Đại Kỷ Nguyên

Cảm ngộ Tây Du (Kỳ 19): Vì sao Tôn Ngộ Không bị sư phụ đuổi, mất áo cà sa và gậy Như Ý?

“Văn dĩ tải Đạo”, người xưa viết văn là để gửi vào đó những đạo lý cao thâm. Tây Du Ký kể về quá trình tu luyện của một người trên con đường viên mãn đắc Đạo, do đó cũng mang tầng tầng ý nghĩa, lớp lớp nội hàm. Thậm chí một cái tên, một địa danh, hay một tình tiết nhỏ trong truyện đều là ngụ ý của tác giả. Về nội hàm và ý nghĩa của Tây Du Ký luôn có nhiều cách nói khác nhau, không đồng nhất. Vậy nên trong loạt bài cảm ngộ này, người viết chỉ mạn phép đưa ra một số lý giải về Tây Du Ký từ góc độ tu luyện, mong được cùng độc giả gần xa góp ý, thảo luận.

Tôn Ngộ Không từ khi giác ngộ lẽ vô thường, quyết chí vân du tìm Đạo để thoát khỏi luân hồi. “Lênh đênh vượt biển, lang thang trên bộ mười mấy năm trời”, cuối cùng gặp được Bồ Đề Tổ sư, học Đạo trường sinh bất tử. Thế nhưng chỉ vì một lần biểu diễn trò biến hoá trước chúng bạn, Tôn Ngộ Không đã bị Tổ sư đuổi đi.

Có người có thể nghĩ: Tôn Ngộ Không chỉ vui đùa nghịch ngợm một chút, cùng lắm là phạt đòn, cớ gì Tổ Sư phải nghiêm khắc vô tình như vậy?

Sau này Tôn Ngộ Không bảo hộ Đường Tăng đi Tây Trúc thỉnh kinh, hai thầy trò ghé qua Viện Quan Âm, Tôn Ngộ Không đem áo cà sa ra khoe với nhà sư già, liền bị chúng sư tăng trong chùa phóng hoả ám hại để cướp áo cà sa. Ngộ Không tuy bảo vệ được sư phụ khỏi chết cháy, nhưng lại để yêu tinh gấu lấy cắp mất áo cà sa.

Khi đi qua huyện Ngọc Hoa nước Thiên Trúc, Tôn Ngộ Không dùng phép cân đẩu vân, nhảy lên không trung biểu diễn võ nghệ trước các vương tử và quan viên lớn nhỏ, khiến họ sụp đầu bái phục. Ba người Ngộ Không, Bát Giới, Sa Tăng còn thu nhận 3 tiểu vương tử làm đồ đệ, truyền thụ võ nghệ, sai rèn binh khí giống hệt của mình. Cuối cùng hào quang của binh khí dẫn dụ yêu quái Hoàng Sư, gậy Như Ý, đinh ba chín mũi và bảo trượng hàng yêu đều bị cuỗm sạch.

Ngộ Không mắc phải 3 nạn này, đều bởi cùng một cái tâm “hiển thị”.

Tâm hiển thị vì sao lại mang đến hậu quả tai hại là thế? Trong nguyên tác, Ngô Thừa Ân tiên sinh đã lần lượt cung cấp những ẩn dụ vén mở câu trả lời.

1. Hiển thị → xa rời chân tính

Trong hồi thứ 2 “Thấu lẽ Bồ Đề là diệu lý/ Bỏ ma về gốc ấy nguyên thần”, Tôn Ngộ Không vì có ngộ tính cao, lập chí lớn, nên được Bồ Đề Tổ sư bí mật truyền thụ đạo trường sinh cho. Ngộ Không từ đó “ngấm ngầm giữ gìn”, chăm chỉ luyện tập, nhanh chóng thuộc làu 72 phép thần thông biến hoá và cân đẩu vân.

Thế nhưng, trong một lần vui chuyện hoan hỷ, Tôn Ngộ Không đã biến thành cây tùng cho mọi người xem, cả bọn nói cười ầm ĩ. Tổ sư nhìn thấy, quát đuổi tất cả đi, và gọi Ngộ Không lại mắng rằng: “… Giả sử ngươi thấy người khác có, ắt phải cầu người ta. Người khác thấy ngươi có, ắt phải cầu ngươi. Nếu ngươi sợ tai vạ, ắt phải truyền cho người ta. Nếu không truyền sẽ bị hại, tính mệnh nhà ngươi khó mà giữ nổi”.

Rồi đuổi Ngộ Không đi. “Ngộ Không nghe nói, ứa hai hàng lệ, nói:

– Tôn sư bảo con đi đâu?

