“Văn dĩ tải Đạo”, người xưa viết văn là để gửi vào đó những đạo lý cao thâm. Tây Du Ký kể về quá trình tu luyện của một người trên con đường viên mãn đắc Đạo, do đó cũng mang tầng tầng ý nghĩa, lớp lớp nội hàm. Thậm chí một cái tên, một địa danh, hay một tình tiết nhỏ trong truyện đều là ngụ ý của tác giả. Về nội hàm và ý nghĩa của Tây Du Ký luôn có nhiều cách nói khác nhau, không đồng nhất. Vậy nên trong loạt bài cảm ngộ này, người viết chỉ mạn phép đưa ra một số lý giải về Tây Du Ký từ góc độ tu luyện, mong được cùng độc giả gần xa góp ý, thảo luận.
- Trọn bộ Cảm Ngộ Tây Du
Quan Âm Bồ Tát từng dùng nước cam lồ giúp thầy trò Đường Tăng trị “Tam muội chân hoả” của Hồng Hài Nhi. Khi thầy trò kẹt ở Hoả Diệm Sơn, vì sao Tôn Ngộ Không không một lần nữa mời Bồ Tát tưới nước cam lồ dập lửa?
Trên hành trình sang Tây Trúc thỉnh kinh, thầy trò Đường Tăng nhiều lần gặp nạn liên quan đến lửa. Ở hồi 40-41, Hồng Hài Nhi dùng “Tam muội chân hoả” đánh bại cả Ngộ Không, Bát Giới, Sa Tăng, nước của Long Vương tứ hải cũng không dập tắt được. Cuối cùng, phải cậy nhờ đến Quan Âm Bồ Tát, rưới nước cam lồ từ trong bình tịnh thuỷ, trị thứ lửa Tam muội của yêu tinh.
Đến hồi 59, năm thầy trò lại nghẽn lối ở Hoả Diệm Sơn: “Lửa bốc ngùn ngụt tám trăm dặm, bốn xung quanh một tấc cỏ cũng không mọc được. Đi qua ngọn núi ấy à, dù có mình đồng da sắt cũng chảy ra nước hết”. Để dập lửa, Tôn Ngộ Không phải 3 lần lặn lội đi mượn quạt Ba Tiêu từ Thiết Phiến công chúa (còn gọi là Bà La Sát), mẹ của Hồng Hài Nhi, vì căm hận Ngộ Không chia lìa mẹ con bà nên kiên quyết không cho mượn quạt. Tôn Ngộ Không hết đấu sức lại đấu trí với Thiết Phiến công chúa và Ngưu Ma Vương, nếu không nhờ chư Phật chư Thiên tương trợ thì không mượn nổi quạt về. Tại sao Ngộ Không phải nhọc sức như vậy? Đến Nam Hải, cầu xin Quan Âm dùng nước cam lồ dập lửa như lần trước chẳng nhanh hơn sao?
1. Oan có đầu, nợ có chủ
Trong ma nạn ở Hoả Diệm Sơn, người phải bôn ba vất vả nhất là Tôn Ngộ Không, còn Tam Tạng và Sa Tăng từ đầu đến cuối đều ngồi đợi, hầu như không can thiệp gì, Bát Giới thì mãi gần cuối mới tới trợ giúp.
Thầy trò Đường Tăng trải qua 81 nạn mới đắc được chân kinh, thiếu một nạn cũng không được, phải bổ sung vào. Những khó nạn này có hai mục đích: Một là để trừ bỏ ma tính của người tu luyện, hai là để người tu luyện tiêu trừ tội nghiệp, tịnh hoá bản thân. Bởi vì con người sống trên đời là tạo nghiệp, trong bao kiếp luân hồi có thể đã từng gây nhiều tội ác, nên trong quá trình tu luyện cần trả hết tội nghiệp mới có thể thân nhẹ tâm nhẹ mà viên mãn.
Lại nói chuyện Ngộ Không phải lao nhọc mấy phen, kỳ thực cũng là an bài để Ngộ Không tiêu trừ tội nghiệp gây ra từ trước. Tội nghiệp đó là gì?
“Thổ địa nói:
– Lửa ấy chính là do Đại Thánh gây ra đấy. Hành Giả tức giận, nói:
– Ta có ở đấy đâu mà nhà ngươi nói bậy như vậy? Ta mà lại là cái phường phóng hỏa à?
