Đại Kỷ Nguyên

Cảm ân người hãy dùng phép nhân, oán hận người hãy dùng phép trừ

Con người nào phải Thánh hiền, có ai chưa từng phạm lỗi? Mỗi chúng ta đều từng làm tổn thương người, xung đột giữa người với người cũng là điều khó tránh. Chi bằng mọi chuyện hãy nên xem nhẹ, chớ ôm oán hận vào lòng. 

Tức giận vì sai lầm của người khác cũng là tự trừng phạt chính mình. Khi lòng chứa đầy oán hận thì ta đã xua đi ánh mặt trời ấm áp, để bản thân chìm vào khoảng trời lạnh lẽo âm u. Tha thứ cho người khác cũng là tự cởi trói cho chính mình, buông xuống gánh nặng đang đè vào trong tâm.

Mở rộng tấm lòng, không so đo tính toán

Trong những ngày bị đày đến Hoàng Châu, buổi tối Tô Thức một mình đi vào trong thành uống rượu giải sầu. Trên đường có một kẻ say lảo đảo bước đi và đụng vào người ông. Anh này không những không xin lỗi, ngược lại còn mắng chửi ông một hồi rồi mới chịu rời đi.

Tô Thức bò dậy khỏi mặt đất, phủi phủi áo quần y phục, trong lòng không chút tức giận. Ông nói: “Lòng đầy vui sướng chẳng ai hay”.

Tô Thức đã uống không ít rượu, đến khi về tới nhà thì cũng quá nửa đêm rồi. Lũ trẻ hầu trong nhà ngủ say sưa, tiếng ngáy như sấm rền, mặc cho chủ nhân gõ cửa mãi chẳng thấy thưa. Cứ như thế Tô Thức phải đứng ngoài trời đêm lạnh lẽo, nhưng ông không tức giận mà tản bước ra bờ sông nghe gió thổi.

Trang Tử nói: “Người có thể vứt bỏ tư tưởng theo đuổi danh lợi, sống nhàn nhã an yên, thì hỏi ai có thể làm tổn hại anh ta đây?” (Nguyên văn: “Nhân năng hư kỷ dĩ du thế, kỳ thục năng hại chi”).

Một người nếu có thể giữ vững bản thân, tâm bình khí hoà, vậy thì không một ai có thể khiến anh ta tức giận. Nhưng với người lòng tự tôn quá mạnh, thiếu đi sự hàm dưỡng, không tự chủ kiểm soát được bản thân, thì khi người khác hễ đụng đến, anh ta ngay lập tức cắn trả lại.

Ảnh: Twitter.

Phàm là mọi việc đều nên xem nhẹ một chút, hạ thấp cái tôi, buông xuống nỗi bất bình, thì những cơn nóng giận tự nhiên cũng sẽ ít đi. Một đời người chỉ có mấy chục năm ngắn ngủi, cớ chi phải để mắt vào những chuyện cỏn con nhỏ nhặt? Nóng giận thì hại đến thân, lời nhiều thì mang họa vào mình, chi bằng mọi chuyện hãy xem nhẹ, tâm bình khí hòa vui sống mỗi một ngày.

Đời người ngắn ngủi, sống sao cho vui vẻ ung dung

Có một vị hòa thượng rất yêu hoa phong lan, ông đã bỏ biết bao công sức mới trồng được hơn chục chậu hoa lan. Một lần trước khi rời chùa đi vân du, ông đã bàn giao chậu hoa cho đệ tử là tiểu hòa thượng trông coi.

Một ngày kia gió bão nổi lên, mưa xối xả không ngừng, nhưng tiểu hòa thượng lại quên cất chậu hoa vào trong nhà, khiến tất cả đều bị mưa lớn vùi dập. Đến khi lão hòa thượng trở về, cậu sợ hãi nhận lỗi với sư phụ, trong lòng thấp thỏm chờ chịu phạt.

Nhưng lão hòa thượng không chút tức giận mà còn vui vẻ nói: “Ta trồng hoa không phải là để tức giận”.

Đúng vậy, trồng hoa nguyên là để đón chờ những đoá hoa tươi tắn, chứ không phải để mang tức giận vào người. Cuộc đời ngắn ngủi, nên dành tinh lực vào những điều tốt đẹp, có vậy cuộc đời này mới không uổng phí.

Ảnh: Twitter.

Tô Thức và Vương An Thạch, mỗi người một cách nghĩ, mỗi người một góc nhìn, về lập trường chính trị cũng hoàn toàn đối lập, khi còn ở trong triều họ đã xung khắc với nhau suốt nửa đời người.

Khi Vương An Thạch về với ruộng vườn, Tô Thức bị đày, hai người đã tình cờ gặp lại. Không ngờ lần này cả hai lại tỏ ra quý mến nhau, mở miệng cười tan mọi oán thù.

Chương Đôn đày Tô Thức đến Hải Nam, muốn khiến anh bạn già này phải chết nơi đất khách quê người. Sau khi Tô Thức được đại xá, con trai của Chương Đôn là Chương Viện đã viết thư cho ông, mong rằng Tô Thức có thể rộng lòng chừa lại một lối thoát cho nhà họ Chương, đừng đuổi cùng giết tận họ. 

Không ngờ Tô Thức chỉ nói một câu: “Chuyện trước đây đừng nhắc lại nữa”.

Tâm hồn là vật chứa có hạn, một khi đã chứa đựng thù hận thì không còn chỗ cho tình yêu và lòng bao dung. Đời người có nhiều thứ tốt đẹp hơn đang đón đợi, khi không còn phải so đo với người khác thì cũng là tự cởi trói cho chính mình.

Có câu: “Tu trăm năm mới đi chung thuyền, tu nghìn năm mới nên duyên chồng vợ”. Biển người mênh mông, gặp được nhau là duyên phận, thân thiết với nhau thì càng nên trân quý vạn phần. Biết được nhau, thân thiết với nhau, thì hãy sống sao cho không thẹn với trời, không thẹn với đất, không thẹn với lòng mình. 

Yêu quý người, cảm ân người thì hãy dùng phép cộng phép nhân. Tức giận hay oán hận người khác, hãy dùng đến phép chia phép trừ.

Người sống ở đời, ngày tháng cứ thế trôi đi, bất chợt ngoảnh đầu nhìn lại đã thấy năm tháng chẳng còn là bao, mới nhận ra rằng thời gian còn lại thật là đáng quý vô vàn. Vậy nên, hãy dành thì giờ cho những điều tốt đẹp, trao gửi tình cảm cho những người quanh ta.

Vũ Dương
Theo Secretchina

Bạn đang đọc bài viết: “Cảm ân người hãy dùng phép nhân, oán hận người hãy dùng phép trừ” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.vanhoa@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! 

 

Exit mobile version