Đại Kỷ Nguyên

Âm mưu “chính biến tài chính”, Tiêu Kiến Hoa sẽ sớm hiện thân?

Ngày 27 tháng 1 năm 2017 chính là đêm giao thừa. Vào ngày hôm đó, Tiêu Kiến Hoa, người sáng lập Tập đoàn Minh Thiên và là một siêu tỷ phú, đã được đưa về đại lục từ Hồng Kông để điều tra. Ngay khi tin tức được đưa ra, nó đã gây chấn động Hồng Kông và khiến cả thế giới bàng hoàng. Một nguồn tin ở Trung Nam Hải tiết lộ với Epoch Times rằng đây là “đại án lớn nhất Trung Nam Hải”.

Xin chào quý vị độc giả, chào mừng đến với “Trăm Năm Chân Tướng”! Hôm nay, chúng tôi muốn kể với các bạn về vụ án Tiêu Kiến Hoa.

Tiêu Kiến Hoa là ai?

Ông ta sinh ngày 13 tháng 1 năm 1972 tại thôn Hạ Huy, trấn An Giá Trang, thành phố Thái An, tỉnh Sơn Đông. Nói về xuất thân, hoàn cảnh gia đình ông ta không có gì hiển hách. Tuy nhiên, Tiêu Kiến Hoa lại có nghiệp học xuất sắc, năm 15 tuổi, ông được nhận vào khoa Luật Đại học Bắc Kinh với thành tích đứng nhất khoa văn tại thành phố Thái An. Sau khi tốt nghiệp năm 1990, ông ta lưu lại trường và làm việc trong Phòng công tác sinh viên của đảng ủy Đại học Bắc Kinh.

Năm 1993, Tiêu Kiến Hoa thành lập Công ty TNHH Công nghệ Tài nguyên Minh Thiên của Đại học Bắc Kinh và từ đó bắt tay vào con đường kinh doanh. Năm 1999, ông thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Minh Thiên, mà chỉ sau hơn mười năm “phát triển quy mô siêu thường”, “Công ty CP Đầu tư Minh Thiên” đã bứt phá thành một siêu “Tập đoàn tài chính” Minh Thiên.

Theo thống kê của tạp chí “New Fortune”, tính đến cuối tháng 6/2017, Minh Thiên đang nắm và giữ cổ phần tại 44 công ty tài chính, trong đó có 17 ngân hàng, 9 công ty bảo hiểm, 8 công ty chứng khoán, 4 công ty ủy thác, 3 quỹ, 2 công ty hợp đồng tương lai và công ty cho thuê 1, v.v., nắm giữ tất cả các giấy phép trong ngành tài chính. Tài sản của các tổ chức tài chính mà nó kiểm soát và tham gia lên tới 3 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Theo báo cáo của “Forbes”, năm 2018, Bezos, người đàn ông giàu nhất thế giới, có giá trị tài sản ròng cá nhân là 138,8 tỷ USD, tương đương 888,8 tỷ nhân dân tệ, chưa bằng 1/3 tài sản của Tập đoàn Minh Thiên. Tiêu Kiến Hoa đã trở thành “long đầu lão đại” số một trong giới tài chính Trung Quốc. Thân phận của ông ta cũng đã thay đổi, biến thành một công dân Canada, và ông ta cũng trở thành đại sứ lưu động cho “Antigua và Barbuda”, một quốc đảo nhỏ ở Trung Mỹ, mang hai quốc tịch Canada, Antigua và Barbuda, và có hộ khẩu thường trú tại Hồng Kông.

Tiêu Kiến Hoa bị bắt vì lẽ gì?

Vào mùa hè năm 2015, vào thời khắc then chốt trong chiến dịch đả hổ chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình, một vụ sụp đổ lớn trên thị trường chứng khoán được gọi là “chính biến tài chính” đã phát sinh.

Vào ngày 12 tháng 6, chỉ số chứng khoán Thượng Hải Shanghai Securities Composite đã leo lên mức cao 5.178,19 điểm, sau đó đột ngột giảm mạnh, đến ngày 26 tháng 8 giảm mạnh xuống còn 2.850,71 điểm; vào ngày 9 tháng 6 cùng năm, chỉ số chứng khoán Thâm Quyến CSI 300 đã leo lên mức cao 5.380,43 điểm, sau đó giảm nhanh chóng, đến ngày 26 tháng 8, nó giảm mạnh xuống 2952,01 điểm. Trong kỳ, hơn 90% cổ phiếu trên thị trường chứng khoán hạng A đã giảm hơn 50%. Sự sụp đổ bất ngờ của thị trường chứng khoán này được coi là một trường “bắn tỉa siêu cấp” do các đối thủ chính trị của chiến dịch đả hổ chống tham nhũng của Tập Cận Bình phát động, mục đích hạ thủ từ huyết mạch kinh tế, giáng cho Tập một đòn chí mạng.

