Đại Kỷ Nguyên

Câu chuyện cuộc đời: Tâm sự về con đường đi tìm đạo của một tiến sĩ trẻ CNTT

Mỗi sáng sớm, anh Tài và những học viên Pháp Luân Công khác đến công viên cùng nhau luyện các bài công pháp và giới thiệu đến những ai quan tâm.

Ban chuyên mục Đời sống Thời báo Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu đến quý độc giả loạt bài “Câu chuyện cuộc đời” kể về những con người đến từ khắp nơi trên mọi miền đất nước. Họ có thể là một giáo sư, tiến sĩ, một bác sĩ, một doanh nhân hay một anh công nhân, chị nông dân, em học sinh sinh viên, v.v. Mỗi người với thân phận, giai tầng, nghề nghiệp và hoàn cảnh khác nhau, nhưng sâu thẳm từ trong tiềm thức vẫn luôn đau đáu một nỗi khát khao được tìm về với chân lý và ý nghĩa nhân sinh vốn có của đời người.

Tâm sự về con đường đi tìm đạo của một tiến sĩ trẻ CNTT

Nhân sinh quan đối với rất nhiều người là điều thật mơ hồ và mênh mông. Đôi lúc con người chỉ còn biết quay cuồng với nhịp sống hối hả của thời đại mà không có thời gian để suy nghĩ về những giá trị thực và bền vững trong cuộc sống này là gì. Dòng đời lặng lẽ trôi, con người vẫn cứ mơ hồ như những kẻ mộng du lãng tử, vô định …

Như tâm sự của anh Nguyễn Đức Tài, người đã bảo vệ luận án tiến sĩ công nghệ thông tin tại Nga vào năm 2009. Trước đây, anh rất thích nghe những bài hát mang tính triết lý Phật giáo của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Anh chia sẻ rằng những bài hát như thế rất tự nhiên hòa hợp với cảm xúc về nhân sinh quan của mình nên anh tự phát sinh cảm mến. Ngoài ra anh cho biết, những bài hát đó cũng rất phù hợp với tư duy của anh về cuộc sống mặc dù tất nhiên là nó cũng rất mênh mông và mơ hồ…

Sau đó, anh đã thử đi tìm chân lý  trong các cuốn sách giải thích về vũ trụ thông qua các khoa học hiện đại như vật lý và lượng tử… Anh muốn tìm hiểu vũ trụ qua các sách như “Lược sử thời gian”, “Lý thuyết dây”,…

Nhưng những điều viết trong các tài liệu này không thật sự giải thích vũ trụ chân thực như thế nào, rất khó mà lý giải một cách thuyết phục được. Sau đó anh đọc sách nói về tương quan giữa vật lý hiện đại và các đạo học phương Đông, đặc biệt cuốn “Đạo của vật lý” của giáo sư vật lý Fritjof Capra. Cuốn sách thật sự lôi cuốn anh vì nó có thể nói lên sự tương đồng giữa vật lý hiện đại và những hiểu biết của các bậc Đạo gia và Phật gia vốn đã ngộ ra từ rất lâu trước đây.

Tiếp tục đi sâu hơn trên con đường tìm kiếm, anh đến với những cuốn sách của Phật giáo, trong đó có cả Thiền tông và các sách như Kinh Dịch,… Tuy nhiên, tất cả đều khiến anh cảm thấy thất vọng vì không có giáo lý nào, lý thuyết nào nói rõ được cho anh biết vũ trụ này thật sự như thế nào, chúng chỉ là nói lòng vòng bề mặt mà không đi vào thực chất.

Đến sau này trong một lần tình cờ, anh đọc được cuốn Chuyển Pháp Luân (cuốn sách chỉ đạo tu luyện của Pháp Luân Công hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu luyện khí công Phật gia cổ xưa được ông Lý Hồng Chí truyền dạy ra công chúng từ năm 1992, đến nay đã được phổ biến rộng rãi trên 114 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cuốn Chuyển Pháp Luân cũng được dịch ra 40 ngôn ngữ khác nhau). Đến lúc này, hầu hết các câu hỏi cơ bản của anh trước đây về bí ẩn nhân sinh và vũ trụ đều được giải đáp. Anh chia sẻ: “Chuyển Pháp Luân thật sự là một cuốn sách thần kỳ! Tôi tự hỏi tại sao đến bấy giờ tôi mới tìm thấy cuốn sách đó, sau này tu luyện và thực hành theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn mà Pháp Luân Công dạy một thời gian tôi mới hiểu những điều này là vì sao…”

Mỗi ngày, anh Tài đều đọc cuốn Chuyển Pháp Luân – cuốn sách chính chỉ đạo tu luyện Pháp Luân Công.

Anh kể tiếp: “Trước đây tôi là người vô thần, cũng từng tranh luận với người có tín ngưỡng bên Tin Lành, tâm tranh đấu mạnh mẽ với suy nghĩ rằng điều mình biết là đúng rồi. Sau này đọc các sách khác nhau rồi tu luyện, tôi biết rằng chư Thần, chư Phật thật sự tồn tại, và vũ trụ là vô cùng phức tạp với vô lượng chúng sinh mà mắt thường không thấy. Đó chưa kể đến những vật chất thật sự tồn tại mà khoa học thực chứng tìm ra như các loại sóng điện,… mà mắt thường cũng không thấy được, tất cả đều có sự sống và quan hệ rất phức tạp. Con người thật sự nhỏ bé, nông cạn và mê mờ trong vũ trụ bao la và đầy bí ẩn. Hai nhà khoa học vĩ đại là Einstein và Newton đều tin rằng có một Sáng thế chủ tạo ra vũ trụ, tôi không biết những người khác nghĩ gì về điều này?”

