Cặp mắt thịt này sức nhìn thua mắt chim ưng. Cái mũi này sức ngửi thua chó sói. Đôi tai này sức nghe chẳng bằng dơi… mà lại cứ khăng khăng phải chờ những giác quan ấy xác nhận rồi mới tin là thật, thì chẳng lầm lẫn lắm hay sao?
Có một người kia sinh ra là đã bị mù.
Sống trong một gian phòng, nhưng bởi anh không thấy gì cả nên anh phủ nhận tất cả những gì người chung quanh quả quyết là có:
– Tôi không tin, vì tôi không thấy.
Một vị lương y đem lòng thương hại, đi tìm cho ra một thứ linh dược trên Hy Mã Lạp Sơn về trị lành bệnh, anh ta sung sướng tự phụ bảo:
– Giờ đây tôi thấy được tất cả sự thật chung quanh tôi rồi!
Nhưng, có kẻ bảo với anh ta: “Bạn ơi! Bạn chỉ thấy được những vật chung quanh bạn trong căn phòng này thôi: có là bao. Ngoài kia, người ta còn thấy được mặt trời, mặt trăng cùng các vì tinh tú hằng hà sa số. Còn biết bao vật xấu, đẹp lộng lẫy, màu sắc huy hoàng mà bạn chưa thấy”.
Anh chàng không tin.
– Làm gì có được những cái đó! Tôi chưa thấy những cái đó. Cái gì có thể thấy được, tôi đã thấy tất cả rồi.
Một vị y sĩ khác bèn lên tận núi cao, gặp được sơn Thần chỉ cho một thứ linh dược khác đem về giúp cho anh mù có cặp mắt sáng hơn và thấy xa hơn những vật chung quanh trong căn phòng của anh.
Bấy giờ, anh ta thấy được mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú trên không trung. Anh ta mừng quá và lòng tự phụ, tự đắc lại tăng thêm.
– Trước đây tôi không tin, nhưng bây giờ tôi thấy, tôi tin. Như thế giờ đây không còn có gì mà tôi chẳng thấy, chẳng biết. Đâu còn ai hơn tôi được nữa!
Nhưng, lại có một hiền giả có cặp mắt Thần bảo với anh ta:
– Cậu ơi! Cậu vừa hết mù, nhưng cậu cũng vẫn chưa biết gì cả. Tại sao quá tự phụ như thế? Cũng như khi cậu ở trong phòng và tầm mắt cậu không vượt khỏi bốn bức tường, cậu không tin có vật gì ngoài căn phòng của cậu. Giờ đây, tầm mắt cậu vượt được khỏi bốn bức tường, thấy đặng nhiều vật xa hơn, nhưng với chừng mực của tầm mắt và lỗ tai của cậu, cậu làm gì biết có những vật ngoài nghìn dặm mà tai mắt cậu không làm sao thấy nghe được. Cậu có thấy được những nguyên nhân nào đã cấu tạo ra cậu khi cậu đang còn nằm trong bào thai của mẹ cậu chăng? Ngoài cái vũ trụ nhỏ bé mà cậu đang sống đây, còn không biết bao nhiêu vũ trụ khác vô cùng to lớn và nhiều không thể kể như cát ở sông Hằng. Tại sao cậu dám tự phụ bảo rằng: “Tôi thấy cả, tôi biết cả?”. Cậu vẫn còn là một anh mù, cậu vẫn còn lấy tối làm sáng, lấy sáng làm tối.
(Theo Saddharma Pundarika)
Lời bàn:
“Trăm nghe không bằng một thấy”. Chúng ta vẫn hay nhìn nhận đó là chân lý, nhưng chúng ta chưa xét đến phạm vi áp dụng của câu nói này. Nghe gì, nghe ai? Và thấy gì, thấy bằng gì?
Với những sự việc ở nơi người thường, nghe người thường nói thì cần phải tự mình kiểm chứng, tự mình nhìn thấy, vì những sự việc đời thường ấy có thể trông vào cái sức nhìn của mình được. Tuy nhiên, tác dụng của việc đó cũng hữu hạn thôi. Nhiều việc nhìn thấy sờ sờ trước mắt mà bản chất nó vẫn không phải vậy. Ai đã đọc câu chuyện “Nồi cơm của Đức Khổng Tử” chắc hẳn có thể đồng tình với ý tứ này.
Lời của những bậc Giác Giả, Thần Phật thì khác. Nếu người nghe càng nhiều quan niệm, định kiến thì lại càng chẳng thể nghe lọt vào tai, nói chi đến việc có thể nhìn thấy được bằng con mắt thịt. Thế mà cứ nhất định phải thấy mới tin thì không phải là vì ngộ tính quá thấp kém hay sao.
