Cõi âm gian từ xưa tới nay vẫn là đề tài thu hút sự chú ý, tò mò của con người. Người ta khi còn sống vẫn không ngừng thắc mắc về “thế giới bên kia”, từ đó mà không ngừng lý giải theo quan niệm của mình. Vậy, để hiểu rõ hơn về địa ngục, hãy xem những tiết lộ của cao nhân dưới đây.
Tiếp theo: Phần 1
Tác giả Lý Vy Di mới đây đã có loạt bài viết về “Một thế giới khác của Thánh Lăng tiên sinh” đăng trên tờ Epochtimes. Những gì ông nói khá trùng khớp với những truyền thuyết trong dân gian và những tình tiết trong bộ phim ăn khách được đánh giá là hiện tượng phòng vé ở Hàn Quốc. Dù chẳng có gì để kiểm chứng, nhưng ít nhất ta có thể tham khảo thông tin của vị Thánh Lăng tiên sinh này như một câu chuyện có tính giáo huấn con người về tầm quan trọng của việc làm người tử tế, sống tốt mỗi ngày và có cái nhìn thoáng đãng hơn về những bất hạnh trong cuộc sống.
Trong bộ phim Along with the Gods: The Two Worlds (tạm dịch,Thử thách thần chết: Giữa hai thế giới), Kim Ja-hong một người lính cứu hỏa mẫu mực, tận tụy, hết lòng yêu thương gia đình của mình và mọi người xung quanh đã qua đời trong một nhiệm vụ giải cứu em nhỏ khỏi một vụ hỏa hoạn. Sau khi chết, anh gặp hai thần He Won-mak và Lee Deok-choon. Deok-choon cho biết anh là một Linh hồn Thuần Khiết (linh hồn của những người không gây ra bất kỳ tội lỗi nào ở Dương thế) hàng trăm năm mới có một.
Gang-lim – đội trưởng đội Vệ thần cũng tham gia cùng 2 vệ thần kia để bào chữa cho Ja-hong qua 7 thử thách trong 49 ngày. Theo đó, địa ngục được chia làm bảy tầng, tượng trưng cho bảy tội lỗi cơ bản của con người: lừa dối, lười nhác, bất công, phản bội, bạo lực, sát sinh và bất hiếu. Qua mỗi tầng địa ngục, nếu anh chàng được phán là vô tội dựa trên quãng thời gian sống của mình thì sẽ được đầu thai ngay lập tức. Tuy nhiên, chuyến hành trình không suôn sẻ bởi những nhân duyên phức tạp trên dương thế. Bộ phim là câu chuyện hành trình đầy nhân văn và tính răn đe với con người khi sống đừng làm điều xấu.
Người ta sau khi qua đời thực sự sẽ ở vào tình trạng này? Trên thực tế, chúng ta sẽ phải đối mặt với điều gì sau khi qua đời? Những tình tiết trong bộ phim dẫn đầu doanh thu phòng vé Hàn Quốc năm 2017 có khá nhiều điểm tương đồng với những gì lưu lại trong văn hóa truyền thống phương Đông.
Kỳ hạn 7 ngày hoàn thành ý nguyện
Theo Thánh Lăng tiên sinh, kỳ thực khi bắt đầu tử vong, nhiều người thực sự sẽ có cảm nhận giống nhân vật chính trong phim, không biết bản thân đã qua đời, linh hồn đi tới khắp nơi. Lại cũng có người vì choáng ngợp sợ hãi quá mức sẽ ở mãi nơi xác an nghỉ. Vậy khi đó liệu những sứ giả dưới âm gian có lập tức tới dẫn dắt vong hồn?
Trong truyền thuyết dân gian, Diêm Vương cho mỗi vong hồn có thời gian 7 ngày trên dương gian để hoàn thành ý nguyện, vì vậy mới có thuyết bảy bảy bốn chín ngày. Tuy nhiên ở đây có đôi chút hiểu lầm, bốn mươi chín ngày ở âm gian đối ứng chỉ là 7 ngày ở dương gian. Nguyên nhân vì mỗi không gian có thời gian khác nhau, vì vậy mới có cách nói “Một ngày phương trời, nghìn năm mặt đất”.
