Vào thời nhà Thanh, có một thôn dân họ Lý ở một ngôi làng ở Tây Hương, mãi chưa kết hôn, ông kiếm sống bằng một xe đẩy, chở hàng và chở khách, quanh năm bận rộn mưu sinh, rất hiếm khi về nhà.
Một lần, ông đưa một vị khách đến Dịch Sơn, trên đường trở về, ông khởi hành sớm, đi ngang qua một ni cô am ở đầu làng, nhìn thấy một đứa trẻ sơ sinh đang khóc, người đầy máu. Khi đến gần, ông nhận ra đó là một bé nam. Nhưng nghĩ đến trong nhà không có phụ nữ, không thể nuôi nấng dưỡng dục. Mà nếu mang đứa bé lên xe, thì rất khó mưu sinh, đành phải đặt xuống, chuẩn bị rời đi. Lúc đó, đột nhiên một con chó chạy đến, bất ngờ cắn xé quần áo và chăn bông quấn em bé, em bé càng khóc ngằn ngặt, Lý mỗ lo con chó có thể làm hại sinh mệnh anh nhi, lập tức quay đầu lại đuổi con chó đi. Nhưng khi Lý mỗ vừa rời đi, con chó kia lại chạy đến. Lúc này Lý mỗ bỗng khởi lòng trắc ẩn, mang đứa bé đặt lên xe mình. Thời tiết đã se lạnh, Lý mỗ dùng quần áo cũ quấn thêm cho bé, rồi tiếp tục tiến về phía trước.
Đi đến một ngôi làng lớn, gặp thôn dân, Lý mỗ viện cớ vợ sau khi sinh con đột ngột qua đời, để lại đứa con, bản thân phải đi làm việc và đi khắp nơi, không nuôi được đứa trẻ nên muốn giao nó cho người khác. Sau đó, có một ông lão nói với Lý mỗ: “Tôi đã có con cháu, nhưng tôi thông cảm cho hoàn cảnh khó khăn của anh, sẵn sàng thay anh nuôi nó.” Theo đó, ông lão hỏi Lý mỗ về tên tuổi, gia đình và nơi ở của Lý. Sau khi biết chi tiết, ông lão nói: “Tôi cũng họ Lý giống như anh. Khi đứa nhỏ này lớn lên, tôi nhất định sẽ cho nó về nhận tổ quy tông, hy vọng anh đặt cho nó một cái tên, lưu lại một dấu ấn để sau này có thể dễ dàng nhận ra nhau.” Lý mỗ bèn dùng chữ “Hiếu” đặt tên cho con trai mình, và xé nửa số quần áo quấn quanh người em bé thành nhiều mảnh để lưu lại bằng chứng cho tương lai.
Lý Hiếu dần dần lớn lên, khi mười bảy mười tám tuổi, thân hình cao lớn, Lý ông cho con nuôi tập luyện võ thuật, được vào học trường huyện. Sau này, Lý ông già yếu đa bệnh, sợ con cháu sau khi chết sẽ đối xử bạc bẽo với Lý Hiếu, nên bề mặt thì chỉ cho thừa kế con nuôi một ít tài sản, nhưng lại âm thầm hậu thưởng cho cậu, rồi bảo cậu quay về tìm bố. Thế là Lý Hiếu mang vợ con mà đi.
Lúc này, Lý mỗ đã già, không thể lại làm nghề đẩy xe kiếm sống nữa, ông trở về quê hương, làm công việc lặt vặt ở một số tụ điểm đánh bạc, sống trong hầm vào mùa đông. Một ngày nọ, một thanh niên đột nhiên đến làng, mũ miện chỉnh tề, theo sau là vài chiếc xe chở hành lý, một thiếu nữ và một cậu con trai nhỏ, hỏi tên Lý mỗ.
Người trong làng hỏi thanh niên: “Cậu hỏi Lý mỗ làm gì?” Chàng trai trả lời: “Ông ấy là bố của tôi!” Người trong làng cảm thấy rất kỳ lạ, bàn luận riêng: “Lý mỗ không có vợ, vì sao lại có con vậy?” Một người nói: “Trong thôn không có ai đồng danh đồng họ với Lý mỗ, làm sao biết không phải là con trai?” Nói rồi vội vàng đi tìm Lý mỗ ở trong hầm và nói: “Con trai ông ở đây.” Lý mỗ hỏi: “Ở đâu?” Người dân trong làng nói: “Hỏi người ở cuối làng.” Lý vui mừng khôn xiết, vội vàng lục lọi trong hộp tìm được nửa bộ y phục khi xưa và bước ra. Dân làng hỏi ông: “Ông làm gì với cái này vậy?” Lý mỗ nói: “Nếu không có cái này thì cha không phải là cha nó, con không phải là con tôi.”
