“Văn dĩ tải Đạo”, người xưa viết văn là để gửi vào đó những đạo lý cao thâm. Tây Du Ký kể về quá trình tu luyện của một người trên con đường viên mãn đắc Đạo, do đó cũng mang tầng tầng ý nghĩa, lớp lớp nội hàm. Thậm chí một cái tên, một địa danh, hay một tình tiết nhỏ trong truyện đều là ngụ ý của tác giả. Về nội hàm và ý nghĩa của Tây Du Ký luôn có nhiều cách nói khác nhau, không đồng nhất. Vậy nên trong loạt bài cảm ngộ này, người viết chỉ mạn phép đưa ra một số lý giải về Tây Du Ký từ góc độ tu luyện, mong được cùng độc giả gần xa góp ý, thảo luận.
- Trọn bộ Cảm Ngộ Tây Du
Trở lại với câu chuyện Ngộ Không giam dưới núi Ngũ Hành, hầu hết độc giả đều thấy bâng khuâng, ngậm ngùi, và nuối tiếc cho cái thuở vàng son “chọc trời khuấy nước mặc dầu, dọc ngang nào biết trên đầu có ai?”. Nhưng dường như chúng ta đã bỏ quên một chi tiết, một chi tiết rất nhỏ thôi nhưng lại hàm chứa biết bao Pháp lý uyên thâm của Phật gia, đó chính là lá bùa dán trên đỉnh núi.
Vì có lá bùa ấy, Ngộ Không mới phải chịu 500 năm đày đoạ. Lại cũng vì có lá bùa ấy, mà Đường Tăng mới có thể giải thoát Ngộ Không. Một lá bùa uy lực như thế, lại được nhắc đến ba lần trong nguyên tác, mà lần nào cũng gắn liền với một dấu mốc trên con đường giác ngộ của Ngộ Không, thì hẳn cũng mang diệu pháp nào chăng?
Lần đầu tiên, là khi Đại Thánh vì phạm luật trời mà bị giam dưới Ngũ Hành. Trong truyện viết:
Mọi người đang uống rượu vui vẻ, bỗng có viên linh quan đi tuần chạy vào báo: “Bẩm, Đại thánh lại thò đầu ra”.
Phật tổ nói: “Không sao, không sao!”. Và rút trong tay áo ra một tờ giấy, trên có sáu chữ vàng Úm Ma Ni Bát Mê Hồng đưa cho A Nan dặn mang đi dán lên đỉnh núi. A Nan vâng lệnh cầm đạo bùa, ra khỏi cửa trời, đến thẳng đỉnh núi Ngũ Hành, dán chặt đạo bùa vào tảng đá bốn cạnh vuông vức. Quả núi tức thì mọc rễ khép liền lại, chỉ để một lỗ thông hơi. Đại thánh bị quả núi đè chặt, chỉ thở được, và chân tay thò ra cựa quậy được mà thôi. [1]
Lần thứ hai, là sau đó 500 năm, Ngộ Không phát nguyện tu hành khi gặp lại Bồ Tát sang phương Đông tìm người lấy kinh. Trong truyện viết:
Bồ Tát dẫn Mộc Soa hành giả vượt qua ngọn núi, tiếp tục lên đường sang phương Đông. Đi được một lát, bỗng thấy muôn đạo hào quang, nghìn tia khí đẹp phóng ra. Mộc Soa nói: “Sư phụ ạ, chỗ hào quang phát ra kia là núi Ngũ Hành, Như Lai có dán một đạo bùa yểm ở đấy”.
Bồ Tát nói: “Tề Thiên đại thánh quấy rối hội Bàn Đào, đại náo thiên cung ngày xưa, nay bị giam giữ ở đấy đấy”.
Mộc Soa nói: “Thế ạ, thế ạ!”.