Vậy trong thời gian 7 ngày này, linh hồn có thể làm gì ở dương thế? Thánh Lăng tiên sinh chia sẻ, Nếu khi còn sống vong hồn có tu hành, thì sau khi chết sẽ có Pháp lực, khi vào cả luân hồi sẽ có thể tự thực hiện nguyện vọng của bản thân. Nếu họ không tu luyện, nhưng có tâm kính ngưỡng Thần Phật, thì điều này cũng có thể dẫn dắt giúp họ hoàn thành ý nguyện. Tuy nhiên có một điều cần lưu ý với mọi người, hiện nay có nhiều người thờ Thần bái Phật vì mục đích cầu điều này điều khác, đều vì lợi ích cá nhân chứ không phải hướng thiện làm việc tốt. Nếu không làm theo chỉ dạy của Thần Phật, thì họ cũng không được cứu độ. Không những vậy, hiện nay có nhiều đền chùa miếu mạo đã không thực sự còn được những chính Thần quản nữa.
Trong bảy ngày này, linh hồn người chết phải tìm được đường tới âm gian, cũng chính là “Quỷ môn quan” mà ta thường nghe nhắc đến, nếu không sẽ thành cô hồn dã quỷ ở dương gian. Không phải tất cả các linh hồn đều có thể tìm thấy đường tới âm phủ. Có người có thể bị lạc đường, có người lại không muốn rời đi, trong bảy ngày vẫn quanh quẩn ở dương gian. Lúc này, vong hồn mới bị quỷ sai tới bắt, có lúc quỷ sai cũng sai khiến âm binh đi bắt. Vì có sự sai khác về thời gian và không gian, các không gian khác nhau có rất nhiều và lần lượt thay đổi lặp lại, những âm binh năng lực kém có thể tìm không thấy nên có tình trạng vong hồn lưu lại ở dương gian. Những linh hồn này lưu lạc khắp nơi, thường đợi tới tuần cuối cùng của tháng 7 âm lịch, một vị Thành hoàng có tầng thứ và năng lực cao hơn đi tuần tra mới “quét tất cả xuống âm gian”.
Thánh Lăng tiên sinh chia sẻ, những linh hồn lưu lạc nơi dương gian này thực sự rất đáng thương. Sinh thời đã không tu hành, không có năng lực, cơ bản sống trong cảnh cá lớn nuốt cá bé, phiêu đãng khắp nơi, phải đi cướp đồ ăn của những người cúng tế, không cướp được thì chịu đói chịu khổ. Có thể tới âm gian ít nhất cũng có thức ăn của âm gian. Có những vong hồn thực sự ở vào tình trạng giống cảnh trong bộ phim Thiện nữ u hồn, bị lão yêu ở núi Hắc Sơn khống chế linh hồn và uy hiếp. Thánh Lăng tiên sinh nhấn mạnh, tín ngưỡng chính hay không vô cùng quan trọng với vong hồn.
Tìm đường vào âm gian
Ngoài ra, Thánh Lăng tiên sinh cũng bày tỏ, những ký ức chủ yếu của người ta trong kiếp này đều ở trên nhục thân. Khi hồn phách rời khỏi xác, không giống như kiểu của nhân vật chính do Cha Tae-hyun thủ vai trong phim, có thể cuồn cuộn nổi lên như gió bão một cách lợi hại như thế. Nếu sinh thời linh hồn không tu hành, thì ký ức sẽ dần dần biến mất cùng với sự ra đi tách khỏi nhục thân. Những người bị sát hại tới tử vong, thường chỉ còn lại ý niệm thù hận. Khi vong hồn ở vào trạng thái này kỳ thực cũng rất đáng thương. Đối với một người tu luyện, ký ức của họ sẽ có thể khóa ở trên chủ nguyên thần (linh hồn); khi tu luyện tới tầng càng cao, thì sẽ không vào âm gian. Những người này sẽ đi đâu, có cơ hội xin sẽ chia sẻ ở phần khác.
