Đại Kỷ Nguyên

Cao nhân nhìn thấu hết thảy chuyện thế gian

Mặc Tử là người nước Tống thời Chiến Quốc, từng đảm nhiệm chức đại phu nước Tống. Ông thường biên soạn trước tác các kinh điển, bên cạnh đó ông cũng đặc biệt cần mẫn với việc tu luyện theo phương thuật Đạo gia, đề xướng cần kiệm. Mặc Tử còn viết một bộ sách bao gồm 10 thiên gọi là “Mặc Tử”.

Mặc Tử nghe tin nước Sở muốn đánh Tống nên lòng lo đau đáu. Ông biết rõ quốc lực nước Tống thua xa nước Sở, nếu xảy ra chiến tranh, Tống ắt sẽ bị Sở chinh phục. Mặc Tử coi an nguy quốc gia là trọng trách của mình, quyết tâm đến nước Sở thuyết phục Sở Vương từ bỏ ý định đánh Tống. Trèo đèo lội suối suốt 7 ngày 7 đêm, cuối cùng ông cũng đến nước Sở, đồng thời gặp được Công Thâu Ban, một người thợ tài hoa chế tạo ra thang mây để tấn công thành.

Mặc Tử khuyên Công Thâu Ban rằng: “Ông đã chế tạo ra thang mây để Sở đánh Tống, nhưng nước Tống có tội lỗi gì? Nước Sở quốc thổ rộng lớn màu mỡ, bách tính nước Tống lại không có đủ đất cấy cày. Lấy cái thiếu của nước Tống để tăng thêm cho nước Sở vốn đã giàu có, đây chính là cách làm không thông minh. Nước Tống vô tội, các ông lại đi tấn công Tống, đây là cách làm bất nhân bất nghĩa. Các ông biết rõ việc làm này sai trái mà lại không khuyên can Sở Vương, vậy là các ông bất trung với Sở Vương. Khuyên can rồi mà không có hiệu lực, điều ấy nói rõ rằng thái độ các ông không kiên định, không có sức thuyết phục mạnh mẽ”.

Mặc Từ khuyên Công Thâu Ban nên cho dừng cuộc chiến này lại, vì nước Tống vô tội. (Ảnh: yoycart.com)

Công Thâu Ban cho rằng quyết định của Sở Vương không dễ gì thay đổi được, mà bản thân ông ta cũng từng kiến nghị tấn công nước Tống, lời đã nói ra rồi, muốn thu lại cũng rất khó khăn.

Mặc Tử nghe Công Thâu Ban giãi bày, trong lòng muốn dập tắt cuộc chiến chưa mở màn này, ông nghĩ ắt phải trực tiếp đến gặp Sở Vương mới có thể hóa giải được. Nhưng sau khi gặp được Sở Vương, ông không trực tiếp nói ra ý đồ của mình mà kể cho Sở Vương câu chuyện rằng:

“Hiện nay có một người như thế này, anh ta vứt bỏ cỗ xe ngựa hoa lệ của mình đi để lấy trộm cỗ xe rách của hàng xóm. Anh ta bỏ áo bào trang phục bằng gấm, lụa không mặc mà lại muốn lấy trộm cái áo cộc của hàng xóm. Anh ta bỏ thịt cá của nhà không ăn mà lại muốn ăn trộm cơm cám rau dại của nhà hàng xóm. Đại vương, ngài nói xem đây là người như thế nào?”.

Sở Vương nói: “Nếu thực sự có người như thế, ta thấy hắn nhất định là một kẻ điên”.

Mặc Tử nói: “Nước Sở có Hồ Bắc, Hồ Nam, có Vân Mộng Trạch với rất nhiều hươu nai, có Trường Giang, Hán Thủy với rất nhiều cá, rùa, là quốc gia giàu có nhất thiên hạ. Nước Tống ngay cả gà rừng, cá diếc và thỏ hoang cũng không có. Cái này cũng giống như so sánh giữa thịt cá và cám rau. Nước Sở có nhiều cây kỷ, dâu, tử và long não, mà nước Tống ngay cả cây cao mấy trượng cũng không có. Cái này cũng giống như so sánh áo bào trang phục gấm lụa với manh áo cộc. Thần nghe nói đại vương dự tính tấn công nước Tống, đó chẳng phải kẻ điên mà ngài nói đó ư?”.

Sở Vương nói: “Khanh nói chí phải. Nhưng Công Thâu Ban đã làm xong thang mây cho ta rồi, ông ta nói nhất định đánh chiếm được nước Tống”.

Mặc Tử thấy có thể xoay trở tình thế, bèn yêu cầu gặp Công Thâu Ban. Đợi Công Thâu Ban đến, Mặc Tử cởi bỏ áo và đai của mình rồi để lên bàn, giả thiết là đô thành nước Tống, cởi khăn búi tóc xuống giả làm binh sỹ và vũ khí bảo vệ thành nước Tống. Công Thâu Ban thấy tình huống này cũng không hề do dự cùng Mặc Tử so tài cao thấp. Ông ta dùng chiến thuật của mình, quần thảo với Mặc Tử trên bàn. Tổng cộng đã thay đổi 9 lần đều bị Mặc Tử ngăn chặn. Công Thâu Ban đã không còn kế sách gì nữa, trong khi sách lược phòng ngự của Mặc Tử vẫn còn thừa thãi có dư.

Công Thâu Ban và Mặc Tử dùng chiến thuật của mình để quần thảo với nhau 9 lần trên bàn, nhưng cả 9 lần Công Thâu Ban đều chịu thua Mặc Tử. (Ảnh: pinterest.com)

Công Thâu Ban nói: “Bây giờ tôi đã biết làm thế nào để công phá ông rồi, nhưng tôi không nói”.

Mặc Tử nói: “Tôi cũng biết ông sẽ dùng phương pháp gì công phá tôi, tôi cũng không nói”.

Sở Vương hỏi là việc gì, Mặc Tử nói: “Ý của Công Thâu Ban là chỉ cần giết thần đi thì nước Tống sẽ không giữ được. Nhưng ông ta không biết rằng Cầm Hoạt Ly là đệ tử của thần và 300 đệ tử đã đem vũ khí và chiến thuật giữ thành của thần đến đo thành nước Tống từ lâu rồi, đang chờ quân Sở tấn công đó. Nếu như giết thần rồi, vũ khí và chiến thuật phòng ngự của nước Tống vẫn còn, nước Sở cũng không thể giành thắng lợi được”.

Sở Vương nghe vậy đành phải thay đổi ý định, không tấn công nước Tống nữa.

Mặc Tử dùng đạo lý thuyết phục Sở Vương, dùng mô hình hiện trường khiến Công Thâu Ban kinh ngạc thất sắc. Mặc Tử  đối với quốc gia trung can nghĩa đảm, trí dũng song toàn. Một nhân tài kiệt xuất như thế, nhưng khi ở tuổi 82 lại cảm thán nói rằng: “Chuyện thế gian ta đều đã trải qua hết, cũng biết hết rồi. Phúc lộc, vinh dự và chức quan của một cá nhân chẳng thể vĩnh viễn bất biến, ta đã nhìn thấu hết thảy chuyện thế gian. Ta sẽ rời khỏi cõi trần hỗn tạp, đi theo Xích Tùng Tử tu luyện thôi”.

Sau đó Mặc Tử vào núi Chu Địch chuyên tâm dốc chí vào tu luyện Đạo thuật.

Theo “Thái Bình quảng ký”
Nam Phương biên dịch

Exit mobile version