“Văn dĩ tải Đạo”, người xưa viết văn là để gửi vào đó những đạo lý cao thâm. Tây Du Ký kể về quá trình tu luyện của một người trên con đường viên mãn đắc Đạo, do đó cũng mang tầng tầng ý nghĩa, lớp lớp nội hàm. Thậm chí một cái tên, một địa danh, hay một tình tiết nhỏ trong truyện đều là ngụ ý của tác giả. Về nội hàm và ý nghĩa của Tây Du Ký luôn có nhiều cách nói khác nhau, không đồng nhất. Vậy nên trong loạt bài cảm ngộ này, người viết chỉ mạn phép đưa ra một số lý giải về Tây Du Ký từ góc độ tu luyện, mong được cùng độc giả gần xa góp ý, thảo luận.

Trong Tây Du Ký, hồi thứ 65: “Yêu ma bày đặt Lôi Âm giả; Thầy trò đều gặp ách nạn to”, thầy trò Đường Tăng lạc vào chùa “Tiểu Lôi Âm” do yêu quái Hoàng Mi biến hoá thành. Đây là một trong những ma nạn lớn nhất trên hành trình thỉnh kinh, Tôn Ngộ Không đã trổ hết thần thông, đi mời Thần Thánh khắp trời cứu giúp mà vẫn không hạ được yêu quái. 

Trong ma nạn này, trạng thái cảm xúc của Tôn Ngộ Không được đẩy lên đến cao độ, so với cảnh hàm oan vì đánh Bạch Cốt Tinh mà bị Sư phụ đuổi đi năm xưa thì không kém phần đau xót.

“Lại nói chuyện Tôn Hành Giả nhảy lên không trung thoát chết, thấy bọn tiểu yêu quay về, cờ quạt cuốn lại, biết mọi người đã bị bắt, bèn hạ mây lành bước xuống đỉnh núi phía đông, nghiến răng căm giận, nước mắt lã chã nhớ thương Đường Tăng, đoạn lại ngửa mặt lên trời, cất tiếng khóc thất thanh ai oán:

– Sư phụ ơi, sư phụ tạo nghiệp truân chuyên từ đời kiếp nào, mà kiếp này mỗi bước đi đều gặp yêu tinh? Hoạn nạn này khó thoát quá, biết làm thế nào bây giờ?”.

Nếu như nói Tây Du Ký là một “thiên cổ kỳ thư”, thì câu chuyện bốn thầy trò lạc vào chùa Lôi Âm giả hẳn chứa huyền cơ trong đó. Nhất là, một đại ma nạn khiến chư Thần Phật bốn phương hiệp trợ, bao nhiêu Thiên Thần cũng vì thế mà bị yêu quái bắt mất, thì có lẽ không phải một nạn tầm thường, không khỏi khiến người đời cảm khái! Ở đây, người viết chỉ xin chia sẻ đôi lời tâm đắc về tình tiết mấy thầy trò bị lừa vào chùa Lôi Âm giả, chứ chưa bàn đến câu chuyện trừ yêu diệt quái về sau.

“Đường Tăng thấy tượng lạy cho nhanh”

Trước tiên, Tây Du Ký miêu tả chùa Tiểu Lôi Âm như một chốn bồng lai tịnh độ, với những “lầu vàng cung tỏa ngọc”, “chuông khánh ngân nga”, “trúc xanh mây phủ”, “hào quang rực rỡ”… Đến cả mắt Thần của Ngộ Không từ xa cũng còn “thấy phía ấy thật là một nơi tốt lành”. Tuy vậy, Ngộ Không dù sao cũng đã trải qua tu hành, có linh tính, nên nhận ra “trong đám khí lành hào quang ấy lại có chút hung khí”. Nhưng Đường Tăng, Bát Giới, Sa Tăng thì không được như vậy, nên nỗi nhận lầm yêu quái là Phật Tổ.

Tạo hình yêu quái Hoàng Mi trong phim Tây Du Ký. 

“Hành Giả mắt tinh biết rõ rành 
Đường Tăng thấy tượng lạy cho nhanh. 
Sa Tăng mù quáng hùa theo lạy,
Bát Giới ngu si vội cúi mình.
Yêu quái ra oai lừa bản tính, 
Ma vương tính ác dối thiên linh. 
Thực là đạo nhỏ yêu ma lớn,
Lầm gặp bàng môn, uổng phí mình”.

Ở đây, bức tượng Phật Tổ hoá ra chỉ là con yêu quái, nhưng đoàn thỉnh kinh (trừ Ngộ Không) cứ thấy tượng là “lạy cho nhanh”, “hùa theo lạy”, “vội cúi mình”, phải chăng là ẩn dụ chỉ những người tín Phật, người tu hành bị chấp mê vào hình tướng bên ngoài của tôn giáo, của tu luyện?

Nếu như nói ở đâu có chùa là có Phật, thế thì gạch đá xi măng là mời được Phật sao? Nếu nói đúc tượng, xây chùa, in ấn kinh sách, làm các Phật sự… là có thể thành Phật, thế thì làm Phật cũng có giá cả sao?

Người xưa giảng rằng “Phật tại tâm trung”, theo ý hiểu của người viết thì một người phải chân chính hướng vào bên trong tu cái tâm của mình, không ngừng thăng hoa cảnh giới, thì mới có thể thành Phật. Chứ không phải theo đuổi các hình tướng, sự vụ hữu vi bên ngoài thì có thể thành Phật, đó chỉ là “mò trăng đáy nước” mà thôi.