Tổ sư nói:

– Nhà ngươi từ đâu đến thì hãy về đấy!”

Câu nói này của Tổ sư là một ẩn dụ độc đáo, cũng là một lời tiên tri, một lời khuyên bảo với Ngộ Không.

Tổ sư ngụ ở núi Linh Đài Phương Thốn, động Tà Nguyệt Tam Tinh. “Linh Đài” là cách gọi của đạo Lão về chữ Tâm; còn “Tà Nguyệt Tam Tinh” (trăng khuyết và ba vì sao), ứng với ba nét chấm và một nét móc nằm ngang của chữ “Tâm” (心). Bản thân chữ “Bồ Đề” là phiên âm từ “Bodhi” trong tiếng Phạn, nghĩa là “tỉnh thức”, “giác ngộ”. “Tâm Bồ Đề” thường được nhắc tới như là bản tính tiên thiên, thuần chân lương thiện của con người. Quá trình Ngộ Không học Đạo với Bồ Đề Tổ sư vì vậy là ẩn dụ cho hành trình tu tâm, hướng thiện, tìm lại chân tính của con người. Giờ đây Tổ sư đuổi Ngộ Không đi, phải chăng ý nói rằng Ngộ Không đã xuất tâm hiển thị, xa rời bản tính chân thật, rơi rớt tầng thứ mất rồi?

Chỉ vì một phút bốc đồng hiển thị mà xa rời Đạo, thật nguy hiểm lắm thay!

“Nhà ngươi từ đâu đến thì hãy về đấy!”, vậy Tôn Ngộ Không đến từ đâu? Trong truyện viết: “Con từ động Thủy Liêm, núi Hoa Quả, nước Ngạo Lai, thuộc Đông Thắng Thần Châu đến đây”. Kỳ thực, đây có phải quê hương của Ngộ Không chăng?

Giới tu luyện giảng rằng, con người trên thế gian đều đến từ thiên thượng. Bởi xuất hiện tâm phàm mà sinh mệnh trở nên dơ bẩn, nặng nề, dần dần rơi rớt xuống cõi trần gian. Tu luyện là hành trình buông bỏ tâm phàm, tịnh hoá thân tâm, quay trở về thiên thượng – quê nhà thực sự của chúng ta. Bồ Đề Tổ sư mắng một câu, dường như là đang điểm hoá Ngộ Không hãy tìm đường tu luyện trở về. Tổ sư sớm đã biết sau này Ngộ Không gây hoạ bị đày dưới Ngũ Hành Sơn, rồi bảo hộ Đường Tăng đi Tây Trúc, cuối cùng chính đắc Phật quả, thực sự trở về nơi mà Ngộ Không từ đó đến.

Ảnh minh họa: Wukong.

2. Hiển thị → lơi lỏng chính niệm, dẫn khởi tà tâm

Ở hồi 16 “Viện Quan Âm, các sư lừa bảo bối/ Núi Hắc Phong, yêu quái lấy trộm cà sa”, một lần nữa tâm hiển thị khoe khoang của Ngộ Không đã chiêu mời ma nạn.

Lời trách mắng của Đường Tăng trong đoạn này rất giống với lời của Bồ Đề Tổ sư trước kia: “Người xưa nói: “Những vật quý báu chớ có để cho kẻ gian tham trông thấy”. Nếu khoe cho họ xem, họ sẽ sinh lòng tham, tìm mưu kế cướp đoạt. Lúc ấy, mình sợ tai vạ đành phải chiều theo họ. Bằng không sẽ hại thân mất mạng cũng chỉ vì thế”.

Yêu quái trộm cà sa, Ngộ Không tìm mọi cách lấy lại không chỉ vì đó là bảo bối Quan Âm Bồ tát ban cho. Chiếc áo cà sa này có một ý nghĩa đặc biệt. Bồ tát khi đến Tràng An tìm người đi lấy kinh đã nói rằng:

“Mặc tấm áo cà sa của ta thì không bị đắm chìm, không sa địa ngục, không gặp tai ương ác độc, không bị hoạn nạn sói lang. Đó là chỗ quý. Còn như lũ sư dâm ô, cười vui trước đau khổ người khác; bọn hòa thượng giữ giới không nghiêm; hạng phàm phu hủy kinh nhạo Phật, thì khó lòng nhìn thấy được áo cà sa của ta. Đó là chỗ không quý”.

