Đại Kỷ Nguyên

5 con chiến mã độc đáo nhất thời Tam Quốc, là ‘bảo bối’ của các anh hùng (Phần 1)

Trong suốt thời Tam Quốc, nhiều vị anh hùng đã được vinh danh, cũng có nhiều chiến mã đã được ngợi ca bởi sự trung thành, can đảm và bền bỉ. “Tuấn mã phải đi với anh hùng”, chúng không chỉ được lưu truyền trong sử sách, mà còn được hình tượng hóa trong các tác phẩm văn học, nhạc kịch, và điện ảnh. Xích Thố của Quan Vân Trường có màu đỏ nổi bật, Ô Vân Đạp Tuyết của Trương Phi lại có màu đen như chủ nhân… Mỗi con ngựa nổi tiếng ấy lại có một đặc điểm, một món “võ nghệ” riêng biệt.

1. Ngựa Xích Thố

Người Trung Quốc có câu: “Anh hùng có Lã Bố, tuấn mã có Xích Thố”. Xích Thố được xem như một trong những “thần mã” (ngựa thần) trong lịch sử Trung Quốc. Người ta đã dành những từ này để miêu tả về con ngựa thần nổi danh sử sách thời Tam Quốc này: “Mình ngựa Xích Thố dài 1 trượng (3,3m), cao 8 thước (2,4m), lông đỏ rực, ngày đi ngàn dặm, trèo đèo lội suối như đi trên đồng bằng”.

Có câu “Anh hùng có Lã Bố, tuấn mã có Xích Thố”, quả là một con ngựa quý, ngàn người mơ ước. (Ảnh: Internet)

Ngựa Xích Thố từng qua tay nhiều chủ. Chủ nhân đầu tiên của Xích Thố là Đổng Trác – đại gian thần cuối đời Đông Hán. Sau vì muốn thu phục chiến thần Lã Bố, Đổng Trác đã không tiếc ngựa quý Xích Thố mà ban tặng cho Bố, nhận Lã Bố là con nuôi. Đúng là như hổ mọc thêm cánh, cặp cha con quyền lực này tiếp tục khuynh đảo triều đình nhà Hán. Cho tới khi mỹ nhân Điêu Thuyền và người cha nuôi Vương Doãn dùng liên hoàn kế mới phá được “cặp bài trùng” này. Lã Bố với sự giúp đỡ của Trần Cung đã chống lại Tào Tháo. Nhưng vì hữu dũng vô mưu, không nghe lời Trần Cung nên bị Tháo giết, ngựa Xích Thố lại về tay Tào Tháo.

Quan Vân Trường tạm về dưới trướng của Tào Tháo để bảo toàn tính mạng cho 2 vị phu nhân của Lưu Bị và chờ tin tức từ 2 người anh em kết nghĩa. Tại đây, ông đã lập nhiều chiến công hiển hách trong nhiều lần đối trận với đại quân của Viên Thiệu, chém chết mấy danh tướng của địch, nên được Tào Tháo hết mực yêu quý.

Khi Tào Tháo tặng ngựa Xích Thố cho Quan Vũ, Quan Vũ nhận ngựa xong liền phục lạy tạ ơn. Tháo đã phải ngạc nhiên nói: “Ta đã bao phen trao tặng nào là mỹ nữ, nào là vàng bạc, nào là gấm vóc, sao chẳng thấy Vân Trường vui, nay cho con ngựa này mà Vân Trường lại tạ ơn hậu như vậy?”. Tào Tháo muốn thu phục Quan Vân Trường đã bắt chước Đổng Trác tặng tuấn mã cho anh hùng, nhưng Quan Vân Trường nhận Xích Thố chỉ vì nóng lòng muốn tìm được người anh em Lưu Bị, Trương Phi… chứ tuyệt nhiên không vì được tặng ngựa quý mà phản bội lời thề!

Thế mới thấy, anh hùng quý ngựa hơn bất cứ thứ gì, đặc biệt là ngựa chỉ cần mới gặp đã biết nó và mình có nhân duyên sâu đậm. Vân Trường cũng chính là người chủ cuối cùng của Xích Thố. Cưỡi “ngựa thần”, tay cầm Thanh Long Yển Nguyệt đao, Quan Vũ qua 5 ải chém 6 tướng, lưu danh thiên cổ vì lòng trung nghĩa trước sau như một.

Người đời có một bài thơ khen ngựa Xích Thố như sau:

“Ngàn dặm mù bay tịt nẻo xa

Trèo non vượt nước khéo xông pha

Chặt đứt dây cương rung chuông ngọc

Rồng đỏ trên trời hẳn mới sa”

Có lẽ, chủ nhân đích thực mà Xích Thố chọn, chính là Quan Công chứ không phải một ai khác. Ảnh chụp màn hình

Sau khi Quan Vũ mất, Xích Thố lại rơi vào tay một tướng khác là Mã Trung nhưng lần này nó không ngoan ngoãn để mình bị trao tay thêm lần nữa. Ngựa Xích Thố đã tuyệt thực để đi theo Quan Vân Trường. Có lẽ đây chính là vị chủ nhân mà Xích Thố đã chờ đợi trong cuộc đời này, khi Quan Vũ chết, nó không còn muốn phục tùng ai khác nữa.

Chính vì hành động tuyệt thực này mà ngựa Xích Thố được người đời sau nhắc đến như một “thần mã”, bởi nó không chỉ là tuấn mã mà còn biết sống có nghĩa có tình, trung thành với chủ.

2. Ngựa Tuyệt Ảnh

Ngựa Tuyệt Ảnh là ngựa yêu của Tào Tháo (155-220). Tuyệt Ảnh có nghĩa là phi rất nhanh, đến cái bóng cũng không đuổi kịp được. Tương truyền, khi Tào Tháo tấn công Trương Tú ở Uyển Thành. Trương Tú dâng thành đầu hàng Tào Tháo. Tuy nhiên, Tào Tháo không ngờ lại bị trúng kế của kẻ thù, bị đánh bất ngờ, trở tay không kịp, suýt nữa thì bị mất mạng. May có ngựa Tuyệt Ảnh mới thoát được ra ngoài.

Tào Tháo vô cùng may mắn, vì không chỉ có tướng dưới trướng, thần nhân, mà ngay cả ngựa quý cũng đều cứu mạng ông nhiều lần.

Ngựa Tuyệt Ảnh bị trúng ba mũi tên trên mình mà vẫn cất vó phi nước đại, sau đó bị trúng một mũi tên vào mắt mới gục ngã. Trong trận chiến này, Tuyệt Ảnh đã hoàn tất sứ mạng của mình.

Đây là một thất bại nữa của Tào Tháo kể từ sau trận Xích Bích. Trong trận đánh này, Tào Tháo bị mất một con trai – Tào Ngang, một cháu trai – Tào An, một tướng yêu – Điển Vi, và một tuấn mã – Tuyệt Ảnh. Có thể nói đây là một trong những thất bại đau đớn nhất, thảm hại nhất của Tào Tháo…

Chân Phong

Xem thêm:

Exit mobile version