Đại Kỷ Nguyên

Mẹ đón đứa trẻ bị down về làm em gái, con trai không chịu, 20 năm sau, anh hối hận kêu thấu trời xanh

Có những lúc cuộc sống ban tặng cho bạn những món quà vô giá, nhưng cái tôi trong bạn quá lớn để nhận ra cảm xúc thật của mình và biết trân trọng nó. Câu chuyện về tình yêu và sự mất mát dưới đây sẽ lấy đi của bạn không ít nước mắt… 

Từ khi sinh ra tôi đã sống trong vòng tay yêu thương của mẹ. Lớn lên một chút, tôi thường thắc mắc tại sao bạn bè đều có bố còn tôi thì không. Mẹ luôn nói bố tôi đi làm xa chưa về. Sau này khi lớn lên tôi mới biết rằng, bố đã mất trong một vụ tai nạn xe hơi khi tôi vừa mới chào đời. Nhà nghèo nên đôi tay chai sạn của mẹ phải đảm đương tất cả mọi việc, nhưng không khi nào bà khiến tôi cảm thấy thiếu tình thương của người cha. Ngày ấy, tôi chỉ hồn nhiên nghĩ rằng ông đi làm xa rồi một ngày sẽ về thăm tôi.

Năm tôi tròn mười tuổi, như thường lệ, tôi lẽo đẽo theo mẹ gánh hàng ra chợ bán thì bắt gặp một nhóm trẻ con đường phố đang trêu chọc một cô bé. Thấy vậy, mẹ tôi vội đặt gánh hàng xuống đất và chạy lại đuổi bọn trẻ đi. Khi mẹ tôi đến gần, bọn trẻ nhanh chóng chạy đi nhưng vẫn cười lớn nói vọng lại: “Con bé đó bị thiểu năng trí tuệ, ha ha, ai mà muốn nuôi nó kia chứ” .

Mẹ tôi cúi xuống, đưa tay vén những sợi tóc lòa xòa trên gương mặt lấm lem bùn đất của em rồi nói: “Ai bỏ con ở đây vậy, về nhà cùng cô nhé!”. Cô bé dường như vẫn ngơ ngác, pha chút lẫn sợ hãi và không nói gì.

Trông bộ dạng của em lúc đó thật đáng thương: đôi chân trần lấm bẩn, quần áo nhem nhuốc rách rưới, thân hình đen nhẻm gầy guộc như bị bỏ đói lâu ngày. Hỏi gì em cũng tròn xoe mắt nhìn chúng tôi và nói những câu ú ớ khó hiểu. Quay sang mẹ, tôi thấy khóe mắt bà rưng rưng. Bà đem phần cơm chúng tôi mang theo đưa cho em. Vì đã rất đói, cô bé ăn nhanh đến nỗi khiến mẹ tôi lo lắng: “Từ từ thôi nào con gái, không sẽ mắc nghẹn đấy”.

Sau đó cô bé theo chúng tôi về nhà. Em được mẹ cắt tóc, tắm rửa rồi mặc bộ quần áo rộng thùng thình của tôi. Mẹ nói với tôi rằng từ hôm nay tôi sẽ chính thức có em gái nuôi tên là Nhi Linh – gần giống cái tên Nhi Minh của tôi.

Khá sững sờ với quyết định đột ngột này, tôi hờn dỗi bảo mẹ rằng tôi không muốn có một cô em gái như thế. Tại sao mẹ lại đem em ấy về, điều đó sẽ khiến dân làng chê cười chúng tôi.

Mẹ nhẹ nhàng xoa đầu tôi cười bảo: “Nếu chúng ta không dẫn em ấy về chăm sóc, em ấy sẽ chết đói con trai ạ, chúng ta không nên làm như thế!”

Nhi Linh ngờ nghệch không hiểu chúng tôi nói gì chỉ đưa mắt nhìn hết mẹ đến tôi. 