Ông Tập lập tức phản kích mạnh mẽ, phát động chiến dịch chống tham nhũng tài chính gọi là “phản hủ tài chính”, bắt giữ một nhóm các quan chức tài chính cấp cao và “đại cá sấu tài chính”. Các quan chức tài chính cấp cao bị bắt bao gồm Diêu Cương, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc, Hạng Tuấn Ba, nguyên Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm Trung Quốc và Thái Ngạc Sinh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc. Những “đại cá sấu tài chính” bị bắt bao gồm: Từ Tường, Tổng giám đốc Công ty Quản lý Đầu tư Trạch Hi Thượng Hải, Diệp Giản Minh, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Dung, Hồ Hoài Bang, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Quốc gia, Diệp Giản Minh, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Tín, và người kiểm soát thực tế của Hong Kong Digital Domain, còn có Tiêu Kiến Hoa, người sáng lập Tập đoàn Minh Thiên.

Lời “tuyên bố” lạ lùng nhằm báo hiệu cho ai?

Vào ngày 31 tháng 1 năm 2017, ngày thứ tư sau khi Tiêu Kiến Hoa bị đưa về đại lục, một người nào đó nhân danh ông ta đã gửi một thông báo qua WeChat, nói rằng: “(Tôi) hiện đang điều trị ở nước ngoài. Đợi khi đợt trị liệu kết thúc, sẽ sớm diện kiến giới truyền thông”; “Tôi là một công dân Canada, cũng là thường trú nhân tại Hồng Kông. Tôi được lãnh sự quán Canada và luật pháp Hồng Kông bảo vệ. Tôi cũng có hộ chiếu ngoại giao và được hưởng quyền được bảo hộ về mặt ngoại giao.”

Kể từ khi tuyên bố được đưa ra, chúng tôi không thấy bất kỳ tin tức nào về việc Tiêu Kiến Hoa “điều trị ở nước ngoài”, và ông ta cũng lặn một mạch mà chưa “diện kiến giới truyền thông”. Vậy dụng ý của câu nói này là gì? Có thể có ba dụng ý: Thứ nhất là “thông tri” cho tất cả các gia tộc quyền quý của ĐCSTQ ở nước ngoài có liên quan đến Tiêu Kiến Hoa, rằng hãy làm tốt việc bảo toàn tài sản của các người. Thứ hai, Tiêu Kiến Hoa từng giúp những tay săn mồi “không thủ sáo bạch lang” trên thị trường chứng khoán kiếm chác vô số tiền, vì vậy các người phải nghĩ biện pháp bảo hộ tôi. Tiếp theo, là nói với chính quyền Tập Cận Bình: Tôi là công dân nước ngoài, có quyền được bảo hộ ngoại giao, do chính phủ nước ngoài bảo hộ. Các nhà chức trách Tập có dám qua mặt không?

Vụ án Tiêu Kiến Hoa đã được xử lý đến mức độ nào rồi?

Ngoại giới có thể nhìn thấy 3 tiến triển rõ ràng:

Đầu tiên, Ngân hàng Bao Thương do Tập đoàn Minh Thiên kiểm soát đã bị tuyên bố phá sản.

Cổ đông lớn nhất của Ngân hàng Bao Thương Nội Mông chính là Tập đoàn Minh Thiên, với tỷ lệ sở hữu 89,27%. Vào ngày 24 tháng 5 năm 2019, Ngân hàng Bao Thương vì xuất hiện nguy hiểm tín dụng nghiêm trọng, đã bị Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Hội Điều tiết Bảo hiểm Ngân hàng liên hợp tiếp quản.