Theo lời Bồ tát, áo cà sa này chẳng phải là chính niệm của người tu hành đó sao? Khi trong tâm giữ vững chính niệm, thì không bị đắm chìm trong dục vọng, tâm địa thuần khiết như vậy không địa ngục nào chứa nổi. Những kẻ “miệng nam mô bụng bồ dao găm”, hay kẻ phàm phu huỷ kinh nhạo Phật, trong tâm chứa đầy tà niệm và dục vọng, nên khó lòng nhìn thấy được chính niệm này.

Tôn Ngộ Không vì chưa bỏ được tâm hiển thị nên đánh mất áo cà sa, ngụ ý là tâm hiển thị khiến người tu hành xa rời chính niệm. Chính niệm mất rồi thì nhất định phải đi tìm lại, phải khó nhọc một phen. Lấy lại được chính niệm rồi mới có thể lên đường thỉnh kinh bái Phật.

3. Hiển thị → mê mờ trí tuệ

Ở hồi 88 “Thiền đến Ngọc Hoa thi võ nghệ/ Ba trò xin phép nhận môn đồ”, khi thầy trò đến huyện Ngọc Hoa nước Thiên Trúc, Tôn Ngộ Không đã trở nên chín chắn, nhu hoà, thuần thiện hơn rất nhiều thuở đầu đi lấy kinh. Tuy nhiên, bất kể nhân tâm nào còn sót lại cũng không thành chính quả, Tôn Ngộ Không còn vương một chút tâm hiển thị nên đã để binh khí tênh hênh ngoài xưởng rèn, chiêu mời yêu quái sư tử tới lấy trộm.

Ảnh minh họa: Youtube.

Gậy Như Ý của Tôn Ngộ Không vốn là “Định hải thần châm” trấn đáy thiên hà, tượng trưng cho định lực của người tu luyện. Trong Phật giáo, “định” là nhân tố then chốt để sinh “huệ”, nếu không thể an định cái tâm này thì khó lòng khai mở trí huệ. Bồ tát Văn Thù Sư Lợi có một thanh gươm chặt đứt mọi phiền não, được gọi là “thanh gươm trí tuệ”. Như vậy, việc Tôn Ngộ Không để mất binh khí ấy, phải chăng là ngụ ý cho trí tuệ đã bị mê mờ rồi?

Nên cuối hồi này mới có mấy câu rằng:

“Đạo một phút không rời
Nếu rời không phải đạo
Thần binh bị mất ráo
Phí cả đời tu hành!”

Cái tâm hiển thị này nhìn bề ngoài thì không có gì nghiêm trọng, nhưng thực ra lại là tâm rất nguy hiểm, là ma tính lớn mạnh mà người tu luyện nhất định cần tu bỏ. Tâm hiển thị thường đi kèm với tâm hoan hỷ (biểu diễn trò biến hoá), tâm hư danh (khoe áo cà sa), tâm kiêu ngạo tranh đấu (trổ tài võ nghệ)… nên đôi khi rất khó nhận ra.

Khi còn ở chỗ Bồ Đề Tổ sư và ở viện Quan Âm, Ngộ Không hoàn toàn không nhận ra cái tâm này. Tuy nhiên, đến huyện Ngọc Hoa, trải qua muôn vàn ma nạn, Tôn Ngộ Không đã minh tâm kiến tính, nên khi nghe tin binh khí mất, chẳng nói chẳng rằng tự nhủ: “Chỉ tại mình cả thôi. Đã cho họ xem mẫu rồi, thì cất béng vào bên mình, đằng này lại quẳng cả ở đấy cơ! Bảo bối phát hào quang rực rỡ, chắc làm kinh động bọn người xấu, chúng lợi dụng đêm tối lấy đi đó thôi”.

Từ xưa có câu: “Chân nhân chẳng lộ tướng, lộ tướng chẳng phải chân nhân”, những người chân tu xưa nay đều khiêm nhường, bề ngoài thậm chí chẳng có gì nổi bật. Khi Lão Tử đi qua ải Hàm Cốc, chỉ có Doãn Hỷ nhận ra Ngài là bậc Thần tiên. Thần Phật không vô duyên vô cớ hiển thị cho con người, nếu vô duyên vô cớ hiển thị thì chỉ có thể là Phật giả ăn dầu đèn như ở phủ Kim Bình mà thôi. Thiết nghĩ, chỉ những ai có tâm trong sáng, một lòng hướng thiện quy chân, mới có thể có cơ hội nhìn thấy, nhận ra vị chân Phật giữa thế gian này.

Bài viết có tham khảo bản dịch Tây Du Ký của các dịch giả: Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh, Nhà xuất bản Văn học Hà Nội – 1988

Exit mobile version