“Văn dĩ tải Đạo”, người xưa viết văn là để gửi vào đó những đạo lý cao thâm. Tây Du Ký kể về quá trình tu luyện của một người trên con đường viên mãn đắc Đạo, do đó cũng mang tầng tầng ý nghĩa, lớp lớp nội hàm. Thậm chí một cái tên, một địa danh, hay một tình tiết nhỏ trong truyện đều là ngụ ý của tác giả. Về nội hàm và ý nghĩa của Tây Du Ký luôn có nhiều cách nói khác nhau, không đồng nhất. Vậy nên trong loạt bài cảm ngộ này, người viết chỉ mạn phép đưa ra một số lý giải về Tây Du Ký từ góc độ tu luyện, mong được cùng độc giả gần xa góp ý, thảo luận.
- Trọn bộ Cảm Ngộ Tây Du
Trong Tây Du Ký, vì lo sợ khi chết phải xuống địa ngục mà Tôn Ngộ Không đã vượt qua biết bao sông dài biển rộng, tìm đạo cầu Tiên. Cuối cùng, y gặp được Tổ sư Bồ Đề, theo học 72 phép thần thông biến hóa, thoát được vòng sinh tử, luân hồi. Thế nhưng, kết cục của Ngộ Không lại khá bi đát, dù học được đạo trường sinh bất lão nhưng lại bị Phật Tổ Như Lai dùng đại lực thần thông đè suốt 500 năm dưới Ngũ Hành Sơn. Vậy thì ta hãy suy ngẫm một chút, mục đích của tu hành có phải chỉ vì để được sống lâu, tăng thọ?
Lại nói chuyện Ngộ Không thuở còn ở Hoa Quả Sơn hưởng lạc, vui thú, sống đời ung dung tự tại, khác nào bậc Thần Tiên. Sau khi trở thành thủ lĩnh dẫn dắt bầy khỉ, Mỹ Hầu vương của chúng ta “sớm dạo chơi núi Hoa Quả, đêm về ngủ động Thủy Liêm, cùng nhau đồng lòng, chẳng lẫn vào đàn chim bay, không theo vào loài thú chạy, độc lập xưng vương, rất là thích thú” (Tây Du Ký hồi 1). Cảnh thái bình, vui vẻ ấy kéo dài đến mấy trăm năm. Trong Tây Du Ký kể rằng:
Hầu vương hưởng phúc vui vẻ, thoắt đã ba bốn trăm năm. Một hôm, Hầu vương đang cùng bạn bè yến tiệc vui vẻ, bỗng nhiên trở nên phiền não, nước mắt giàn giụa. Lũ khỉ thấy thế sợ hãi sụp lạy, hỏi:
– Đại vương làm sao thế?
Hầu vương nói:
– Ta tuy trong lúc vui thích, nhưng có một điều phải lo xa, cho nên phiền não.
Lũ khỉ lại cười, nói:
– Đại vương thực không biết thế nào là đủ. Chúng ta đang ngày ngày hưởng sung sướng ở nơi phúc địa non tiên, thần châu cổ động, không chịu kỳ lân cai trị, phượng hoàng quản lý, lại chẳng bị vua chúa nhân gian câu thúc, tự do tự tại, thực là vô cùng hạnh phúc, việc gì phải lo xa, chuốc lấy phiền não nữa!
Hầu vương nói:
– Ngày nay tuy không phải theo pháp luật của vua chúa, không sợ oai quyền của thú muông, nhưng một mai tuổi già sức yếu, lão Diêm vương vẫn ngấm ngầm quản lý. Một ngày kia chết đi, chẳng hóa uổng công sinh ở thế gian, không được hưởng mãi phúc trời ư?
Lũ khỉ nghe nói như thế, con nào con nấy cúi đầu che mặt khóc thút thít, lo sợ về nỗi vô thường.
Thói thường, người ta sống trong hạnh phúc thì đâu dễ gì nghĩ tới lúc buồn đau. Rõ ràng, Hầu vương đang sống vô cùng thoải mái, có đủ thiên thời, địa lợi và nhân hòa nhưng cớ sao y vẫn còn không cảm thấy đủ? Rõ ràng ở đây, Ngộ Không đã hiểu được lạc thú chốn nhân gian tuy vô cùng quyến rũ song chẳng thể dài lâu. Một đời qua đi như chớp mắt, đến khi cái chết gõ cửa thì ai cũng như ai, đều trở nên quá bé nhỏ trước sự vô thường. Bị lão Diêm Vương ngấm ngầm cai quản có nghĩa là vẫn còn nằm trong vòng sinh tử luân hồi, đó đương nhiên chưa phải là hạnh phúc thực sự. Cái mà Hầu vương truy tầm chính là sự trường sinh đúng nghĩa, thọ ngang Trời Đất, hoàn toàn không còn bị bất kể ai thao túng.
