Đại Kỷ Nguyên

Càng đanh thép càng tham nhũng, vấn đề lớn của quân đội ĐCSTQ

Ảnh: Trăm năm chân tướng

Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!

Vào ngày 2 tháng 6 năm 2024, Đổng Quân, bộ trưởng Bộ Quốc phòng ĐCSTQ, đã tuyên bố tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore: “Ai dám tách Đài Loan khỏi Trung Quốc sẽ bị tan thân nát cốt, tự chuốc diệt vong.”

Lời nói của Đổng Quân “tan thân nát cốt” và “tự chuốc diệt vong” quả thực đủ tàn nhẫn. Những người không hiểu nội tình của ĐCSTQ có thể sợ hãi khi lần đầu tiên nghe điều này.

Tuy nhiên, chỉ cần xem xét lịch sử của những người đi trước Đổng Quân, chúng ta sẽ phát hiện, những kẻ gào thét dữ dội lại thường là những kẻ yếu đuối hư nhược. Nếu nhìn vào lịch sử tham nhũng hủ bại trong quân đội của ĐCSTQ theo cả chiều dọc và chiều ngang, chúng ta sẽ thấy rằng những lời lẽ đanh thép của Đổng Quân chẳng qua chỉ là biểu hiện cho thấy quân đội của ĐCSTQ chỉ mạnh cái vỏ bên ngoài mà thôi.

Lý Thượng Phúc: Nói lời đanh thép liền ngã ngựa

Người tiền nhiệm của Đổng Quân tên là Lý Thượng Phúc. Lý Thượng Phúc nổi tiếng hơn Đổng Quân rất nhiều. Ông ta là tướng lĩnh cấp cao đầu tiên của ĐCSTQ bị Hoa Kỳ trừng phạt. Ông là tướng thế hệ đỏ thứ hai, và là thượng tướng.

Ngày 12 tháng 3 năm 2023, Lý Thượng Phúc được Đại hội toàn quốc ĐCSTQ bổ nhiệm làm ủy viên Quốc vụ viện, ủy viên Quân ủy Trung ương, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trở thành một trong những lãnh đạo của đảng, quân đội, quốc gia.

Vào ngày 4 tháng 6 năm 2023, Lý Thượng Phúc có bài phát biểu quan trọng đầu tiên sau khi nhậm chức tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore.

Lý Thượng Phúc nói: “Nếu ai đó dám tách Đài Loan khỏi Trung Quốc, quân đội ĐCSTQ sẽ không chút nao núng, không sợ bất kỳ đối thủ nào, kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ bằng bất cứ giá nào.” Lý Thượng Phúc cũng đặc biệt nói về Mỹ, cho rằng nếu phát sinh xung đột kịch liệt giữa Trung và Mỹ, thì đó sẽ là “nỗi đau không thể chịu đựng” cho thế giới.

Khi Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Anh (BBC) đưa tin về bài phát biểu của Lý Thượng Phúc, họ đã sử dụng tiêu đề “Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đưa ra tín hiệu cứng rắn toàn diện tại Đối thoại Shangri-La”.

Tuy nhiên, hơn hai tháng sau khi Lý Thượng Phúc nói ra những lời đanh thép này, vào cuối tháng 8 năm 2023, Lý Thượng Phúc bất ngờ “bị mất tích”. Phóng viên từ nhiều nước đang đặt câu hỏi trên khắp thế giới: Lý Thượng Phúc, bộ trưởng Bộ Quốc phòng ĐCSTQ đang ở đâu?

ĐCSTQ hết lần này đến lần khác trì hoãn, phải đến ngày 24 tháng 10 năm 2023, Đại hội đại biểu toàn quốc ĐCSTQ mới ra thông báo: Lý Thượng Phúc bị cách chức ủy viên Quốc vụ, ủy viên Quân ủy Trung ương và bộ trưởng Quốc phòng. Lý Thượng Phúc trở thành bộ trưởng Bộ Quốc phòng với nhiệm kỳ ngắn nhất trong 75 năm kể từ khi ĐCSTQ kiến chính.

Nhưng tại sao ông lại bị cách chức? Đại hội đại biểu toàn quốc không tiết lộ một lời nào với ngoại giới. Trên thực tế, không chỉ Quốc hội, mà mọi người đều biết Lý Thượng Phúc đã phản bội Tập Cận Bình, trở thành “phần tử tham nhũng hủ bại nghiêm trọng”.

Vụ án Thiếu tá Tên lửa làm lộ ra một nhóm tướng lĩnh cấp cao

Sau “Lưỡng hội” của ĐCSTQ vào tháng 3 năm 2023, một vụ án lớn nổ ra trong Lực lượng Tên lửa, quân át chủ bài của ĐCSTQ trong việc tấn công Đài Loan và đe dọa Mỹ, khiến tư lệnh và phó tư lệnh Lực lượng Tên lửa, những người được lãnh đạo đảng đích thân đề bạt trọng dụng, bị xử lý ngay lập tức.

Sau đó, vụ án Lực lượng Tên lửa nhanh chóng cháy lan sang Lý Thượng Phúc, người từng giữ chức cục trưởng Cục Phát triển Trang bị của Quân ủy Trung ương, cùng một nhóm quan chức cấp cao dưới quyền, rồi cháy lan sang Ban Tham mưu Liên hợp của Quân đội ĐCSTQ, Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược, Lục quân, Không quân và Hải quân, cũng như các doanh nghiệp công nghiệp quân sự lớn, v.v. Hàng loạt tướng lĩnh cấp cao, lãnh đạo ngành quân sự lần lượt “bị mất tích”.

Năm 2023, Lưu Á Châu, con rể của cựu chủ tịch ĐCSTQ Lý Tiên Niệm, cựu chính ủy Đại học Quốc phòng, đồng thời là thượng tướng của ĐCSTQ, cũng bị bí mật kết án tù chung thân vì tội tham nhũng hủ bại nghiêm trọng.

Các vụ tham nhũng nghiêm trọng nổi lên trong quân đội sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ trùng khớp với các vụ tham nhũng nghiêm trọng của hơn 170 tướng lĩnh bị Tập Cận Bình điều tra sau Đại hội 18. Tuy nhiên, những vụ tham nhũng nghiêm trọng nổi lên trong quân đội sau Đại hội 20 thậm chí còn gây thiệt hại lớn hơn cho Tập Cận Bình, bởi những tướng lĩnh cấp cao này đều được chính Tập đề bạt trọng dụng sau chiến dịch chống tham nhũng áp lực cao của ông, đều là “Quân nhà Tập”. Quân át chủ bài của Tập đã thành “tổ hổ”, mà “tổ hổ” lại cắn nhau, cắn lên cắn xuống, cắn trái cắn phải, cắn trong cắn ngoài, không được an yên.

Xuất hiện mâu thuẫn giữa các lãnh đạo Quân ủy Trung ương

Tập Cận Bình là chủ tịch Quân ủy Trung ương, và Trương Hựu Hiệp là phó chủ tịch thứ nhất Quân ủy Trung ương. Lý Thượng Phúc bị điều tra và truy tố, điều này làm nổi bật mâu thuẫn giữa Tập Cận Bình và Trương Hựu Hiệp. Tại sao?

Bởi vì Lý Thượng Phúc là một trong những thân tín quan trọng nhất của Trương Hựu Hiệp. Khi Trương Hựu Hiệp được bổ nhiệm làm bộ trưởng Bộ Phát triển Thiết bị, Lý Thượng Phúc được bổ nhiệm làm phó bộ trưởng. Sau khi Trương Hựu Hiệp được Tập đề bạt trọng dụng làm phó chủ tịch Quân ủy Trung ương tại Đại hội 19, Lý Thượng Phúc được đề bạt trọng dụng làm bộ trưởng Bộ Phát triển Thiết bị. Sau khi Trương Hựu Hiệp được giữ lại làm phó chủ tịch Quân ủy Trung ương tại Đại hội 20, Lý Thượng Phúc được thăng chức bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Khi Tập Cận Bình điều tra các vấn đề tham nhũng ở Bộ Phát triển Thiết bị, ông đã vạch ra một ranh giới là chỉ điều tra các vấn đề kể từ tháng 10 năm 2017, tức là ông ấy chỉ điều tra các vấn đề kể từ khi Lý Thượng Phúc được bổ nhiệm làm bộ trưởng Bộ Phát triển Thiết bị, mà không điều tra Trương Hựu Hiệp khi ông ta được bổ nhiệm làm bộ trưởng Bộ Phát triển Thiết bị. Tuy nhiên, việc điều tra Lý Thượng Phúc và thủ hạ nhân mã của hắn chẳng phải cũng tương đương với điều tra Trương Hựu Hiệp và thủ hạ nhân mã của Trương sao?