Dù linh hồn được sứ giả âm gian tới dẫn đi giống trên phim ảnh hay tự tìm đường tới âm gian, vong hồn sau khi từ dương gian tới âm gian sẽ nhìn thấy cảnh tượng gì?
Ở cảnh giới của mình, với những gì được nhìn thấy, Thánh Lăng tiên sinh chia sẻ: “Trước tiên vong hồn sẽ đi tới một nơi giống như thảo nguyên ở Châu Phi, ở đây buổi ngày âm u, có nguồn sáng nhưng không có mặt trời. Buổi tối thì trời tối đen, ban ngày là mây trắng, tối là mây đen”. Hoa cỏ cây cối trên thảo nguyên cũng lèo tèo thưa thớt, không tươi tốt như ở nhân gian. Ở đây có một vài linh hồn, động vật và một số tòa nhà. Các linh hồn cả đàn ông, phụ nữ, người già, trẻ nhỏ xếp thành hàng đi trên đường. Họ mặc các loại quần áo khác nhau, trước khi chết mặc quần áo gì xuống âm gian sẽ là quần áo đó. Nếu chết đột tử, diện mạo sẽ vô cùng đáng sợ. Nhất là hiện nay tai nạn giao thông rất nhiều, nhiều người không còn đầy đủ tứ chi và các bộ phận cơ thể. Vì vậy, nếu tử vong giống nhân vật chính trong phim, hình ảnh sẽ không đẹp đẽ như vậy.
Từ cầu Nại Hà tới điện Diêm Vương
Sau khi băng qua thảo nguyên, sẽ nhìn thấy một cây cầu có vòm tròn, bên dưới là dòng sông. Vì cát và đá ở đáy sông đều màu vàng, nên trước đây dân gian có cách nói “hoàng tuyền” là ý như vậy. Cây cầu này dân gian gọi là Cầu Nại Hà. Khi linh hồn đi qua đây, dù không có rắn độc, cá ăn thịt người sẵn sàng tấn công, nhưng để qua được cũng không hề dễ dàng. Theo Thánh Lăng tiên sinh, dù khi qua đời ký ức của chúng ta đã phai nhạt rất nhiều, nhưng ý niệm chấp trước vẫn còn. “Lúc này chỉ có buông bỏ hết mọi tâm chấp trước mới có thể đi tới cuối cầu”.
Ở ven sông bên phía đối diện cầu có một loạt âm binh, liên tục hét lên với những vong hồn: “Buông xuống! Buông xuống! Qua cầu! Qua cầu!”. Nếu linh hồn còn những niệm đầu quá mạnh với thế gian, khi qua cầu đầu sẽ chân nặng chân nhẹ, đi không vững từ đó bị rơi xuống sông. Lúc này linh hồn phải bơi lại vào bờ, sau đó lại đi qua cầu Nại Hà lại cho tới khi qua được. Từ “Nại” có nghĩa là: làm sao, thế nào? “Hà” là tiếng dùng để hỏi. Nại hà là “Làm sao? Làm thế nào?”. Nại Hà kiều: Cầu Nại Hà, là cây cầu bắc ngang sông lớn mà người đi đến đó không biết cách nào để đi qua cầu cho khỏi té xuống sông, nên hỏi nhau: “Nại hà? Làm sao?”. Vì vậy, cũng giống như nhân vật chính trong phim, sau khi chết vì luôn nhớ tới mẹ thì có thể phải đi rất lâu mới qua được.
Qua được cầu, vong hồn sẽ đi tới điện Diêm Vương. Lúc này linh hồn sẽ nhìn thấy có ba cửa, cánh cửa lớn ở giữa, hai cửa nhỏ ở hai bên, trên cửa có đôi câu đối Diêm Vương muốn vong hồn nhìn thấy. Cách một khoảng thời gian, nội dung câu đối sẽ thay đổi khác nhau. Khi vào tới điện Diêm Vương, vong hồn sẽ biến đổi diện mạo bình thường khi sống. Vì tiếp sau đó linh hồn sẽ vào điện Diêm Vương nhận thẩm tra và phán quyết, nếu mang diện mạo xấu xí khó coi tới trước mặt Diêm Vương là bất kính.