Thần Phật đâu cần triển hiện ra hào quang sáng chói hay phép Thần thông để thuyết phục chúng ta. Họ dùng hình thức người thường mà nói về chân lý. Ai ngộ ra thì người ấy đắc được. Muốn nhìn thấy cái gì đây?
Vả lại, cặp mắt thịt này sức nhìn thua mắt chim ưng. Cái mũi này sức ngửi thua chó sói. Đôi tai này sức nghe chẳng bằng dơi… mà lại cứ khăng khăng phải chờ những giác quan ấy xác nhận rồi mới tin là thật, thì chẳng lầm lẫn lắm hay sao?
Chưa hết, dẫu mắt có nhìn được tinh tường như chim ưng, mũi có thể đánh hơi thính như chó sói, tai có thể nghe được như dơi… thì cũng chỉ là thấy được hình tướng trong thế giới vật chất này mà thôi.
Phật Gia cho rằng những gì ta nhìn thấy bằng cặp mắt thịt này đều là giả tướng, không thật. Cái cơ thể người kia, nhìn bằng mắt thì nó thật nhẵn nhụi, là một khối liền mạch. Nhưng khi phóng to lên thì sao? Nó sẽ không liền mạch nữa, da thịt sẽ lồi lõm. Phóng to lên nữa thì chúng là một tập hợp những hạt vi lạp cực nhỏ đang chuyển động cực nhanh. Và giữa chúng có khoảng trống. Nhưng đó đã là tận cùng của sự nhìn chưa? Những hạt vi lạp cấu tạo nên cơ thể mà ta nhìn được ấy đã là nhỏ nhất chưa? Còn xa lắm ta mới thấy hết được. Mà chưa thấy được, thì ta còn chưa thấy được chân lý cuối cùng.
Cho nên cái biết mà trông vào đôi mắt thịt này, các giác quan hữu hạn này thì sao có thể gọi là chân lý. Căn cứ vào đâu để nói tin hay không tin?
Phật Giáo cũng có nói về lục căn: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Đó là sáu giác quan mắt (nhãn) để nhìn, tai (nhĩ) để nghe, mũi (tỷ) để ngửi, lưỡi (thiệt) để nếm, thân để cảm nhận và ý thức (ý) để phân biệt. Dựa vào sáu giác quan này để biết về sự vật thì vẫn là ở trong mê, không biết được chân lý. Cho nên nhà Phật chủ trương lục căn phải thanh tịnh, không chấp vào những gì nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy, nếm thấy, cảm nhận thấy… để cái ý, cái tâm mình không động, không sa vào tâm phân biệt. Đó gọi là tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh giống như mặt nước gương trong suốt phẳng lặng để soi vào sự vật. Cứ như vậy dần dần ta mới nhận chân được sự vật.
Nhưng Thần Phật còn có Thần Phật cao hơn. Cho nên, chân lý không có tận cùng. Ở phạm vi này, nó là chân lý, lên phạm vi vũ trụ cao hơn, nó lại không phải chân lý nữa. Nhưng đó là bàn rộng ra.
Người xưa nói, người thông minh phải biết “văn nhất tri thập”, nghĩa là nghe một hiểu mười. Anh chàng mù này từ không nhìn thấy gì mà được giúp cho thấy được như người bình thường, từ thấy được như người thường lại được giúp cho thấy xa hơn người thường… thì theo cái lẽ “văn nhất tri thập”, chỉ cần thế thôi anh ta cũng phải hiểu cái “thấy” là vô cùng vô tận, ngoài trời còn có trời. Lẽ nào chân lý lại bị hạn cuộc vào những gì mình nhìn thấy, phải nhờ mình chứng nhận thì nó mới tồn tại?
Anh chàng mù tự phụ còn không nghĩ đến việc sức nhìn của mình là do người khác ban cho. Cho anh ta nhìn đến đâu thì anh ta thấy được đến đó. Vậy mà vẫn cứ tự phụ tự đắc. Mới hay, càng tự phụ thì càng giới hạn cái thấy của mình lại.
Trước kia anh mù cả mắt, mù cả tâm trí. Nay mắt anh khỏi mù, nhưng tâm trí của anh vẫn không có gì cải thiện.
Thành ra, chốt lại ta hãy nghe lại lời của hiền giả nói với anh mù này: “Cậu vẫn còn là một anh mù, cậu vẫn còn lấy tối làm sáng, lấy sáng làm tối”.
Tỉnh Thức