Ngoài ra, anh còn kể rằng có lẽ vì anh thuộc mạng Mộc, ứng với cảm xúc nóng giận nên trước đây tâm tính của anh cũng rất thất thường, khó kềm chế được cơn bộc phát. Nói thẳng ra là anh rất nóng tính. Anh hay nhìn người khác và phán xét họ. Sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tâm nóng giận của anh đã bớt đi rất nhiều. Dần dần, tâm tính anh bình ổn hơn, làm chủ được bản thân hơn. Anh cũng thôi không phán xét người khác nữa dù là trong ý nghĩ. Anh nói: “Khi có ý nghĩ phán xét người khác, tôi biết rằng ý nghĩ đó là không tốt và mình nên bỏ nó đi, vì nó không có gì là tốt cả. Tôi cũng nhớ Sư phụ có giảng về việc nên nghĩ đến cái tốt của người khác nhiều hơn là cái xấu của họ. Khi tôi không còn phán xét người khác, tôi cũng cảm thấy nhẹ nhõm và dễ hoà hợp với mọi người hơn.”

“Pháp Luân Đại Pháp với nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn thật sự đã giúp tôi biết cách tự thay đổi mình thay vì muốn đi thay đổi người khác. Sách Chuyển Pháp Luân thật sự có thể làm được điều này, nếu tôi vẫn tiếp tục đọc nó. Thường thì tôi cảm thấy rằng “non sông dễ đổi, bản tính khó dời”, thay đổi tính cách là việc rất khó làm đối với đa số mọi người, tuy nhiên đối với Đại Pháp Chân-Thiện-Nhẫn thì tôi cảm thấy rằng điều này là hoàn toàn có thể làm được.”

Anh kể rằng trước đây anh sống khá ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình. Sau khi tu luyện, anh dần dần bỏ bớt tính xấu này, tuy chưa hoàn toàn bỏ hết được, nhưng anh đã biết nghĩ đến người khác nhiều hơn. Đặc biệt là anh đã biết nghĩ cho vợ mình nhiều hơn và do đó môi trường gia đình cũng có sự thay đổi tích cực. Anh chia sẻ “Bây giờ chúng tôi thấy hiểu nhau hơn và ít tranh cãi hơn trước đây. Cô ấy cũng thay đổi tốt hơn lên. Trước  đây tôi cũng thường hay hơn thua với người khác trong việc tranh luận đúng sai, sau này tôi cảm thấy điều đó thật ra không quan trọng. Tôi xem nhẹ nó hơn, vì đó cũng là vấn đề quá nhấn mạnh tự ngã của bản thân, điều đó đối với tu luyện của chính mình là không tốt. Đối với người khác cũng là không tốt.”

Anh cũng xem nhẹ lợi ích vật chất hơn trước đây. Một lần khi chủ nhà trọ đơn phương chấm dứt hợp đồng vì muốn bán nhà. Mẹ vợ anh đã giới thiệu người mua nhà cho bà chủ phòng trọ. Về phần mình, khi anh kiên quyết không nhận tiền đền bù và tiền hoa hồng, bà chủ nhà trọ đã rất ngạc nhiên và xúc động vì thật hiếm khi gặp một người như thế trong xã hội thời nay.

Nói về thiền định trong khi tu luyện, anh cho rằng điều này giúp ích được rất nhiều, khiến anh có được trí huệ minh mẫn khi làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Rất nhiều khi các giải pháp cho công việc đã được nghĩ ra sau khi thiền định. Điều này đối với khoa học mà nói thật là khó có thể lý giải. Nhưng theo anh thì “cũng không khó giải thích, thường thì khi thiền định, đầu não tĩnh lại, theo giải thích của các khoa học gia thì giống như cảm giác các nơ-ron thần kinh được ‘sắp xếp’ ổn định lại, lúc tĩnh lặng như vậy thì nhìn vấn đề thấy rõ ràng hơn.”

Tâm sự về môn tu luyện mà mình đang thực hành, anh nói “Tôi cảm nhận rõ một điều là những lợi ích mà Chân Thiện Nhẫn mang lại cho một người là rất nhiều, tùy  theo mức độ mà người đó thực hành 3 chữ này đến đâu. Ngoài việc có một thân thể khoẻ mạnh, tôi còn cảm thấy được một tinh thần an lạc khi thực hành đúng theo 3 chữ này. Và giữ được một tinh thần an lạc cũng là điều rất quan trọng trong một xã hội như hiện nay”.

Ban chuyên mục Đời sống Thời báo Đại Kỷ Nguyên

Website giới thiệu Pháp Luân Công, các bài giảng và video hướng dẫn các bài công pháp: phapluan.org

Video giới thiệu Pháp Luân Công:

Xem thêm:

Exit mobile version