Người càng có bản lĩnh cao siêu thì lại càng khiêm tốn, bởi vì chỉ khi biết hạ thấp mình, mới thấy sở học của mình còn nông cạn, kỹ năng của mình còn thấp kém… từ đó sẽ gắng sức hoàn thiện mình.

Hươu cao cổ và sóc con thi tài

Một ngày mùa thu trời cao gió mát, một chú sóc con chạy đi chạy lại trên một cây thông, chơi đùa vui vẻ. Lúc đó, hươu cao cổ đi qua nói với sóc con rằng: “Cổ tôi dài có thể vươn đến những trái cây trên cây, bản lĩnh tôi lớn dường nào”.

Sóc con nói: “Tôi có thể leo trèo cây, cây cao nhất tôi cũng leo đến ngọn được, bản lĩnh của tôi mới lớn chứ”.

Cả hai không ai chịu phục ai. Cuối cùng hươu cao cổ và sóc con quyết định thi để xem ai thắng thua.

Cả hai mời khỉ con đang ăn quả trên cây làm trọng tài.

Khỉ con vui vẻ nhận lời và nói: “Được thôi, các bạn thi xem ai lấy được trái cây trên tay tôi, ai lấy được trước thì người đó thắng, là người có bàn lĩnh lớn hơn”.

Sóc con nghe xong nhanh chóng leo lên cây bắt lấy trái cây trên tay khỉ con, vui sướng tột độ, nhảy nhót hét lên: “Tôi thắng rồi, tôi thắng rồi”.

Lúc đó hươu cao cổ vẫn đang ngây người ra, sóc con đã lấy được trái cây cầm trong tay. Hươu cao cổ không phục nói: “Tôi vẫn chưa chuẩn bị xong anh đã lao lên cây rồi, như thế này không được tính, chúng ta thi lại lần nữa”.

Sóc con không bằng lòng, nhưng cũng đành thi lại. Cả hai mời bác trâu làm trọng tài.

Hươu cao cổ và sóc con thi tài
Hươu cao cổ không phục muốn thi đấu lại. (Ảnh minh họa: pixabay.com)

Bác trâu nghĩ ngợi rồi nói: “Hai cháu xem kìa, bên kia sông có một cây đào rất sai quả, ai qua sông hái được trái đào trước thì người đó có bản lĩnh lớn”.

Hươu cao cổ đồng ý. Sóc con nói với bác trâu: “Cháu có một yêu cầu”

Bác trâu nói: “Cháu có yêu cầu gì?”

Sóc con nói: “Nước sông sâu như thế, cháu không thể nào sang sông được, hãy để hươu cao cổ cõng cháu sang sông, để hai chúng cháu cùng sang, rồi hái đào”

Bác trâu nghe thấy rất hợp lý bèn đồng ý, hươu cao cổ cũng đồng ý.

Hươu cao cổ nhẹ nhàng cõng sóc con qua sông.

Lúc này, bác trâu nói: “Chuẩn bị … bắt đầu!”

Sóc con thoắt cái đã leo lên ngọn cây hái quả đào vừa to vừa hồng vừa ngọt. Đồng thời hươu cao cổ cũng vươn cổ hái được trái đào ở cành thấp.

Lúc này, bác trâu cảm thán nói rằng: “Cả hai cháu đều có sở trường của mình. Sở trường của sóc con là giỏi leo cây hái đào. Sở trường của hươu cao cổ là dễ dàng vượt sông. Chúng ta cần học biết khiêm tốn, phải nhìn vào cái tốt của người khác thì mình mới tiến bộ được”.

Thánh nhân Khổng Tử bái một thiếu niên làm thầy

Trong Tam Tự Kinh có câu: “Tích Trọng Ni, sư Hạng Thác”, nghĩa là “Xưa Khổng Tử, coi đứa trẻ Hạng Thác là thầy”.

Hạng Thác là một thiếu niên người nước Yên. Một hôm, Hạng Thác đến gặp Khổng Tử và nói: “Con nghe nói Khổng tiên sinh học vấn uyên thâm, con đến xin tiên sinh dạy bảo”.

Khổng Tử cười và nói: “Xin mời, con hãy nói coi”.

Hạng Thác chắp tay bái Khổng Tử rồi hỏi: “Tiên sinh cho hỏi nước gì không có cá? Lửa gì không có khói? Cây gì không có lá? Hoa gì không có cành?”.

Khổng Tử nghe xong, cười và nói: “Con đúng là hỏi kỳ quặc. Sông, biển, ao, hồ, nước gì cũng có cá hết. Bất kể củi, rơm, đèn, đuốc, lửa gì cũng có khói hết. Còn các loài cây cỏ, nếu không có lá thì không thành cây, không có cành thì cũng chẳng có chỗ mà mọc ra hoa”.

Hạng Thác nghe xong cười khanh khách một lúc lâu, rồi lắc đầu nói: “Không đúng! Nước giếng thì không có cá. Lửa đom đóm thì không có khói. Cây khô thì không có lá. Hoa tuyết thì không có cành”.

Khổng Tử than rằng: “Hậu sinh khả úy, lão phu xin bái cậu làm thầy”.

Thánh nhân Khổng Tử bái một thiếu niên làm thầy
Khổng Tử từng bái một thiếu niên tên Hạng Thác làm thầy. (Ảnh minh họa: youtube.com)

***

Người càng có bản lĩnh cao siêu thì lại càng khiêm tốn, bởi vì chỉ khi biết hạ thấp mình, mới thấy sở học của mình còn nông cạn, kỹ năng của mình còn thấp kém, hiểu biết của mình còn non nớt, do đó sẽ gắng sức hoàn thiện mình.

Hàn Tín chỉ là anh học trò nghèo, nhờ hạ mình chui háng kẻ vô lại, để rồi luyện được bản lĩnh phi thường, thành đại tướng quân bách chiến bách thắng, thắng cả bậc anh hùng sức mạnh bạt sơn cử đỉnh Tây Sở Hạng Bá Vương.

Vua Nghiêu vua Thuấn là bậc Thánh vương, được người muôn đời truyền tụng đức hạnh và công lao của hai ông. Hai ông có được thành công và tiếng thơm muôn thuở cũng nhờ đức khiêm nhường. Vương Dương Minh thời Minh nói: “Sở dĩ Nghiêu Thuấn có thể là Thánh nhân, chính vì sự khiêm nhường đến cảnh giới chân thành nhất”.

Người quân tử có đạo đức cao, học nhiều hiểu rộng, chính là dùng đức khiêm nhường mà dung nạp người khác như câu chuyện Khổng Tử bái cậu thiếu niên Hạng Thác làm thầy.

Nam Phương