Sau vài tháng Nhi Linh ở cùng với chúng tôi, mẹ thấy tình hình của em không mấy khả quan nên mời thầy thuốc về chạy chữa. Sau khi thăm khám, bác sĩ chỉ lắc đầu bảo Nhi Linh bị bệnh tự kỷ, em ấy chỉ có thể suy nghĩ như một đứa trẻ 3 tuổi. Cách duy nhất giúp được em là mọi người hãy yêu thương và nói chuyện với em nhiều hơn.

Kể từ ngày đó, mẹ tôi trò chuyện cùng Nhi Linh bất cứ lúc nào bà ở bên cạnh em, từ khi em mở mắt cho đến lúc chìm vào giấc ngủ. Mẹ còn bảo tôi phải nói chuyện với em gái ít nhất một trăm câu mỗi ngày và yêu cầu tôi dẫn Nhi Linh ra chơi cùng bạn bè.

Tôi rất ghét Nhi Linh, tôi luôn trách mẹ tại sao phải khiến tôi bị xấu hổ với mọi người. Tôi rủa thầm mình có điên mới thèm nói chuyện với một đứa trẻ như thế. Khi ra ngoài chơi Nhi Linh bị bạn bè trêu ghẹo, tôi chỉ đứng xa nhìn và không muốn giúp đỡ gì cả. Tôi cũng không muốn chơi cùng Nhi Linh nên em chỉ lủi thủi một mình. Tôi không sợ mẹ phát hiện vì thừa hiểu Nhi Linh ngốc nghếch không biết làm thế nào để kể lại cho mẹ được.

Năm Nhi Linh lên 8 tuổi, mẹ bảo tôi dắt Nhi Linh đi học. Tôi khóc lóc nói rằng thà không đến trường nữa còn hơn là phải đi học cùng với một đứa em gái như thế. Mẹ không còn cách nào nên đành để Nhi Linh ở nhà. Và thế là cả ngày trong khi tôi đi học, thì Nhi Linh ngoan ngoãn, vui vẻ một mình cầm chiếc que gỗ vạch vạch vẽ vẽ trên nền đất ngoài sân.

Thời gian thấm thoắt qua đi, Nhi Linh giờ đã lớn hơn trước, có thể phụ mẹ tôi làm việc đồng áng và một số việc nhà đơn giản. Năm ấy, tôi được giấy báo trúng tuyển đại học nên phải thu xếp lên đường. Tôi vui sướng như một con chim được thoát khỏi cảnh tù ngục, được tung bay vẫy vùng vì sẽ không bị xấu hổ bởi Nhi Linh nữa.

Rồi một ngày…

Tôi nhớ như in khoảnh khắc ấy, đó là một ngày mùa hè, tôi được nghỉ phép về thăm gia đình. Đến cổng nhà, Nhi Linh mừng rỡ gọi: “Anh, anh… anh về về, mẹ, mẹ”.

Tôi không nhìn Nhi Linh, chỉ đi nhanh vào trong gặp mẹ. Mẹ tôi đang nằm trên giường, gương mặt xanh xao đưa mắt nhìn tôi cười yếu ớt. Bà đã bị liệt hơn 3 tháng nay sau một cơn đột quỵ nhưng không ai báo cho tôi biết tin để tôi an tâm hoàn thành kỳ thi.

Cầm đôi tay gầy guộc, tôi vuốt tóc mẹ nghẹn ngào: “Mẹ ơi, mẹ sao vậy, sao mẹ không báo cho con sớm hơn!”

Mẹ kể Nhi Linh là người đưa mẹ đi bệnh viện và chăm sóc mẹ trong suốt khoảng thời gian đó. Vì viện phí quá đắt đỏ nên mẹ nằm điều trị tại bệnh viện được vài tuần thì xin về nhà. Hàng ngày Nhi Linh đều phải vượt hơn 10 dặm đưa mẹ đến bệnh viện khám rồi lại quay trở về.

Mẹ chỉ cho tôi xem chiếc xe kéo bên cạnh mà Nhi Linh tự chế để đưa mẹ tới viện. Chiếc xe chỉ gồm một tấm phản có gắn hai bánh xe gỗ được kéo đi bằng dây thừng.