Khi Lý mỗ nhìn thấy chàng trai trẻ ở cuối làng, liền hỏi: “Cậu là Lý Hiếu phải không?” Chàng trai trả lời: “Là tôi.” Lý mỗ liền đưa cho cậu ta một nửa bộ y phục nhỏ. Chàng trai nhìn thấy nó, bèn lấy ra một nửa còn lại đưa cho, cả hai gộp lại thành một chiếc áo nhỏ của em bé. Lý Hiếu lập tức quỳ xuống lạy cha, đồng thời ra lệnh cho thiếu phụ xuống lạy bố chồng, con trai họ cũng thỉnh an ông nội. Lý mỗ cảm động đến không nói được lời nào, chỉ có thể liên tục gật đầu.
Lý là một người đàn ông cực nghèo, nếu không phải là vì năm xưa đã động lòng trắc ẩn, thì làm sao có thể được hưởng phúc lành này khi về già? Sau đó, người trong làng hỏi riêng ông, Lý mỗ kể: “Tôi đã lập gia đình vào năm nào đó, nhưng vợ tôi đã qua đời hơn một năm trước.” Lý đi khắp nơi nhiều năm và hiếm khi trở về nhà, dân làng không biết tình huống bên ngoài, nên đều tin lời ông. Lý Hiếu hỏi nghĩa trang của mẹ mình ở đâu? Lý mỗ nói, đã bị chôn trong một ngôi mộ tập thể ở đâu đó và sau đó bị núi sông nhấn chìm, không để lại dấu vết, nên con trai đã tin ông.
Sau đây là một câu chuyện khác về cha con thất tán do chiến tranh, rồi được đoàn tụ:
Vào thời nhà Thanh, có một người thợ mộc tên là Đào, người Kim Lăng (nay là Nam Kinh, tỉnh Giang Tô). Khi bốn tuổi, thổ phỉ công hãm thành trì, cha ông bị bọn chúng bắt đi, chỉ còn hai mẹ con nương tựa vào nhau, nhưng may mắn thay, họ vẫn được bình an vô sự. Sau khi đại loạn được bình định, họ mở một cửa hàng trong thành.
Đến năm giáp tuất Đồng Trị, Đào mỗ được hai mươi lăm tuổi. Một ngày nọ, đột nhiên có một ông lão đưa một người phụ nữ mù đến trước cửa cửa hàng để ăn xin, Đào đưa tiền cho ông lão, nhưng ông vẫn không rời đi, mà nhìn Đào thật lâu rồi nói: “Có phải con họ Đào, biệt danh là mỗ mỗ không?” Đào hỏi ông lão làm sao biết? Ông lão nói: “Con là con trai của ta!” Đào mỗ vào nhà bảo mẹ ra ngoài xem xét.
Mẹ của Đào bước ra, quả nhiên nhận ra bố của Đào, nên đã dìu ông vào nhà và hỏi họ từ đâu đến. Cha của Đào cho biết, sau khi bị bọn đạo tặc bắt, ông bắt đầu đi về phía bắc, sau đó chuyển đến Tứ Xuyên và Thiểm Tây, hiện tại là từ Thiểm Tây đang trở về nhà. Ông cởi chiếc túi vải ở thắt lưng, lấy ra mấy thỏi bạc kiếm được từ việc mua bán hàng hóa trong nhiều năm, nhưng sợ trên đường gặp phải trộm cướp nên phải giả vờ nghèo và mù lòa đi ăn xin. Người phụ nữ mù là người vợ thứ hai của ông. Mọi người nghe tin đều rất vui mừng, họ hàng, bạn bè cũng đến chúc mừng. Sau chiến loạn, biết bao gia đình ly tán, nhưng người nhà này lại đã được đoàn tụ, hẳn là đã tích phúc âm.
- Trọn bộ Nhân sinh cổ đạo
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch