Dương Cương, người từng là thư ký của Chu Ân Lai, là một trong những trợ lý đắc lực của Chu Ân Lai trong công tác tuyên truyền đối ngoại. Sau đó, bà được chuyển sang làm phó tổng biên tập tờ Nhân dân Nhật báo. Ngày 7 tháng 10 năm 1957, bà dùng thuốc ngủ quá liều và qua đời ở tuổi 52. Tại sao đột nhiên bà lại tự sát?
Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!
Sáng sớm ngày 7 tháng 10 năm 1957, Dương Cương được phát hiện đã chết trong ký túc xá ở Môi Tra Hồ Đồng, Bắc Kinh. Bà dùng thuốc ngủ quá liều và qua đời ở tuổi 52.
Lúc đó, Dương Cương đang là phó tổng biên tập tờ Nhân dân Nhật báo. Trước đó, bà từng giữ chức thư ký chủ nhiệm Văn phòng thủ tướng Chu Ân Lai của Quốc vụ viện, và là một trong những trợ thủ đắc lực của Chu trong việc xử lý các sự vụ quốc tế và tuyên truyền đối ngoại.
Tại sao Dương Cương lại tự sát? Hôm nay, chúng ta căn cứ trên “Bí ẩn vụ tự sát của tài nữ sắc đỏ Dương Cương” của Bùi Nghị Nhiên và các tài liệu khác, nói về cuộc đời và kết cục của Dương Cương, người được coi là “rất kiên cường”.
Bí ẩn vụ tự sát
Liên quan đến việc Dương Cương tự sát, hiện tại có ba thuyết pháp.
Đầu tiên là cho rằng bà bệnh nặng. Bạn của Dương Cương, Fairbank, chủ nhiệm Văn phòng Báo chí của Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc đương thời, đồng tình với nhận định này.
Năm 1955, Dương Cương bị tai nạn ô tô, tạo thành chấn thương sọ não nghiêm trọng. Sau khi điều trị, nhưng vẫn để lại di chứng, khiến bà thường xuyên đau đầu không chịu nổi và không thể công tác bình thường. Bà phải cáo bệnh nghỉ ốm, đến Tòng Hoa và Hàng Châu ở Quảng Đông để dưỡng bệnh, nhưng hiệu quả không khả quan.
Fairbank phân tích trong hồi ký của mình: “Dương Cương phát hiện não của cô ấy bị tổn thương nghiêm trọng, đến mức không thể làm việc được nữa. Cô ấy đã tự sát.” Nhưng căn cứ theo lời những đồng sự của bà tại tờ báo, bà trước khi tự sát đều tham dự hội nghị, xử lý bản thảo và những công việc khác như bình thường, bệnh tình tạo thành can nhiễu nhưng không quá lớn.
Liên quan đến Dương Cương tự sát, giả thuyết thứ hai là vì làm mất sổ tay công tác. Hồ Kiều Mộc, thư ký của Mao Trạch Đông bảo trì thuyết pháp này.
Hồ Kiều Mộc đã viết trong lời tựa cuốn “Tuyển tập Dương Cương”: “Tháng 10 năm 1957, bà vô tình làm mất một cuốn sổ. Dù không bị trách móc gì và nhiều người khuyên bà đừng lo lắng, nhưng bà vẫn cảm thấy thập phần căng thẳng (chắc chắn có liên quan đến bầu không khí chính trị vô cùng căng thẳng lúc bấy giờ), và không may qua đời vào ngày 7/10 trong tình trạng tinh thần vô cùng bất thường.”
Tuy nhiên, trí nhớ của Hồ Kiều Mộc chắc chắn có lầm lẫn. Theo khảo chứng như “Câu chuyện tự sát của nhà báo nổi tiếng Dương Cương”, Dương Cương bị mất cuốn sổ không phải vào tháng 10 năm 1957 mà là vào tháng 10 năm 1950.
Khi đó, với tư cách là thư ký của Chu Ân Lai, bà bị mất cuốn sổ công tác chứa đựng những bí mật quan trọng. Vì lý do này, bà đã yêu cầu Chu Ân Lai trừng phạt. Chu nói rằng cuốn sổ sẽ không bị thất lạc đâu xa, sẽ được tìm thấy. Hóa ra, đã có người nhặt được nó và đưa cho Chu. Lúc đó Chu không trừng phạt bà. Bà công tác bên cạnh Chu cho đến năm 1953.
Năm 1953, sau khi Hiệp định đình chiến Triều Tiên được ký kết, công việc của Dương Cương với Chu mới chấm dứt, bà được chuyển đến Ban Tuyên giáo Quốc tế thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng ban; Năm 1955, bà được chuyển sang Nhân dân Nhật báo làm phó tổng biên tập. Việc mất cuốn sổ tay xảy ra bảy năm trước khi Dương Cương tự sát, tuy là một sai lầm nhưng nó không quá tạo thành ảnh hưởng đối với bà.
Vậy tại sao cuối cùng bà lại đi vào tuyệt lộ? Thuyết pháp thứ ba là vì vỡ mộng.
Nhìn lại hành trình cuộc đời của Dương Cương, nhận định này có thể đáng tin cậy hơn. Bởi vì Dương Cương đã gia nhập ĐCSTQ, cống hiến cho cách mạng, phấn đấu quên mình, tất cả đều dựa trên sự truy cầu lý tưởng chủ nghĩa cộng sản của bà.
Dương Cương, nguyên danh là Dương Quý Huy, nguyên quán Miện Dương, tỉnh Hồ Bắc, sinh ra trong một gia đình quan lại ở Bình Hương, tỉnh Giang Tây vào năm 1905. Cha của bà, Dương Hội Khang, lần lượt giữ chức Vũ Xương thủ bị, Giang Tây đạo đài, Ngạc Tỉnh chính vụ ti trưởng, sứ thần vận tải đường thủy Hồ Quảng, và quyền tỉnh trưởng Hồ Bắc; mẹ bà là thiên kim tiểu thư của một địa chủ lớn.
Dương Cương từ nhỏ đã đọc sách cổ ở nhà, lên trung học, bà đến trường trung học nữ sinh Nam Xương Bảo Linh, một trường học giáo hội do người Mỹ điều hành, lên đại học, bà vào Đại học Yến Kinh, một trường đại học giáo hội do Mỹ – Anh liên hợp điều hành.
Khi còn học tại Đại học Yến Kinh, giống như nhiều bạn trẻ đầy nhiệt huyết đương thời, bà bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng cấp tiến, năm 1928, bà gia nhập ĐCSTQ và dấn thân vào con đường cách mạng. Tuy nhiên, trong thời kỳ chiến tranh bắc phạt, chính là ĐCSTQ đã xúi giục nông dân đốt nhà của bà, phân chia điền sản của gia đình bà và bỏ tù cha bà. Do đó, Dương Cương quyết định gia nhập đảng chính là không ngần ngại phản bội chính gia đình mình.
Không lâu sau khi tốt nghiệp đại học, Dương Cương kết hôn với Trịnh Khản, sinh viên Đại học Bắc Kinh, và sinh một con gái sau khi kết hôn. Nhưng sau này, bà và chồng thường xuyên xảy ra tranh chấp vì bất đồng triết lý nhân sinh.
Một ngày nọ, họ lại cãi nhau. Dương Cương nói: “Tôi đã không thể làm một người vợ và người mẹ tốt. Nhưng tôi có thể làm được gì đây? Bởi vì sứ mệnh mà thời đại giao cho tôi không cho phép tôi trở thành hiền thê lương mẫu, không cho phép tôi làm một người phụ nữ bình thường bên cạnh nam nhân.”
Chồng bà trả lời: “Lúc đầu, tôi cũng theo đuổi chân lý cách mạng, tìm kiếm con đường nhân sinh. Tôi kính phục tinh thần cách mạng của cô. Nhưng cô không thể lúc nào cũng nghĩ đến cách mạng ở trong cái nhà này mà không quan tâm đến chồng con. Tôi hỏi cô: Cách mạng như vậy sẽ mang lại chỗ tốt gì cho tôi?”
Sau một phen cãi vã, Dương Cương chia tay chồng, bà độc thân kể từ đó và chưa bao giờ tái hôn. Bà đã vứt bỏ cuộc hôn nhân của mình vì lý tưởng cộng sản. Không chỉ vậy, Dương Cương thậm chí đã trường kỳ xa cách cô con gái duy nhất của mình.
Khi con gái bà, Trịnh Quang Địch được ba tuổi, Dương Cương gửi nuôi tại nhà của một người bạn, nữ giáo sư người Mỹ Grace Boynton. Sau đó, bà gửi cô con gái nhỏ của mình đến Diên An. Khi con gái học trung học, bà ở Mỹ; khi con gái học đại học, bà ở Thượng Hải; khi con gái đi học ở Liên Xô, bà ở Bắc Kinh; khi bà tự tử, con gái bà vẫn còn ở Liên Xô.