Thổ địa nói:
– Chính Đại Thánh cũng không nhận ra cả tôi đấy thôi. Vùng này vốn không có quả núi ấy, năm trăm năm về trước, hồi Đại Thánh đại náo thiên cung, bị Hiển Thánh bắt, mang giải tới chỗ Lão Quân. Lão Quân quẳng Đại Thánh vào lò bát quái nấu luyện. Luyện xong mở vạc ra, bị Đại Thánh đạp đổ cả lò luyện đơn, mấy viên gạch có dính ít lửa bị rớt xuống và những tàn lửa ấy rơi xuống đây biến thành Hỏa Diệm Sơn. Còn tôi vốn là đạo nhân giữ lò ở cung Đâu Suất, bị Lão Quân trách tội không giữ nổi lò, bèn đẩy tôi xuống đây làm thổ địa núi Hỏa Diệm Sơn vậy”.
Lửa ấy chính là do Ngộ Không gây ra, nên chính Ngộ Không phải đi dập lửa. Thế nên giới tu luyện có câu rằng: Tội nghiệp gây ra thì tự mình gánh chịu, Thần Phật cũng không gánh đỡ hết cho được. Nếu Quan Âm Bồ Tát lại dốc nước trong bình tịnh thuỷ dập lửa cho, thì còn đâu cơ hội để Ngộ Không trả món nợ ngày xưa?
2. Muốn lửa giận lắng lại, phải điều tức tu Tâm
Kinh sách Phật giáo có câu: “Nhất sân chi hoả, năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn”, nghĩa là, một mồi lửa sân hận có thể đốt cháy muôn mẫu rừng công đức. “Hoả” (lửa) thường được ví với tâm sân hận của con người, với người tu luyện đây là một đại quan ắt phải vượt qua thì mới có thể đạt đến tâm thanh tịnh, tỉnh giác.
Trong truyện, thái độ của Bà La Sát và Ngưu Ma Vương lột tả hết sức sinh động tâm sân hận này:
“La Sát nghe nói tới ba chữ “Tôn Ngộ Không”, khác nào muối bỏ vào lửa, lửa đổ thêm dầu, bụng hầm hầm nổi giận, mặt căm tức đỏ bừng, miệng hét lên: – Con khỉ khốn kiếp hôm nay mới tới!”
Còn Ngưu Ma Vương thì: “Con khỉ khốn kiếp ấy giết con ta, lừa vợ ta, bao phen làm điều vô đạo, ta giận không được nuốt cả người hắn vào bụng, để cho hắn tiêu hóa thành phân nuôi chó, chứ đâu lại chịu đưa bảo bối cho hắn mượn!”.
Truyện viết: “Ngưu Vương bản thị tâm viên biến” (Ngưu Ma Vương vốn do tâm biến hoá ra); con trai Ngưu Ma Vương là Hồng Hài Nhi cũng tượng trưng cho tâm hỏa; vợ của Ngưu Ma Vương là La Sát phu nhân giữ Hỏa Diệm Sơn cũng là chỉ về tâm hỏa. Có thể thấy gia đình nhà Ngưu Ma Vương đều có liên quan đến tâm. Kinh Hoa Nghiêm chép: “Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai”. Như vậy, ma nạn ở Hoả Diệm Sơn là phản ánh của quá trình người tu luyện diệt trừ lửa sân hận, tu tâm dưỡng tính mà thôi.
“Tây Du Ký” miêu tả hành trình tu luyện theo Phật gia, nhưng lại hàm chứa rất nhiều điều của Đạo gia, ví như bắc lò luyện đơn, thông chu thiên, v.v. Còn nhớ khẩu quyết của Thiết Phiến công chúa dùng để biến lớn quạt Ba Tiêu là “xi-hư-ha-hấp-hi-suy-hô”. Mấy chữ này tương đồng với một cách hô hấp nạp thải khí trong tu Đạo gọi là “lục tự ca quyết”, gồm có “hư, ha, hô, xi, suy, hi”, ứng với tạng phủ kinh lạc lần lượt là “can, tâm, tì, phế, thận, tam tiêu”. Trong tu luyện đều cần phải “đáp Thước Kiều” (nối cầu Hỉ Thước), chính là lưỡi đặt hàm trên. Khi hít khí vào lưỡi chạm hàm trên, khi thở khí ra bởi vì phải làm khẩu hình tương ứng với âm thanh phát ra, nên đầu lưỡi tự nhiên cũng rời khỏi vị trí hàm trên. Uy lực của quạt Ba Tiêu lớn như thế, kỳ thực cũng là chỉ bộ phận lưỡi của người. Lưỡi được mệnh danh là ‘tâm chi miêu’ (gốc của tâm), trong ngũ hành thuộc tâm, thuộc tính hỏa, do đó nói dùng quạt Ba Tiêu quạt tắt ngọn lửa Hỏa Diệm Sơn chính là mượn điều tức để đạt đến ‘bình tức tâm hỏa’ (khiến lửa giận lắng lại).
