Đại Kỷ Nguyên

Buông bỏ không phải vì yếu đuối, mất mát không nhất định là chuyện đau buồn

Đời người giống như cuộc hành trình, con đường tuy gian nan nhưng cũng không thiếu chi cảnh đẹp cho ta thưởng thức. Khi bạn học được cách quên đi, cuộc sống sẽ không có oán trách, thay vào đó là cảm xúc nhẹ nhàng bình yên, mĩ diệu khôn cùng.

Con người ta thông thường truy cầu mọi thứ, vẫn luôn nghĩ tưởng rằng bản thân sở hữu thật nhiều thì cũng sẽ hạnh phúc thật nhiều. Vì thế, ta liền mơ màng bước lên con đường dẫn vào ngõ cụt mà không nhận ra. 

Rồi một ngày, ta giật mình nhận ra, mọi u buồn, sầu muộn, mọi đau khổ, phiền não cùng với những thứ ta truy cầu đều có quan hệ với nhau. Ta chợt hiểu ra, vì sao ta sống mà không bao giờ thấy thoải mái. Có phải là bởi ta đã khát vọng quá nhiều thứ, hoặc bởi luôn cố chấp vào một chuyện gì đó, bất tri bất giác đẩy cuộc sống của mình ra khỏi quỹ đạo thông thường. 

Ví dụ như, bạn yêu đơn phương một người nhưng họ không chấp nhận tình cảm ấy của bạn. Lúc ấy cả thế giới bỗng như sụp đổ xuống. Mọi hành động, lời nói, thậm chí một cái giơ tay, nhấc chân của người đó cũng có ảnh hưởng lớn đến bạn. Mọi ưu buồn, vui vẻ của bạn đều xoay quanh người đó. 

Có lúc, bạn cũng hiểu rằng, người đó không phải của bạn nhưng vì quá yêu, quá muốn có được nên đành mù quáng tự tiếp tự tin cho bản thân. Hoặc là bạn cảm thấy chỉ cần mình chân thành hơn nữa, rồi sẽ có một ngày người đó cảm động trước tình cảm của bạn. Vì vậy bạn vẫn luôn không ngừng cố gắng, cũng không ngừng gặp thất bại và buồn tủi. 

Trên đời có hai chữ vô cùng kỳ diệu đó là “duyên phận”. Có những chuyện đã định trước là duyên phận, vĩnh viễn cũng không thể cưỡng cầu. Nếu không có cách nào đạt được, chi bằng buông tay, cũng là mở ra cho mình thêm một con đường mới. 

“Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome”, mọi điều người ta truy cầu cũng đều là để có được hai chữ “hạnh phúc”. Vậy rốt cuộc thì “hạnh phúc” ấy thực ra là gì?

Ảnh: Wallhere.

Là khi hiểu ra buông bỏ mới có được hạnh phúc

Ta luôn có hai sự lựa chọn, chọn “giữ lấy” hay chọn “buông tay”, nhưng cũng lại luôn khát vọng có được thứ mình muốn, dù có nhiều khi sự lựa chọn ấy mang đến thật nhiều đau khổ. Ta cũng thường quên mất rằng mình vẫn còn một sự lựa chọn khác nữa. 

Khi ta hiểu được ý nghĩa chân chính của hai chữ “buông bỏ”, cũng là lúc ngộ được ý nghĩa tuyệt hảo của câu mà cổ nhân thường hay nói: “Thất chi đông ngung, thu chi tang du”. Đông ngung là chỉ nơi mặt trời mọc, còn tang du là chỉ lúc mặt trời lặn, câu này có thể hiểu đại ý là: mất bên đông, được bên tây, tuy mất cái này nhưng lại được cái khác. Nhìn rộng ra, thất bại ở một phương diện nào đó cuối cùng lại là thành tựu ở một điểm khác. Chỉ là ta nhất thời chưa thấy được mà thôi.  