Một “cái miệng lớn” tận tâm tận lực
Dương Cương đã bôn ba khổ hạnh vì sự nghiệp của ĐCSTQ. Sau khi bí mật gia nhập ĐCSTQ vào năm 1928, bà trở thành một trong những người sáng lập và tổ chức Liên minh các nhà văn cánh tả phía Bắc.
Vào mùa xuân năm 1933, bà đến Thượng Hải gia nhập Liên minh Nhà văn Cánh tả và gặp Smedley, một nhà văn cánh tả người Mỹ ủng hộ ĐCSTQ. Vào mùa thu năm đó, bà trở lại Bắc Kinh và hỗ trợ một ký giả người Mỹ biên soạn sách “Trung Quốc sống”, một tuyển tập truyện ngắn Trung Quốc hiện đại. Ký giả người Mỹ này là Edgar Snow, người sau này đã viết cuốn “Tây hành mạn ký” ca ngợi ĐCSTQ.
Năm 1937, Dương Cương làm phóng viên cho tờ Đại Công Báo, sau đó chuyển về phía nam đến Hồng Kông cùng tờ báo, kế nhiệm Tiêu Can làm chủ biên phụ bản văn học của Đại Công Báo, biến tờ phụ san nho nhỏ này thành “chiếc kèn treo lụa đỏ hát cho mặt trời”.
Năm 1943, bà đến Trùng Khánh và tiếp tục chủ biên phụ bản văn học Đại Công Báo, tài hoa của bà được Chu Ân Lai đánh giá cao. Chu hướng dẫn bà lấy thân phận biên tập viên, ký giả liên hệ với nhân viên Đại sứ quán Mỹ và các nhà báo Mỹ. Trong thời gian này, bà đã gặp Fairbank, chủ nhiệm Văn phòng Báo chí của Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc.
Từ năm 1944 đến năm 1948, Dương Cương trở thành đặc phái viên của Đại Công Báo tại Mỹ, theo chỉ thị của ĐCSTQ, bà đã viết một lượng lớn các bài báo vạch trần các vấn đề của chủ nghĩa tư bản Mỹ. Bà cũng bôn ba hô hào vận động trong giới báo chí, văn học và nghệ thuật Mỹ cũng như các chuyên gia học giả nghiên cứu các vấn đề Viễn Đông để phản đối sự hỗ trợ kinh tế và quân sự của Mỹ dành cho Trung Hoa Dân Quốc, tranh thủ sự đồng tình của nước Mỹ đối với ĐCSTQ.
Theo thuật ngữ ngày nay, những công tác này đóng vai trò là “tuyên truyền đối ngoại lớn” giúp ĐCSTQ thâm nhập sâu rộng vào xã hội Mỹ.
Tháng 11 năm 1948, Dương Cương trở về Trung Quốc theo lệnh của ĐCSTQ. Bà trở về Hồng Kông trước, tận dụng thuận lợi khi làm ủy viên đánh giá xã hội của Đại Công Báo, toàn lực làm công tác của tổng giám đốc Đại Công Báo Hồ Chính Chi và tổng biên tập Vương Vân Sinh, khiến những người từng tin vào tôn chỉ làm việc của Đại Công Báo là “không đảng, không mua bán, không ích kỷ, không mù quáng” chuyển hướng sang phản đối Quốc dân đảng, ủng hộ đảng Cộng sản.
Sau khi từ Hồng Kông lên phía Bắc đến Tây Bách Pha, Dương Cương đã được lãnh đạo ĐCSTQ, Mao Trạch Đông tiếp kiến, sau đó cố gắng hết sức đẩy mạnh “tuyên truyền nội bộ lớn”. Đầu năm 1949, bà được lệnh chuyển tờ Đại Công Báo của Thiên Tân thành tờ Nhật báo Tiến bộ của ĐCSTQ và giữ chức phó tổng biên tập kiêm bí thư đảng ủy. Tháng 5 năm 1949, bà được lệnh đi về phía nam và làm đại biểu quân sự cho tờ Đại Công Báo của Thượng Hải, biến tờ báo này thành cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ. Năm 1950, bà lại được điều động đến Bắc Kinh và giữ chức vụ tổng thư ký Văn phòng Nghiên cứu Chính sách của Bộ Ngoại giao. Chẳng bao lâu sau, bà được chuyển sang giữ chức vụ chánh Văn phòng Thủ tướng Chu Ân Lai.