Dùng quạt Ba Tiêu để quạt nước mưa dập tắt lửa Hỏa Diệm Sơn, điều này lại vừa phù hợp với câu nói trong tu luyện của Đạo gia là “thủy hỏa ký tế” (nước lửa đã xong). Cho nên khi câu chuyện này kết thúc, trong “Tây Du Ký” có viết rằng: “Bốn thầy trò Đường Tam Tạng đi riêng một con đường, nước lửa đã cứu xong, tiết trời trở nên mát lạnh, mượn được quạt quý thuần âm, quạt hơi lửa nóng để qua núi”.
3. Thần Phật khổ công an bài, cả nhà quy y chính quả
500 năm trước, Tề Thiên Đại Thánh trổ 72 phép thần thông biến hoá, đại náo thiên cung, khiến thiên binh thiên tướng một phen lao đao vất vả, Phật Tổ Như Lai phải đích thân tới giúp Ngọc Đế thu phục yêu hầu, phạt đè dưới núi Ngũ Hành Sơn 500 năm. Nhờ Quan Âm Bồ Tát từ bi khuyến thiện, Ngộ Không cải tà quy chính, nguyện ý phò tá Đường Tăng đi Tây Trúc thỉnh kinh, cuối cùng tu thành chính quả.
Ngưu Ma Vương vốn là anh em kết nghĩa với Tôn Ngộ Không, cũng có đủ 72 phép thần thông biến hoá, pháp lực phi thường, được mệnh danh là Đại Lực Vương. Tôn Ngộ Không dùng sức đánh với Ngưu Ma Vương không thắng được, dùng mưu lừa Thiết Phiến lấy quạt Ba Tiêu lại bị họ Ngưu giả làm Trư Bát Giới nẫng về. Sau phải nhờ tới Bát Pháp Kim Cương, Thắng Chi Kim Cương, Đại Lực Kim Cương, Vĩnh Trụ Kim Cương, Thác Tháp Lý Thiên Vương cùng Na Tra thái tử dẫn Ngư Đỗ Dược Soa, Cự Linh thần tướng vây kín trên không cùng hợp sức mới thu phục được Lão Ngưu.
Cuối cùng, Ngưu Ma Vương “không có cách nào trốn thoát, đứng im không nhúc nhích, chỉ còn biết van xin: – Đừng hại tính mạng tôi! Tôi xin tình nguyện quy y nhà Phật!”.
Bà La Sát – vợ Ngưu Ma Vương sau cùng cũng cúi lạy thầy trò Đường Tăng mà nói: “Cái việc ngày hôm nay có hối cũng đã muộn, chỉ vì không lường trước, nên phải vất vả sai quân khiển tướng. Chúng tôi bấy nay cũng tu theo đạo người, có điều chưa theo chính quả. Giờ đây chân thân hiện tướng đã về Tây, tôi không dám làm càn nữa. Xin Đại Thánh trả lại chiếc quạt, từ nay xin đổi khác, chỉ tu thân dưỡng tính mà thôi”. Từ đó Bà La Sát tu hành, “sau này cũng thành chính quả, lưu danh muôn thuở trong kinh tạng”.
Trước đó Hồng Hài Nhi đã được Quan Âm Bồ Tát thu phục, làm Thiện Tài đồng tử, tiêu diêu núi Phổ Đà. Một nhà 3 người đều đã quy y cửa Phật, thật là việc tốt lành hiếm có xưa nay. Tôn Ngộ Không và chư Thần Phật vất vả phen này, cũng tựa như thiên thần khó nhọc 500 năm trước đây, khiến yêu tinh cải tà quy chính, chẳng cũng chính là tiêu diệt yêu quái đó sao?
Thanh Ngọc