Đại Kỷ Nguyên

Cảnh giới cao nhất của nhân sinh chính là tâm bình khí hòa, tĩnh tại an nhiên

Khi mà tâm ta tĩnh lặng như nước thẳm, ánh sáng của lòng từ bi có thể soi sáng khắp gầm trời bao la. Khi mà tâm ta tĩnh lặng như nước thẳm, đóa sen thánh khiết trong lòng nở rộ, lan tỏa mùi hương rộng khắp…

Câu chuyện thứ nhất

Khi Khổng Tử đi chu du liệt quốc, đến vùng đất giáp ranh giữa nước Trần và nước Thái thì gặp cảnh khó khăn không còn lương thực. Mấy thầy trò bị bỏ đói, chỉ có thể húp nước cháo cầm hơi. Thế nhưng ông vẫn điềm nhiên ngồi trước nhà gảy đàn ca hát.

Học trò của ông là Tử Lộ thấy vậy mới thưa: “Lúc này phu tử vẫn có thể ca hát, lẽ nào đây cũng là yêu cầu của lễ hay sao?”. Khổng Tử nghe vậy không trả lời ngay mà đợi sau khi chơi hết bản nhạc mới đáp: “Tử Lộ à! Trong tình cảnh này người quân tử gảy đàn chơi nhạc là để khiến cho tâm mình không kiêu ngạo phóng túng, còn tiểu nhân chơi nhạc là che giấu nỗi sợ hãi của mình. Con đi theo ta lẽ nào lại còn không hiểu tình cảnh của ta sao?”. Tử Lộ nghe nói xong mới bắt đầu bình tâm xuống.

Vừa đúng lúc này gió nhè nhẹ đưa đến hương thơm thoang thoảng, Khổng Tử theo hướng hương thơm truyền lại mà đi, tới một thung lũng nhỏ nơi thâm sâu tịch cốc phát hiện một nhành lan rừng đang nở, hương thơm dịu mát, lặng lẽ lan toả khắp nơi. Khổng Tử nói với các học trò của mình: “Hoa lan trong tịch cốc, không phải vì không có người mà nó không đơm hoa toả hương, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không thay đổi bản chất của mình. Giống như người quân tử thanh tao, chính trực, kiên cường, họ là quân tử chân chính!”.

Sau đó, Khổng Tử viết bản nhạc “Ỷ Lan Thao”. Các học trò của ông đều nhận được động lực khích lệ rất lớn. Khổng Tử tiếp tục nói: “Đạo nghĩa được nội hàm trong hoàn cảnh khó khăn cũng giống như từ băng giá lạnh buốt chuyển sang ấm áp. Sau khi trải qua cái giá lạnh của mùa đông rồi mới đến sự ấm áp mát mẻ của mùa xuân. Những điều này chỉ có bậc thánh nhân mới có thể thấu hiểu”.

Câu chuyện thứ hai

Gia Cát Lượng trong “Tam Quốc diễn nghĩa” sau khi Nhai Đình thất thủ, hay tin Tư Mã Ý dẫn theo 15 vạn đại quân đến vây đánh huyện Tây Thành. Gia Cát Lượng lúc này tuy trong tay chỉ có 2500 quân binh giữ thành, nhưng ông không chút hoảng loạn, mà điềm tĩnh dẫn theo hai tiểu đồng mang theo cây đàn, ngồi dựa vào lan can, đốt lò hương ung dung gảy đàn. Tiếng đàn điềm tĩnh không chút hoang mang sợ sệt đã dọa lui được tư Mã Ý vốn tính đa nghi.

Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” Gia Cát Lượng vẫn ung dung gãy đàn, đẩy lùi 15 vạn quân của Tư Mã Ý. (Ảnh: youtube.com)

***

Mỗi người chúng ta đều mong muốn bản thân được sạch sẽ tươm tất. Mỗi người chúng ta đều muốn để cho tâm hồn mình được thuần tịnh, chỉ có điều là rất ít người biết được mối quan hệ giữa “tịnh” (tịnh tâm) và “tĩnh” (tĩnh lặng). Một người ngay lúc tâm hồn anh ta ở vào trạng thái tĩnh lặng nhất, chính là lúc trí huệ anh ta được khai mở. Còn những lúc tâm trạng anh ta nóng nảy, buồn bực khó chịu, thì không cách nào khai mở trí huệ được.

Một người sau khi đã hoàn toàn hiểu thấu được bản chất của nhân sinh, mới có thể có được một tâm hồn tĩnh lặng như nước. Thành công mang đến cho con người ta nỗi niềm vui sướng cũng như nước triều mãnh liệt dâng trào, sóng triều dâng lên rồi tự mình rút xuống. Tâm bình khí hòa, tâm thái ổn định, có thể ngay trong cuộc sống đạt đến cảnh giới “được không vui, mất không buồn, không bởi tốt xấu của ngoại vật và được mất của bản thân mà buồn mà vui”. Một tâm hồn bình thản, vô dục vô cầu. Lòng tĩnh lặng như nước, ấy là cảnh giới tinh thần cao nhất của đời người, cũng là biểu hiện của trí huệ.