Bất giác, một cảm giác đau xót tội lỗi trào dâng trong lòng khi tôi thấy vệt máu khô vương lại trên sợi dây. Lúc này, nước mắt rưng rưng, tôi nhìn sang Nhi Linh: “ Nhi Linh à, em làm vậy có đau không?”

Tôi chợt nhận ra, chưa bao giờ tôi tỏ ra tử tế và thương yêu Nhi Linh nhưng cũng chưa một lần em giận dữ mà luôn tìm cách để được chơi cùng tôi. Nghe tôi hỏi, Nhi Linh chỉ xua tay nói lắp bắp: “ Không…không đau. Chỉ… chỉ cần mẹ khỏi bệnh là… là Nhi Linh không sao cả”.

Hôm sau, tôi cùng Nhi Linh đưa mẹ đến bệnh viện tái khám. Tôi kéo mẹ đi được một phần tư chặng đường đã thấy rã rời không bước tiếp được nữa. Nhi Linh nhanh nhảu chạy ra thay tôi kéo mẹ đi, em đi như bay mà không hề than phiền hay cảm thấy mệt mỏi. Vừa đi Nhi Linh vừa luôn trò chuyện cùng mẹ như cái cách mà mẹ đã từng trò chuyện cùng Nhi Linh: “Chúng, chúng ta đã đã qua con con kênh rồi, giờ lại đến đến cây cầu. Mẹ, mẹ nhắm mắt lại đi nguy hiểm, nguy hiểm….A, cây xanh có có bông nở rộ đằng kia rồi, gần gần đến bệnh viện rồi… Mẹ mẹ ơi, đến đến rồi, nhanh bỏ dép ra rồi chúng ta vào thôi…”

Sau khi đưa mẹ từ bệnh viện về, Nhi Linh dìu mẹ lên giường rồi nhanh chóng vào phòng khóa trái cửa lại. Tôi thắc mắc thì mẹ trả lời: “Nhi Linh đang làm việc để kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ đấy. Em ấy đã trả được 3.000 nhân dân tệ rồi nhưng còn thiếu…”.

Mẹ còn giải thích rằng, một nhà máy thêu cần tìm người thiết kế giỏi, tình cờ họ thấy Nhi Linh đang vẽ trên nền đất trong lúc chờ mẹ khám bệnh nên đã mời Nhi Linh về thiết kế cho họ. Họ trả Nhi Linh 10 nhân dân tệ cho mỗi mẫu thiết kế nhưng Nhi Linh bảo em có thể làm hơn thế, đến 10 mẫu thiết kế 1 ngày.

Tôi để ý thấy Nhi Linh cầm bút chì màu tô tô vẽ vẽ lên tờ giấy trắng giống như lúc nhỏ em cầm que gỗ vẽ trên nền đất, dù Nhi Linh bé nhỏ tội nghiệp còn chưa biết cách cầm bút chính xác như thế nào. Bỗng nhiên, tôi hối hận khi chợt nhận ra rằng ngay cả việc cầm bút, tôi cũng chưa từng dạy em.

Tâm trạng ngổn ngang, tôi lên đường trở lại nhập học. Và một mùa thi nữa đi qua, năm cuối đại học tôi trở về nhà. Không muốn làm mẹ buồn nên tôi cầm tay mẹ, cố ngăn những giọt nước mắt: “Mẹ à, nhà ta quá nghèo, con không muốn tốn tiền đi học đại học thêm nữa. Con không an lòng khi để Nhi Linh một mình chăm sóc mẹ. Mẹ cho con xin nghỉ học…”

Mẹ lặng người nhìn tôi xót xa. Nhi Linh bé nhỏ xua xua đôi tay đen nhẻm gầy guộc chạy vào phòng nhanh chóng lấy ra một xấp hóa đơn bệnh viện cùng một cái túi nhỏ rồi nói: “Mẹ… mẹ, đây đây, tiền viện. Anh… đây đây… tiền học, tiền học, em còn có có thể nhiều hơn thế.”

Tôi run run ôm Nhi Linh vỡ òa: “Nhi Linh, anh thật không tốt với em, anh xin lỗi Nhi Linh.”

Ngày tôi tốt nghiệp đại học cũng là lúc tôi hay tin mẹ qua đời. Ngay lập tức tôi nhanh chóng đặt vé tàu về quê, nhưng thật không may hôm ấy trời xảy ra cơn bão lớn, tuyết rơi trắng xóa khiến hàng ngàn người bị mắc kẹt tại ga. Đến mười ngày sau tôi mới bắt được chuyến xe đầu tiên trở về quê. Lòng tôi nóng như lửa đốt chỉ mong được nhìn thấy mẹ lần cuối, tôi gọi cho Nhi Linh rất nhiều nhưng không ai bắt máy. Ban đầu, tôi thật sự lo lắng nhưng sau đó thì tức giận: “Nhi Linh ơi Nhi Linh, em đang ở đâu trên trái đất này vậy hả!”


….
Một đám đông đang đứng trước nhà tôi, thấy tôi đến mọi người đều lặng yên tản ra hai bên nhường chỗ. Trước mặt tôi là một thi thể lạnh ngắt được phủ khăn trắng toát, tôi từ từ kéo xuống nhưng… đây là Nhi Linh còn… mẹ tôi đâu rồi. Tim tôi như chết lặng, một không khí yên ắng bao trùm.

Một người hàng xóm nhẹ nhàng đến an ủi tôi và nói: “Kể từ lúc mẹ cháu qua đời, Nhi Linh đã quỳ xuống bên cạnh quan tài gọi mẹ không ngớt, em nói rằng em muốn đưa mẹ đi bệnh viện. Vì chờ cháu quá lâu nên bảy ngày sau đó mọi người giúp đưa mẹ cháu đi chôn. Đêm ấy, tuyết rơi dày đặc, không ai biết Nhi Linh đã lặng lẽ dậy vào giữa đêm và lấy tất cả chăn màn đến phủ lên mộ mẹ nhưng không che chắn cho mình mà lại ngồi lại dưới một gốc cây bên cạnh. Sáng hôm sau, khi mọi người phát hiện ra thì Nhi Linh đã qua đời…”

Sau khi nghe điều đó, tôi như không còn thấy gì nữa ngoài bóng tối bao trùm xung quanh…

Tôi không biết mình đã ngồi ở đấy bao lâu, tôi chỉ nhớ, vào lúc đó, những chuyện đã xảy ra bao nhiêu năm qua bỗng dưng hiện về trước mắt tôi như một thước phim ngắn. Tôi nhớ giây phút lần đầu gặp Nhi Linh khi em đang bị bắt nạt, những gánh hàng của mẹ đã nuôi tôi khôn lớn, những ngày tôi đi học và bỏ lại Nhi Linh ở nhà, tôi nhớ nụ cười ngờ nghệch mà trong sáng của em đáp lại mẹ mỗi khi mẹ chăm sóc em, tôi nhớ những lần nhìn thấy em bị bọn trẻ con giễu cợt mà tôi thì giả vờ như không quen biết, tôi nhớ chiếc xe em làm để chở mẹ đi bệnh viện, và vết máu trên đôi tay phồng rộp của em… Mọi thứ hiện ra hỗn độn nhưng rõ ràng, để lại trong lòng tôi một cảm giác nuối tiếc và hối hận khôn tả. Tôi ước thời gian quay trở lại. Tôi sẽ giúp đỡ mẹ nhiều hơn, tôi sẽ cùng mẹ chăm sóc Nhi Linh, tôi sẽ không để cho ai bắt nạt em nữa, tôi cũng sẽ không để mẹ phải vất vả một mình kiếm tiền… Tôi ước…

Nhưng tôi biết, tất cả đã quá muộn.

Giờ chỉ còn một mình tôi trên cõi đời này, cùng với sự hối hận và một bài học cay đắng cho sự ích kỷ của mình. Tôi đã không nhận ra giá trị của những gì mình đã có, cho đến khi hoàn toàn mất tất cả…

 

Exit mobile version