Tục ngữ có câu: “Ninh đắc tội quân tử, bất đắc tội tiểu nhân” tạm dịch: Thà đắc tội với người quân tử không nên đắc tội với kẻ tiểu nhân. Tại sao lại nói như vậy? Bởi kẻ tiểu nhân lòng dạ hẹp hòi, luôn đố kị với người khác, còn bậc quân tử khoan dung rộng lượng, luôn biết nhún nhường, nhẫn nhịn, lấy thiện mà đãi người.
Từ xa xưa cảnh giới của bậc quân tử luôn là điều mà người đời mong muốn truy cầu. Như thế nào mới được coi là cảnh giới của bậc quân tử? Nho gia xưa thường đưa ra những định nghĩa về “bậc quân tử” và “người tiểu nhân”, ví dụ: “Cận quân tử, viễn tiểu nhân”, ý nghĩa là: Nếu một người muốn đạt tới cảnh giới của bậc quân tử, nên tránh xa thói hư tật xấu của kẻ tiểu nhân.
1. “Quân, tôn dã”
Trong “Thuyết văn giải tự” (cuốn từ điển từ nguyên chữ Hán đầu tiên, cũng là cuốn từ điển đầu tiên sắp xếp các chữ Hán theo bộ thủ của tác giả Hứa Thận) có viết: “Quân, tôn dã” (Nghĩa là: Quân là để chỉ người được tôn kính). Chữ “君” (Quân) được ghép thành từ hai chữ “尹” (Doãn) và chữ “口”(Khẩu). Chữ “尹” (Doãn) có nghĩa là trị sự, chữ “口”(Khẩu) nghĩa là từ miệng phát ra mệnh lệnh. Kết hợp lại thành từ “君” (Quân), có nghĩa là: Công bố mệnh lệnh, cai trị quốc gia. Nghĩa gốc của từ “Quân” nghĩa là “Quân chủ”, chỉ người thống trị cao nhất của một đất nước.
Ý nghĩa ban đầu của từ “Quân tử” là “Quân chi tử” (nghĩa là con của bậc quân chủ). Vào thời nhà Chu, khi vua Chu phân đất phong hầu, lập nên các nước chư hầu, người đứng đầu các nước đó được gọi là quân vương, con của những bậc quân vương đó được gọi là “Quân tử”. Từ trước thời nhà Chu, chữ “Quân tử” dùng gọi chung những người có địa vị cao quý.
Vào thời Xuân Thu, “Quân tử” là danh từ gọi chung các bậc sĩ phu. Người làm quan được gọi là quân tử, còn người dân bình thường thì gọi là tiểu nhân.
Đức Khổng Tử cho rằng “bậc quân tử” là hàm nghĩa chỉ những người có đạo đức. Theo quan điểm của Nho gia, “quân tử” không chỉ đơn thuần là chỉ những người có địa vị cao quý, những bậc sĩ phu. Quân tử là người “Có những biểu hiện của một bậc thánh nhân, là người có nhiều tiêu chuẩn của lễ nghĩa“, là người có phẩm chất đạo đức cao thượng. Trong trường hợp này hàm ý chân chính của “bậc quân tử” là để chỉ những người đã rũ bỏ những ràng buộc đối với tiền tài và địa vị, là cảnh giới làm người “bần hàn mà vui vẻ, có đầy đủ những lễ nghi cần có”.
2. Đạo của bậc quân tử
Trong phần Luận ngữ – Hiền Vấn, Khổng Tử nói: “Quân tử đạo giả tam, ngã vô năng yên: nhân giả bất ưu, tri giả bất hoặc, dũng giả bất cụ“. Tạm dịch: Đạo quân tử có ba điều mà ta chẳng làm được một. Người nhân không lo buồn, kẻ trí không nghi hoặc, người dũng không sợ hãi.
Như vậy, theo Khổng Tử, bậc quân tử trước tiên là một người nhân từ, đồng thời cần có “trí” và “dũng”.
Trong Luận Ngữ – Dương Hóa, Tử Lộ viết: “Quân tử thượng dũng hồ”. Khổng Tử viết: “Quân tử nghĩa dĩ vi thượng. Quân tử hữu dũng nhi vô nghĩa vi loạn, tiểu nhân hữu dũng nhi vô nghĩa vi đạo”.
Tạm dịch: Tử Lộ thỉnh hỏi Đức Khổng Tử: “Người quân tử có trọng dũng không?”. Khổng Tử đáp: “Người quân tử trọng nghĩa lý hơn hết. Người quân tử chỉ dũng cảm mà không hợp nghĩa lý thì làm loạn, kẻ tiểu nhân chỉ dũng cảm mà không hợp nghĩa lý thì làm trộm cướp”.
Trong Luận Ngữ – lý Nhân, Khổng Tử viết: “Phú dữ quý, thị nhân chi sở dục dã; bất dĩ kì đạo đắc chi, bất xử dã. Bần dữ tiện, thị nhân chi sở ác dã; bất dĩ kì đạo đắc chi, bất khứ dã. Quân tử khứ nhân, ác hồ thành danh? Quân tử vô chung thực chi gian vi nhân, tạo thứ tất vu thị, điên phái tất vu thị”.