Thầy trò bèn cùng nhau trèo lên đỉnh núi ngắm nghía đạo bùa, thấy trên đạo bùa có sáu chữ Úm Ma Ni Bát Mê Hồng, cứ lưu luyến mãi không thôi, rồi làm một bài thơ. [2]
Lần thứ ba, là khi Ngộ Không chính thức phò giá Đường Tăng sang Tây Thiên thỉnh kinh. Trong truyện viết:
Con khỉ nói: “Trên đỉnh núi có đạo bùa chữ vàng của Như Lai yểm. Ngài lên đó bóc đạo bùa ấy đi là con được thoát”. (…)
Bá Khâm đành gọi người nhà, dắt ngựa, đỡ Tam Tạng trèo lên đỉnh núi. Họ vin cây bám cành trèo lên tới đỉnh, quả nhiên thấy một tảng đá vuông hào quang chói lọi, mây lành rực rỡ, trên tảng đá dán một đạo bùa có sáu chữ vàng Úm Ma Ni Bát Mê Hồng. [3]
Lá bùa mang sáu chữ vàng
Trên lá bùa là sáu chữ bí ẩn: “Úm Ma Ni Bát Mê Hồng”, còn được viết là “Om Mani Padme Hum” [4]. Đây là câu chân ngôn cổ xưa do Bồ Tát Quan Âm truyền lại, được ghi chép trong quyển 4 Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm của Mật tông Tây Tạng. Người Tây Tạng gọi đó là “Lục tự đại minh chân ngôn”, nghĩa là câu chân ngôn sáng rõ bao gồm sáu chữ.
Cũng cần phải nói thêm rằng, lời của Giác Giả chính là Pháp, trong đó mỗi câu, mỗi chữ, thậm chí mỗi âm tiết đều là thiên ý, là diệu lý huyền cơ. Chúng ta dùng ngôn ngữ của người phàm, lại theo lối tư duy của người phàm, sao có thể diễn giải tâm ý của bậc Giác Giả đây? Cho nên, bản thân sáu chữ vàng đã diễn tả một cách trọn vẹn mà không thứ ngôn ngữ nào khác có thể diễn đạt được.
Tuy nhiên, vì để cùng độc giả tìm hiểu dụng ý của Ngô Thừa Ân thông qua lá bùa sáu chữ ấy, người viết mạn phép được đàm đạo bằng đôi lời thô kệch. Cũng mong rằng, quý độc giả hãy coi những gì viết ra sau đây chỉ là ngu ý thô thiển của một kẻ thường nhân, còn ý nghĩa thật sự và nội hàm chân chính, thì đều nằm trong câu chân ngôn ấy rồi.
Nếu phân tách ra từng chữ, thì có thể hiểu rằng:
Om: Nghĩa là ‘quy mệnh’, cũng chính là quay trở về với bản mệnh nguyên sơ, trở về với sự thuần khiết thanh tịnh của mình.
Mani: Nghĩa là ‘viên ngọc như ý’.
Padme: Nghĩa là ‘bên trong hoa sen’.
Hum: Nghĩa là ‘tự ngã thành tựu’, cũng chính là tu luyện để thăng hoa cảnh giới, đề cao tầng thứ, thành tựu sinh mệnh của chính mình.
Như vậy, câu chân ngôn giống như một lời nhắc nhở, như một nguyện ước tu thành. Con người sinh ra giữa đất trời, đến nơi thế gian ô trọc này, làm người không phải là bản nguyện, mà bản nguyện chân chính của sinh mệnh chính là tu luyện, và chỉ có tu luyện mà thôi.
Nhưng vì sao câu chân ngôn lại nhắc đến ‘viên ngọc trong hoa sen’? Lần giở lại các kinh điển của Phật gia, ta sẽ tìm thấy câu trả lời.
Trong pháp môn Tịnh Độ của Phật giáo có thuyết “Liên hoa hoá sanh”. Ấy là, người tu hành nếu phát nguyện vãng sinh về Cực Lạc, thì trong ao sen thất bảo nơi Phật quốc sẽ mọc lên một búp sen. Cùng với quá trình người tu kiên trì niệm kinh, thăng hoa tầng thứ, đoá sen kia cũng dần dần lớn lên, đồng thời bên trong đoá sen sẽ xuất sinh một Thánh thai. Thánh thai ấy chính là Phật thể, còn hoa sen là quả vị của người tu hành. Đợi đến khi nhập niết bàn, người tu sẽ vãng sanh trong liên hoa, trở thành một chúng sinh của Tây phương Cực Lạc.
Còn Đại Pháp của Phật gia thì giảng về “Nguyên Anh”. Người tu trong quá trình đồng hoá với đặc tính Chân-Thiện-Nhẫn của vũ trụ thì bên trong thân thể sẽ xuất sinh một Nguyên Anh, ngồi toạ trên đài sen sắc vàng. Nguyên Anh ấy là “thể kim cương bất hoại” mà Phật gia nói đến, cũng chính là Phật thể của người tu khi đạt viên mãn, đắc Đạo. Một Phật thể kim cương bất hoại ngự trên đài liên hoa, nào có khác chi ‘viên ngọc như ý trong hoa sen’ mà câu chân ngôn nói đến?