Chưa đầy một năm sau Đại hội 20, chủ tịch Quân ủy Trung ương và phó chủ tịch thứ nhất Quân ủy Trung ương lên giữ chức vụ này. Liệu Tập Cận Bình có thể thực sự tin tưởng Trương Hựu Hiệp? Phải chăng Trương Hựu Hiệp thực sự trung thành với Tập Cận Bình? Câu trả lời là: Không thể nào.

Cuộc tập trận quanh Đài Loan bộc lộ gót ngựa

Hãy nói cụ thể hơn về vấn đề của bản thân quân đội. Vào ngày 23 và 24 tháng 5 năm 2024, Quân đội ĐCSTQ bất ngờ tổ chức “Cuộc tập trận quân sự bao vây Đài Loan” mà không báo trước. Mục đích thực sự là nhằm giáng một đòn vào tân tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức. Tuy nhiên, những vấn đề quân đội bộc lộ qua các cuộc tập trận quân sự này trái lại khả năng làm tăng thêm lo lắng của các lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ.

Tại sao nói như vậy?

Đầu tiên, một máy bay không người lái của Trung Quốc bị rơi.

Máy bay không người lái bị rơi vào ngày 22 tháng 5 tại khu vực Kênh Bashi, một phần của eo biển Luzon có ý nghĩa chiến lược. Tô Tử Vân, sở trưởng Sở Nghiên cứu Tài nguyên và Chiến lược Quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan tin rằng chiếc máy bay bị rơi “rất có thể” là máy bay không người lái quân dụng. Địa điểm máy bay rơi cách Đài Loan khoảng 69 hải lý, phù hợp với vùng biển nơi Đài Loan cho biết máy bay không người lái của Quân đội ĐCSTQ đã bay.

Thứ hai, máy bay chiến đấu của ĐCSTQ bị Không quân Đài Loan khóa chặt.

Ngày 24/5, Bộ Quốc phòng Đài Loan công bố một đoạn video. Đoạn video cho thấy máy bay chiến đấu J-16 và máy bay ném bom H-6 của ĐCSTQ bị radar của máy bay chiến đấu F-16V của Đài Loan khóa chặt. Phi công Đài Loan có thể bắn hạ máy bay chiến đấu của ĐCSTQ bằng tên lửa không đối không, thì chỉ cần nhấn nút.

Thư Hiếu Hoàng, một học giả tại Viện nghiên cứu và Học viện Quốc phòng của Học viện Quốc phòng Đài Loan, phân tích rằng cảnh này thể hiện hàm ý: “Ta đã nhìn thấy ngươi, ta sẽ cắn ngươi thật chặt, lúc nào cũng có thể bắn hạ”. Nó không chỉ thể hiện sức mạnh chiến đấu của Lực lượng Không quân Đài Loan, mà còn răn đe Quân đội ĐCSTQ, càng triển hiện thực lực quốc phòng của mình trước người dân Đài Loan.

Điểm thứ ba khiến các lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ lo lắng, là trong thời gian diễn tập quân sự của ĐCSTQ, thị trường chứng khoán Đài Loan đã tăng thay vì giảm;

Vào ngày 23 tháng 5, ba chỉ số cổ phiếu A lớn đều đồng loạt giảm. Chỉ số Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải từng giảm hơn 1,5%, lùi về quanh mốc 3.100 điểm, 4.578 cổ phiếu trong thành phố đều giảm, hình thành xu hướng giảm chung, trong đó các chỉ số và cổ phiếu riêng lẻ đồng loạt giảm. Nhưng cùng lúc đó, thị trường chứng khoán Đài Loan đóng cửa ổn định với chỉ số gia quyền đóng cửa ở 21.607 điểm, tăng 55 điểm, tương đương 0,26%.

Ngoài ra, trong cuộc tập trận, một tàu kéo khổng lồ nặng 4.463 tấn của Trung Quốc đã bị chìm ở vùng biển phía đông bắc Chu Sơn, Chiết Giang. Các quan chức ĐCSTQ không tiết lộ nguyên nhân vụ chìm tàu, điều này gây ra nhiều đồn đoán từ ngoại giới. Ban đầu họ muốn sử dụng các cuộc tập trận để đe dọa Đài Loan, nhưng thay vào đó họ lại tạo ra trở ngại cho chính mình. Kết quả này có thể đã nằm ngoài dự đoán của các nhà lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ.