Thập điện Diêm Vương là mười tòa nhà cách nhau không xa. Theo Thánh Lăng tiên sinh, trước đây điện Diêm Vương là những cung điện kiến trúc kiểu cổ đại, giờ được chuyển đổi thành những tòa nhà cao tầng kiểu phương Tây. Quỷ sai cũng bắt đầu mặc comple, trang phục giống sứ giả âm gian như trong phim Thử thách Thần chết: Giữa hai thế giới. Trước đây, khi linh hồn tới điện Diêm Vương cũng giống như Kim Ja-hong, phải tới từng điện để chịu thẩm vấn, có tội sẽ bị đày tới địa ngục chịu hình phạt, không có tội sẽ trực tiếp chuyển tới tòa nhà khác cho tới khi chịu đủ thẩm vấn ở 10 điện. Hiện nay quá trình phát xét đã có thay đổi to lớn, vong hồn không còn phải chịu thẩm tra ở từng điện, mà chỉ cần tới thẩm vấn ở một điện là đủ. Nguyên nhân vì sinh mệnh ở trong một không gian nhất định đều đang chịu xét xử, những sinh mệnh chịu thẩm vấn ở âm gian rất nhiều, rất nhiều.
Diêm Vương và sổ sinh tử
Tục ngữ có câu, “trên đầu ba thước có Thần linh”, lại nói, “mắt Thần như tia chớp”. Thánh Lăng tiên sinh xác nhận quả đúng như vậy. Trên nhân gian có Thưởng Thiện ty, Phạt Ác ty, Tra Sát ty, còn có các quan tuần tra ngày đêm, ghi chép lại cuộc sống trước khi chết của mỗi người, bao gồm tất cả mọi hành vi, tâm tư nguyện vọng, mà những ghi chép này cuối cùng sẽ được giao vào tay của Phán Quan bên cạnh Diêm Vương, và trở thành một phần nội dung trong sổ sinh tử. Vì vậy, trong điện Diêm Vương, tài liệu để xử án rất phong phú.
Không chỉ bao gồm tất cả mọi ghi chép khi còn sống của một người, mà còn ghi lại kết quả xét xử trong điện Diêm Vương và sắp đặt chuyển thế. Tất cả những thứ này đều do Phán Quan ghi chép lại. Theo Thánh Lăng tiên sinh, trong tay Phán Quan có một chiếc bút thần, chiếc bút này là do Ngọc Hoàng đại đế giao cho Diêm Vương bảo quản, Diêm Vương lại giao cho Phán Quan, mà chỉ có chiếc bút này mới có thể ghi chép được trên sổ sinh tử.
Diêm Vương sẽ dựa vào nhân quả mấy kiếp của một người để phán xét và định đoạt người đó sẽ lên trời hưởng phúc, xuống địa ngục chịu khổ, hay đầu thai chuyển thế. Thánh Lăng tiên sinh còn nói, cụ thể thực tế việc chuyển sinh ra sao cũng đều do Phán Quan sắp xếp, sau khi viết trên sổ sinh tử, sẽ giao cho Diêm Vương phê chuẩn, khi xác nhận rồi thì có thể đóng dấu, hàm nghĩa rằng sổ sinh tử đã có hiệu lực, tương lai của người này đã được định đoạt.
Nhân quả ba đời tựa như vở kịch do chính ta viết nên
Ba kiếp của một người sẽ có một quyển sổ sinh tử, ba kiếp một lần sẽ chốt sổ, sau đó đổi sang một cuốn sổ sinh tử khác. Ví dụ, một người sau khi kết thúc kiếp thứ nhất, Diêm Vương sẽ dựa vào tình hình kiếp này của anh ta, để sắp xếp việc trả nợ, đòi nợ ở kiếp sau.
