên lâm sự thì rối lên, có khi vừa thấy quân địch đã sợ”.

Thủy quân lạc hậu thô sơ:

“Về thủy binh, đời Tự Đức có độ 7500 người cho toàn quốc, bao gồm 6, 7 chiếc tàu hơi (sau hòa ước Giáp Tuất (1874) được Pháp tặng thêm 5 chiếc tàu nhỏ), khoảng 50 thuyền lớn, nhiều chiếc bọc đồng. Tuy nhiên “thủy quân cũng như các viên quản suất, đều là tay ngang, không biện được sóng gió, không biết thuật đi bể”.

(Phan Khoang – trích lời tâu của Phạm Phú Thứ 1874)

Tranh vẽ lính thuộc quân đội nhà Nguyễn. (Ảnh: wikipedia.org)

Với tình trạng binh bị như thế, người Pháp dễ dàng chiếm lấy nước Nam là điều hiển nhiên. Năm 1873, chỉ trong vòng ba tuần, toàn bộ bốn tỉnh miền đồng bằng sông Hồng gồm Hà Nội, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định với 2 triệu dân cư và một số thành lũy đã rơi vào tay đội quân Pháp chỉ chừng 180 người, chỉ huy bởi viên đại úy hải quân chưa tới 35 tuổi là Francis Garnier. Có thể kể đến trường hợp thành Ninh Bình với 1.700 binh lính hạ vũ khí đầu hàng một toán quân Pháp chỉ có bảy người. Muốn thoát khỏi cảnh đô hộ, chỉ còn cách duy tân và tự lực tự cường. Đây cũng là thời điểm mà quân đội quốc gia cần một người tài năng như Bùi Viện.

“Chí tang bồng hồ thỉ dạ nào khuây, phải hăm hở ra tài kinh tế”

Đường công danh có vẻ không dành cho Bùi Viện, mãi đến năm 29 tuổi ông mới đỗ cử nhân. Ngay sau khi đỗ, ông liền rời quê nhà vào Huế để thi Hội. Tiếc thay, hai lần thi Hội năm 1868 và 1869 ông Cử họ Bùi đều bị trượt! Nhưng vốn tính tình phóng khoáng, có chí khí tài năng nên việc thi đỗ hay không đối với ông dường như không quan trọng mấy. Ông tận dụng thời gian ở kinh đô để làm quen với giới quan lại, đặc biệt là những người có cùng chí hướng và quan niệm cải cách như ông. Thời điểm đó, ông quen biết Lê Tuấn, quan Tham tri bộ Lễ, người rất mến chuộng tài năng của ông.

Cơ hội đến khi năm 1871, Lê Tuấn vâng mệnh vua ra Bắc phối hợp với quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc dẹp loạn quân Cờ Vàng của Hoàng Sùng Anh. Lê Tuấn do không thông hiểu miền Bắc nên mời Bùi Viện theo làm cố vấn. Lần trợ giúp này khá thành công nên triều đình cũng bắt đầu biết đến Bùi Viện.

Vừa xong việc với Lê Tuấn, ông lại xắn tay áo trợ giúp cho Doãn Khuê, Doanh điền sứ Nam Định làm việc khai hoang, lấn biển. Doãn Khuê (1813-1878) là một vị quan văn mà lại có tài thao lược, từng giữ các chức Đốc học các tỉnh Nam Định và Sơn Tây kiêm Doanh điền sứ, Hải phòng sứ các tỉnh duyên hải Bắc Kỳ. Ông là một trong số ít các vị quan có tư tưởng cải cách tiến bộ dưới thời vua Tự Đức, không cam chịu ký hòa ước hàng Pháp.

Có câu: “Anh hùng sở kiến lược đồng”, vì thế mà Doãn Khuê nhìn thấy tài năng của Bùi Viện, một người trẻ tuổi nhưng có “tài kinh bang tế thế”. Ông quyết định mời Bùi Viện ra giúp việc cho mình trong nha Doanh điền sứ. Công việc của nha này không chỉ là khai hoang, mà còn tạo cơ sở địa phương để xây dựng lực lượng dân binh, dùng cho kháng chiến chống Pháp sau này.

Tại đây, Bùi Viện được giao trọng trách vừa đánh dẹp hải tặc, vừa xây dựng kiến thiết bến Ninh Hải thành thương cảng (Ninh Hải là tiền thân của cảng Hải Phòng sau này).

Nhờ công lao khai khẩn của Doãn Khuê mà vùng Nam Định xây dựng được một cơ sở vững chắc, tạo lập được một đạo quân khá tinh nhuệ. Năm 1873, chính đạo quân này dưới sự lãnh đạo của Doãn Khuê và Nguyễn Mậu Kiến đã giao tranh ác liệt với quân Pháp của Francis Garnier, chiếm được đồn Chân Định, bắn cháy một tàu chiến Pháp và đánh bại quân Pháp một trận lớn ở làng Ngô Xá. Trong điều kiện hạn chế, cách biệt về trang bị cũng như trình độ của lực lượng dân quân mà làm nên những chiến công trên quả thật là điều kỳ diệu.

Những năm công cán tại các vùng này, việc tham gia dẹp loạn và công việc ở doanh điền sứ đã đem đến cho Bùi Viện những kinh nghiệm và tầm nhìn giúp ông sau này lập nên Tuần Dương Quân, lực lượng hải quân chuyên nghiệp đầu tiên của nước Nam.

(Còn tiếp)

Tĩnh Thuỷ

Xem thêm:

Exit mobile version