“Tiếng sấm rền vang ngay bên cạnh, lòng chẳng chút hoang mang; Thái Sơn đổ sụp ngay trước mặt, cũng không hề biến sắc” – loại phong thái siêu phàm đó, tất nhiên người bình thường khó mà làm được. Có những lúc, tôi thả hồn tĩnh lặng dõi theo dòng nước chảy từ trên núi, từ nơi cao chảy xuống chỗ thấp, rồi thành con suối nhỏ chạy ra biển lớn. Cái cảnh giới xem nhẹ danh lợi, từ bỏ tự ngã, hạ mình chỗ thấp, phẩm tính thanh thản bình yên, không tranh với đời đó thật khiến người ta ngưỡng mộ biết bao!

Có người nói: loại tâm hồn bình thản đưa ta trở về với bản tính chân thật, tâm thái điềm tĩnh là cội nguồn của hạnh phúc. Tôi cho rằng bình yên thật sự chính là giữ tâm hồn mình tĩnh lặng như nước. Biết bao phiền não trong đời đều đến từ dục vọng không chịu an phận. Những cám dỗ vật chất các loại trong cuộc sống hiện thực này khiến tâm hồn trong sáng thuần khiết tiên thiên của chúng ta nay đã bị bám đầy bụi trần.

Tôi cho rằng bình yên thật sự chính là giữ tâm hồn mình tĩnh lặng như nước. (Ảnh: kknews.cc)

Nhìn lại lịch sử, ta dễ dàng thấy được, thời xưa không thiếu những thi sĩ văn nhân tâm hồn tĩnh lặng như mặt nước. Nào là Đào Tiềm cuốc bỏ hoa sen để trồng hoa cúc, Lý Bạch uống rượu ngắm trăng, Tô Thức với những giấc ngủ xuân trên chiếc giường mây… Trong thế giới phồn hoa náo nhiệt này, tâm hồn tĩnh lặng và tâm hồn xao động là cùng tồn tại với nhau.

Một người thế tục hết sức bình thường, những lúc gặp phải trắc trở, anh ta không khỏi cảm thấy thất vọng; những lúc bị tổn thương, thật khó tránh khỏi cảm giác đau khổ; những lúc bị phỉ báng, anh ta sẽ cảm thấy ủy khuất; khi đứng trước cám dỗ, anh ta sẽ cảm thấy lưỡng lự băn khoăn. Khi nhận thấy mình bị phản bội, anh ta sẽ cảm thấy căm phẫn bất bình; khi đứng trước khảo nghiệm sinh tử, cảm giác bàng hoàng lo sợ sẽ bao trùm anh ta.

Thật ra, những điều này đều là trạng thái biểu hiện khi mà định lực không được cao thâm, cũng là kết quả tu dưỡng chưa tròn đầy. Những bậc Giác Giả thật sự, sẽ không bị việc đời vây khốn, gặp chuyện không hoang mang, lâm nguy không sợ hãi, dùng nụ cười để đối mặt với sự phỉ báng, lấy từ bi để đối đãi với sự phản bội, đứng trước biến cố nào cũng đều có thể điềm tĩnh ung dung, tâm hồn tĩnh lặng hệt như mặt hồ không chút sóng gợn, đó có lẽ cũng chính là biểu hiện ở cảnh giới khá cao của nguyên lý: Chân – Thiện – Nhẫn vậy.

Như Lão Tử từng nói: “Thượng thiện nhược thủy”, Khổng Tử cũng từng giảng qua: “Kẻ trí thông đạo yêu thích cái không ngừng của nước, người nhân nghĩa thi hành đạo lý yêu thích cái vững vàng bất dịch của núi”. Có thể thấy nước có rất nhiều những phẩm tính ưu tú, thật đáng để cho người đời học tập, lấy đó làm tấm gương phản chiếu tâm hồn nội tại của bản thân mình.

Người tu luyện tâm tĩnh như nước sâu, là tiêu chí tu hành hướng đến viên mãn. Khi mà tâm ta tĩnh lặng như nước thẳm, tâm hồn chính là đã đạt cảnh giới đến thuần tịnh cao độ. Khi mà tâm ta tĩnh lặng như nước thẳm, nhân phẩm trong ta sẽ trở nên thần thánh mà cao thượng. Khi mà tâm ta tĩnh lặng như nước thẳm, ánh sáng của lòng từ bi có thể soi sáng khắp gầm trời bao la. Khi mà tâm ta tĩnh lặng như nước thẳm, đóa sen thánh khiết trong lòng nở rộ, lan tỏa mùi hương rộng khắp.

Theo Secret China
Thuận An biên dịch

Exit mobile version