Ông lấy ví dụ, có người khi còn sống hô hào mọi người đầu tư sau đó lại ôm tiền chạy mất, có thể kiếp sau người này sẽ chuyển sinh thành lợn, sau đó những người chủ nợ này sẽ mua về ăn. Trước khi những người chủ nợ đem thịt lợn đi chế biến, thì linh hồn người đó vẫn có thể cảm nhận được nỗi đau về thể xác, đợi sau khi hoàn toàn bị nấu chín thì mới được giải thoát.
Còn những con chó cưng trong nhà, đa số là đến để đòi nợ, cả nhà ai cũng yêu thương cưng chiều nó, tốn rất nhiều tiền của, rồi dồn hết mọi tình cảm cho nó. Tuy nhiên, nó có thể chết sớm, khiến cả gia đình phải đau lòng.
Có những con chó lại đến báo ân, những con chó này rất biết canh giữ nhà cửa, thậm chí còn giúp chủ nhận những việc như cất giày, rất trung thành, mà những con chó đến báo ân này thường âm thầm lặng lẽ rời xa chủ nhân, cô quạnh chết một mình, không phiền chủ nhân phải lượm xác, tránh mắc nợ thêm chủ nhân.
Sau khi luân hồi ba kiếp kết thúc, Diêm Vương sẽ tổng hợp nhân quả của người đó, nếu như người đó ở nhân gian không trả hết được nợ nghiệp, sẽ phải xuống địa ngục chịu khổ. Thánh Lăng tiên sinh chia sẻ, tốt nhất là ở nhân gian có thể trả được bao nhiêu nợ thì trả hết, dù có khổ thế nào, chịu đựng một lúc là hết, còn cực khổ ở địa ngục, không chỉ hà khắc, mà thời gian chịu cực hình ít thì mấy trăm năm, nhiều thì thậm chí là hàng vạn năm, vô cùng đáng sợ.
Vì địa ngục rất đáng sợ, nên khi sắp xếp để một người chuyển sinh, đều cố hết sức để người đó có thể cắt đứt mọi nhân quả trên nhân gian, cuối cùng không phải chịu khổ cực nơi địa ngục nữa. Có người cả đời có nhiều quý nhân, là vì nhiều người đến báo ân; có người cả đời gặp nhiều tiểu nhân, là vì người đến đòi nợ nhiều. Vì vậy, nếu trong cuộc sống gặp phải một chút khó khăn, tốt nhất là cố gắng nhẫn nại, vì xoá nghiệp trả nợ ở trên nhân thế vốn dễ dàng hơn.
Người xưa thường nói, nhân sinh tựa như một vở kịch. Theo Thánh Lăng tiên sinh, nếu chúng ta coi cuốn sổ sinh tử như một cuốn kịch bản, có thể nói rằng, một người sẽ dựa vào ba kiếp để diễn một vở kịch, chỉ là, tác giả của kịch bản này không phải chỉ có Diêm Vương, cũng không phải chỉ có Phán quan, mà còn bao gồm cả bản thân mỗi người, kịch bản bây giờ của chúng ta được viết nên từ nhân quả kiếp trước, còn hiện tại của chúng ta thế nào sẽ viết nên kịch bản cho kiếp sau.
Còn có một chuyện thú vị rất đáng để nhắc tới, đó là mặc dù Phán Quan công việc bận rộn, nhưng họ cũng có những hoạt động giải trí. Thông thường, hoạt động giải trí ở âm phủ đa phần là cầm kỳ thư hoạ, điều thú vị là, Thánh Lăng tiên sinh nói bây giờ ở âm phủ cũng có thể xem tivi, nhưng không phải là những thước phim được quay bởi người âm phủ, mà là những câu chuyện về cuộc đời của một số nhân vật điển hình.
Kiên Đinh
Theo Epochtimes
Video: Câu chuyện luân hồi: Lấy trộm tiền chùa, thư sinh nghèo biến thành lừa trả nợ