Vào ngày 3 tháng 8 năm 2020, Châu Học Đông, tổ trưởng tổ tiếp quản Ngân hàng Bao Thương, đã tiết lộ trong một bài báo trên tờ “Tài chính Trung Quốc” rằng kết quả thanh sản và xác minh nguồn vốn cho thấy, trong 15 năm từ 2005 đến 2019, Tập đoàn Minh Thiên đã thông qua đăng ký 209 công ty không xác (công ty chỉ có trên giấy tờ), bằng phương thức găng tay trắng cung cấp 347 khoản vay tín dụng, hình thành số tiền tín dụng lên tới 156 tỷ nhân dân tệ, và toàn bộ chúng đều trở thành nợ xấu. Cũng chính là nói, Tập đoàn Minh Thiên dùng phương thức “không thủ sáo bạch lang” (găng tay không bắt sói trắng) để rút ruột 156 tỷ nhân dân tệ từ Ngân hàng Bao Thương, mà không thu hồi lại được một xu.

Vào ngày 7 tháng 2 năm 2021, trước tình hình Ngân hàng Bao Thương mất khả năng thanh khoản nghiêm trọng và không có khả năng thanh toán các khoản nợ khổng lồ, Pháp viện Trung cấp số 1 Bắc Kinh đã ra phán quyết: ngân hàng này bị phá sản.

Thứ hai: cổ phần của Ngân hàng Cáp Nhĩ Tân do Tập đoàn Minh Thiên nắm giữ đã bị chuyển nhượng.

Vào ngày 9 tháng 6 năm 2019, người phát ngôn của Hội Điều tiết Bảo hiểm Ngân hàng Trung Quốc đã nói về các vấn đề xử lý vốn cổ phần có liên quan khi trả lời câu hỏi của một phóng viên từ Financial Times. Người phát ngôn cho biết: “(Tập đoàn Minh Thiên) đã chuyển nhượng lợi ích vốn cổ phần của mình tại hơn mười tổ chức tài chính bao gồm Ngân hàng Duy Phường, Ngân hàng Thái An và Quỹ Tín thác Trung Giang cho các nhà đầu tư mới, sẽ do các cổ đông mới quản lý điều hành.”

Thứ ba: Chín công ty trực thuộc Tập đoàn Minh Thiên đã bị tiếp quản.

Vào ngày 17 tháng 7 năm 2020, Hội Điều tiết Bảo hiểm Ngân hàng Trung Quốc thông báo rằng do vi phạm pháp luật và quy định kinh doanh, kể từ ngày đó trở đi, họ sẽ tiếp quản sáu cơ cấu bao gồm Bảo hiểm Tài sản & Thương vong Thiên An thuộc Tập đoàn Minh Thiên trong thời hạn một năm. Nếu đến lúc đó công tác tiếp quản không đạt được kết quả như mong đợi thì kỳ hạn tiếp quản sẽ được kéo dài.

Cùng ngày, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc thông báo rằng họ sẽ tiếp quản ba tổ chức bao gồm Chứng khoán Tân Thời Đại thuộc Tập đoàn Minh Thiên trong thời hạn một năm. Nguyên nhân tiếp quản là: che giấu quyền kiểm soát hoặc tỷ lệ nắm giữ cổ phần thực tế; quản trị công ty không cân đối.

Vào ngày 16 tháng 7 năm 2021, Hội Điều tiết Ngân hàng Bảo hiểm Trung Quốc và Hội Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc đã ban hành một thông báo khác để kéo dài thời gian tiếp quản cho chín cơ cấu này thêm một năm (cho đến ngày 16 tháng 7 năm 2022).

Nhìn thấy tòa nhà khuynh đảo, Tập đoàn Minh Thiên có vẻ rất bất phục

Vào ngày 18 tháng 7 năm 2020, một ngày sau khi chín cơ cấu trên bị công bố tiếp quản, Tập đoàn Minh Thiên đã đưa ra một tuyên bố “nghiêm chính thanh minh” trên WeChat để đáp lại cái gọi là “những lời vu khống ác ý”.

Tuyên bố cho biết kể từ khi Tiêu Kiến Hoa được “bị dẫn về đại lục” vào đầu năm 2017, Tập đoàn đã “hợp tác đầy đủ với các cơ quan có liên quan trong cuộc điều tra”, nhưng nhà chức trách đã “ngang nhiên tuyên bố tiếp quản toàn diện”. Tuyên bố cáo buộc Hội Điều tiết Ngân hàng Bảo hiểm Trung Quốc và Hội Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc “thiết lập các chướng ngại vật, phóng đại rủi ro và không ngừng thúc đẩy việc tiếp quản”, đồng thời đưa ra một loạt chất vấn, đặc biệt là: “Điều gì tồn tại đằng sau giao dịch quyền tiền này?”

