Trước đây rất lâu, có một đôi vợ chồng ở dưới núi Thành Hoàng. Họ cả đời làm lụng vất vả, luôn mong có được mụn con; nhưng cho đến tận khi răng đã rụng hết niềm mong mỏi vẫn không đạt được.
Một hôm ông lão lên núi Thành Hoàng chặt củi, đến lưng chừng núi thì trông thấy đàn chim hỉ thước vây quanh một tảng đá kêu hót ríu rít không ngừng; ông lại gần xem thử: Ôi, một đứa bé đáng yêu! Nó đang nằm trên tảng đá mút ngón tay! Ông lão quá vui, vội ôm chặt đứa bé vào lòng rồi ba chân bốn cẳng chạy về nhà, miệng hô to: “Bà ơi, ông trời tặng con cho chúng ta này!” Họ vui mừng vừa ôm vừa hôn, mãi không buông đứa bé ra.
Qua một lúc, ông lão nhẹ nhàng kéo cái tay nhỏ xinh mà đứa bé đang ngậm mút trong miệng ra, vừa thấy bàn tay họ không khỏi giật mình: “Xem kìa, sao tay phải của nó chỉ có một ngón?” Bà lão cười nói: “Không sao, có được nó không phải dễ!” Ông lão gật đầu nói: “Đúng thế, đứa bé này sinh trên một hòn đá, lại có bầy chim hỉ thước bảo vệ nó, chắc chắn sẽ rất may mắn, đặt tên nó là Thụy Thạch vậy”.
Nói cũng lạ, từ khi bà lão có Thụy Thạch thì không còn dáng vẻ lum khum nữa, bỗng dưng như người trẻ hai mươi tuổi. Còn đứa bé cũng lớn rất nhanh, mỗi tiếng đồng hồ trôi qua đã thấy khác, cứ thế sau ba ngày sau thành một chàng trai. Buổi sáng ông lão đi xới đất, Thụy Thạch vội giành lấy cái cuốc làm thay cho cha; một người bình thường cùng lắm chỉ xới được hai công đất, nhưng Thụy Thạch xới được gấp hai lần rưỡi, hơn nữa làm xong phần của mình lại còn đi giúp người khác. Tối đến bà lão phải dệt vải, Thụy Thạch cũng qua giành làm, cho mẹ nghỉ ngơi; một phụ nữ dù khéo léo đến mấy thì mỗi ngày chỉ dệt được hai xếp vải, nhưng Thụy Thạch làm được gấp đôi.
Huyện lệnh giành Thụy Thạch, muốn dùng ngón tay thần mở kho báu
Cứ thế, nhờ sự nỗ lực của Thụy Thạch, ông bà lão ngày càng khấm khá, gia đình ngày ngày vui vẻ. Lương thực dùng không hết, Thụy Thạch chia cho hàng xóm nghèo khổ; vải dùng không hết thì tặng cho hàng xóm may quần áo; người trong làng ai nấy đều cho Thụy Thạch là “người thần”. Một ngày nọ, Thụy Thạch cùng một số chàng trai cô gái lên núi chặt củi; khi chặt mệt liền ngồi nghỉ ngơi. Thụy Thạch dùng ngón tay duy nhất của mình chọc vào hòn đá, kỳ lạ là hòn đá bỗng trở nên mềm giống như cục cơm nếp. Một cô gái dùng hòn đá nặn thành hình con ngựa, vừa nặn xong con ngựa lại lập tức cứng như đá. Những cô gái tranh nhau chỉ đá cho Thụy Thạch làm mềm để nặn hình; người thì nặn trâu, người thì nặn hổ, người thì nặn gà…Mười hai cô nặn thành mười hai con vật khác nhau.
Thế rồi không bao lâu, viên quan huyện biết được thần lực của Thụy Thạch. Quan huyện nghe nói núi Thành Hoàng có một hang đá, bên trong có vô số châu báu, nhưng chỉ có một ngón tay thần mới mở được ra. Quan huyện đã tìm ngón tay thần rất nhiều năm, không ngờ giờ lại xuất hiện trước mắt, thế là hôm sau liền dẫn nha dịch đến nhà Thụy Thạch cướp người.