Nếu xem xét thứ tự xuất hiện của từng chữ Om-Mani-Padme-Hum, sẽ thấy toàn bộ câu chân ngôn cũng giống như một con đường tu luyện trọn vẹn: Bắt đầu từ phản bổn quy chân, trở về với bản tính nguyên sơ thuần tịnh của mỗi người (“Om”), cùng theo quá trình đề cao tâm tính, thăng hoa tầng thứ, trong thân thể xuất sinh một Phật thể ngự trên đài liên hoa (“Mani Padme”), đến cuối con đường tu luyện cũng là lúc chứng đắc quả vị, thành tựu sinh mệnh, viên mãn công thành (“Hum”).
Vậy thì, câu chân ngôn sáu chữ trên đỉnh Ngũ Hành muốn nói với chúng ta điều gì?
Chúng ta biết rằng, Ngộ Không bị đè dưới Ngũ Hành Sơn cũng giống như sinh mệnh trên thượng giới bị rớt xuống nơi thế gian ô trọc này, chịu sự phong toả của Ngũ Hành, cũng tức là bị Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ khống chế. Muốn thoát khỏi Ngũ Hành, trở về thiên quốc, thì phải “quy mệnh”, bước trên con đường tu luyện, quay trở về với bản mệnh nguyên sơ ban đầu của mình.
Nhưng hàm ý của câu chân ngôn không phải là “tu hành”, mà chính là “tu thành”. Chỉ khác nhau một âm tiết, nhưng lại cách nhau một vực trời. Vì sao nói như vậy? Nguyện ước “tu hành” chỉ là bước khởi đầu, nhưng “tu thành” mới đích thực là khát khao mạnh mẽ, là ý chí kiên định không gì lay chuyển được. Trên con đường tu luyện, có người sẽ đi trọn đến đích, nhưng lại có người lỡ dở giữa chừng.
Người lỡ dở giữa chừng có thể vì ý chí không vững vàng, vì tín tâm chưa đủ, vì ngại khó ngại khổ, hoặc vì một nguyên nhân nào khác mà khiến giữa đường dang dở, công quả chẳng thành. Chỉ những ai tinh tấn thực tu, đi trọn đến cuối con đường mới chứng đắc được quả vị, mang theo Nguyên Anh, cũng tức là ‘viên ngọc như ý trong hoa sen’ – nhưng lúc này không gọi là Nguyên Anh nữa mà gọi là “Phật thể” – để trở về thiên quốc của chính mình.
Đối chiếu với tình huống của Ngộ Không sẽ thấy rõ điều ấy. Trước khi bị đè dưới núi Ngũ Hành, Ngộ Không đã từng tu luyện: Từ Hoa Quả Sơn vân du đi tìm Đạo, cuối cùng gặp được Bồ Đề Tổ Sư, bái làm sư phụ, Ngộ Không đã học được 72 phép biến hoá, âu cũng là đã đạt được một chút thành tựu. Nhưng dẫu có thần thông quảng đại đến đâu, thì hết thảy cũng chỉ là tiểu năng tiểu thuật, Ngộ Không vẫn chỉ là du thần tản tiên, tiêu diêu tự tại trong Tam Giới, vẫn chưa xuất khỏi Ngũ Hành. Trong truyện nhiều lần gọi Ngộ Không là “Thái Ất tản tiên”, cũng là có ý này. Cho nên, nếu theo thế gian tiểu đạo, thì mãi mãi vẫn chỉ là “tu” mà chưa “thành”, chỉ là “tu Đạo” mà chưa “đắc Đạo”, chưa viên mãn vậy.
Như vậy, câu chân ngôn mang sáu chữ vàng của Như Lai Phật Tổ cũng giống như một lời nhắc nhở dành cho Ngộ Không: Con nhất định phải tu thành!