Tuyên bố còn nói: “Chúng tôi sẽ thực hiện các quyền lợi chính đáng của mình, tiến hành báo cáo với các cơ quan có liên quan bằng tên thật cùng với những tình huống khác mà chúng tôi nắm trong tay”, tuy nhiên chỉ vài giờ sau khi đăng, nó đã bị xóa đi. Tuy nhiên, các phiên bản tiếng Trung và tiếng Anh của tuyên bố đã được lưu hành rộng rãi ở nước ngoài.

Vào ngày 21 tháng 7 năm 2020, Hà Thuần, một học giả tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự do: “Tập đoàn Minh Thiên có thể phát tuyên bố, điều mà không phải doanh nghiệp tư nhân bình thường có thể làm được. Có thể nói, nó không được chính phủ ủng hộ, nhưng đằng sau nó khẳng định có uy lực chi phối. Uy lực này không phải là quan chức cấp cao cấp tỉnh (bộ) nào đó, mà nhất định phải có khả năng thách thức (với lãnh đạo cao tầng) trong nước.”

Ông trùm hậu trường lớn nhất của Tiêu Kiến Hoa rốt cuộc là ai?

Theo nhiều báo cáo khác nhau ở nước ngoài, Tiêu Kiến Hoa được coi là “quản gia” tối đại của khối tài sản của tập đoàn Giang Trạch Dân của ĐCSTQ và là “găng tay trắng” của Tăng Vĩ, con trai của Tăng Khánh Hồng. Tăng Khánh Hồng có thể đứng sau tuyên bố “nghiêm chính thanh minh” này khi công khai đối đầu với chính quyền của Tập Cận Bình.

Liệu vụ án Tiêu Kiến Hoa có được đưa ra ánh sáng?

Từ năm 2017 đến năm 2022, đã 5 năm trôi qua, xét về mặt pháp lý, vụ án Tiêu Kiến Hoa dường như không có động tĩnh gì. Nhưng có ít nhất hai dấu hiệu: vụ việc có thể sớm xuất đầu lộ diện.

Dấu hiệu 1: Ngày 3 tháng 9 năm 2021, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố “Báo cáo ổn định tài chính Trung Quốc (năm 2021)”. Báo cáo chỉ ra: “Trong giai đoạn tiếp quản (Ngân hàng Bao Thương, do Tập đoàn Minh Thiên kiểm soát), tổ tiếp quản của Ngân hàng Bao Thương chuyển giao manh mối án kiện cho các bộ phận liên quan có sự tham gia của hơn 100 người.”, “Vụ án tham nhũng trong giám sát tài chính của Ngân hàng Bao Thương đã dần xuất đầu lộ diện; những thủ phạm của ‘Vụ Minh Thiên’ và những người điều hành Ngân hàng Bao Thương cũng sẽ bị trừng trị trước pháp luật.” 

Dấu hiệu 2: Ngày 13 tháng 1 năm 2022, nguyên Phó bộ trưởng Bộ Công an Tôn Lực Quân đã bị truy tố công khai. Một trong những tội danh của Quân là “thao túng thị trường chứng khoán”.

Viên Hồng Băng, một luật gia sống ở Úc và là giáo sư của Tiêu Kiến Hoa tại Đại học Bắc Kinh, phân tích rằng cái gọi là “thao túng thị trường chứng khoán” của Tôn Lực Quân ám chỉ cuộc “chính biến tài chính” chống lại ông Tập do Tiêu Kiến Hoa chủ đạo vào năm 2015. Viên Hồng Băng cho biết: “Đương thời Tiêu Kiến Hoa có liên hệ với nhiều người, bao gồm cả những người trong chính phủ ĐCSTQ, và Tôn Lập Quân ở Bộ Công an”, và “Theo tôi hiểu, tội danh này của Tôn Lực Quân trên thực tế là do Tiêu Kiến Hoa làm ra.”

Tiêu Kiến Hoa đã cắn Tôn Lực Quân. Lão trùm hậu trường của Tôn Lực Quân là Mạnh Kiến Trụ, cựu thành viên Bộ Chính trị ĐCSTQ và là bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương. Lão trùm hậu trường của Mạnh Kiến Trụ là Tăng Khánh Hồng, nguyên thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ và nguyên Phó chủ tịch nước. Khi vụ án Tôn Lực Quân được đưa ra ánh sáng, “vụ án lớn nhất Trung Nam Hải” này có thể sẽ sớm được phân minh.

Theo Epoch Times, Mộc Lan biên dịch

Exit mobile version