Ngô Lệnh Tây, cựu tổng biên tập tờ Nhân dân nhật báo, nhớ lại: “Trong suốt 3 năm đàm phán đình chiến trên bán đảo Triều Tiên, Dương Cương sau bữa tối hàng ngày đều đến làm việc trong Văn phòng Thủ tướng, thức suốt đêm, làm việc liên tục trong 12 giờ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thủ tướng Chu giao và trở thành trợ thủ đắc lực cho thủ tướng trong công tác đối ngoại.”
Hiện thực phá vỡ lý tưởng
Dương Cương đã phó xuất hết mình vì “lý tưởng chủ nghĩa cộng sản” trong tâm mắt của mình, nhưng ĐCSTQ có giúp bà từng bước thực hiện lý tưởng của mình không? Hiện thực mà bà nhìn thấy là gì?
Từ năm 1955, khi được chuyển sang Nhân dân Nhật báo, đến năm 1957, bà chứng kiến hết vận động chính trị này đến vận động chính trị khác. Đặc biệt trong vận động “Phản chống cực hữu” năm 1957, nhiều nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó có bạn bè, lãnh đạo, đồng nghiệp của bà lần lượt bị hạ gục, toàn quốc người người lâm nguy.
Vào những năm 1930, có ba nữ nhà báo lớn trong Liên minh Nhà văn cánh tả Trung Quốc – Bành Tử Cương, Phổ Hi Tu và Dương Cương. Đến năm 1957, cả Bành Tử Cương và Phổ Hi Tu đều bị gắn mác “cánh hữu”. Dương Cương phải phát biểu trong một cuộc họp để phê đấu Bành Tử Cương, phê đấu chính những người đồng đội đã cùng bà vào sinh ra tử.
Hai ngày trước khi tự sát, Dương Cương được sắp xếp tham dự đại hội phê đấu Đinh Linh, Phùng Tuyết Phong, Ngải Thanh và tám người khác trong khán phòng của Liên đoàn Văn nghệ. Bà được xếp ngồi cạnh Đinh Linh. Khi đó, Đinh Linh đã cầm chiếc khăn tay và không ngừng lau nước mắt cho bà, nét mặt của Dương Cương u ám, chết lặng.
Một ngày trước khi tự sát, Dương Cương, với tư cách là thủ lĩnh thứ ba của “Tiểu tổ lãnh đạo phản hữu” của Nhân dân Nhật báo, phải viết một bài phê đấu Tiêu Can. Tiêu Can là bạn cùng lớp của bà tại Đại học Yến Kinh và là bạn thân trong nhiều năm. Bài viết này dự kiến sẽ được đăng trên báo vào ngày hôm sau, biên tập viên Diệp Diêu chịu trách nhiệm hiệu đính vào đêm hôm đó. Hơn 11 giờ đêm, Dương Cương gõ cửa, phiền não nói với Diệp Diêu: “Vô nghĩa, vô nghĩa, đừng phát biểu.”
Lúc đầu, Dương Cương tin tưởng sâu sắc rằng ĐCSTQ là một đảng đấu tranh cho tôn nghiêm và tự do của nhân dân Trung Quốc. Tuy nhiên, trong cuộc vận động “chống cực hữu” trước mắt, Mao Trạch Đông đầu tiên hô hào giới trí thức đề xuất ý kiến cho đảng, giúp đảng chấn chỉnh tác phong, còn đặc biệt đề xuất “biết gì thì hãy nói, nói cho bằng hết, người nói vô tội, người nghe được cảnh báo”. Khi những trí thức chân thành đó nói ra những cảm xúc thật của mình, họ lần lượt bị gán cho cái mác “phần tử trí thức cánh hữu phản đảng, phản xã hội chủ nghĩa, phản tư tưởng Mao Trạch Đông”, bị phê đấu điên cuồng.
Đâu là sự tự do mà Dương Cương đã truy cầu hàng chục năm qua? Tôn nghiêm ở đâu? Phải chăng lý tưởng đó chỉ là hoa lá trong gương?
Nhà văn Trung Quốc Phó Quốc Dũng nhận xét về bà, rằng: “Là một người con gái trung thành, cống hiến hết mình cho đảng, là công cụ đắc lực của đảng và là con ốc vít không bao giờ rỉ sét trên cỗ máy khổng lồ, cô ấy xác thực không biết nên phải làm thế nào.”
Dương Cương tuyệt vọng, không còn cách nào khác ngoài tìm đến cái chết.
- Trọn bộ Trăm năm chân tướng
Theo Epoch Times,
Mộc Lan biên dịch