Cho nên, ngay khi vừa dán lá bùa lên đỉnh núi, Như Lai đã an bài mọi sự cho con đường tu luyện sau này của Ngộ Không. Và như một lời căn dặn: “Trải qua tháng năm đằng đẵng, cũng đừng quên nguyện ước tu thành”, câu chân ngôn ấy đã theo Ngộ Không suốt 500 năm bãi bể nương dâu, 500 năm phong ba tuế nguyệt, lúc đói phải ăn viên sắt, khi khát phải uống nước rỉ đồng, quả thực là muôn vàn cực khổ, cay đắng không lời. Đến khi nghiệp chướng trả xong, cũng là lúc Ngộ Không nguyện sẽ “dốc lòng tu hành”, thì khi ấy lá bùa đã làm tròn sứ mệnh của mình, và lại trở về với Đức Như Lai.
Sáu chữ vàng điểm hoá Ngộ Không, cũng là điểm hoá chúng ta ngày hôm nay
Có một bậc cao tăng đã khai mở thiên mục nhìn thấy cảnh tượng như thế này: Con người là anh linh của vạn vật, và chỉ trong con người mới tồn tại hai thứ mà không một loài vật nào có được, đó là Đan Điền và Nê Hoàn Cung, cũng chính là thể tùng quả. Trong Đan Điền tồn trữ khí tiên thiên của vũ trụ gọi là “nguyên khí”, là thứ vô cùng trân quý. Còn Nê Hoàn Cung? Đó không chỉ là nơi phong ấn nguyên thần con người mà còn có thụ ấn của Phật để lại, nên mới nói con người có Phật tính. Nhưng cụ thể hơn nữa thì “thụ ấn” ấy là gì? Chúng ta không thể biết, chỉ biết rằng nhờ có Đan Điền và thụ ấn này, con người mới có thể tu luyện, mới xứng được nghe Phật Pháp. “Nhân thân nan đắc”, thân người trân quý chính là trân quý ở chỗ này.
Trở lại với Ngộ Không, trong truyện kể rằng Ngộ Không vừa sinh ra đã mang theo linh khí của đất trời, tinh hoa của nhật nguyệt, lại sớm có tâm cầu Đạo. Lên rừng, xuống bể, lội suối, trèo đèo, lại phải lênh đênh trên biển cả, qua biết bao năm tháng dày công khổ luyện, ấy vậy mà cuối cùng vẫn phải trầm luân nơi nhân thế. Mãi đến khi phò giá Đường Tăng, quy y theo giáo lý nhà Phật, lúc ấy mới thực sự là tìm được Chính Pháp, tu theo Chính Đạo, chứng đắc Phật quả, viên mãn hồi thiên.
Vậy, nếu như lá bùa phong ấn trên đỉnh Ngũ Hành là lời nhắc nhở Ngộ Không: “Trải qua tháng năm đằng đẵng, cũng đừng quên nguyện ước tu thành”, thì phải chăng cũng tương ứng với thụ ấn của Phật, ấy là để chỉ dẫn cho con người thế gian: Đã bao kiếp bao đời, trầm luân nơi nhân thế, dẫu trong luân hồi đã từng làm vương tôn thánh giả, làm tăng hay làm đạo, làm vua hay làm tôi, thì cuối cùng cũng chỉ là để đợi chờ đến khi Đại Pháp khai truyền. Chỉ có tu trong Đại Pháp, mới có thể viên mãn trở về nhà…
Ấy chính là:
“Tiếu khán thiên niên sự,
Mộng lý cố nhân si.
Vạn cổ tầm Đại Đạo
Kim triêu chứng quy kỳ”. [5]
Nghĩa là:
“Ngàn năm chốn trần thế,
Mộng thấy cố nhân mê.
Vạn cổ tìm Đại Đạo,
Hôm nay thấy ngày về”.
Hồng Liên
Chú thích:
- [1] Xem Tây Du Ký, hồi thứ bảy
- [2] Xem Tây Du Ký, hồi thứ tám
- [3] Xem Tây Du Ký, hồi thứ mười bốn
- [4] Câu chân ngôn sáu chữ viết bằng tiếng Phạn: “ॐ मणिपद्मे हूँ”, tiếng Tây Tạng: “ཨོཾ་མ་ནི་པ་དྨེ་ཧཱུྃ་”, tiếng Anh: “Om Mani Padme Hum”, và tiếng Trung: “唵嘛呢叭?吽”, hay “唵嘛呢叭咪吽”. Âm Hán-Việt đọc là Úm Ma Ni Bát Mê Hồng, hoặc Án Ma Ni Bát Ni Hồng.
- [5] Trích bài thơ “Kim triêu chứng quy kỳ” của tác giả Lam Không, đăng trên Chánh Kiến Net.