Ở một tầng nghĩa khác, yêu quái giả danh Phật tổ cũng là một phép ẩn dụ cho ma tính của con người, lợi dụng Phật Pháp để che đậy bản chất xấu xa của mình. Một số người tu hành vẫn còn nhân tâm dính mắc chưa từ bỏ, mang cái tâm bất thuần mà học kinh Phật, sẽ dễ diễn giải loạn kinh Phật để bao che cho phía ác của nhân tính. Ví dụ, người tu còn cái tâm cầu tài, chấp vào tiền bạc, sẽ lấy cớ Phật giảng cúng dường Tam Bảo được phúc báo mà kêu gọi tín chúng quyên góp thật nhiều, thỏa mãn ham muốn danh lợi của bản thân. Thế nhưng ở trong chấp trước lại không hay không biết, chẳng hề nhận ra mình bị ma tính dẫn dắt, vẫn cho rằng mình đang duy hộ Phật Pháp.

Như Tây Du Ký viết:

“Ma vương độc ác lừa chân tính 
Chân tính ôn nhu địch khó là 
Trăm kế trổ ra không thoát khổ
Nghìn phương diệu dụng chẳng sao hòa”.

“Phóng hỏa đốt sạch sành sanh lầu vàng gác ngọc, đài báu gác cao”

Tây Du Ký không chỉ hấp dẫn bởi nội hàm tu luyện thâm sâu, mà còn được yêu thích bởi những áng văn thơ tuyệt tác. Đoạn miêu tả cảnh sắc chùa Tiểu Lôi Âm là một ví dụ.

Chùa Tiểu Lôi Âm nằm ở chân núi Cửu Hoa, thuộc tỉnh An Huy. Ảnh: Huangshan Tour.

“Tùng thắm đượm mưa che gác ngất, 
Trúc xanh mây phủ rợp giảng đường 
Long cung ráng đẹp chiếu mênh mang. 
Hào quang rực rỡ trùm sa giới
Lầu son và gác tía 
Cột chạm với kèo hoa 
Giảng kinh hương ngát tòa
Đọc sách trăng lồng bóng”.

Người ở trong cảnh này không khỏi thốt lên lời tán thán:

“Vị tu thiền sảng khoái
Y thoát tục lâng lâng
Cõi tiên chẳng vướng chút bụi trần
Tịnh Thổ nơi đây đạo tràng tuyệt!”

Có lẽ vì thế mà Đường Tăng không mảy may nghi ngờ cho rằng đây đã là Lôi Âm Tự, là núi Linh Sơn, là thắng địa Phật quốc. 

“Đường Tăng nói:

– Đã là cảnh chùa Lôi Âm, mà lại không phải Linh Sơn sao? Con chớ có nghi ngờ tấm lòng thành của ta làm lỡ cả ý muốn đến đấy của ta.

Hành Giả thưa:

– Không phải! Không phải! Đường đến Linh Sơn, con cũng đã đi qua mấy lần, không phải thế này đâu!

Bát Giới nói:

– Dù không phải, thì cũng là chỗ ở của người tốt”. 

Nhưng mà, rốt cuộc đây lại là nơi ở của yêu quái! Là cảnh mê hoặc của ma tà diễn hoá ra, đánh lừa người tu hành. Đường Tăng vì cái tâm nôn nóng muốn bái Phật, muốn tu thành, mà đã “nhận giặc làm cha”.

Nhờ Đức Đông Lai Phật Tổ cứu giúp, thầy trò Đường Tăng mới vượt qua nạn này.

Đọc đến đoạn này, người viết không khỏi chấn động, vì trên con đường tu luyện, bất kể nhân tâm chấp trước nào, bao gồm cả chấp trước đạt viên mãn, cũng đều là ma chướng khiến không thể tu thành. Người tu chính Pháp, nếu vẫn còn truy cầu viên mãn, thì có nguy cơ lạc sang đường tà.

Con đường tu luyện thật mỹ diệu thù thắng, mỗi một tầng thứ đều đẹp đẽ phi thường. Nhưng người tu luyện lại không thể lưu luyến bất kể tầng thứ nào, nhầm tưởng đó là nhà của mình thì sẽ bị hãm ở đó, không thể đi đến đích. Dù trải nghiệm trạng thái tốt đẹp đến đâu, cũng không nên khởi tâm hoan hỷ, cho rằng mình đã tu tốt rồi, đắc Đạo rồi. Nếu không thì cái tâm bất thuần này sẽ chiêu mời ma quỷ tới. Chỉ có kiên trì giữ một cái tâm hướng thượng, tâm tu luyện không bao giờ thay đổi, thì mới có cơ hội viên mãn công thành.

Có lẽ vì thế mà kết thúc hồi 66, mấy thầy trò “phóng hỏa đốt sạch sành sanh lầu vàng gác ngọc, đài báu gác cao”, nhắm Tây Thiên thẳng tiến.

Ngày xưa xem Tây Du Ký chỉ chú ý Tôn Ngộ Không trừ yêu diệt quái, sau này đọc Tây Du Ký mới hiểu được phần nào đạo lý thâm sâu. Có người nói Ngô Thừa Ân được Thần khải thị mà viết nên tác phẩm này, cũng không phải là nói quá.

Chú thích:

– Các đoạn trích dẫn trong bài được lấy từ bản dịch Tây Du Ký của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh.

– Ảnh minh hoạ chụp từ phim Tây Du Ký 1986 của đạo diễn Dương Khiết.

Video: Thần Phật bảo hộ cho ‘người tín Thần Phật’ như thế nào?

videoinfo__video3.dkn.tv||4e9cbeafb__