Bà lão vội túm chặt áo của con, vừa kéo vừa khóc to: “Con tôi có tội gì, các người dựa vào đâu mà bắt nó?” Quan huyện cười lạnh lùng: “Hừ, dựa vào một ngón tay của con bà! Ta muốn nó mang đến vàng bạc châu báu cho ta!” Ông ta ra lệnh các nha dịch hãy bắt lấy Thụy Thạch, nhưng không ai đủ sức xê chuyển được Thụy Thạch; dùng dây xích trói vào cũng bị đứt. Quan huyện thấy không đấu lại Thụy Thạch liền ra lệnh bắt bà lão và hàng xóm trói lại, còn dọa phóng hỏa đốt nhà. Thụy Thạch vì không muốn mẹ và những người hàng xóm bị hành hạ đã phải nhân nhượng: “Không được ức hiếp họ, tôi đi theo ông!”
Quan huyện bị quả báo, câu chuyện thần kỳ về Thụy Thạch mãi lưu truyền
Thụy Thạch theo quan huyện lên núi, đi qua nơi có mười hai con vật bằng đá thì đến một khu đá lởm chởm. Phía trước có vách đá chặn ngang, dưới vách đá có cái cửa đá, bên cạnh có cái lỗ nhỏ. Quan huyện biết đây chính là lỗ khóa cửa đá, hắn liền kéo Thụy Thạch đến trước cửa yêu cầu dùng ngón tay để mở cửa.
Thụy Thạch đút ngón tay vào, khi vừa rút ra thì nghe một tiếng kêu lớn, rồi cửa đá chuyển động mở ra! Tiếp theo, một luồng sáng chiếu ra ngoài giống như miếng lụa màu bảy sắc, trùm lên cả dãy núi ở bên cạnh. Đây là hào quang do châu báu tỏa ra, quan huyện sung sướng trố mắt nhìn…
Lúc này Thụy Thạch nói: “Ông đã mất nhiều công sức như thế, bây giờ kho báu này thuộc về ông!” Nói xong Thụy Thạch liền đẩy quan huyện vào trong động. Khi quan huyện đang chưa hết bàng hoàng thì Thụy Thạch nhanh chóng đút ngón tay vào trong cái lỗ nhỏ rồi khẽ vặn, cánh cửa đá lập tức đóng lại. Thế là quan huyện không thể ra ngoài được nữa.
Đám nha dịch ở ngoài vừa thấy viên quan huyện bị nhốt vào hang thì vung đao tiến tới định giết Thụy Thạch. Thụy Thạch bình thản giơ ngón tay chỉ lên trời khiến một trận cuồng phong nổi lên, trời đất tối sầm lại, một tảng đá to từ trên trời rơi xuống đè bẹp đám nha dịch; sau này mọi người gọi hòn đá này là “đá bay”. Đá bay vừa rơi xuống xong thì sương mù cũng tan theo, trời lại trong xanh, một bầy chim hỉ thước bay đến vây quanh Thụy Thạch, trong chốc lát Thụy Thạch cũng biến mất giữa bầy chim hỉ thước.
Sau đó không còn ai thấy Thụy Thạch nữa. Để kỷ niệm Thụy Thạch, mọi người gọi khu núi Thành Hoàng là “núi Thụy Thạch”. Còn ánh hào quang lúc trước tỏa ra thì thu vào trong dãy núi bên cạnh, mỗi khi ánh mặt trời chiếu tới lại nhấp nháy trông vô cùng đẹp mắt, mọi người gọi ngọn núi này là “núi mặt trời đỏ”. Hiện “20 con vật bằng đá” và “đá bay” vẫn còn lưu lại ở đây.
Theo secretchina
Tinh Vệ biên dịch
Xem thêm:
- Cuộc sống và hy vọng đã quay trở lại: Câu chuyện của một bệnh nhân ung thư tụy đã sống sót
- Câu chuyện tình yêu: Có một kiểu bỏ rơi không phải là để xa mà để gần nhau hơn
- 7 câu chuyện về trực giác đã cứu được mạng người trong ngành y tế
- Những bức ảnh và câu chuyện có thật nên xem khi bạn nản lòng
- Câu chuyện nhà Phật: Kiếp này là cử nhân, kiếp trước là tăng nhân
- Đừng đọc những câu chuyện này nếu bạn yếu bóng vía
- Quảng Ninh: Lượng mưa 1.000mm và câu chuyện từ ‘cảnh báo’ tới ‘hiện thực’
- 4 câu chuyện làm thay đổi nhân sinh quan của bạn6 câu chuyện kỳ lạ có thể khiến bạn tin vào luật nhân quả