Hiểu được ý nghĩa chân chính của buông bỏ là lúc ta học được cách bình tâm mà quan sát sự việc, cảm nhận được vẻ đẹp rộng lớn của thế giới này. Đó chính là lúc ta lĩnh hội được một nội tâm bình lặng như nước, hiểu được ý nghĩa hai chữ “hạnh phúc” mà ta vẫn hằng truy cầu. 

Điều gì nên “buông bỏ”?

Buông bỏ nỗi đau mà thất tình mang đến, để xuống oán hận khi phải chịu khuất nhục. Buông bỏ những trận tranh cãi chỉ tốn sức lực thời gian. Đặt xuống những tranh đoạt quyền lực, tiền tài…

Những thứ được nuôi dưỡng bởi những suy nghĩ danh, lợi, tình đầy ích kỷ, những suy nghĩ xấu xa, những lời nói “khẩu nghiệp”, những hành vi không đúng mực, hết thảy những quan niệm cố chấp v.v. đều đáng để buông bỏ.

Chỉ hai chữ, nhưng để học, hiểu và hành xử theo yêu cầu người ta phải có dũng khí rất lớn. Đối mặt những chuyện không thể, dũng cảm từ bỏ, chính là sự lựa chọn sáng suốt nhất. Bởi khi đó, ta sẽ hiểu được rằng những vấp ngã kia chính là cơ hội mở ra cho ta một cuộc sống mới, ung dung hơn, bao dung hơn và sáng suốt hơn. 

Buông bỏ, không phải là hèn nhát, không dám đối mặt, mà thật ra là sự dũng cảm, mạnh mẽ nhất. Con người sống trên đời, ai mà không một lần chịu tổn thương! Chỉ là mỗi người một con đường khác nhau, tổn thương cũng bất đồng, nhưng một người chưa gặp thử thách, không có nghĩa là con đường vị ấy đi sau này sẽ mãi êm đềm như thế. 

Cho dù có rất nhiều chuyện bạn muốn quên nó đi, nhưng kỳ thực, nếu không có nó con người bạn sẽ không được tôi luyện, đó là những bài học quý giá giúp bạn trưởng thành hơn. 

Ảnh: Internet.

Buông bỏ mới là sự kiên cường chân chính nhất

Có một ông lão đang vội vàng chạy cho kịp tàu, không may làm rớt một chiếc giày mới mua, mọi người chung quanh đều quay ra liếc nhìn ông. Không ai ngờ được, ông lão ấy liền ném chiếc giày còn lại ra ngoài cửa sổ, khiến cho tất cả mọi người đều vô cùng kinh ngạc. 

Ông lão quay lại giải thích: “Chỉ còn một chiếc giày thì dù có quý giá đến đâu cũng đều biến vô dụng. Chi bằng dành cho người nào vô tình nhặt được nó thì nó sẽ phát huy được toàn bộ tác dụng của mình”. 

Qua đó, ta nhận ra một bài học vô cùng có giá trị, thay vì giữ mãi những sai sót, chi bằng dũng cảm từ bỏ là hơn. 

Cũng sẽ có những lúc bạn rơi vào cảnh ngộ tương tự, đánh mất một món đồ quý giá, hay đánh mất một người mà mình yêu thương. Nhưng thay vì luôn chìm vào cảm giác nuối tiếc, oán trách bản thân không bằng hãy nhìn thẳng vào thực tế, đổi một góc nhìn khác, cách suy nghĩ khác. 

Mất đi không nhất định là chuyện không tốt, không nhất định để lại chỉ toàn buồn đau. Ngược lại đó chính là bài học nâng bước ta trên một hành trình khác của đời người.

Mất đi không nhất định chỉ toàn là tổn thất, đôi khi chính là một loại hiến dâng. Chỉ xem ta dùng tâm thái nào mà nhìn nhận nó. Lùi một bước, biển rộng trời cao, mất đi hóa ra cũng là một việc tốt.

Trâm Anh
Theo Cmoney

Exit mobile version