Vũ khí chính xác cao là một vấn đề lớn

Ngoài ra, vấn đề vũ khí, trang bị tinh vi của ĐCSTQ cũng gây kinh hoàng. Ví dụ, vào ngày 29 tháng 5 năm 2024, cục trưởng Cục An ninh Quốc gia Đài Loan Thái Minh Ngạn nói về tin đồn rằng một tàu ngầm hạt nhân Type 093 của ĐCSTQ bị chìm ở Hoàng Hải vào tháng 8 năm 2023, khiến 55 thủy thủ đoàn thiệt mạng: “Xác thực có sự cố phát sinh”, “chúng ta đều nắm trong tay tất cả các vị trí tiếp theo của tàu ngầm”.

Vào tháng 10 năm 2023, tờ “Daily Mail” của Anh dẫn một báo cáo mật của Anh cho biết: Vào ngày 21 tháng 8 năm 2023, tại Hoàng Hải, “tàu ngầm hạt nhân số hiệu 093-417 của ĐCSTQ đã cố gắng đuổi kịp các tàu ngầm của Anh và Mỹ, nhưng bị chính tàu hải giám của họ bắt, dẫn đến phát sinh sự cố”, “hệ thống cung cấp oxy bị hỏng đã khiến tổng cộng 55 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng, trong đó có thuyền trưởng và 21 sĩ quan”.

Một ví dụ khác, vào ngày 4 tháng 8 năm 2022, Lực lượng Tên lửa của ĐCSTQ đã phóng 11 tên lửa Đông Phong vào vùng biển phía bắc, phía nam và phía đông của Đài Loan. Kết quả là 5 chiếc rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên một tên lửa đạn đạo của Trung Quốc rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ phía Nhật Bản. Ngoài ra, ngày 26/8/2020, Lực lượng Tên lửa đã phóng 4 tên lửa đạn đạo tầm trung vào Biển Đông, nhưng chỉ có 2 quả trúng mục tiêu, 2 quả còn lại rơi xuống đâu đó không rõ. Sau đó, nhiều người dân Trung Quốc phát hiện một quả bị rơi ở Quảng Tây, quả còn lại hiện không rõ tung tích.

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2024, Bloomberg dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề này nói rằng tình trạng tham nhũng trong Lực lượng Tên lửa của ĐCSTQ và toàn bộ cơ sở công nghiệp quốc phòng là nghiêm trọng. Một người cho biết, đánh giá của tình báo Mỹ đã trích dẫn một số ví dụ về tham nhũng trong quân đội Trung Quốc, bao gồm việc tên lửa được đổ đầy nước thay vì nhiên liệu, và nắp các hầm chứa tên lửa lớn ở miền Tây Trung Quốc không cách nào mở được một cách hiệu quả.

Tiến sĩ Vương Hữu Quần, một cựu quan chức của ĐCSTQ, cho biết theo quan sát của ông, những quan cao của ĐCSTQ bề ngoài thường nói những lời cay độc đa số là những kẻ tham nhũng dâm loạn không chút chính khí. Đừng để bị mê hoặc bởi những lời lẽ cuồng ngạo của các quan cao của ĐCSTQ.

Từ thời Giang Trạch Dân trở thành chủ tịch Quân ủy Trung ương, Giang không chỉ tự mình dẫn đầu về tham hủ dâm loạn, mà còn phóng túng cho thủ hạ của ông ta, những tướng lĩnh cấp cao của ĐCSTQ cùng tham hủ dâm loạn, biến quân đội ĐCSTQ thành đại siêu thị mua bán quyền, tiền, sắc, khiến quân đội ĐCSTQ biến thành quân đội tham nhũng hủ bại nhất thế giới. Cho đến nay, mười năm sau khi Tập Cận Bình phát động chiến dịch đả hổ chống tham nhũng trong quân đội, ông đã tóm được rất nhiều “lão hổ quân sự”. Nhưng đã hoàn thành chưa? Vẫn chưa hoàn thành.

Bởi vì quyền lực tuyệt đối tất yếu sẽ dẫn tới tham nhũng tuyệt đối. Ông Tập đã nhiều lần nhấn mạnh sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng đối với quân đội. Đằng sau sự lãnh đạo tuyệt đối, chính là tham nhũng hủ bại tuyệt đối.

Theo Epoch Times,
Mộc Lan biên dịch

Exit mobile version