Khi nghe lũ khỉ nói về ba bậc danh sắc không bị Diêm Vương cai quản là: Phật, Tiên và Thần thánh, Ngộ Không như người chết đuối vớ được cọc, lớn tiếng tuyên bố: “Ngày mai ta sẽ từ giã các ngươi xuống núi, đi khắp góc biển chân trời, quyết tâm tìm cho được ba đấng ấy, học lấy phép sống mãi không già, để tránh nạn Diêm vương”.
Chỉ một lời ấy đã nói lên nhiều điều. Thứ nhất, tâm cầu đạo của Ngộ Không đã khai phát, nguyện vọng muốn theo bậc Tiên Thánh tu luyện quả thực quý giá không gì sánh bằng. Phật gia thường giảng: “Phật tính nhất xuất, chấn động thập phương thế giới”, một khi người ta xuất ra Phật tính, xuất ra tâm tu luyện thì mười phương thế giới đều chấn động, các Giác Giả có thể giúp đỡ họ hoàn thành nguyện vọng ấy. Thứ hai, trong tâm trí ngây thơ của Ngộ Không, tu luyện chính là để được sống lâu trường thọ, vượt khỏi luân hồi, và chỉ thế mà thôi. Tất nhiên đó là những suy nghĩ ban đầu cực kỳ chất phác nhưng không ngờ cũng chỉ vì ý nghĩ ấy mà y phải chịu rất nhiều kiếp nạn, tai ương sau này. Thực ra tu luyện không hề đơn giản, cũng đâu phải là chuyện truy cầu sự trường sinh bất tử đơn thuần?
Đến khi gặp sư phụ đầu tiên là Tổ sư Bồ Đề, dù được Tổ sư gợi ý cho học những môn chữ Thuật, chữ Lưu, chữ Tĩnh, chữ Động… nhưng lần nào Ngộ Không cũng từ chối với cùng một lý do: đó là môn không dạy cách sống lâu! Cuối cùng, khi được Tổ sư truyền khẩu quyết về đạo sống lâu màu nhiệm ở cửa sau đạo quán, rồi lại đích thân dạy cho 72 phép thần thông Địa Sát, Ngộ Không mới thực sự thỏa mãn. Bấy giờ, Ngộ Không đã hoàn toàn vượt ra ngoài sinh tử, luân hồi, lấy làm vô cùng đắc chí.
Sau khi xuống núi, ra khỏi vòng quản thúc của Tổ sư Bồ Đề, Ngộ Không dường như thích gì làm nấy, chẳng biết kiêng dè một ai. Y rẽ nước xuống biển đòi Long Vương gậy Như Ý cùng bảo giáp, lại đại náo Địa phủ ép Diêm Vương phải xóa tên hầu tộc khỏi sổ sinh tử. Vì có phép Tiên, lại được binh khí Thần, Ngộ Không tới đâu là ở đó phải dập đầu quỳ gối mà vâng mệnh. Thế nên y càng tỏ ra hống hách, kiêu căng, thậm chí còn dựng cờ “Tề Thiên Đại Thánh” ở núi Hoa Quả, đại náo điện Linh Tiêu trên Thiên cung, cuối cùng còn dám thách đố cả Như Lai Phật Tổ.
Phép trường sinh mà Hầu vương học được lợi hại nhường nào? Xin hãy đọc lại đoạn trích dưới đây trong Tây Du Ký:
Lại nói chuyện Tề Thiên đại thánh bị thiên binh áp giải đưa đến đài trảm yêu, trói chặt vào cột hàng yêu, đao chém, búa bổ, kiếm xỉa, giáo đâm, mà thân thể không hề sây sát. Nam Đẩu tinh quân lệnh cho các thần ở bộ Hỏa, phóng lửa đốt cũng không cháy. Lại sai các thần ở bộ Lôi lấy roi sét đánh, cũng chẳng đứt một sợi lông. Đại Lực quỷ vương cùng mọi người tâu lên Thượng đế:
– Muôn tâu thánh thượng, không biết Đại thánh học được phép hộ thân ở đâu, mà bọn thần dùng dao chém, búa bổ, sét đánh, lửa thiêu, thân thể hắn cũng không mảy may thương tổn. Vậy làm thế nào bây giờ?
Thượng đế nghe xong, nói:
– Nó đã như vậy, các khanh xem nên xử trí thế nào?
Thái Thượng Lão Quân thưa:
– Con khỉ ấy ăn đào tiên, uống rượu ngự, xơi cả linh đơn. Năm vò rượu thuốc ngâm của thần cũng bị nó tu hết vào ruột. Nó lại luyện thân thể bằng thứ lửa tam muội nữa, nên người tựa một khối kim cương rắn chắc, không vật gì hại được. Hay là để thần mang nó về bỏ vào lò bát quái, đốt nó bằng thứ lửa văn vũ mà thần thường dùng để luyện linh đơn, thì người nó nhất định sẽ biến thành tro bụi.