Tạm dịch: Khổng Tử nói: Giàu sang và phú quý thì ai cũng thích, nhưng không dùng nhân nghĩa đạo đức mà đạt được nó thì không nên chọn làm. Nghèo và thấp hèn thì không ai thích. Nếu không dùng nhân nghĩa đạo đức để thoát nghèo hèn thì không nên làm. Người quân tử bỏ mất điều nhân nghĩa đạo đức để làm việc sao có thể được gọi là người quân tử? Người quân tử không làm trái điều nhân nghĩa đạo đức dù chỉ trong khoảng cách một bữa ăn. Dù vội vã cấp thiết cũng không như vậy, dù phải khốn cùng phiêu dạt cũng không rời xa đạo nhân.
Chỉ qua tất cả những lời bàn trên ta có thể phần nào thấy được một cách khái quát về đạo của một người quân tử xưa.
3. Quân tử thủ lễ
Trong Lễ Ký – Khúc lễ thượng có viết: “Phu lễ giả, sở dĩ định thân sơ, quyết hiềm nghi, biệt đồng dị, minh thị phi dã”.
Tạm dịch: Người giữ lễ là người có thể xác định được thân hay sơ, giải quyết được hiềm nghi, phân biệt được giống và khác, rõ ràng được đúng và sai.
Theo lễ mà nói, người quân tử không thể tùy tiện hành động để lấy lòng người khác, cũng không thể nói những việc mình không thể làm. Theo Lễ Ký, làm việc không được lạm dụng vượt quá thân phận của mình, không được xúc phạm coi thường người khác, cũng không nên tùy tiện kết giao thân thiết với người khác.
Tu dưỡng đức tính của bản thân, hành xử nói lời phải biết giữ lấy lời. Đây chính là phẩm hạnh đạo đức tốt đẹp cần có của người quân tử. Hành (làm việc) hợp với trung tín, ngôn (lời nói) hợp nhân nghĩa mới là điều đích thực của lễ nghĩa.
Ở vào mọi thời khắc, trong lòng người quân tử đều phải có chữ “Kính“, vẻ bề ngoài phải lễ độ, trang nghiêm, dáng vẻ có đôi chút đăm chiêu, thái độ nói chuyện yên ổn tốt lành, nói những lời hợp lý lẽ.
Người quân tử chú ý lễ tiết nhưng lễ tiết cũng cần thuận theo từng sự việc thích hợp mà có chiểu theo cho phù hợp. Người quân tử cẩn trọng, dè dặt, ở trường hợp nào sẽ có dáng vẻ phù hợp với trường hợp đó.
Trong Lễ Ký – Khúc lễ thượng có viết: “Quân tử cung kính tỗn tiết thối nhượng dĩ minh lễ”, nghĩa là: Người quân tử cần có tinh thần kính cẩn, kiềm chế và nhượng bộ trong sự lễ độ của bản thân.
4. Người quân tử có 9 điều lo nghĩ
Trong Luận ngữ – Quý thị, Khổng Tử viết: “Quân tử hữu cửu tư: thị tư minh, thính tư thông, sắc tư ôn, mạo tư cung, ngôn tư trung, sự tư kính, nghi tư vấn, phẫn tư nan, kiến đắc tư nghĩa”.
Tạm dịch: Quân tử có 9 điều lo nghĩ:
- Khi nhìn nhận cần suy xét xem có nên nhìn thông suốt hay không.
- Khi nghe cần tự cân nhắc có nên nghe rõ hay không.
- Cần tự xét xem thái độ, sắc mặt của bản thân mình có ôn hòa hay không.
- Cần tự xét xem dung mạo của bản thân có khiêm tốn hay không.
- Cần tự vấn xem trong lời nói của mình có đủ sự trung thực hay không.
- Khi hành sự cần phải tự hỏi bản thân có cung kính, nghiêm túc hay không.
- Khi gặp điều nghi vấn cần tự vấn bản thân có nên hỏi người khác hay không.
- Khi phẫn uất, giận dữ cần phải tự hỏi mình có gây ra hậu họa gì không.
- Khi đạt được lợi ích tiền tài cần tự vấn xem như vậy có phù hợp với nhân nghĩa hay không.
5. Ngũ nghi của bậc quân tử
Khi Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử về việc trị quốc, Khổng Tử trả lời rằng chỉ cần lần lượt áp dụng theo đạo của “Ngũ nghi” là đầy đủ. Cái gọi là “Ngũ nghi” chính là chỉ năm thứ bậc đặc thù của con người. Năm thứ bậc đó là: người thường, người trí thức, quân tử, người tài đức, thánh nhân.
Trong Khổng Tử gia ngữ – ngũ nghi giải, Khổng Tử viết: “Sở vị quân tử giả, ngôn tất trung tín nhi tâm bất oán, nhân nghĩa tại thân nhi sắc vô phạt, tư lự thông minh nhi từ bất chuyên; đốc hành tín đạo, tự cường bất tức, du nhiên nhược tương khả việt nhi chung bất khả cập giả. Thử tắc quân tử dã”.
Tạm dịch: Khổng Tử nói: Cái gọi là người quân tử chính là người mà trong lời nói ra nhất định có trung có tín mà nội tâm không có oán hận, thân có nhân nghĩa đạo đức mà không biểu hiện khoe khoang, suy xét vấn đề thông minh sáng suốt mà lời nói uyển chuyển. Cố gắng thuận theo đạo nhân nghĩa thực hiện lý tưởng của mình, từ đó không ngừng cố gắng vươn lên. Dáng vẻ ung dung của họ dường như rất dễ dàng để đạt được, nhưng không thể đạt tới cảnh giới của họ. Người như vậy chính là người quân tử.
Theo Epochtimes
Kiên Định biên dịch