Đại Kỷ Nguyên

Cái chết rốt cuộc có đáng sợ như chúng ta vẫn tưởng tượng?

Ngày xưa có một chàng trai trẻ tới gặp người thầy chân sư của mình và nói: “Thưa thầy, con rất sợ chết! Làm sao để tránh được nỗi sợ này?”.

Vị chân sư hỏi lại: “Hãy nói cho ta biết, nếu con vay ai đó vài đồng và rồi khi phải trả lại thì con có sợ không?”.

Chàng trai trẻ trả lời: “Tất nhiên là không! Con sẽ không sợ”, chàng trai trẻ đáp.

Chàng trai không hiểu vì sao người thầy lại hỏi một câu như vậy nên hỏi dò: “Nhưng thưa thầy, điều này đâu có liên quan đến nỗi sợ của con?”.

Vị chân sư nhặt một ít đất lên và giải thích: “Con từ cát bụi mà ra, con có được thân thể con từ món nợ phải hoàn trả. Mỗi miếng cơm con ăn, mỗi ngụm nước con uống đều làm tăng thêm khoản nợ đó. Mảnh đất con giẫm lên là viên chủ nợ quan trọng nhất, luôn gợi nhớ về món nợ này”.

Vị chân sư ném nắm đất lên không trung và khi nó rơi xuống, ông nói tiếp: “Dù con trèo cao bao nhiêu, dù con tìm mọi cách thoát thân thế nào, con vẫn phải chết. Cuối cùng mặt đất sẽ ôm lấy con, không chừa chút nào.

Vậy nên để đương đầu với nỗi sợ này, đừng nên nghĩ rằng mình là người chủ của thân thể này, hãy chấp nhận sự thật là con chỉ là một người mượn chính lớp da thịt ấy.

Vì con không biết được việc thuê mượn này kéo dài bao lâu, nên hãy luôn nhớ rằng nó có thể chấm dứt bất cứ giây phút nào. Chúng ta đều là những con nợ và cuối cùng, món nợ ấy nhất định bị thu hồi. Mặc cho ta sợ hay không sợ”.

Vị chân sư mỉm cười và hỏi: “Vậy hãy nói cho ta biết, liệu có điều gì đáng phải khiếp sợ hay hối tiếc ở nơi trần thế này không?”.

Cuộc sống của chúng ta rất ngắn ngủi và chúng ta cần phải hiểu rằng không ai có thể sống mãi trên cõi đời này. Vậy nên bạn hãy sống một cách có trách nhiệm nhất, như là một món nợ cần phải hoàn trả. Đừng nên chỉ truy cầu những lợi ích vật chất, đừng đòi hỏi ai đó phải làm gì cho bạn, vì tựu chung lại, chúng ta có mặt ở đây đều là để trả nợ.

Tham khảo Moralstories
Xuân Dung

Exit mobile version