Nhưng chính Thái Thượng Lão Quân và chiếc lò Bát Quái của mình cũng thất bại trong việc hành quyết Ngộ Không. Sau 49 ngày, Ngộ Không đạp đổ lò, lại đại náo Thiên cung một lần nữa, gây bao sóng gió chốn Thiên đình. Nhưng chính vào lúc ma tính đại phát cũng là khi Ngộ Không phải gánh chịu những nghiệp quả của mình. Thất bại trong cuộc thách đấu với Phật Tổ Như Lai, y bị đè dưới núi Ngũ Hành Sơn, mất hết thần thông pháp lực, chẳng khác nào một phế nhân. Năm qua tháng lại, xuân tàn đông đến, Hầu vương kiêu dũng năm nào giờ chỉ còn biết nằm một chỗ nhấm nháp nỗi cay đắng, đói thì ăn viên sắt, khát thì uống nước rỉ đồng, cực khổ không tả xiết. Tây Du Ký thuật lại rằng:
Mọi người đang uống rượu vui vẻ, bỗng có viên linh quan đi tuần chạy vào báo:
– Bẩm, Đại thánh lại thò đầu ra.
Phật tổ nói:
– Không sao, không sao!
Và rút trong tay áo ra một tờ giấy, trên có sáu chữ vàng “Úm-ma-ni-bát-mê-hồng đưa cho A Nan dặn mang đi dán lên đỉnh núi. A Nan vâng lệnh cầm đạo bùa, ra khỏi cửa trời, đến thẳng đỉnh núi Ngũ Hành, dán chặt đạo bùa vào tảng đá bốn cạnh vuông vức. Quả núi tức thì mọc rễ khép liền lại, chỉ để một lỗ thông hơi. Đại thánh bị quả núi đè chặt, chỉ thở được, và chân tay thò ra cựa quậy được mà thôi. A Nan trở về báo:
– Đã dán xong ạ.
Như Lai bèn cáo từ Thượng đế và các vị thần cùng hai tôn giả ra khỏi cửa trời. Lúc ấy, ngài lại phát tâm từ bi, niệm thần chú, gọi cả Thổ địa, Thần kỳ, cùng Ngũ phương Yết đế dặn canh giữ núi Ngũ Hành, thấy khi nào Đại thánh đói thì cho ăn viên sắt, khát cho uống nước rỉ đồng, đợi bao giờ hết hạn tai ách, tự khắc có người đến cứu.
Đại thánh chịu giam thân ở Ngũ Hành Sơn chính là đại kiếp nạn nhưng vừa hay cũng là một cơ hội để trầm tĩnh lại, tu bỏ cái tâm hiếu thắng và ma tính của mình. Vả chăng, ấy mới là sự tu luyện thật sự. Có phép thần thông, vượt vòng sinh tử âu cũng chỉ là những tiểu năng tiểu thuật nhất thời, sẽ không bền vững, một ngày nào đó sẽ mất đi nếu người ta không thể ước thúc được ma tính của mình.
Những sự tình sau này đã chứng minh việc Ngộ Không bị giam dưới Ngũ Hành Sơn hóa ra lại là hảo sự. Suốt 500 năm ăn gió nằm sương, cuối cùng Hầu vương cũng đợi được đến ngày người lấy kinh đi ngang cứu giúp. Tây Du Ký kể về chuyện 4 thầy trò Đường Tăng sang Tây thỉnh kinh, đúng. Nhưng cũng có thể nói rằng Tây Du Ký chính là một bản nhật ký tu luyện của Ngộ Không, trong đó Hầu vương của chúng ta chậm rãi, chậm rãi tu bỏ ma tính của mình cho đến khi viên mãn thành Phật. Đến khi được phong làm Đấu Chiến Thắng Phật, Ngộ Không mới thực sự là trường sinh bất tử, tiêu diêu tự tại, mới thực là đạt đến cảnh giới không còn chịu sự ước thúc của sinh mệnh nào khác ngoại trừ chính bản thân mình.
Như vậy, nói một thôi một hồi thì ta có thể kết luận lại như thế này:
Tự do đích thực của một sinh mệnh không phải là thoải mái làm xằng làm bậy mà chính là khai phát Phật tính, từ bi đối đãi được với tất cả mọi vật trên đời. Và mục đích lớn nhất của tu luyện cũng không phải để sống lâu trường thọ, hết bệnh khỏe thân, mà chính là trừ bỏ ma tính, thành tựu sinh mệnh vĩnh hằng của mình…
Vậy mới là:
Trước đi thân thể nặng nề
Tu hành đắc đạo nay về nhẹ không
Ít ai lập chí bền lòng
Bền lòng tu đạo, đạo bừng sáng soi
Xưa đi khó vượt trùng khơi
Nay về lướt gió thảnh thơi nhẹ nhàng
Bên tai lời dặn còn vang
Biển Đông khoảnh khắc đã sang đến bờ…
(Thơ Tây Du Ký)
Bài viết có tham khảo bản dịch Tây Du Ký của các dịch giả: Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh, Nhà xuất bản Văn học Hà Nội – 1988
Bạn đang đọc bài viết: “Cảm ngộ Tây Du (Kỳ 18): Tôn Ngộ Không tài phép biến hóa vì sao vẫn phải chịu đại kiếp nạn?” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |