Đại Kỷ Nguyên

Câu chuyện “chữ hiếu” đằng sau việc con trai để mẹ già ngồi trong cốp xe

Mới đây, tại Trung Quốc có lan truyền bức ảnh một cụ bà ngồi co rúc trong cốp sau của chiếc xe ô tô SUV. Bức ảnh này khiến rất nhiều cư dân mạng cảm thấy tức giận và phẫn nộ. Lúc đó, con trai, con dâu và một đứa cháu trai 4 tuổi của bà đều ngồi ở hai hàng ghế của xe. Nguyên nhân đơn giản là vì cháu trai buồn ngủ mà ghế thì quá nhỏ, cho nên người con trai đã để người mẹ già của mình ngồi vào trong cốp xe. Cư dân mạng sau khi chứng kiến bức ảnh này đều phẫn nộ thậm chí ra sức trách mắng: “Đứa con bất hiếu! Đồ súc sinh! Không bằng loài cầm thú!”

Truyền thông Trung Quốc đưa tin: Ngày 20/9 cảnh sát Hồ Bắc đã tiến hành kiểm tra chiếc xe SUV và đã phát hiện một cụ bà ngồi co rúc trong cốp sau của xe.

Ban đầu, cảnh sát rất hoảng hốt vì họ tưởng rằng đây là một vụ bắt cóc, do đó họ đã tiến hành tạm giữ đối với đôi vợ chồng trẻ ngồi phía trước xe và tách họ ra để xét hỏi.

Qua xét hỏi mới biết được, người mẹ trên đã dùng số tiền tiết kiệm dưỡng già của mình để mua chiếc xe ô tô SUV này cho người con trai. Cả nhà họ đang trên đường đến Vũ Hán để du ngoạn. Trên đường đi vì cháu trai muốn giành hết hàng ghế sau để nằm ngủ nên người con trai đã để mẹ của mình ngồi vào cốp sau xe.

Bà cụ vì lo lắng con trai bị phạt nên đã không ngừng cầu xin cảnh sát: “Tôi ngồi trong cốp xe rất thoải mái, xin đừng gây khó dễ cho con trai tôi.”

Bức ảnh và câu chuyện trên khiến cư dân mạng vô cùng phẫn nộ. Sau khi được đăng tải trên mạng Trung Quốc đã có 17.563 lượt chia sẻ và 11.300 ý kiến bình luận trong chưa đầy một giờ. Cư dân mạng phần đông đều bình luận: ” Đứa con bất hiếu!” “Thật quá đáng!”

“Tan nát cõi lòng, một đứa con bất hiếu!”

“Trong tâm thật là khổ sở!”

“Nuôi con để có người dưỡng già nhưng đã vô dụng rồi!”

“Đứa con trai không ra gì, con dâu cũng thế! Sau này đứa con trai cũng đối xử như thế với họ!”

“Có đứa con trai như vậy thì sẽ có đứa cháu trai như vậy!”

“Đứa con bất hiếu! Thật đáng thương tấm lòng cha mẹ!”

“Đôi vợ chồng này làm vậy là giáo dục lệch đứa con, lời nói và việc làm đều phải mẫu mực, nếu không mọi lời dạy dỗ đều thành sai đấy”

“Nuôi công không rồi! Giờ khắc này có nói gì cũng đều là dư thừa, mình không phải là người như vậy, con của mình tuyệt đối cũng không cho phép làm người như vậy!’

Cũng có ý kiến cho rằng việc bà lão cầu xin cảnh sát thể hiện ra là bà rất cưng chiều con trai và cháu trai.

“Mẹ nuông chiều quá thì con hư, thật đau buồn! Có vợ mà quên mẹ đẻ cũng đau lòng!’

“Bà đã nuôi dưỡng thành một đứa con bất hiếu, xe của bà mà con trai và con dâu còn đối xử với bà như vậy. Chúng thật không bằng súc sinh! Tương lai cháu của bà rồi cũng sẽ đối xử như thế với con trai và con dâu bà thôi!”

“Cả nhà chiều theo ý một đứa trẻ, không có nguyên tắc gì, đây là thất bại đầu tiên trong giáo dục!”

Thật đúng là một tiếng thở dài! Đáng suy nghĩ sâu xa!”

‘Làm cha mẹ luôn luôn đặt con ở vị trí số một, đây không chỉ là sự trả giá cho việc vô nguyên tắc mà cuối cùng còn làm hại cả mình và con trai mình. Một người không hiểu hiếu kính cha mẹ, là một người thiếu thốn tu dưỡng đạo đức. Hơn nữa đây còn là mua xe bằng tiền của mẹ, sau lại không cảm kích mà tôn kính hiếu kính mẹ của mình, hành vi này thật là đáng trách. Tôi muốn hỏi: khi bạn cởi bỏ y phục của bạn, dứt bỏ hết những thứ cha mẹ cho bạn rồi, thì bạn còn thừa lại cái gì? Bạn có cuộc sống tốt đẹp đều là cha mẹ cho đấy, vậy mà thứ bạn có lại là tấm lòng xấu xa.”

“Không cần giải thích gì thêm nữa, những công dân kia đều phải nên tự xem xét lại bản thân mình.”

“Hết thảy những tức giận, chỉ trích đều để lộ ra đây là một cách dưỡng dục hình thức của một gia đình và của cả dân tộc.”

Mọi người đều biết, Trung Quốc có câu cổ ngữ “bách thiện hiếu vi tiên”, ý nói rằng hiếu kính cha mẹ là đứng đầu trong tất cả đạo đức tốt đẹp của con người, nếu như bất hiếu với cha mẹ thì đạo trời khó tha.

Hãy cùng xem người xưa hiếu kính với cha mẹ mình như thế nào nhé!

Người con hiếu thảo cảm động trời.

Vua Thuấn là một vị vua huyền thoại thời Trung Quốc cổ đại. Tương truyền rằng cha của ông là Cổ Tẩu, mẹ kế và người em trai cùng cha khác mẹ đã nhiều lần muốn hại chết ông. Có lần ông sửa chữa mái nhà kho, khi ông vừa leo lên đỉnh thì ở dưới cha và em lập tức phóng hỏa và còn đem thang cất đi nhưng ông đã dùng hai chiếc mũ rộng vành để nhảy xuống và thoát chết. Một lần khác, người cha sai ông đi đào giếng, khi ông đã ở dưới giếng sâu thì ở trên mặt đất cha và người em lấp đất đá xuống. Ông đã nhanh trí đào một cái ngách bên cạnh và thoát chết. Mặc dù người thân đã làm ra đủ loại sự tình khiến ông thiếu chút nữa bị chết, nhưng ông lại không hề mang hận trong lòng mà vẫn kính cẩn nghe lời cha mẹ, yêu thương các em. Vì vậy mà lòng hiếu thảo của ông đã làm cảm động thượng đế và vạn vật, phúc khí liền kéo tới. Khi ông đi cày ở Lịch Sơn thì con voi thay ông cày ruộng, con chim làm cỏ giúp ông. Vua Nghiêu nghe nói ông vô cùng hiếu thuận, có tài xử lý chính sự, liền đưa hai cô con gái là Nga Hoàng và Nữ Anh để gả cho ông. Trải qua nhiều năm quan sát và khảo nghiệm, vua Nghiêu đã cho ông làm người thừa kế của mình. Sau khi lên làm vua, ông vẫn không quên công ơn nuôi dưỡng, và hiếu kính cha mẹ.

Người con nếm thuốc cho mẹ

Hán Văn Đế Lưu Hằng là con thứ ba của Hán cao tổ. Ông là người con nổi danh khắp thiên hạ về lòng hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ. Mẹ ông đau ốm suốt ba năm liền, ông thường thường thức trắng đêm trông nom mẹ, mỗi lần ngự y dâng thuốc, ông đều đỡ lấy mà nếm trước rồi mới yên tâm cho mẹ uống. Trong 24 năm ông làm vua, luôn trọng đức, coi trọng lễ nghĩa, chú trọng phát triển nông nghiệp, khiến xã hội Tây Hán ổn định, cuộc sống người dân thịnh vượng, kinh tế phát triển.

Cõng mẹ chạy nạn

Giang Cách là người Lâm Tri, thời Đông Hán. Từ nhỏ đã không còn cha, ông phụng dưỡng mẹ vô cùng hiếu thuận. Thời chiến loạn, Giang Cách cõng mẹ chạy nạn, mấy lần gặp trộm cướp, kẻ cướp muốn giết chết ông, Giang Cách đều khóc và cầu xin: “Mẹ ta tuổi già, nếu ta chết sẽ không có người phụng dưỡng”. Kẻ cướp thấy ông hiếu thuận như vậy không đành lòng giết nữa. Sau này, ông chuyển tới Hạ Bì, Giang Tô sinh sống, làm thuê nuôi dưỡng mẹ. Bản thân ông nghèo khổ đi chân trần nhưng phụng dưỡng mẹ không thiếu thứ gì.

Chôn con để phụng dưỡng mẹ

Quách Cự là người Long Lự, triều đại nhà Tấn (nay là Hà Nam), vốn là con nhà giàu có. Sau khi cha mất, ông phân chia hết gia sản làm hai phần, cho hai người em còn tự mình phụng dưỡng mẹ vô cùng hiếu thuận. Về sau gia cảnh của ông dần dần nghèo khó, khi hai vợ chồng ông sinh được một bé trai, vì không đủ ăn nên Quách Cự lo lắng. Ông thầm nghĩ nuôi dưỡng con tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến phụng dưỡng mẹ. Ông liền trao đổi với vợ: “Con sau này có thể lại sinh được nhưng mẹ chết rồi thì không thể phục sinh, chi bằng chúng ta chôn kỹ con trai lại tiết kiệm được chút lương thực nuôi mẹ”. Lúc hai vợ chồng đào hố để chôn con, đào đến độ sâu hai thước thì chợt nhìn thấy có một hũ vàng, trên hũ có ghi “Trời ban Quách Cự, quan không được lấy, dân không được đoạt”. Vợ chồng Quách Cự có được vàng rồi sau này vừa có thể hiếu kính với mẹ lại vừa nuôi dưỡng được con trai.

Quạt mát gối, sưởi ấm chăn cho cha

Hoàng Hương là người An Lục, Giang Hạ, Đông Hán, năm chín tuổi mất mẹ, phụng dưỡng cha rất hiếu thuận. Mùa đông Hoàng Hương thường nằm sưởi ấm chăn chiếu để khi cha nằm cho đỡ rét, mùa hè lại quạt màn, gối cho mát để cha nằm nghỉ. Nhờ đó mà người cha được ăn ngon ngủ yên, gần như quanh năm quanh năm vui vẻ không biết cái giá rét của mùa đông và cái nóng bức mùa hè. Mặc dù mới chín tuổi nhưng Hoàng Hương đã hiểu đạo hiếu kính cha mẹ khiến người dân khắp nơi trong vùng đều ca ngợi.

Nằm băng bắt cá cho mẹ kế ăn

Vương Tường là người Lang Gia, mồ côi mẹ từ nhỏ. Mẹ kế ông là Chu Thị nhiều lần nói những lời không đúng về ông ngay trước mặt cha ông, khiến ông mất đi tình thương của cha. Khi cha mẹ bệnh nặng, ông phụng dưỡng cực nhọc không quản ngày đêm. Mùa đông nước đóng băng nhưng mẹ kế muốn ăn cá chép tươi, ông liền cởi trần nằm trên băng, nhờ hơi ấm của thân thể mà băng từ từ nứt ra, bỗng nhiên hai con cá chép nhảy lên, ông bắt về làm món ăn cho mẹ kế. Mẹ kế sau khi ăn xong, quả nhiên khỏi bệnh. Từ đó về sau hai người đều yêu thương Vương Tường. Vương Tường sau này đi theo huyện lệnh Ôn huyện làm đại ti nông, ti không, thái úy.

Hiếu thuận với cha mẹ là gốc rễ của làm người, đừng đợi đến lúc “Con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ không còn”, đến lúc đó thì đã hối tiếc không kịp nữa rồi!

Theo NTDTV

Mai Trà biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version